domain, domain name, premium domain name for sales

Thứ Ba, 8 tháng 5, 2012

Việt Nam cần có nhiều vụ phá sản hơn


Kinh tế Việt Nam đang trải qua một giai đoạn đặc biệt khó khăn. Tại cuộc họp báo thường kỳ của Chính phủ đầu tháng 4 vừa qua, trong Quý 1 đã có hơn 2200 doanh nghiệp làm thủ tục giải thể, hơn 9700 doanh nghiệp đăng ký ngừng hoạt động có thời hạn hoặc dừng nghĩa vụ thuế. Trong khi đó số thành lập mới là 15300 doanh nghiệp.
Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trước đây mỗi Năm Việt Nam có khoảng 5000 tới 7000 doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể, hoặc phá sản. Tới năm 2011, số doanh nghiệp rơi vào tình trạng này lên tới 10000 doanh nghiệp mỗi Quý.
Số lượng doanh nghiệp rơi vào tình trạng ngừng hoạt động nhiều như vậy nhưng số doanh nghiệp thực tế đệ đơn xin phá sản chỉ đếm trên đầu ngón tay. Số liệu từ Tòa Kinh tế TPHCM cho thấy cả năm 2011 chỉ thụ lý 11 vụ phá sản doanh nghiệp; trong khi chỉ hai tháng đầu năm 2012 Cục Thuế TPHCM công bố có đến trên 3.100 doanh nghiệp ngừng hoạt động.
Câu hỏi là tại sao lại có ít vụ phá sản như thế ở Việt Nam?
Được chia mất tự chịu
Đứng về góc độ kinh tế, hình thức doanh nghiệp trách nhiệm hữu hạn, và sau này là cổ phần, cùng với luật về phá sản là một sáng tạo độc đáo của loài người. Nó tạo ra một sân chơi mới rộng lớn và an toàn để tất cả mọi người có thể tham gia làm giàu cho mình và cho xã hội mà không phải lo mất trắng.
Mỗi cá nhân khi bước chân vào thị trường lao động thường có hai lựa chọn – hoặc là đi làm cho người khác để hưởng lương, hoặc trở thành một doanh nhân. Người ta chỉ chọn trở thành doanh nhân khi họ cho rằng thu nhập kỳ vọng từ công việc này cao hơn. Thu nhập kỳ vọng này bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, trong đó có các yếu tố về thị trường, khả năng của doanh nhân về ý tưởng, sản phẩm, năng lực triển khai, tài chính…, và các chính sách của nhà nước.
Trong trường hợp một doanh nhân thành công, thì không chỉ có doanh nhân này được hưởng lợi. Nhà nước và xã hội được lợi thông qua thu thuế. Người lao động được hưởng lợi thông qua việc có công ăn việc làm. Người tiêu dùng được hưởng lợi vì có sự lựa chọn sản phẩm hoặc dịch vụ đa dạng hơn. Thế nhưng khi một doanh nhân thất bại, nếu không có hình thức trách nhiệm hữu hạn và luật về phá sản, thì toàn bộ rủi ro từ hoạt động kinh doanh sẽ rơi xuống đầu doanh nhân đó. Nói các khác, rủi ro thì hưởng trọn, mà lợi ích thì phải chia ra.
Trong những trường hợp như vậy, số lượng người dám “liều” làm kinh doanh sẽ ít hơn mức tối ưu cho xã hội. Trên thực tế, phần lớn các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ thất bại sau một thời gian ngắn. Theo Cơ quan Quản lý Doanh nghiệp Nhỏ Hoa Kỳ (SBA), hơn 50% các doanh nghiệp mới thành lập sẽ biến mất trong vòng 5 năm. Một nghiên cứu khác của tạp chí Inc. và Hiệp hội Hỗ trợ Doanh nghiệp Quốc gia (National Business Incubator Association) cho thấy hơn 80% doanh nghiệp sẽ thất bại trong vòng 5 năm kể từ ngày thành lập. Thống kê ở New Zealand cũng cho thấy 53% số doanh nghiệp mới thành lập sẽ thất bại trong vòng 3 năm.
Luật về phá sản trở thành một công cụ bảo hiểm cho các doanh nhân. Nó giới hạn mức độ rủi ro mà các doanh nhân này phải gánh chịu trong trường hợp hoạt động kinh doanh bị thất bại. Trong trường hợp thất bại, những gì một chủ doanh nghiệp mất chỉ bị giới hạn trong số tài sản mà doanh nhân này bỏ ra trong doanh nghiệp. Vì thế, sau khi doanh nghiệp phá sản, doanh nhân vẫn có thể bắt đầu một doanh nghiệp mới trong trường hợp họ muốn tiếp tục theo đuổi công việc kinh doanh và chấp nhận chịu đựng rủi ro.
Chính vì phát minh ra công cụ bảo hiểm này mà hoạt động kinh doanh khắp thế giới mới bùng nổ. Rất nhiều nghiên cứu định lượng đã chỉ ra vai trò của luật này trong việc thúc đẩy hoạt động kinh tế. Thí dụ nghiên cứu của David M. Primo (giáo sư Đại học Rochester) và William Scott Green (giáo sư đại học Miami) cho thấy khi luật về phá sản cởi mở hơn thì hoạt động tự doanh sẽ tăng lên.
Được phá sản và bắt đầu lại từ đầu là một quyền lợi của chủ doanh nghiệp. Trong trường hợp của Việt Nam, quyền này được pháp luật thừa nhận. Thế nhưng trên thực tế thì rất hiếm khi quyền này được thực hiện. Như đã dẫn ở trên, số liệu từ Tòa Kinh tế TPHCM cho thấy cả năm 2011 chỉ thụ lý 11 vụ phá sản doanh nghiệp; trong khi chỉ hai tháng đầu năm 2012 Cục Thuế TPHCM công bố có đến trên 3.100 doanh nghiệp ngừng hoạt động.
Tại sao không phá sản được?
Có 4 lý do chính dẫn đến việc không có nhiều doanh nghiệp sử dụng hình thức phá sản ngay cả khi doanh nghiệp của họ đã kiệt quệ và không còn khả năng hồi phục.
Thứ nhất, luật pháp coi những chủ doanh nghiệp phá sản như những tội nhân. Theo quy định của pháp luật hiện nay, chủ doanh nghiệp phá sản và những người quản lý doanh nghiệp đó sẽ bị tòa ra quyết định không được quyền thành lập cũng như cấm đảm nhiệm các chức vụ quản lý doanh nghiệp từ một đến ba năm, kể từ ngày doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản.
Điều này trên thực tế mâu thuẫn với tinh thần của luật phá sản. Nó làm hỏng mất dụng ý ban đầu của các nhà làm luật. World Bank, trong một báo cáo năm 2005 có tựa đề “Doing Business in 2006: Creating Jobs” có viết “các luật (quá khó khăn) làm ngăn cản việc sử dụng quyền được phá sản.Và chúng làm giảm tinh thần kinh doanh: các nghiên cứu ở Mỹ cho thấy các doanh nhân thường thử nhiều lần trước khi có được thành công. Trừng phạt chuyện lừa đảo là đúng, nhưng phá sản là chuyện khác. Một doanh nhân có thể không gặp may hoặc mắc sai lầm. Con nợ phải phá sản bản thân họ đã phải đối diện với gánh nặng tâm lý rồi. Tại sao còn phải trừng phạt họ về mặt pháp luật nữa?
Thứ hai là ngay cả khi doanh nghiệp đã nộp đơn xin phá sản, trình tự và quy trình xử lý các hồ sơ xin phá sản ở Việt Nam quá mất thời gian và rất khó thực hiện. Trong tuyệt đại đa số trường hợp quá trình này kéo dài hàng năm, thậm chí nhiều năm trời. Thị trường mua bán nợ không phát triển khiến việc xử lý các khỏan nợ (có thế chấp) khi doanh nghiệp phá sản trở nên rất khó khăn, đặc biệt là khi nó liên quan đến nhiều chủ nợ.

Thứ ba là trong trường hợp phá sản, câu chuyện phá sản của một doanh nghiệp là câu chuyện dân sự, nhưng ở Việt Nam lại rất dễ dẫn tới hình sự. Một khi hồ sơ xin phá sản được đệ trình, các cơ quan nhà nước và các chủ nợ có thể đi vào rà soát tất cả hồ sơ giấy tờ và chứng từ của doanh nghiệp. Với tình trạng quản trị doanh nghiệp theo kiểu Việt Nam, việc sai phạm là khá phổ biến. Nhiều trong số các sai phạm này có thể khép vào các tội hình sự như lừa đảo, chiếm đoạt tài sản... Điều này khiến các chủ doanh nghiệp lo sợ và vì thế không dám nộp hồ sơ xin phá sản.
Thứ tư là các thông lệ hiện hành cũng khiến cho việc phá sản trở nên khó khăn. Thí dụ, các chủ nợ của doanh nghiệp trong phần lớn trường hợp cũng không muốn con nợ tuyên bố phá sản. Các chủ nợ thường tìm cách thu hồi vốn cho vay thông qua việc gây sức ép đối với chủ doanh nghiệp thông qua kiện tụng, quan hệ xã hội, chính trị, thậm chí trong một số trường hợp kể cả thế giới ngầm. Ngay cả nhiều khi biết không có khả năng thu hồi vốn cho vay, thì việc con nợ chưa phá sản vẫn dễ ăn nói hơn vì các khoản cho vay này trên giấy tờ vẫn còn giá trị. Thực tế dễ thấy là các ngân hàng thương mại ở Việt Nam trong những năm vừa qua liên tục phải cho các con nợ, đặc biệt trong lĩnh vực phát triển bất động sản, đảo nợ thay vì siết nợ để họ phải tuyên bố phá sản.
Các xác chết biết đi
Trên thực tế, việc không cho các doanh nghiệp đã hoàn toàn mất khả năng trả nợ phá sản là một việc hết sức nguy hiểm đối với nền kinh tế. Nó nguy hiểm ở nhiều góc độ:
Thứ nhất, đối với chủ doanh nghiệp và những người liên quan nó là việc kéo dài sự chịu đựng, thời gian, công sức, lo toan, nhiệt huyết vào một con đường mà họ biết là không còn lối thoát. Đây là một sự chịu đựng vô lý, hoàn toàn trái với tinh thần nhân đạo của luật phá sản. Và vì thế, nó cũng tạo ra sự phí phạm to lớn về nguồn lực và làm nản lòng những người muốn làm kinh doanh trong một môi trường rủi ro cao như ở Việt Nam.
Thứ hai, nó giam các nguồn lực nằm chết một chỗ thay vì hướng chúng vào các mục đích sử dụng có thể tạo giá trị gia tăng. Thí dụ, một doanh nghiệp sản xuất lâm vào tình trạng phá sản thì không còn khả năng sản xuất kinh doanh bình thường, và vì thế nguồn lực vật chất như thiết bị nhà xưởng của doanh nghiệp không được sử dụng tối ưu. Việc kéo dài sự tồn tại của doanh nghiệp này cũng đồng nghĩa với việc kéo dài tình trạng khai thác không hiệu quả các tài sản đó. Một doanh nghiệp bất động sản không còn vốn để xây tiếp dự án đang dở dang của họ sẽ khiến những người mua nhà phải chờ đợi vô lý, thời gian đưa vào sử dụng của dự án sẽ bị kéo dài vô hạn độ thay vì qua thủ tục phá sản, tài sản này được chuyển vào tay những chủ đầu tư có năng lực tài chính tốt hơn và có khả năng hoàn thành dự án sớm.
Thứ ba, nó kéo dài cơn mộng mị hoang đường của nhiều người, che dấu tình trạng thực sự của nền kinh tế, gây nên ảo tưởng là mọi chuyện vẫn ổn, bóp méo thông tin, và dẫn tới các khỏan đầu tư hoặc cho vay sai lầm. Câu chuyện này ở Việt Nam đặc biệt nguy hiểm, nhất là trong giai đoạn mà các nguồn lực đang cạn kiệt:
Rất nhiều doanh nghiệp trên thực tế không còn cách gì có thể khôi phục lại, nhưng vẫn được các ngân hàng bơm vốn và đảo nợ để kéo dài sự tồn tại. Đây là các khoản đầu tư sai lầm, gây phí phạm nguồn lực. Đến lượt nó, các khoản cho vay dưới chuẩn này lại tạo kéo lùi hệ thống ngân hàng, gây căng thẳng thanh khoản, đẩy nhiều ngân hàng vào tình trạng buộc phải có ứng cứu từ nhà nước. Khi nhà nước đứng ra cứu hệ thống ngân hàng, thì cũng là lúc nhà nước xã hội hóa tổn thất các khoản đầu tư kém hiệu quả của doanh nghiệp và ngân hàng.
Nói cách khác, việc không cho phá sản tạo ra các xác chết biết đi (zombies) và các zombies này tiếp tục gây ra các thiệt hại cho cả xã hội trên nhiều mặt và bằng nhiều cách. Để có một nền kinh tế thị trường lành mạnh thì các nguồn lực trong nền kinh tế phải được liên tục vận động đến những nơi có khả năng sử dụng chúng hiệu quả nhất thay vì bị kẹt cứng ở các điểm không hiệu quả. Nói một cách hình tượng, các doanh nghiệp đã lâm vào tình trạng phá sản cũng giống như các khối u phải được cắt bỏ càng nhanh càng tốt. Để càng lâu, các khối u này sẽ lan ngày càng rộng và hủy hoại cả cơ thể. Điều này đúng đối với nền kinh tế nói chung và cũng đúng với các chủ doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản nói riêng.
Nhiều người ở Việt Nam lo ngại rằng việc cho phá sản hàng loạt có thể tạo ra những đổ vỡ hệ thống. Điều này không phải là vô lý. Trên thực tế, ở rất nhiều nước, ngay cả Mỹ, có nhiều trường hợp được coi là “too big to fail” – tức là lớn quá không thể thất bại được. Trong trường hợp đó, các doanh nghiệp lớn này thường được chính phủ cứu. Thí dụ điển hình là trường hợp American Insurance Group (AIG) trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008-2009. Các quyết định cứu trợ này vẫn là một chủ đề gây tranh cãi và rất nhiều người, trong đó bao gồm cả các học giả nổi tiếng của Mỹ, lên tiếng phản đối các chương trình giải cứu này.
Thế nhưng câu chuyện ở Việt Nam hiện nay không phải là câu chuyện “too big to fail”. Không phải chỉ có các đại công ty được bảo vệ khỏi (hoặc không được phép) phá sản, mà ngay cả những công ty nhỏ và vừa cũng không được sử dụng quyền này trên thực tế. Trong khi các doanh nghiệp lớn thì được bơm tiền để cứu, các doanh nghiệp nhỏ hơn thì chủ doanh nghiệp nhiều khi phải chịu trách nhiệm gần như vô hạn – tức là phải bán tài sản cá nhân để giúp doanh nghiệp của mình trả nợ.
Trong thời gian tới, Việt Nam cần phải sửa đổi lại luật phá sản doanh nghiệp sao cho họat động phá sản phải trở thành một hoạt động bình thường trong nền kinh tế. Doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản có thể thực hiện được quyền phá sản của mình nhanh chóng và đơn giản. Các chủ doanh nghiệp không thành công trong một hoạt động kinh doanh nhất định cũng có thể nhanh chóng bắt đầu một hoạt động kinh doanh mới. Các chủ nợ cũng có cơ hội, và có thị trường, để định giá các khoản cho vay, và khi khách hàng phá sản, có thể nhanh chóng thu về phần tài sản còn lại và chuyển phần vốn còn lại này cho các khách hàng khác có khả năng kinh doanh tốt hơn vay.

Nguồn: 

Thứ Hai, 7 tháng 5, 2012

Thế giới sẽ chỉ còn 6 tập đoàn xe hơi



Sức ép giảm chi phí, tối đa lợi nhuận khiến các chuyên gia tiên đoán sẽ chỉ còn 6 tập đoàn sản xuất ôtô trên toàn cầu, trong khoảng 3 thập kỷ nữa.



Một mẫu xe Saturn, thương hiệu thuộc tập đoàn General Motors và đã bị khai tử từ 2009 do khủng hoảng. Người Mỹ cũng không còn cơ hội sở hữu Mercury, một thương hiệu của Ford. Ảnh: Saturn.

Theo phân tích của CNN, lợi ích không chia đều cho các hãng mà chảy về túi những "ông lớn" ở Bắc Mỹ, châu Âu, và châu Á, những người biết tận dụng quy mô tạo ra doanh số tối ưu. Các công ty này kỳ vọng mức tăng trưởng vượt bậc trong những năm tới. Nếu sử dụng sức mạnh khôn ngoan, họ sẽ trở thành hãng xe số 1.

CEO của liên minh Fiat-Chrysler, Sergio Marchionne nhìn thấy viễn cảnh của một cuộc chiến về cấu trúc giá đang ngày càng khốc liệt. Giải thích cho nguyên nhân sâu xa đằng sau việc thôn tính Chrysler vào năm 2009, theo quan điểm của Marchionne, các hãng xe cần đạt được doanh số 6 triệu xe mỗi năm nếu muốn thành công. Gần đây, ông tiết lộ thêm cần bán 10 triệu xe mỗi năm trên phạm vi toàn cầu để bước lên cấp độ mới về hiệu quả, giảm chi phí phát triển ở những khâu quan trọng.

Để đạt được mục tiêu Marchionne đưa ra, Fiat-Chrysler sẽ phải vượt 5 đối thủ đang dẫn trước. Đứng đầu là GM từng nắm ngôi vương của ngành trong hơn nửa thế kỷ. Renault/Nissan và Toyota trên đà phục hồi sau thảm họa thiên nhiên và những đợt triệu hồi đình đám. Hyundai lớn nhanh như thổi và một Volkswagen đầy tham vọng.

Ford hiện đứng sau Volkswagen và còn khoảng cách 1,2 triệu xe. Sự khác biệt thể hiện trong chính sách ở các giai đoạn phát triển mà mỗi hãng đang theo đuổi. Volkswagen sở hữu hàng loạt thương hiệu nổi tiếng, từ các dòng xe thương mại như Jetta và Passat đến siêu phẩm Bugatti. Ford từ bỏ một vài mục tiêu xa giống như Volvo, Jaguar-Land Rover, để hướng trọng tâm vào những chiếc xe con và xe tải chiến lược mang thương hiệu Ford. Kết quả tất yêu là việc thu hẹp quy mô.

Uy tín của các hãng xe sang như Mercedes hay BMW có thể bù đắp cho kích thước khiêm tốn của họ. BMW giàu có, nhưng quy mô chỉ bằng một phần tư GM. Một số công ty ở tầm trung như Peugeot, Honda, Suzuki, Mazda, Fuji và Subaru đang phải đối mặt với những bất lợi quan trọng về giá.

Quy mô chỉ là điều kiện cần nhưng chưa đủ. Kích thước tạo ra sự phức tạp, ngăn cản sự hỗ trợ khi lâm vào tình huống phá sản, GM là một minh chứng hùng hồn cho vấn đề đó. Chìa khóa để thành công là thực thi hiệu quả các nguồn lực để thu lời từ doanh số. Sản lượng lớn giúp các nhà sản xuất phân tán chi phí đầu tư công nghệ, phát triển sản phẩm tương tự như một phép chia số học.

VW và Toyotalà những hãng khôn ngoan trong việc sử dụng lợi thế quy mô để đạt sự hiệu quả. Từ các phần tử cơ bản, VW có thể xây dựng được 3 triệu xe, nhiều hơn bất kỳ công ty nào trên thế giới. Toyotaxuất sắc đứng vị trí thứ 2 trong việc sử dụng chung khung sườn.

Tương tự, GM đang cố gắng kiểm soát tài chính. Đã có thông tin tiết lộ rằng hãng sẽ giảm một nửa chủng loại khung sườn, từ 30 năm 2010 xuống 14 vào năm 2018. Động thái này được kỳ vọng sẽ tiết kiệm 1 tỷ USD mỗi năm, hầu hết trong số chúng là những chi phí công nghệ. Nhưng đó chỉ là một con số rất nhỏ so với VW, hãng đang phát triển một khung sườn xe khách đơn giản được gọi MQB, nhằm củng cố vững chắc 40 mẫu xe của 4 thương hiệu: VW, Audi, Skoda, và Seat. Dự kiến dự án sẽ tiết kiệm 20% chi phí phát triển sản phẩm và linh kiện, 30% trong thời gian sản xuất hàng loạt.

Để lớn hơn, nhiều nhà sản xuất xe hơi đang tìm cơ hội bắt tay nhau. Renault-Nissan mở rộng quan hệ với Daimler để sản xuất động cơ cho Mercedes tại nhà máy sản xuất hệ thống động lực ở Tennessee. Opel của Đức và Peugeot từ Pháp liên kết để phát triển khung sườn chung. Trong khi đó, Giám đốc Fiat Sergio Marchionne ganh tị đứng ngoài quan sát. Nhiều người cho rằng, ông đang tìm kiếm đối tác thứ 3, thậm chí là thứ 4 cho liên minh Fiat - Chrysler.

Không gấp rút hay vội vàng chính là sự khác biệt của Ford, rất khó khăn để dòng họ Ford từ bỏ quyền kiểm soát công ty. Honda cũng chẳng dễ gì từ bỏ con đường đã chọn. Toyota cũng muốn phát triển quan hệ "hữu cơ", nhưng hiện tại họ đang thành công với việc mở rộng thương hiệu con Lexus và Prius.



Sản lượng xe của các hãng theo dự báo của HIS.

Sự tương tác trong quá trình vận động và nhiều yếu tố khác được phản ánh trong dự báo của HIS vào năm 2020. Thực tế, thứ hạng của các công ty có thể thay đổi, 5 công ty đứng đầu sẽ kéo dài thêm đường chạy. Theo HIS, VW không đạt mục tiêu 10 triệu xe, nhưng sẽ duy trì khoảng cách 1,3 đến 1,7 triệu xe với Ford. Toyota dẫn trước Honda 3,8 triệu xe trong năm 2011 và sẽ là 4,4 triệu vào năm 2020.

Cuộc chiến cạnh tranh tất yếu dẫn đến sát nhập. Các chuyên gia dự đoán, thế giới sẽ chỉ còn 6 hãng xe sau 30 năm nữa. Điều đó hiện chưa xảy ra bởi chính phủ các nước vẫn đang giúp các công ty hoạt động tốt. Nhưng khi logic kinh tế điều khiển theo một hướng khác thì liệu Pháp, Italy có cần tới 3 công ty sản xuất ôtô độc lập. Những xáo trộn diễn ra gần đây, đặc biệt là khó khăn của nền tài chính đang dần biến lời tiên đoán đó thành hiện thực.

Theo Bảo Sơn 
vnexpress


Giải phóng mặt bằng: Mỹ khác Việt - Ted Langphair


Trước khi xây dựng một khu chung cư hoặc khu thương mại lớn, công ty phát triển bất động sản phải mua tất cả số đất trên đó các tòa nhà này sẽ mọc lên. Thông thường những vụ mua bán đó diễn ra một cách âm thầm vì nếu tin tức lọt ra ngoài, các chủ đất có thể tăng giá.

Thỉnh thoảng cũng có những người nhất định không chịu bán lại nhà đất của họ với bất cứ giá nào. Phần đông những người này được giới trong nghề gọi là những “ông bà già cổ hủ”, hoặc những “cái cọc gai”, hoặc “những người tử thủ.” 

Họ là những người có quá nhiều kỷ niệm với căn nhà hoặc cửa hàng đang có đến độ không chịu nổi khi phải chia tay chúng. Họ bám chặt lấy chỗ của mình, nên người Mỹ có cụm từ “những căn nhà đinh” hoặc “ngoan cố như đã đóng đinh.”

Xin giới thiệu một ví dụ cổ điển:

Vào thập niên 1960, công ty giải trí Disney kín đáo mua lại 11 hecta đất tại giữa bang Florida để xây một khu giải trí lớn. Nhưng có hai gia đình nhất định không chịu bán lại những lô đất đầm lầy của họ. Công ty Disney phải vẽ lại một hệ thống kênh thoát nước vòng quanh các lô đất đó, và cả hai khu đất cá nhân sở hữu vẫn còn trụ và nằm lọt thỏm trong khu giải trí Disney cho đến bây giờ.

Và cách đây ít năm, một cư dân thủ đô Washington đã từ chối món tiền nhiều triệu để bán lại căn nhà hai tầng loại liền vách mà ông ta dùng làm văn phòng hành nghề kiến trúc. Công ty phát triển xây dựng phải dùng xe đào đất đào sâu xung quanh 3 mặt nhà của ông. 

Người chủ đất này nói khi nào tòa nhà xây lên quanh nhà ông, ông sẽ mở một tiệm bán bánh pizza. Nhiều người chế nhạo ông, bảo rằng ông phải bán cả trăm ngàn bánh pizza mới bằng khoản tiền mà người ta đã đề nghị và ông đã từ chối. Cuối cùng ông chẳng mở tiệm pizza, và năm ngoái ông đã rao bán căn nhà với giá không bằng phân nửa số tiền mà công ty xây dựng đã đề nghị. Không rõ ông đã tìm ra người mua chưa.

Ở Mỹ, người phát triển nhà đất có thể dùng biện pháp gì đối với những chủ nhà đất cứng đầu đó? Một vài người nhờ tới chính quyền địa phương, để họ xếp dự án của mình vào loại “tái phát triển đô thị.” Bằng cách đó, các giới chức được trao thẩm quyền, theo luật gọi là “vùng quan trọng”, thường áp dụng trong những trường hợp xây dựng những khu công ích như đường xá... buộc người sở hữu nhà đất phải bán và dọn đi chỗ khác.
Nhưng nếu người phát triển nhà đất không vận động được chính quyền tham gia, thì cách kiện cáo đôi lúc cũng làm người chủ nhà bỏ cuộc. Lý do là người phát triển nhà đất thường có nhiều tiền để trả luật sư hơn là những cá nhân sở hữu nhà đất.

Thêm một điều nữa, rất nhiều công ty phát triển nhà đất cũng đã học được một điều, là mang một bà cụ già nhỏ nhắn ra trước tòa án chẳng phải là một ý tưởng hay ho gì, vì bà cụ và căn nhà nhỏ bướng bỉnh của bà nằm giữa khu nhà chọc trời có thể làm thẩm phán hoặc bồi thẩm đoàn mủi lòng và cho bà cụ thắng kiện.

Những nghề đã bị xóa tên hay sắp bị xóa sổ - Ted Lanphair

Những tiến bộ của thời buổi ngày nay đã khiến nhiều nghề hoàn toàn hay sắp bị xóa sổ tại Hoa Kỳ. Nghề sửa máy chữ là một. Và nghề thư ký đánh máy nữa. 

Còn một nghề cũng sắp, nhưng chưa, bị lui vào dĩ vãng: đó là nghề xuất bản sách tham khảo.

Trên toàn nước Mỹ, các tủ sách ở mọi nơi thường được chất đầy các bộ bách khoa tự điển và những pho sách dày cộm về sử, địa, luật, khoa học và các bộ tự điển để tra cứu nguyên ngữ và cách dùng từ ngữ. 

Nhưng ngày nay hầu hết những bộ sách như thế đã nằm yên trên kệ hàng tháng, có khi hàng năm mà không được một bàn tay nào đụng tới. Những bộ sách này đã trở thành những vật dụng mang tính cách lịch sử, một phần để trang hoàng phòng làm việc mà thôi. 

Nhưng không phải là người sử dụng chúng biếng lười không muốn giở sách ra tham khảo, mà cũng không phải nội dung của chúng giảm bớt giá trị. Như quý vị có thể đoán biết, người ta có thể tiếp cận thông tin chứa đựng trong các bộ sách đó chỉ trong tích tắc tại hàng trăm, có khi cả hàng ngàn, địa chỉ trên mạng internet. 

Lấy ví dụ, nếu quí vị muốn tìm những chi tiết về các tảng ong, quí vị không bị gò bó tìm hiểu chỉ trong bộ bách khoa tự điển, có lẽ đã được soạn cách nay 20 năm. Trên mạng, bạn có thể tiếp cận với vô số những tảng ong qua phương tiện điện tử để đọc hay xem cho đến khi mãn nhãn. 

Ngày nay số bán những bộ bách khoa tự điển chuyên môn, đắt tiền đã giảm quá phân nửa so với 10 năm trước. Nhưng sự kiện này không làm cho các nhà xuất bản phải dẹp tiệm. Họ đang bù vào số thua lỗ của việc in ấn sách bằng cách bán quyền sử dụng sách điện tử trên mạng, để ai cần phải đăng ký trả tiền sử dụng dài hạn, như các thư viện, các trường đại học, bệnh viện, và các văn phòng luật trên khắp thế giới. Tự điển bách khoa trên mạng được cập nhật thường xuyên và có thể điều chỉnh cho dễ đọc chứ không như các ấn bản. 

Những nhà xuất bản, còn gọi là những nhà sáng tạo nội dung các bộ sách tham khảo, chẳng có mấy chọn lựa nếu như họ muốn tiếp tục tồn tại trên thương trường. Và ít ra thì họ cũng tiết kiệm được rất nhiều chi phí cho những cơ sở như kho chứa sách, và đồng thời cứu được nhiều rừng cây khỏi bị đốn ngã để làm giấy in sách.



Nguồn: http://www.voanews.com/vietnamese/news/lifestyle/only-in-america-new-reference-sources-02-07-12-138907409.html