domain, domain name, premium domain name for sales

Thứ Tư, 31 tháng 8, 2011

Truyền hình Hà Nội không xin lỗi


Tổng giám đốc Đài PT-TH Hà Nội (HTV) vừa phản hồi khiếu nại của nhóm người biểu tình chống Trung Quốc, nói đã 'rút kinh nghiệm' nhưng không xin lỗi.
Trong chương trình Thời sự hàng ngày từ 18:30 tới 19:00 hôm 22/8/2011, đài này đã phát một phóng sự nói về các cuộc biểu tình chống Trung Quốc tại Hà Nội, trong đó có trích phỏng vấn một số người dân.

Đặc biệt, trong một khuôn hình, các phóng viên HTV1 chiếu cận mặt ba nhân sỹ nổi tiếng trong nước là nhà văn Nguyên Ngọc, Giáo sư Nguyễn Huệ Chi và Tiến sỹ Nguyễn Văn Khải.Nội dung phóng sự, cũng như ý kiến của bốn người dân được phỏng vấn, chỉ trích các cuộc biểu tình và người tham gia biểu tình, thậm chí gọi họ là "phần tử phản động".
Cùng lúc, phát thanh viên đọc lời bình: "... việc tham gia biểu tình lại trở thành tấm bia che chắn cho các thế lực thù địch phản động đằng sau đang ráo riết chia rẽ khối đại đoàn kết, kích động tư tưởng hằn thù dân tộc..."
Ngày 26/8 một nhóm người tham gia biểu tình, trong có hai trong ba vị nêu trên, đã gửi thư tới Tổng giám đốc HVT yêu cầu cải chính và xin lỗi.
Thư viết rằng nội dung phóng sự của HTV "rõ ràng đã xuyên tạc, vu khống, xúc phạm đến chúng tôi".

Không cải chính

Đài Hà Nội, sau khi nhận được thư khiếu nại, đã tổ chức gặp mặt đại diện cho nhóm người biểu tình và cuối cùng ngày 31/8 đã có thư phúc đáp họ.
Bức thư, do Tổng giám đốc HTV Trần Gia Thái ký, viết rằng các cuộc "tụ tập biểu tình, tuần hành tự phát đã làm ảnh hưởng xấu tới an ninh trật tự của thủ đô".
Thư cũng viết tình trạng tiếp tục biểu tình đã "gây bất bình trong dư luận xã hội".
HTV cho rằng phóng sự của họ là thể theo yêu cầu của "nhiều tầng lớp nhân dân thủ đô", vốn "mong muốn chính quyền sớm có biện pháp chấm dứt biểu tình tự phát".
"Ở nước ta, gọi một người là phản động cũng tức là kết tội người ấy là một tên phản quốc. Đối với tôi, đây là một sự lăng nhục cực kỳ nghiêm trọng, nhất quyết không thể tha thứ."
Nhà văn Nguyên Ngọc
Đài này còn đoan chắc "mới chỉ đưa bốn trong hàng trăm ý kiến đã ghi hình".
Về hình ảnh của ba vị nhân sỹ bị đưa lên trong phóng sự, HTV nói đây chỉ là "để minh họa cho nội dung trong bản tin chứ không nêu đích danh những người này là phản động, ch́ông đối như trong thư của các ông".
Thư của HTV thừa nhận "việc đưa bức ảnh trên không phù hợp với nhân thân một số người", và nói "đã kịp thời rút kinh nghiệm" với các phóng viên thực hiện phóng sự.
Tuy nhiên, Tổng giám đốc Trần Gia Thái trong bức thư đã không ngỏ lời xin lỗi.

Xúc phạm nặng nề

Sau khi nhận được thư của HTV, nhà văn Nguyên Ngọc, một trong những người yêu cầu cải chính xin lỗi, đã lên tiếng trên một diễn đàn mạng, bình luận rằng trả lời của ông Trần Gia Thái là "phủi tay và vô liêm sỉ".
Hiện chưa rõ nhóm người biểu tình có định tiếp tục khiếu nại của mình hay không.
Nhà văn Nguyên Ngọc cũng công bố bức thư ông gửi cho Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị trước khi nhận được phản hồi của HTV.
Biểu tình chống Trung Quốc ở Hà Nội
Đã có tổng cộng 11 cuộc biểu tình chống Trung Quốc tại Hà Nội
Trong thư đề ngày 25/8, ông Ngọc viết: "Tôi năm nay đã 80 tuổi. Cho đến nay, trong suốt cuộc đời 80 năm qua của tôi, chưa có ai dám vu khống và xúc phạm tôi nặng nề như Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội".
"Ở nước ta, như chắc chắn ông biết, gọi một người là phản động cũng tức là kết tội người ấy là một tên phản quốc. Đối với tôi, đây là một sự lăng nhục cực kỳ nghiêm trọng, nhất quyết không thể tha thứ."
Nhà văn Nguyên Ngọc cũng nói với người đứng đầu cơ quan Đảng của thành phố, rằng HTV đã "sử dụng một thủ đoạn ti tiện" từng được áp dụng từ thời cải cách ruộng đất và Nhân văn Giai phẩm, là "dùng những người không được bất cứ ai cử ra nhưng lại được coi là đại biểu của “quần chúng nhân dân" lớn tiếng vu khống và chửi bới chúng tôi trên một phương tiện truyền thông chính thức của Đảng bộ và Chính quyền Hà Nội".
Được biết không chỉ HTV mà một số cơ quan truyền thông khác của Hà Nội cũng đăng tải các bài viết, phóng sự chỉ trích các cuộc biểu tình, gọi đây là do 'thế lực thù địch giật dây'.
Tổng cộng 11 cuộc tuần hành chống Trung Quốc đã diễn ra tại Hà Nội, với hàng trăm người tham gia.

Nguồn: http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2011/09/110901_hanoitv_reply.shtml
Nguồn: 

Ngụy biện và dối trá - Nguyễn Hưng Quốc


Trên báo An Ninh Thủ Đô ở Hà Nội trong một vài tuần vừa qua có một loạt bài buộc tội những người biểu tìnhchống Trung Quốc rất độc ác nhưng lại rất buồn cười. Độc ác ở sự vu khống, bôi nhọ và đe dọa. Nhưng lại buồn cười ở sự ngô nghê trong cách lập luận. Những sự ngô nghê như vậy nhiều vô cùng, đầy dẫy trên từng ý và từng chi tiết. Tôi chỉ trích một đoạn buồn cười nhất:
“Tất cả các nước trên thế giới kể cả các nước mà những chủ trang mạng xấu đang tôn thờ như hình mẫu, như thiên đường, cũng có quy định như vậy [tức phải xin phép, ghi chú của NHQ]. Ở Mỹ, ở Pháp, ở Anh... muốn tổ chức biểu tình, tuần hành đều phải xin phép và được chấp thuận. Các cuộc tụ họp đông người không xin phép được coi là bạo loạn và cảnh sát thẳng tay đàn áp ngay. Bạo loạn tại Pháp, tại Anh trong thời gian gần đây cho thấy rõ điều đó. Lạ nhất các trang mạng xấu đưa tin mọi thứ riêng sự kiện cảnh sát đàn áp đến đổ máu những kẻ biểu tình tự phát tại Anh, Pháp thì không thấy đưa!”
Đoạn văn trên có ba ý chính:
  1. Ở đâu dân chúng muốn biểu tình cũng đều phải xin phép và cần được chính quyền chấp nhận trước.
  2. Ở Tây phương, nếu biểu tình mà không xin phép thì bị xem là bạo loạn và bị cảnh sát đàn áp ngay.
  3. Các “trang mạng xấu” chỉ đưa tin cảnh sát bắt bớ hay đạp vào mặt người biểu tình tại Việt Nam mà lại làm lơ trước cảnh cảnh sát Anh và Pháp đàn áp những người bạo loạn ở nước họ.
Về ý thứ nhất, chuyện xin phép biểu tình ở các nước Tây phương, cần phân biệt hai hình thức chính của biểu tình: tụ tập (rally) và tuần hành (march). Ở phần lớn các nước, biểu tình dưới hình thức tụ tập thì khỏi cần xin phép. Phép, chỉ được đòi hỏi đối với hình thức biểu tình tuần hành mà thôi. Mà thật ra không phải là “xin phép”. Trong các tài liệu bằng tiếng Anh, người ta thường chỉ dùng chữ “thông báo” (notify). Yêu cầu của cảnh sát cũng như chính quyền địa phương là “cho chúng tôi biết” (let us know) để họ bảo đảm vấn đề trật tự giao thông, sự ổn định trong sinh hoạt của dân địa phương và sự an toàn cho chính những người đi biểu tình. Hết. (Xem, ví dụ, trang thông tin về vấn đề biểu tình của chính phủ Anh ở trang này.
Còn ở Việt Nam thì sao? Giả dụ những người đi biểu tình nộp đơn xin phép đàng hoàng thì liệu họ có chấp thuận hay không? Cho đến nay, câu trả lời gần như chắc chắn: Không. Tuy nhiên, tôi cũng xin đề nghị quý vị ở Việt Nam thử nộp đơn công khai xin phép tổ chức biểu tình xem chính quyền trả lời ra sao. Thử. Để ít nhất chính quyền không còn léo nhéo chuyện phép tắc nữa.
Về ý thứ hai, ở Tây phương, không ai xem việc biểu tình không được phép là bạo loạn cả. Biểu tình (public demonstration) và bạo loạn (riot) khác hẳn nhau về bản chất chứ không phải là chuyện được phép hay không. Ngay trong bản thân từ bạo loạn đã bao hàm hai ý chính: bạo (động) và (hỗn) loạn có thể gây nên những thiệt hại về tính mạng cũng như tài sản của dân chúng, kể cả của những người biểu tình. Ở Anh và ở Pháp gần đây, cảnh sát không hề trấn áp những người biểu tình. Họ chỉ trấn áp những người gây bạo loạn. Ví dụ, những cảnh diễn ra trên đường phố London vào đầu tháng 8 vừa qua hoàn toàn là bạo loạn chứ không phải là biểu tình. Hậu quả của các cuộc bạo loạn ấy là năm người bị giết chết và vô số xe hơi cũng như các cửa tiệm bị đốt phá, cướp bóc, gây thiệt hại về kinh tế đến trên 300 triệu đô la. Các cuộc bạo loạn ở Pháp vào năm 2005 và 2007 cũng vậy. Cũng có màn đốt xe hơi. Đốt cửa tiệm. Đốt cả trường học lẫn thư viện. Ném đá và ném cả bom xăng tự chế vào cảnh sát. Một số người bị chết. Hàng trăm cửa tiệm bị phá. Hàng ngàn chiếc xe hơi bị hư hại. Trong cả mấy trường hợp vừa kể, trên thế giới, không ai lên án việc mạnh tay của cảnh sát cả. Đó là nhiệm vụ của họ.
Còn ở Việt Nam, trong mười mấy cuộc biểu tình vừa qua, có chút yếu tố nào để có thể xem là bạo loạn chứ không phải là biểu tình? Không. Tuyệt đối không. Tất cả đều diễn ra một cách hòa bình và trật tự. Xem các bức ảnh cũng như các thước phim được tung lên internet, mọi người đều ghi nhận một đặc điểm: ngay cả việc dẫm lên các bãi cỏ, điều rất phổ biến ở Hà Nội, cũng không thấy.
Việc cảnh sát bắt bớ những kẻ gây bạo loạn, đốt xe, đốt nhà và cướp của ở Anh và ở Pháp là chuyện bình thường. Báo chí khắp nơi, nếu loan tin, ống kính chỉ chĩa vào những tên tội phạm ấy mà thôi. Còn ở Việt Nam? Trong một cuộc biểu tình xuất phát từ lòng yêu nước của những con người hiền lành, biết thân biết phận như thế thì có gì đáng chú ý ngoài những cú đạp tàn nhẫn của công an chứ?
Ở Úc, tôi thường xem tin tức trên tivi vào giờ ăn tối. Thường, rất hiếm khi tôi thấy tin về Việt Nam. Phần lớn các cuộc biểu tình chống Trung Quốc đều trôi qua một cách lặng lẽ. Có thể đài truyền thanh hoặc báo in loan tin. Nhưng đài truyền hình thì không. Trừ hai lần: Lần đầu, vào ngày 5 tháng 6 ở Sài Gòn, và lần sau, ngày 21 tháng 8 ở Hà Nội. Ở cả hai lần, hình ảnh được các phóng viên ngoại quốc tập trung nhất đều giống nhau: Cảnh cảnh sát và công an bắt dân.
Những chuyện ấy nhằm trả lời cho vấn đề thứ ba đã nêu ở trên.
http://www.voanews.com/vietnamese/blogs/quoc/nguy-bien-doi-tra-08-31-2011-128830178.html
Nguon: 

Vì sao mình không ngoại tình? - Trang Hạ


Sau bảy năm kết hôn, hình như mình không còn yêu ông xã một chút nào nữa.

Hai đứa sống với nhau y như hai thằng bạn trai, cùng đi làm nuôi con, mỗi tối mỗi người cắm đầu vào cái máy tính của người ấy. Ngày nghỉ mình ra sức nấu ăn ngon để phục vụ một lũ bạn bè của ông xã đến chơi, mà trong lòng chẳng còn cảm thấy vui vẻ gì. Nấu ngon chỉ vì mình đã được bảy năm hôn nhân huấn luyện thành một bà vợ nấu ăn ngon, chứ không phải vì mình muốn làm một công trình bếp núc khiến cả nhà hạnh phúc. Hết tiền, cả hai cùng chia nhau ít dằn túi. Có việc lớn trong gia đình, cả hai cùng phân chia công việc để gánh vác. Ngoài ra, không còn gì tồn tại ở giữa những lúc riêng tư nữa. Chúng ta lăn ra ngủ vô tư và bình yên giữa một cuộc sống không còn gì làm ta có thể thổn thức và mất ngủ nữa.

Một buổi tối đầu mùa hè, trời mưa vừa tạnh, ông xã lôi lũ trẻ con ra công viên tìm ve sầu lột xác cho chúng chơi. Mình quần đùi cộc áo hai dây mát mẻ xách laptop ra đầu ngõ rung đùi uống cà phê và lên mạng chinh chiến với những nickname luôn online chực chiến trong forum.

Mình thường hẹn một người online, người có thể tâm sự và chia sẻ.

Mình thường có một đôi lá thư rất “nam tính” tràn đầy sự thấu hiểu chờ sẵn trên mạng. Đừng hỏi tại sao mình phải lòng một người chưa biết mặt. Và thỉnh thoảng trả lời lại những lá thư ấy, cũng với tâm trạng phấp phỏng, thận trọng và hơi lo âu.

Reply thư không có gì là tội lỗi. Chia sẻ nhiều hơn và thật lòng hơn một chút cũng đâu phải tội lỗi. Chúng ta dù chỉ là nickname ảo trên mạng, nhưng cũng biết ít nhiều về nhau, vài bức ảnh chân dung và du lịch, một con người thật, làm việc trong một tòa nhà nào đó trong thành phố, biết vài thói quen của nhau, có ít nhiều cảm tình qua các trao đổi.

Thương thêm một chút nữa, cũng không sao cả. Thiện cảm dành cho một nick nào đó trên mạng vốn không hiếm gặp.

Buổi tối mùa hè, lá thư gửi mình rất bất thường, bởi vừa được viết, trong một chuyến xe buồn rầu đi lang thang vô định, người ấy muốn gặp mặt.

Cảm ơn smartphone và laptop cùng wifi quán cà phê, giúp mình nhận ra, những lá thư được reply ngay lập tức, chứng tỏ sự mong ngóng và muốn gặp thật sự. Và một bầu không khí đặc quánh dụ dỗ: Hãy đến đây, gặp nhau, trò chuyện vài câu, uống chung một tách cà phê, cùng tận hưởng một buổi tối ý nghĩa, đối diện một con người thú vị, làm ta thiện cảm đã lâu.

Trình tự ấy là những nấc thang lên thiên đường hay dẫn đi đâu, mình không biết, nhưng chắc chắn không dẫn về ngôi nhà có hai đứa trẻ của mình.

Mình ngồi ngẩn ra trong hơi mưa sót lại và bầu khói thuốc đặc quánh trong quán cà phê, cảm nhận những khao khát bí mật đang trỗi dậy trong trái tim trống trải của một người phụ nữ sắp ba mươi tuổi đến nơi rồi. Có một lời mời mọc, một đề nghị bí ẩn. Một người đàn ông đang chạy xe loanh quanh chỉ chờ mình gật đầu. Một mối quan hệ mờ ảo và sự thiện cảm lớn nhanh theo thời gian. Và sự lãng mạn đậm đặc đầy lôi cuốn. Người đàn ông kia, vào giây phút này, không quan tâm việc mình đã có chồng và hai con nhỏ, trong tâm trí họ chỉ có mình, và họ chỉ quan tâm tới chính cái – tôi – phụ – nữ của mình.

Một khi đã phải lòng nhau, cuộc gặp sẽ để chúng ta vẫn còn khoảng cách cũ hay đẩy chúng ta vào nhau?

Mình sực nhớ đến đôi dép lê dưới chân, chiếc quần đùi và áo ba lỗ đang mặc, một thứ thời trang sơ sài của những bà vợ vốn đã bị ông chồng quen mắt.

Mình sực nhớ đến người yêu cũ mình từng yêu tha thiết, giờ đang ngồi gốc cây bắt ve cho con chơi!

Ông ấy có muốn lên mạng kiếm người tán tỉnh không? Chắc là có? Ông ấy có muốn rảnh rang ngồi làm thứ gì thì làm, không bị con cái bám đuôi vướng bận không? Chắc hẳn là có! Ông ấy có muốn bắt đầu mối quan hệ lãng mạn với ai đó không? Chắc có!

Sao ông ấy lại nhường những điều ấy cho mình?

Mình gấp laptop lại, đi về nhà. Kết thúc một tình yêu ngoài hôn nhân, đáng lẽ sẽ yêu, vào phút cuối cùng.

Đường về nhà thật dài. Hoặc có lẽ bởi mình đã quay về, nhưng với một trái tim nặng trĩu.

Thứ Ba, 30 tháng 8, 2011

Lập dự toán xây dựng, p1

Định nghĩa
Dự toán xây dựng là ước lượng, tính toán ra khối lượng vật liệu, nhân công và máy móc để từ đó tính thành tiền (chi phí) khi thực hiện xây dựng một công trình. Dự toán giúp chủ đầu tư biết được số tiền phải chi để thực hiện công trình, dự án đó và là căn cứ để xét chọn thầu, phê duyệt vốn đầu tư, làm quyết tóan.

Cơ sở lập dự toán: dựa trên 3 cơ sở:
a)      Bóc tách khối lượng
  • Đọc bản vẽ: nhằm xác định tên và trình tự công việc cùng khối lượng tương ứng của các công việc.

Các loại bản vẽ:
    • Bản vẽ kiến trúc: tổng mặt bằng, mặt bằng, mặt đứng, mặt bằng mái, mặt cắt, bảng vẽ chi tiết.
    • Bản vẽ kết cấu: mặt bằng móng cột, mặt bằng đà sàn, chi tiết đà sàn, chi tiết kết cấu khác.
    • Bản vẽ điện, nước: bảng vẽ mặt bằng bố trí điện, nước, sơ đồ nguyên lý điện. Ngoài ra còn có thêm bảng thống kê vật liệu nên có thể dựa vào thông tin bảng thống kê để tính dự toán thay vì đếm trực tiếp trên bảng vẽ. Tuy nhiên, nếu bảng thống kê có sai sót thì sau đó phải làm bảng điều chỉnh bổ sung.

Xác định tên và trình tự công việc thi công:
    • Dựa vào bảng vẽ. Áp dụng quét từng cột theo phương ngang, dọc lần lượt để không bỏ sót.
    • Có thể kiểm tra qua kinh nghiệm
    • Hoặc rà soát theo mục lục của sách định mức

  • Nguyên tắc cơ bản:
    • Dựa vào những công thức tính toán của các hình học căn bản. Ta chuyển về những dạng hình học cơ bản như hình vuông, chữ nhật, tròn, thang, hình trụ, lập phương rồi tính diện tích hay thể tính của chúng.
    • Đối với những dạng hình học lạ cũng tìm cách chuyển về những hình dạng tương đồng với sai số hợp lý, chấp nhận được.
    • Ví dụ: để tính diện tích hình như dưới đây thì nên chuyển về dạng hình chữ nhật để tính diện tích sẽ đơn giản hơn và sai số là không đáng kể:

 

    • Các số đo có thể lấy tương đối chính xác bằng cách đo từ tim (tâm, điểm chính giữa) cột này đến tim cột kia. Cách tính theo đúng đến cạnh của cột thì phải trừ những phần chung sẽ ít sai số nhưng tốn nhiều thời gian hơn
    • Ngoài ra, đối với những công việc cần phải bả thêm lớp bám dính xi măng (thường khi tô trần phải trét hồ dầu cho bêtông trần, xà dầm) thì phải nhân thêm hệ số kVL=1.25 và kNC=1.1.
  
  • Các yêu cầu khác:
    • Khối lượng công việc được tính theo đặc điểm của kết cấu, theo chủng loại vật liệu, theo cao độ. Ví dụ: bê tông dầm giằng, cột, sàn (phân theo kết cấu), bê tông M100, M200, M300 (phân theo chất liệu), bê tông móng, trệt, sàn tầng… (phân theo cao độ - do chi phí nhân công làm ở trên cao thường đắt hơn)
    • Các ký hiệu cấu kiện dùng để tính khối lượng phải đúng theo bản vẽ thiết kế. Ví dụ: các tên đà kiềng DK1, DK2, DK3… phải để đúng ký hiệu trong bản vẽ.
    • Thứ tự các kích thước ghi sao cho người đọc dễ hiểu. Nếu cần phải ghi chú hoặc diễn giải rõ hơn. Ví dụ: khi tính công thức thể tính hình hộp (áp dụng cho mái giả trên WC chữ nhật khi tính lượng bê tông) thì theo công thức dài*rộng*cao*số lượng mái giả/tầng*số tầng
    • Cần phải biết đơn vị tính của công việc theo quy định của định mức dự toán để tìm các kích thước tính toán tương ứng. Ví dụ: khi tính đơn vị m3 thì cần phải có ít nhất 3 thông số chiều dài, rộng và cao.
    • Mã hiệu công việc tra trong sách định mức nếu có công việc giống thì lấy, nếu không có thì tìm công việc gần tương tự sau đó chỉnh sửa mã lại. Nếu công việc hoàn toàn mới và không có trong sách định mức thì phải đặt thêm, nhưng tất cả phải phù hợp với hệ thống định mức dự toán xây dựng hiện hành.

b)     Định mức: được xác định bằng cách:
  • Thực tế: có thể tính từ thực tế thi công hay lý luận thực tiễn. Hiện nay thường tra từ sách định mức cho dự toán do những số đo trong sách dự toán là lấy từ giá trị trung bình của những lần khảo sát thi công thực tế. Lưu ý là sách định mức dành cho dự toán sẽ khác sách định mức cho thi công, bởi trong dự toán đã tính sai số cho hư hỏng trong quá trình vận chuyển, bảo quản của vật tư cũng như cho dự phòng. Những nhà thầu kinh nghiệm và chuyên nghiệp có thể tiết kiệm để hưởng lợi được những sai số đó.
  • Tỉ lệ %: áp dụng đối với những trường hợp chi phí cho công việc hay thay đổi tùy thuộc vào quy mô công trình như chi phí tư vấn thiết kế…


*** Cách tra sách:

ĐÀO MÓNG CÔNG TRÌNH
AB.11300 ĐÀO MÓNG BĂNG
Thành phần công việc:
Đào móng theo đúng yêu cầu kỹ thuật, xúc đất đổ đúng nơi quy định hoặc đổ lên phương
tiện vận chuyển trong phạm vi 30m.
Nhân công 3,0/7

Nhân công (ở đây chỉ tính nhân công, còn vật liệu bê tông, cốt thép tính riêng và dựa vào bản vẽ thực tế của công trình) cho công tác Đào móng băng, rộng <=3m, sâu<=1m, cấp đất III à mã hiệu: AB.11313, công là 1,24 công cho 1m3 móng đào. Và cho công việc đào móng thì chỉ có chi phí nhân công đào, ngoài ra chi phí vật liệu và chi phí máy thi công không có. Nghĩa là chi phí nhân công đồng thời là chi phí của công việc đào móng.



c)      Đơn giá: được tính tại thời điểm tính dự toán. Có 2 cách tính:
  • Theo sách đơn giá: đây là cách tính cũ, áp dụng chủ yếu ở thời bao cấp và vẫn còn sử dụng chủ yếu ở các doanh nghiệp nhà nước hay các công trình vốn nhà nước. Theo đó định mức được nhân với giá có sẵn (giá trong quá khứ) nên sai số nhiều, cần phải có cộng với bù giá để ra giá tại thời điểm tính dự toán. Hệ số bù giá hiện cũng không thống nhất do tùy theo giá của năm chuẩn áp dụng. Thêm nữa là tính hệ số bù giá cho rất nhiều loại khác nhau dẫn đến rất phức tạp.
  • Theo sách định mức: cách tính này phổ biến và được sử dụng chủ yếu trên toàn thế giới. Theo đó khi tra được định mức thì không nhân với giá cho sẵn trong quá khứ mà thực hiện như sau:
    • Vật liệu: giá vật liệu lấy từ giá thực tế trên thị trường, được nhà cung cấp báo giá.
    • Nhân công: lấy theo giá thực tế trên thị trường lao động hoặc lấy giá theo tiêu chuẩn quy định của nhà nước nhưng phải có bù giá.
    • Máy thi công: lấy theo giá hướng dẫn của Bộ xây dựng.
    • Đối với những hạng mục không có định mức thì tìm công việc gần đúng tương tự hoặc tính giá (thực tế) tạm tính như công tác dọn dẹp mặt bằng. Tuy vậy, đối với những công tác có giá trị lớn hơn 3% tổng giá trị của công trình thì bắt buộc phải tính mới định mức chứ không được để giá tạm tính.

--- CÒN TIẾP ---

Biển Đông và chuyện “con ếch chịu nóng” - Tô Văn Trường

Cứ ngồi yên, và bị cảm giác cũng như thói quen cũ chi phối, chúng ta sẽ cảm thấy không có đe dọa (hoặc đe dọa quá nhỏ) thì đến một lúc nào đó sẽ vô cùng thiệt thòi, trở tay không kịp.

Đất nước đang đứng trước những thử thách cam go: lạm phát, giá cả tăng cao, chủ quyền biển đảo bị xâm phạm nghiêm trọng. Nổi cộm nhất hiện nay là mối quan hệ với nước Trung Quốc khổng lồ đã có rất nhiều điều phải nghĩ, phải nói, trong đó nổi cộm là vấn đề biển Đông.

Nhìn chung, nhân dân ta chưa được tiếp cận đầy đủ với các nguồn thông tin để đánh giá phân tích có được thái độ rõ ràng, do đó dư luận dường như tập trung vào tranh chấp chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Trong khi, mưu đồ và thủ đoạn, hành động nguy hiểm nhất, trái thực tế, lẽ phải và pháp lý nhất, xâm phạm đến lợi ích của nhiều quốc gia dân tộc nhất, đồng thời thiết cốt nhất đối với thủ phạm, và vì thế là chỗ yếu kém nhất của thủ phạm, chính là đường đứt khúc 9 đoạn, hay còn gọi là đường lưỡi bò bao trùm 3/4 diện tích Biển Đông mà Trung Quốc đang tuyên bố chủ quyền.

Chính đường lưỡi bò của Trung Quốc, chứ không chỉ sự giành giật chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, mới thực sự phi lý, thâm hiểm, mục đích chiếm toàn bộ biển Đông , nhốt nước ta và một số nước Đông Nam Á vào một cái rọ. Bởi thế, Việt Nam cần chủ động, khôn ngoan xây dựng chiến lược và sách lược phù hợp, phối hợp chặt chẽ với các nước Đông Nam Á có cùng chung trách nhiệm và quyền lợi đấu tranh một cách bài bản, hiệu quả với Trung Quốc cả trước mắt lẫn lâu dài.

Đến nay, chúng ta đã tìm thấy bằng chứng rằng cách đây 30 năm, Trung Quốc đã âm thầm và có âm mưu chiếm biển Đông, đưa ra cả yêu sách "Đường đứt đoạn 9 khúc" vào các bài báo khoa học, có nghĩa là họ đã đi trước nhiều bước hơn chúng ta tưởng.

Qua các bài báo xuất bản ra thế giới chúng ta thấy rằng các tác giả Trung Quốc đã sử dụng bản đồ nước họ với đường lưỡi bò vô lý, ngay cả khi tính minh họa cho nghiên cứu không liên quan, ví dụ như khu vực nghiên cứu chỉ là các thành phố lục địa. Nhiều nhà khoa học Trung Quốc đã lập bản đồ quốc gia với "đường lưỡi bò" chiếm hầu hết biển Đông và công bố trên các tạp chí quốc tế từ cách đây 30 năm. Mặc dù trong các công bố khoa học này, họ chỉ đưa "hình lưỡi bò" một cách "lập lờ", không đưa bất cứ chú thích cụ thể nào về đường chữ U trong bản đồ là đường gì, nhưng ảnh hưởng của nó đến cộng đồng quốc tế vẫn rất lớn vì được đăng trên các các tạp chí khoa học uy tín trên thế giới. Trong khi đó, các bài báo của các nhà khoa học Việt Nam được công bố trên các tạp chí khoa học trên thế giới đã vừa ít, thậm chí lại vừa sai.

Có ý kiến cho rằng nếu chúng ta cứ ngồi yên, và bị cảm giác cũng như thói quen cũ chi phối, chúng ta sẽ cảm thấy không có đe dọa (hoặc đe dọa quá nhỏ) thì đến một lúc nào đó sẽ vô cùng thiệt thòi, trở tay không kịp, sẽ lại phải chấp nhận những việc mà trước đó nhiều năm chúng ta không thể chấp nhận.

Nhiều người còn nhớ phương Tây có câu chuyện ngụ ngôn “con ếch chịu nóng”. Nếu thả con ếch vào chậu nước sôi thì nó nhảy ra ngay, còn nếu thả nó vào chậu nước lạnh rồi đun nóng từ từ thì nó sẽ không nhảy ra mà chịu nóng cho đến khi bị luộc chín. Điều đó có nghĩa là sự mất cảnh giác, ngộ nhận, tự ru ngủ, quen dần với mọi đe dọa thật là nguy hiểm, nó dẫn người ta tới chỗ bị bất ngờ và tất nhiên là thất bại.

Có người còn vạch rõ tư duy về biển Đông của Trung Quốc giống như hình ảnh của con cá mập khi đã xác định được con mồi của nó quyết đuổi đến cùng để thỏa mãn cơn đói.

Sau khi nhận được hàng chục phản ứng của các nhà khoa học Việt Nam ở trong và ngoài nước về việc các bài báo của các nhà khoa học Trung Quốc có cả hình “lưỡi bò” phi lý, không theo luật quốc tế, ban biên tập tạp chí khoa học quản lý chất thải ở Ý hứa sẽ cho chỉnh sửa lại trong số xuất bản sắp đến.

Tuy nhiên, có tạp chí khoa học quốc tế như “Biến đổi khí hậu” cho biết GS Xuemei Shao Viện hàn lâm khoa học Trung Quốc là tác giả bài báo có hình lưỡi bò phản hồi là sẽ không chỉnh sửa vì đó là do yêu cầu của chính phủ Trung Quốc!? Qua đó, càng thấy rõ chính phủ Trung Quốc đã yêu cầu các nhà khoa học Trung Quốc sửa bản đồ, và chèn đường lưỡi bò vào trong bản đồ, bóp méo sự thật, đánh lừa dư luận thế giới để thực hiện âm mưu chiếm toàn bộ biển Đông.

Trong cuộc đấu tranh này, giới trí thức Việt Nam càng cần nêu cao ý thức, trách nhiệm của mình trước đất nước và dân tộc, đóng vai trò như những nhà ngoại giao kênh hai, "ngoại giao nhân dân" kịp thời thông tin chính xác ra thế giới,  để bạn bè, quốc tế hiểu rõ thiện chí của Việt Nam, mưu đồ, thủ đoạn của Trung Quốc, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ quốc tế sâu rộng đối với dân tộc ta.

Chúng ta cần thông tin đầy đủ và rộng rãi hơn tới cộng đồng khoa học Việt Nam cả trong và ngoài nứớc và bạn bè ở các nước, đặc biệt là các nước Đông Nam Á về việc nhiều Tạp chí khoa học quốc tế đã vô tình đăng bài của các tác giả Trung Quốc có hình vẽ đường lưỡi bò ở biển Đông. Động viên cộng đồng khoa học Việt Nam gửi ý kiến tới Ban biên tập các Tạp chi khoa học có sai sót yêu cầu sửa chữa, hiệu đính, như đã làm có kết quả với Tạp chí của Hội địa lý Hoa Kỳ và Tạp chí khoa học Quản lý chất thải rắn của Ý.

Đối với Trung Quốc, đừng gộp người dân Trung Quốc và nhà cầm quyền Trung Quốc làm một. Nên nói về lợi ích chung chính đáng (hòa bình, ổn định, hữu nghị, thịnh vượng) của dân Việt Nam và dân Trung Quốc.

Cuộc sống thay đổi từng ngày, thế giới phẳng thay đổi từng giờ, trí thức là những người được học nhiều, biết rộng, biết vượt lên chính mình để không bị rơi vào trường hợp mà Shakespeare đã từng trách khéo: “càng thông minh hiểu biết nhiều càng hèn nhát”!

Thời gian vừa qua, cộng đồng trí thức Việt Nam ở trong và ngoài nước đã rất tích cực bám sát, phát hiện, phản ứng nhanh, hiệu quả trước việc một số Tạp chí khoa học quốc tế đưa thông tin sai lệch về vấn đề chủ quyền ở biển Đông. Giới trí thức Việt Nam chắc chắn cũng thấy rõ hơn bao giờ hết sứ mạng xã hội của mình, để tiếp nối ý nguyện của nhà thơ - nhà báo liệt sỹ Lê Anh Xuân là góp phần tạo nên một "Dáng đứng Việt Nam" trường tồn vững chắc bên biển Đông đầy sóng gió.



Kẻ cắp gặp bà già - TS. Alan Phan

Trong khi những công dân Tàu ở các nước và khu vực nhỏ bé như Đài Loan, Hồng Kông, Singapore... học cách làm ăn của Âu Mỹ và tiến nhanh để bắt kịp người da trắng về thu nhập, thì Trung Quốc đại lục lại thoi thóp với lợi tức không quá 200 USD mỗi đầu người mỗi năm (1975).

Trong tiểu thuyết hay phim ảnh, những câu chuyện về kẻ cắp đụng phải bà già có những tình tiết luôn gây thú vị cho người xem. Tuy vậy, những mẩu chuyện kẻ cắp-bà già xảy ra hàng ngày trong thực tế của đời sống cũng không kém phần hào hứng. Đây thực sự là những liều thuốc cười cần cho tim mạch.

Ngân hàng Âu Mỹ và Hy Lạp Trong những xứ sở đã phát triển có tình trạng tiêu xài bê bối nhất từ chính phủ đến người dân phải kể đến Hy Lạp. Trước khi gia nhập Liên Hiệp Âu Châu (EU), các ngân hàng quốc tế thường né tránh nợ công xứ này và không nhà đầu tư nghiêm túc nào có thể tin tưởng vào sự bền vững của đồng drachma. Chính phủ Hy Lạp luôn luôn thiếu hụt về ngân sách và cử tri Hy Lạp luôn luôn thiên về các ứng cử viên xã hội (thích quốc doanh hóa các xi nghiệp thành công và tái phân chia tài sản tư nhân bằng thuế vụ hay bội chi cho các chương trình chánh phủ).

Kết quả sau cùng là một nền kinh tế tụt hậu so với các quốc gia khác ở Âu Châu và những doanh nhân hay các tài năng về mọi ngành thuờng có khuynh hướng rời bỏ Hy Lạp để đi lập nghiệp ở các xứ khác. Nhửng người còn lại thì tìm đủ mọi cách để bòn rút tiền từ chính phủ và có một câu nói phổ thông ở đây là,"Nếu bạn đóng thuế thì chắc bạn không phải là dân Hy Lạp." Tuy vậy, sự suy sụp của tài chính Hy Lạp không trầm trọng lắm vì nợ vay của nước ngòai hiếm và tốn kém.

Họ nói với kẻ cắp là họ sẽ tuyên bố phá sản và để mặc cho các ngài ăn cắp lo liệu. Các ngân hàng Âu Mỹ sợ tái người. Mất đi hơn 400 tỷ USD sẽ khiến vài ngân hàng cỡ lớn đi theo Lehman Bros ra nghĩa địa và các vị giám đốc ngân hàng sẽ mất job, mất nhà, mất xe, mất vợ, mất nhân tình. Họ thống nhất lại và lobby các chánh phủ Âu Châu phải bỏ tiền ra cứu trợ Hy Lạp. Gói tài trợ năm 2010 với 160 tỷ USD không đi đến đâu, và gói thứ nhì 170 tỷ USD giữ tình hình tạm yên lúc này. Tuy vậy, với số nợ lên đến 580 tỷ dollars hoặc hơn nữa (khỏang 150% của GDP) và lãi suất hơn 14%, Hy Lạp sẽ chẳng bao giờ trả nổi hết nợ. Vấn đề có phá sản hay không chẳng còn là "câu hỏi" nữa, mà đề tài bây giờ là "khi nào thì phá sản".

Mọi chuyện đều thay đổi vào năm 1981, khi Hy Lạp gia nhập Liên Hiệp Âu Châu (EU) và bắt đầu sử dụng đồng Euro như bản vị chính. Các kẻ cắp đánh hơi và nghĩ đây là một miếng mồi ngon. Kẻ cắp số 1 là tập đòan Goldman Sachs và các kẻ cắp nhỏ hơn như Credit Lyonnais, BNP, Deutsche Bank, UBS...chạy theo sau bước chân đại ca không cần suy nghĩ. Trước hết, báo cáo tài chính công của Hy Lạp không đủ tiêu chuẩn để thỏa mãn đòi hỏi pháp lý của EU, nên Goldman Sachs phải tư vấn cho họ cách thức để dấu nợ và thổi phồng số liệu tốt nhằm mục đích vay tiền qua trái phiếu. Sau đó, Goldman Sachs phân phối các trái phiếu này cho đàn em là các ngân hàng Âu Châu. Mọi người hạnh phúc. Chính phủ Hy Lạp có số tiền lớn để tiêu xài thỏai mái, người dân và cò dự án hưởng bao nhiêu là lợi ích từ những chương trình tiêu xài ngắn và dài hạn, các ngân hàng Âu Mỹ thu về bao nhiêu là phí tư vấn và phí phát hành trái phiếu.

Nhưng cũng giống như chuyện tiểu thuyết, ngày vui lúc nào chóng tàn. Mọi người quên đi một chi tiết rất nhỏ nhặt: nợ đáo hạn thì phải trả. Các kẻ cắp quên nhắc nhở các quan chức chính phủ điều này; và đa số người dân cũng nghĩ rằng họ không liên hệ gì đến việc trả nợ khi họ bỏ phiếu chấp nhận những khỏan vay. Nhưng bà già Hy Lạp cũng không vừa.

Ít nhất, các kẻ cắp trong chuyện này, cũng đã "đẩy cây" 330 tỷ dollars cho người dân các nước Đức, Pháp...đóng thuế trả dùm Hy Lạp.
Chính phủ Mỹ và Trung Quốc
Trong câu chuyện này, thật khó mà biết ai là kẻ cắp, ai là bà già? Kẻ nửa cân, người tám lạng? Lịch sử bắt đầu khi Mao Trạch Đông nắm quyền ở Trung Quốc đại lục vào năm 1949. Người Mỹ hoảng sợ nghĩ là con rồng Tàu đã trổi dậy. Tuy nhiên, Chủ Tịch Mao lại trở thành người bạn tốt của đế chế Mỹ bằng cách kìm hãm Trung Quốc trong 30 năm dài với một chánh sách kinh tế tập trung và thoái trào. Trong khi những công dân Tàu ở các nước và khu vực nhỏ bé như Đài Loan, Hồng Kông, Singapore... học cách làm ăn của Âu Mỹ và tiến nhanh để bắt kịp người da trắng về thu nhập, thì Trung Quốc đại lục lại thoi thóp với lợi tức không quá 200 USD mỗi đầu người mỗi năm (1975).

Năm 1972, kinh tế Mỹ gặp khó khăn khi đà phát triển bị tắc tị với chính sách dầu hỏa của OPEC, với chiến tranh Việt Nam và với một thị trường nội địa đã bão hòa. Kissinger, đại diện cho nhóm quyền lực Do Thái, thúc đẩy Nixon bắt tay Trung Quốc đại lục để các "kẻ cắp" có cơ hội tiến vào một thị trường 1.2 tỷ dân. Muốn làm một nhân vật lịch sử và cũng bắt đầu gặp rắc rối với cử tri vì kinh tế, Nixon hăng hái "mở cửa" Trung Quốc. Mao và các đồng chí cũng hồ hởi vì đất nước đã quá tiêu điều sau cuộc cách mạng văn hóa vĩ đại.
Vả lại, "bà già" cũng chẳng có gì để mất.
Bà già đón nhận rồi tìm đủ thủ thuật để bòn rút và gặm nhắm tiền nong và công nghệ của kẻ cắp. Bà trở thành kẻ cắp chuyên nghiệp. Sau 30 năm, Trung Quốc giữ giá lao công và tỷ giá hối suất rẻ mạt để các nhà tư bản Âu Mỹ vui vẻ đầu tư và mở cửa thị trường cho hàng hóa Tàu. Các chính trị gia Âu Mỹ cũng hoan hỉ vì cử tri họ có một đời sống sung túc hơn nhờ giá quá rẻ của hàng hóa. Thêm vào đó, tiền Trung Quốc kiếm được từ xuất khẩu lại quay về Âu Mỹ qua việc mua trái phiếu của các chánh phủ Âu Mỹ và các khoản tiền "rửa" của các đại gia Trung Quốc.

Tuy nhiên, kẻ cắp và bà già luôn luôn quên những chi tiết nhỏ nhặt rất bất tiện. Một là nợ lúc nào cũng phải trả khi đáo hạn. Hai là khi anh cho một "kẻ cắp" vay, thì rủi ro mất tiền là điều không sao tránh khỏi.

Trong 35 năm qua, chính phủ Trung Quốc đã lợi dụng sức lao động của hơn tỷ người dân để kiếm được hơn 4 ngàn tỷ dollars cho quỹ ngoại hối. Các đại gia và quan chức Trung Quốc cũng thừa nước đục để "câu" hơn 1.8 ngàn tỷ USD (ước lượng trên các mạng Internet). Con số này đã bốc hơi hết 720 tỷ khi Mỹ áp dụng chính sách hạ giá dollar (khỏang 12%) trong 3 năm qua để kích cầu kinh tế nội địa (thực ra là để cứu các ngân hàng Âu Mỹ). Hiện nay, các công ty thẩm định tín dụng như Moody, S&P, Fitch... dọa là sẽ hạ cấp tín dụng của trái phiếu quốc gia Mỹ; và đảng Cộng Hòa cũng như phong trào Tea Party cũng đang áp lực để Obama không thể vay thêm tiền cho chính phủ. Đồng dollar sẽ mất thêm khỏang 18% nữa nếu 1 trong 2 điều này xảy ra.

Dĩ nhiên, khi nền kinh tế quá tùy thuộc vào thị trường xuất khẩu và túi tiền tiết kiệm có thể bay hơi theo đồng dollar, thì kẻ cắp Trung Quốc lại trúng kế của bà già Mỹ. Thế gộng kềm tạo ra sự đổi ngôi liên tục giữa hai siêu quái này.
Chuyện chúng mình
Một doanh nhân trẻ kể với tôi những thành công và thất bại của anh ta trong 10 năm qua và xin ý kiến vì anh muốn tìm một định hướng mới cho sự nghiệp. Tôi khuyên anh nên đọc đi đọc lại binh pháp của Tôn Tử và chiến thuật của Machiavelli nếu muốn thắng trên thương trường.

Nếu anh chỉ muốn làm người tử tế và văn minh, thì nên đọc sách Lão Tử và Og Mandino. Vấn nạn lớn nhất của anh trong thời đại kim tiền và đám mây kiến thức (cloud computing) này là anh chưa định vị rõ ràng vai trò của mình trong màn kịch của thế giới. Anh sẽ thủ vai kẻ cắp hay bà già? Hay chỉ là một nạn nhân lương thiện và ngu dốt? Bi kịch sẽ xẩy ra khi người nham hiểm và mê tiền lại không biết làm kẻ cắp hay bà già.


TS. Alan Phan là Chủ Tịch Quỹ Đầu Tư Viasa tại Hong Kong và Shanghai. Du học Mỹ từ năm 1963, ông đã làm việc tại nhiều công ty đa quốc gia ở Wall Street và phát triển công ty Hartcourt của mình thành một tập đoàn niêm yết trên sàn Mỹ với thị giá hơn 700 triệu dollars. Ông sống và làm việc tại Trung Quốc từ 1999. T/S Phan tốt nghiệp BS tại Penn State (Mỹ), MBA tại American Intercontinental (Mỹ), Ph.D tại Sussex (Anh) và DBA tại Southern Cross (Úc). Email của ông là aphan@asiamail.com và Web site cá nhân là www.gocnhinalan.com.


Nguồn: http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2011-08-02-ke-cap-gap-ba-gia (3aug2011)

Chủ Nhật, 28 tháng 8, 2011

Những chiếc Ferrari và chiếc xe gắn máy - Nguyễn Hùng





Tuần qua có những dấu hiệu đáng mừng ở Hà Nội khi người nhiều quyền lực nhất nước và những người đứng đầu thành phố có xu hướng đối thoại và tham vấn.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã gặp hàng chục chuyên gia để bàn chuyện kinh tế giữa lúc lạm phát vẫn ở mức trên 20% và người dân tiếp tục đổ xô đi mua vàng vì mất niềm tin vào tiền đồng và nền kinh tế.
Các lãnh đạo thành phố Hà Nội gồm bí thư thành ủy, chủ tịch thành phố, trưởng ban tuyên giáo và giám đốc công an gặp gỡ những trí thức phản đối thông báo cấm biểu tình mà ủy ban thành phố đưa ra.
Tiến sỹ Nguyễn Quang A, một trong những người tham gia nhiều cuộc biểu tình, nói những cuộc tiếp xúc như thế này đáng ra đã phải diễn ra từ lâu và thường xuyên hơn.
Trung Quốc bắn chết hàng chục binh sĩ Việt Nam hồi năm 1988, giết hàng nghìn người trong cuộc chiến chiến biên giới năm 1979 và bắn chìm tàu cùng hàng chục lính miền nam Việt Nam hồi năm 1974, nhưng Việt Nam vẫn 'giao thiệp' hết sức lịch sự với Trung Quốc.
Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh vừa tuyên bố "...Nếu Việt Nam cần sự ủng hộ, đồng cảm, hợp tác và phát triển thì còn có ai hơn một nước Trung Quốc Xã hội chủ nghĩa láng giềng" ngay cả sau khi Bắc Kinh nói thẳng họ không đàm phán với Việt Nam về đảo Hoàng Sa mà họ chiếm từ năm 1974.
Vậy có lý do gì để chính quyền không đối thoại với chính người dân trong nước, những người xuống đường hòa bình để phản đối Bắc Kinh.
Một chính quyền văn minh là chính quyền dùng sức mạnh của lý lẽ để thuyết phục người dân chứ không phải dùng tới sức mạnh cơ bắp.
Việt Nam đang cần có sự tham gia rộng khắp của nhiều tầng lớp trong xã hội để giải quyết một loạt các vấn đề phát triển, trong đó có sự bất công, bất bình đẳng và ở mức độ nào đó sự bất lực trong cuộc chiến chống tham nhũng.
Khoảng cách giàu nghèo
Nó tương phản với bức ảnh có trong phần cuối bài với bảy chiếc Ferrari, mỗi chiếc lên tới vài trăm ngàn đô la Mỹ, cộng thêm xe Bentley và Rolls Royce đỗ bên ngoài một nhà hàng không phải loại sang trọng ở thành phố Hồ Chí Minh.
Một chiếc xe Bentley có giá lên tới nửa triệu đô la trong khi xe Rolls Royce đắt hơn gấp đôi như vậy.
Riêng tiền bảo hiểm của xe Bentley đã có thể lên tới nửa tỷ đồng Việt Nam một năm.
Trong khi đó tại những vùng nghèo của Việt Nam vẫn có những người dân sống nhờ vào chưa tới 20 kg thóc mỗi tháng.
Một nhà bình luận nói với BBC: "Thật đáng tiếc! Tôi nghĩ thanh niên ở Sài Gòn không có hoài bão gì khác ngoài ham muốn vật chất và những thứ hời hợt.
"Họ giống như các thanh niên Singapore tội nghiệp.
"Tôi đã mất nhiều niềm tin vào con người."
Ý kiến độc giả
Một bức ảnh người đi xe máy chở phản tượng tự được BBC đưa lên trang Facebook đã nhận được hơn 60 phản hồi.
Marshall Trần viết: "Người giàu họ có tiền họ làm gì là quyền của họ, tiền của họ có mất mát là mất mát của họ!
"Ngu hay khôn cũng là họ, hoang phí lãng phí là của họ! Không hiểu lôi ra bàn làm gì."
Độc giả Thanh Le cũng có vẻ ủng hộ ý kiến của Marshall Trần:
"Mình chẳng biết BBC có ý gì khi đăng những tấm ảnh như thế này, vì ở nước nào cũng có giàu nghèo cả không riêng gì ở VN.
"Mình thấy BBC làm như vậy tạo điều kiện cho nhiều nhiều người có dịp chửi mắng chế độ mà thôi.
"Cũng giống như báo chí VN trước đây (bây giờ ít đi rồi) ghét Mỹ là lôi những cái xấu của người Mỹ ra mà chửi, mà bàn luận rồi so sánh này nọ chứ không nêu những cái hay, tiến bộ của họ
Nhưng cũng có những ý kiến ngược lại.
Người dùng Facebook có tên 'Motherland He He' viết: "Đừng ai lấy hoàn cảnh hàng xóm ra để tự nâng mình lên.
"Mỹ phân hóa giàu nghèo thì không có nghĩa Việt Nam cũng được thế."
Trong khi đó bạn Tong Duy cũng có ý kiến dài về chủ đề này: "Ở các nước phát triển, có phân hóa giàu nghèo nhưng người nghèo còn có trợ cấp thất nghiệp, trợ cấp xã hội để nuôi sống qua ngày.
"Nói chung người giàu không ăn trên ngồi trốc, không [phải không] quan tâm đến xã hội xung quanh, nhiều tỉ phú còn tìm cách lập các quỹ cứu trợ ra đến quốc tế sau khi vấn đề nghèo đói ở quốc gia họ được giải quyết cơ bản.
"Còn ở Việt Nam thì ai nghèo chỉ có nước đi ăn xin, lê lết, bán vé số, móc bọc nilon dưới kênh hôi thúi, nằm ngủ vật vạ đầy đường đầy chợ ... trong khi đó có một số người lại xài quá sang, đem vàng ném thi xuống sông Sài Gòn khu Thanh Đa, mua SIM điện thoại trị giá 1,7 tỉ VND, đi xe hàng triệu đô, quan trọng là nhiều nguồn thu của những người đó bị xã hội nghi ngờ là bất chính, thiếu minh bạch.
"Vấn đề phân hóa ở đây là quá chênh lệnh giữa một bên là mót từng bữa ăn, còn một bên là quá xa hoa."
Ferrari và xe gắn máy
Xe Ferrari ở bên ngoài một quán ăn tại TP Hồ Chí Minh
Người ta có thể thấy bẩy chiếc Ferrari sánh vai cùng xe Bentley và Rolls Royce ở bên ngoài một nhà hàng ở thành phố Hồ Chí Minh
Trở lại với vấn đề 'xã hội hóa' việc giải quyết các vấn đề phát triển tại Việt Nam, nhiều trí thức tâm huyết đã đưa ra một loạt ý kiến và kiến nghị.
Họ muốn để người dân và các tổ chức phi chính phủ có vai trò lớn hơn trong nhiều lĩnh vực.
Các tín đồ muốn có không gian để quảng bá cách sống có trách nhiệm, quan tâm tới vật chất ít hơn và sống vì đồng loại nhiều hơn.
Các kinh tế gia muốn ý kiến của họ được lắng nghe và muốn kinh tế nhà nước nhỏ lại để tư nhân có đất phát triển và cũng để tránh tình trạng thất thoát hàng tỷ đô la tiền thuế của dân như Vinashin.
Những người chống tham nhũng lại muốn họ có những kênh để chính quyền và dư luận biết tới mức độ lan tràn của tệ nạn này cũng như sự ngoảnh mặt làm ngơ ở nhiều cấp.
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đang theo xu hướng nhà nước đóng "vai trò chủ đạo" trong hầu hết mọi lĩnh vực.
Trong không gian chung, nếu nhà nước chiếm phần to thì hiển nhiên những đóng góp có thể có của người dân và các tổ chức phi chính phủ sẽ nhỏ lại.
Ở một góc độ nào đó có thể nói nếu nhà nước muốn lái chiếc Ferrari trên xa lộ xã hội thì người dân sẽ bị đẩy ra rìa đường với những gánh nặng cuộc sống của riêng họ trên lưng.

Thứ Tư, 24 tháng 8, 2011

Trái phiếu Nhật Bản dao động sau khi bị Moody's hạ bậc tín dụng

Bộ trưởng Thương mại Nhật Bản Yoshihiko Noda nói rằng sự tin tưởng vào nền kinh tế của nước ông 'sẽ không bị dao động' sau khi mức tín nhiệm về nợ của Nhật Bản bị một tổ chức thẩm định tín dụng quốc tế hạ bậc.

Thị trường trái phiếu đã dao động sau kết quả hạ bậc tín dụng trước đó trong ngày hôm nay, và các nhà giao dịch nói rằng diễn biến đó không có gì đáng ngạc nhiên.

Tổ chức thẩm định tín dụng quốc tế Moody's công bố hạ bậc tín nhiệm nợ của Nhật Bản xuống một nấc, từ AA2 xuống AA3, vì tình trạng thâm hụt ngân sách cao của nước này vẫn tiếp tục, và tình hình không ổn định về chính trị tạo ra những nghi ngờ về khả năng đối phó với những vấn đề này.

Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan đã tuyên bố ông sẽ từ chức để một người kế vị ông sẽ được chọn ra và đầu tuần tới.  

Người kế vị ông Kan sẽ là vị thủ tướng thứ 6 của Nhật Bản trong vòng 5 năm.



Nguon: http://www.voanews.com/vietnamese/news/business/japan-economy-08-24-2011-128329878.html

Thứ Sáu, 19 tháng 8, 2011

Mỹ có còn giữ vị trí Số 1? - Andre de Nesnera

Liệu vị trí cường quốc số một thế giới của Hoa Kỳ đang lung lay? Nhiều người nói có, nhiều người nói chưa. Cuộc tranh luận vẫn chưa dứt.


Từ mấy chục năm qua, Hoa Kỳ vẫn là nước có nền kinh tế đứng đầu thế giới. Nhưng vài năm qua, kinh tế chậm chạp, tỷ lệ thất nghiệp cao, thâm hụt ngân sách, không khí chính trị phân cực; tất các những yếu tố đó làm các chuyên viên tranh luận về chuyện liệu Hoa Kỳ có đang xuống dốc hay không.

Ông John Bolton, cựu đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc phát biểu:

“Hãy còn quá sớm để cho là xuống dốc. Nếu bây giờ thử nghĩ có nước nào trên thế giới đứng lên thách thức nước Mỹ về quân sự thì chúng ta chẳng nghĩ ra ai. Có thể chúng ta nhận thấy nhiều nước có phần nhiều hơn trong tổng sản lượng của thế giới, nhưng kết quả thực ra là mọi người trên thế giới đều được sung túc hơn.”

Các chuyên viên nói kinh tế tăng trưởng của Trung Quốc có thể biến nước này thành một nước có nhiều quyền lực trong những năm tới, và trở thành đối thủ của Hoa Kỳ. Trong số này có ông Joseph Nye, chuyên viên của trường Harvard:

“Trung Quốc có tiến bộ ấn tượng. Họ đã đưa mấy trăm triệu người thoát cảnh nghèo nhờ tốc độ tăng trưởng kinh tế cao. Tôi cho rằng Trung Quốc sẽ tiến gần đến Hoa Kỳ, cạnh tranh mạnh với Hoa Kỳ, nhưng tôi không tin sẽ qua mặt Hoa Kỳ.”

Ông Alan Meltzer, giáo sư kinh tế tại trường đại học Carnegie Mellon, tin chắc Hoa Kỳ là một cường quốc đang xuống dốc:

“Lý do thứ nhất, kể từ khi dứt Chiến tranh Lạnh, các nước châu Âu ngày càng bớt chiều theo các lợi ích của Hoa Kỳ, bởi vì họ không cần Washington nhiều giống như khi còn mối nguy Xô-viết.

Lý do thứ hai, Hoa Kỳ không giải quyết được vấn đề ngân sách, và một khi anh không giải quyết được vấn đề ngân sách thì anh sẽ không ở vào tư thế tốt để bảo người khác nên làm gì.”

Ông Joseph Nye của trường Harvard nói không khí chính trị phân cực ở Washington không phải là chuyện mới:

“Thế giới bên ngoài xem sự phân cực này là bát nháo, và nhiều người nói điều đó cho thấy người Mỹ đang xuống dốc. Nếu nhìn lại lịch sử, người Mỹ đã từng có những tình huống chính trị bát nháo như vậy. Các nhà lập quốc cũng từng cãi nhau om sòm dựa trên đảng phái. Đồng ý là chính trị Mỹ đang phân cực, nhưng chuyện này trước đây đã có.”

Ông Nye còn có những ví dụ khác:

“Người Mỹ chúng ta trải qua những chu kỳ giống vậy mỗi 10 hoặc 20 năm. Sau khi có vệ tinh Sputnik, chúng ta nghĩ rằng người Nga cao 3 mét. Trong thập niên 1980, chúng ta nghĩ rằng người Nhật cao 3 mét. Bây giờ có người nói rằng người Trung Quốc cao 3 mét. Nhưng tôi nghĩ người Mỹ chúng ta sẽ vượt lên trên tất cả chuyện này.”

Nhiều chuyên viên đồng ý rằng vai trò mà nước Mỹ sẽ đóng trong những năm sắp tới sẽ do chính người Mỹ quyết định, mà đó mới chính là thực chất, tinh túy của một chế độ dân chủ.



Nguon: http://www.voanews.com/vietnamese/news/world/is-the-united-states-still-number-one-08--19-11-128098118.html

Nhiều nước lớn đang đối mặt với dân số già nua - Philip Alexiou

Một số nền kinh tế hàng đầu thế giới đang phải đối diện với những khó khăn về ngân sách và dân số của họ ngày càng già đi.


Năm 1988, Nhật Bản có 8 trong 10 công ty lớn nhất thế giới, nhưng hiện nay Nhật không có công ty nào nằm trong 20 công ty hàng đầu thế giới. Trước năm 2050, Nhật có 44% dân số già hơn 60 tuổi, và ngay lúc này, Nhật đã là nước có nhiều người già nhất thế giới. 

Ông Barry Bosworth thuộc viện nghiên cứu Brookings của Mỹ nói rằng, đội ngũ lao động giảm sút sẽ gây khó khăn cho tăng trưởng kinh tế của Nhật, khi có thêm nhiều người tham gia hệ thống hưu bổng và chăm sóc sức khỏe. 

Tổng sản lượng nội địa, hay GDP, của Nhật không tăng trưởng kể từ thập niên 1960, và các khoản nợ của Nhật gấp đôi GDP của họ.

Tại Châu Âu tuổi thọ của dân chúng cũng cao hơn, và có sự giảm sút mạnh về sinh suất tại khu vực này. Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế nói rằng, hệ số người nghỉ hưu trên người lao động tại Châu Âu sẽ tăng gấp đôi vào trước năm 2050.

Đức là nền kinh tế lớn nhất Châu Âu, nhưng cũng là một quốc gia nữa có dân số già nua và ngày càng giảm sút. Là một lực thúc đẩy kinh tế tại Châu Âu, Đức cũng phải đối diện với tiềm năng thiếu hụt khoảng hai triệu công nhân có tay nghề cao trong vòng 10 năm nữa. Vào năm 2000, Đức đã mở cửa để các công nhân trẻ có tay nghề cao từ các quốc gia Châu Âu khác nhập cư, nhưng cho tới nay chỉ có một số nhỏ những người này tới Đức.

Hoa Kỳ mang gánh nặng nợ nần 140 ngàn triệu đô la, cũng có một dân số già nua. Khoảng năm 2030, những người 65 tuổi hay già hơn sẽ chiếm gần 20% dân số Mỹ. Và theo ông David Rosnick thuộc Trung Tâm Chính Sách Kinh tế và Khảo Cứu, thì Hoa Kỳ có một hệ thống chăm sóc sức khỏe rất tốn kém.

Theo ông Barry Bosworth thì sự kết hợp giữa vấn đề công nhân già nua với vấn đề nợ nần chồng chất có tác dụng tai hại đối với các nền kinh tế tiên tiến. Ông Bosworth nói Hoa Kỳ, Nhật Bản, và Liên Hiệp Châu Âu chắc sẽ tăng trưởng chậm hơn trong tương lai và nợ nần của Hoa Kỳ có thể gây trở ngại cho khả năng của nước này trong việc yểm trợ các công dân cao niên.

Mặc dầu là nền kinh tế lớn hàng thứ nhì thế giới, Trung Quốc cũng phải đối diện với vấn đề lực lượng lao động già nua. Chính sách mỗi gia đình chỉ có một con được đưa ra năm 1979 đã thực hiện được điều họ muốn là giảm bớt đà gia tăng dân số khoảng 300 triệu người. Nhưng theo ông Bosworth, chính sách vừa kể đã làm chậm lại số người trẻ bước vào lực lượng lao động, và kết quả là xã hội Trung Quốc sẽ bắt đầu già đi mau chóng trong những thập niên sắp tới.



Nguon: http://www.voanews.com/vietnamese/news/world/money-in-motion-aging-workforces-08-19-11-128100768.html