domain, domain name, premium domain name for sales

Thứ Tư, 2 tháng 11, 2011

MẶT DÀY, TÂM ĐEN, p4 - Chin Ning Chu


Lớn mạnh giữa những kẻ xảo trá và tàn nhẫn

Thực tế trong cuộc sống nếu bạn sống một cuộc đời với trái tim và ví tiền cùng để mở, bạn sẽ phải chịu thương tổn và mất cả ví tiền nữa. Một vị thánh bước trên đường với một cái ví tiền và đối với tên trộm thì việc “cuỗm” được cái ví và tiền trong đó sẽ quan trọng hơn là tìm hiểu cái ví của ai. Hơn thế nữa, ngoài việc bị trộm cái ví tiền thì tên trộm sẽ còn cướp cả niềm tin tốt đẹp của bạn vào cuộc sống và để lại cho bạn nỗi cay đắng trong lòng. Vì thế, sẽ rất quan trọng để nhận biết sự tồn tại của những điều tàn bạo và che chắn bạn khỏi tổn thương từ nó.


Những cách phòng tránh:

Hãy bảo vệ quyền lợi của bạn. Hãy nhận biết đúng giá trị và quyền lợi tương xứng của bạn và cố gắng bảo vệ chúng. Bởi nếu ngay cả bạn mà không muốn bảo vệ chúng thì sẽ không ai làm điều đó thay bạn cả. Thậm chí, khi bạn bênh vực cho bản thân thì cũng có những kẻ sẽ cố tình dìm bạn xuống để ngăn bạn không cản trở sự thăng tiến của họ. Ngoài ra, những ai biết giữ gìn quyền lợi của mình trong những việc ít quan trọng thì cũng có khuynh hướng bảo vệ quyền lợi của họ trong những vấn đề quan trọng hơn.

Hãy khéo léo truyền đi thông điệp “Đừng chèn ép tôi.” Cách thức mà một con chó học cách để phân biệt giữa những vị khách được chào đón và không được chào đón được đưa ra hành xử phổ biến trên thế giới là tất cả đều có khuynh hướng qụy lụy những kẻ giàu có quyền thế và chèn ép, xử sự hung bạo đối với những kẻ nghèo yếu. Tương tự như thế, những kẻ xảo trá và tàn nhẫn có khuynh hướng chung hay chọn những con mồi là những người cả tin, tử tế và đáng mến. Bởi vì những người này thường khao khát làm những điều tốt nhưng do sự ngây thơ, cả tin, nhút nhát… nên hành động của họ thường bộc lộ nhiều yếu điểm dẫn đến dễ bị lợi dụng.

Hãy tránh xa những kẻ xảo trá và tàn nhẫn. Đừng tham gia hay để liên quan đến những kẻ đó. Hoặc ngay cả nếu vì bạn kỳ vọng một lợi ích gì đó thì hãy làm chủ bản thân bằng cách dứt khoát dửng dưng, lãnh đạm với lòng tham của chính mình. Bởi khi đó bạn đang được lợi ích bằng cách dứt bỏ được những buồn đau, mất mát không cần thiết có thể có không sớm thì muộn trong tương lai.

Hãy giữ khoảng cách với những kẻ đánh cắp sự yên bình của bạn. Những kẻ này không nhất thiết là xảo trá hay tàn nhẫn mà chỉ đơn giản là làm bạn đau lòng. Sự bất mãn với cuộc sống, quan điểm sống lệch lạc khiến họ trở nên công kích đối với những người ở gần họ. Hành động của họ là tự phát và họ không thể tự kiểm soát được chúng. Vì vậy, dù rằng sau đó họ sẽ hối hận, nhưng hành động của họ sẽ lại tiếp diễn. Đó là những kẻ “giết người bởi ngàn nhát cắt”.

Bạn không cần được lòng tất cả. Loài người phức tạp và bạn không bao giờ biết chính xác khi nào thì hành động, lời nói của bạn bị coi là xúc phạm hay tôn vinh. Dù cho ý định của bạn là tốt hay xấu thì hành động của bạn sẽ được diễn giải theo cách tiếp nhận riêng của mỗi người khác nhau hơn là theo mong muốn của bạn.

Hãy lớn mạnh trong chính mình. Đó là một yếu tố đơn giản và quan trọng cần phải học trước khi lớn mạnh giữa những người khác. Một tinh thần khoẻ mạnh ở trong một thân thể cường tráng. Ngoài ra, tinh khí là phần quan trọng và quý giá của con người mà từ đó hoạt động của con người được sinh ra. Vì vậy, không nên hao phí một cách không cần thiết.

Và cuối cùng, hãy đừng mắc sai lầm bằng việc trở nên quá hăm hở rồi dẫn đến thái độ hung hăng. Bởi khi đó hành động của bạn sẽ dễ xúc phạm và gây tổn thương cho những người tốt bụng khác.


--- HẾT --- 

Người tóm lược: Vũ Thị Xuân Lan

MẶT DÀY, TÂM ĐEN, p3 - Chin Ning Chu


Hình mẫu một người thực hành Mặt Dày, Tâm Đen

Trong mỗi một hành động luôn có 2 mặt: mặt bên trong và mặt bên ngoài. Mặt bên trong là cái không thấy được, là sức mạnh thúc đẩy hành động nhìn thấy được của một người, cái biểu hiện ra bên ngoài.

Cụ thể hơn nghĩa là, một người tốt không nhất thiết phải luôn cư xử nhẹ nhàng. Đôi khi họ có vẻ tàn nhẫn, lạnh lùng và hờ hững. Ngược lại, có những kẻ luôn mang nụ cười trên mặt, một lớp vỏ ngụy trang bên ngoài để đóng vai là người tốt.

Thậm chí, đôi khi dáng vẻ bên ngoài và hành động của một người tốt có vẻ hung hăng, tàn ác, tự tôn nhưng bên trong anh ta là một trái tim thuần khiết. Trong khi đó, một thầy tu[1]có thể tỏ ra vô cùng nhân ái, dịu dàng nhưng mục đích thật duy nhất chỉ là tư lợi. Bởi đơn giản, một thầy tu nếu muốn thành công thì cần dựa vào sự ủng hộ của công chúng, trong khi một người tốt thì chỉ cần sống hoà hợp với chính mình, anh ta không cần tìm kiếm sự ủng hộ bên ngoài lắm.

Vì thế, đánh giá Mặt Dày, Tâm Đen vượt trên những tiêu chuẩn đánh giá thông thường của con người. Một người thực hành Mặt Dày, Tâm Đen là người hành động hoà hợp với cái toàn thể, hành động luôn có vẻ là tốt, đạo đức, vì lợi ích chung. Nhưng bản chất thực sự của hành động thì hành động phải phục vụ đúng như mục tiêu của anh ta mong muốn. Và người đó thực hiện hành động này mà anh ta cho là đúng và cần thiết mà không cần quan tâm đến những nhận xét đánh giá của người khác.


Nguyên tắc thực hành Mặt Dày, Tâm Đen

Để thực hiện tốt Mặt Dày, Tâm Đen, người thực hiện cần phải tuân thủ theo những nguyên tắc[2]sau:

  • Phá vỡ sự gò ép, ràng buộc của những quan niệm, tiêu chuẩn: hầu hết chúng ta được dạy từ bé là phần thưởng lớn nhất trong cuộc đời là nhận được sự tán thưởng bởi người khác thông qua thực hiện những hành động được cho là đúng và tốt. Khi lớn lên, chúng ta phát hiện ra “những hành động đúng và tốt” đó không phải lúc nào cũng thực sự đúng nghĩa của nó. Thế nhưng chúng ta không dám phản kháng, đối đầu mà trốn tránh vì tâm lý không muốn làm nhiễu loạn, đi ngược lại xu hướng chung. Rồi sau đó chúng ta tự nhủ rằng mình đã làm đúng và đã tránh được những rắc rối, xung đột không cần thiết. Thật ra, chúng ta không phải đang làm đúng, chúng ta chỉ đơn giản đang thực hiện cách dễ dàng nhất.
  • Có niềm tin vững chắc vào bản thân: Do những hành động thường mang tính đột phá, ra ngoài phạm vi truyền thống nên những người thực hành Mặt Dày, Tâm Đen cần phải có niềm tin vững chắc vào bản thân, mặc những phán xét của người khác để tiếp tục thực hiện hành động nhằm đạt mục tiêu của mình.
  • Dũng cảm, dám đối đầu, chấp nhận thất bại: hầu hết những suy nghĩ độc lập, ý tưởng mới hoặc những nỗ lực thông thường sẽ không được chào đón bằng sự tán thành mà bằng sự chế nhạo, hoài nghi, thậm chí bằng cả sự xúc phạm hung bạo. Vì vậy, ngoài việc có niềm tin vững chắc vào bản thân thì còn đòi hỏi phải có sự dũng cảm dám đối đầu để vượt qua những sợ hãi từ khó khăn, thử thách.
  • Hành động theo từng hoàn cảnh: Họ không có một khuôn mẫu hành động cụ thể nhất định nào. Có lúc nhún nhường, có lúc hống hách. Có lúc hiền lành, có lúc giận dữ. Có lúc dũng cảm, có lúc hèn nhát… Tóm lại là tùy theo hoàn cảnh mà họ sẽ điều chỉnh hành động sao cho thích hợp để đạt mục tiêu.
  • Hiểu rõ bản chất của sự vật, hiện tượng để đưa ra những nhận xét đúng đắn và chính xác. Ví dụ như phân biệt giữa đạo đức và sự phù phiếm giả tạo mang danh đạo đức. Thành công và thất bại, bởi đôi khi thành công đến trong buổi đầu qua hình hài của sự thất bại…



[1] Trong sách viết là “nhà tiên tri”, ở đây chuyển sang “thầy tu” cho phù hợp hơn ở Việt Nam.
[2] Trong sách phân chia ra 11 nguyên tắc, tuy nhiên sau khi đọc xong thì có thể tóm gọn ý lại gồm 5 nguyên tắc cơ bản


--- CÒN TIẾP ---

MẶT DÀY, TÂM ĐEN - Chin Ning Chu, p2


2.         Hình thức biểu hiện của Mặt Dày, Tâm Đen: trải qua 3 giai đoạn:


Giai đoạn 1: CHIẾN THẮNG BẰNG MỌI GIÁ

Như đã nói, đối với người Mặt Dày, Tâm Đen thì mục tiêu luôn là chiến thắng, hiệu quả của hành động mà họ không cần quan tâm đến cái giá của nó, coi thường sự phán xét, ý kiến khen chê của người khác.

Ở giai đoạn này thì sẽ chia làm 3 cấp độ:

  • Mức độ 1: dày như tường hào và đen như than. Đây là mức độ thấp nhất vì Tâm Đen như than nên bị người khác phát hiện thấy dễ dàng và từ đó bị lên án, chỉ trích, khinh rẻ bởi người khác, bị đâm thủng dù dày như tường hào. Điển hình của loại này là bọn ma cô, lừa đảo.

  • Mức độ 2: dày và cứng, đen và lấp lánh. Những người thuộc mức độ này tinh vi hơn mức độ 1. Họ chai lì hơn trước những lời chỉ trích nhờ những lớp vỏ bọc đáng kính của họ. Tâm của họ được đánh bóng bởi những lời hoa mỹ làm cho nó lấp lánh đẹp đẽ nên khó phát hiện hơn. Nạn nhân thường chỉ phát hiện ra khi đã bị lợi dụng.

  • Mức độ 3: dày đến mức vô hình, đen đến mức vô sắc. Đây là mức độ cao nhất. Những người đạt đến mức độ này đều là những kẻ tài năng xuất chúng. Họ làm cho người ta không thể phát hiện ra dù nạn nhân đã bị lừa dối. Họ có thể thuyết phục người khác tôn sùng họ như những người tài năng lỗi lạc và đức hạnh, để rồi sau đó họ nhẫn tâm theo đuổi những mục tiêu vì lợi ích riêng của bản thân. Điển hình loại này thường thấy ở các chính trị gia.


Giai đoạn 2: TỰ VẤN

Một quá trình tự nhiên của con người là khi hành động có kèm suy nghĩ. Suy nghĩ xem hành động đó sẽ có những ích lợi, hậu quả như thế nào sau đó. Một người thực hành Mặt Dày, Tâm Đen cũng vậy. Những người thực hành Mặt Dày, Tâm Đen mới chỉ trong giai đoạn thứ 1 thì họ cũng cảm thấy chút áy náy, đáng khinh đối với hành động của bản thân và ngay cả bản thân họ. Đó là quá trình tự vấn. Tự vấn bởi lương tâm.

Ở giai đoạn 2 này người thực hành Mặt Dày, Tâm Đen dễ tổn thương. Anh ta đang ở trạng thái hoài nghi, bối rối, tuyệt vọng và đôi khi chán nản, giận dữ, đau đớn. Anh ta khám phá ra nhiều tính cách “đáng khinh” trong chính bản thân như sự tham lam, ích kỷ, ganh ghét, ham muốn, lười biếng, đạo đức giả, vờ vĩnh… Đồng thời cùng lúc anh ta cũng bị dằn vặt, tranh đấu giữa việc thực hiện mục tiêu với việc khao khát, mong muốn làm người tốt, làm điều đúng. Anh ta nghĩ Mặt Dày, Tâm Đen chỉ dành cho những kẻ nham hiểm, xấu xa. Nhưng anh ta lại phân vân vì thấy nếu làm người tốt thì kinh nghiệm cho thấy thường người tốt luôn bị thiệt. Phần thưởng của việc làm điều tốt chỉ thông thường đơn giản là bản thân điều tốt đó mà thôi. Hoặc đôi khi thậm chí còn kéo theo cả tai hoạ…

Ở giai đoạn này, mặc dù anh ta có vẻ thảm hại và bị coi là suy sụp trong mắt người khác, nhưng bên trong bản thân mình, anh ta đang trải qua một sự biến đổi mạnh mẽ.


Giai đoạn 3: NGƯỜI CHIẾN BINH

Giai đoạn cuối cùng này là sự kết hợp của 2 giai đoạn trước.

Sau giai đoạn 2 ở trên, khi đã có sự quyết định và niềm tin vào hành động. Người thực hành Mặt Dày, Tâm Đen sẽ đi đến kết luận là nhu cầu chăm sóc bản thân còn quan trọng hơn những kỳ vọng mà người khác đặt ra. Nếu thực hiện những hành động “đáng khinh” thì ít ra cũng có cơ hội hơn là vẫn có được một cái gì đó dù có thể bản thân vẫn còn khổ tâm. Anh ta bớt căm ghét và bớt phán xét bản thân mình. Anh ta chấp nhận việc trở nên hoàn hảo nhưng vẫn tồn tại khiếm khuyết không đáng kể. Từ đó, anh ta trở nên bình thản và dũng cảm. Anh ta giữ một thái độ của người lính: thản nhiên và lạnh lùng. Anh ta xem cuộc đời đơn giản chỉ là một cuộc chiến và con đường duy nhất là cần phải chiến thắng trong cuộc chiến đó.

Người thực hành Mặt Dày, Tâm Đen lúc này sẽ thản nhiên chiến đấu với kẻ thù bên ngoài trong khi dũng cảm đối mặt với kẻ thù bên trong con người mình. Anh ta bình tĩnh, tự tin và khéo léo chấp nhận vượt qua trở ngại để thực hiện mục tiêu của mình. Không phải là anh ta không bị tác động bởi những thách thức khi ở trạng thái lạnh lùng đó, nhưng điểm chính là anh ta không để những cảm xúc đó cuốn anh ta theo, làm mất sự tập trung, để từ đó anh ta có thể tiếp tục dấn bước với sự tự tin và nguồn sức lực mới để thực hiện hành động của bản thân.

Khi một người thực hành Mặt Dày, Tâm Đen ở giai đoạn 3, người đó sẽ không còn cảm thấy sự chia cách hay mâu thuẫn giữa thế giới tinh thần và thế giới trần tục. Sức mạnh tinh thần sẽ trở thành một công cụ quan trọng giúp anh ta vượt qua những thử thách trong cuộc sống.


--- CÒN TIẾP ---

MẶT DÀY, TÂM ĐEN - Chin Ning Chu, p1


Mặt Dày, Tâm Đen mô tả quy luật bí mật của tự nhiên vốn chi phối cách hành xử của con người mà những người thành công ứng dụng. Nó đơn giản là nói về cách hành động, ứng xử, làm việc và làm thế nào để hành động đạt hiệu quả. Nó là một lý thuyết có tính thực dụng cao, có thể ứng dụng nếu con người có sự nỗ lực nào đó và được sử dụng cho cả mục đích tốt và xấu tùy theo người sử dụng nó.

Lý Tôn Ngô đã mô tả Mặt Dày, Tâm Đen phần nào trong cuốn Hậu Hắc Học của ông viết như sau:
Che giấu ý định của mình với người khác, đó là Hậu (Dày).
Áp đặt ý chí của mình lên người khác, đó là Hắc (Đen).


1.         Giới thiệu:

MẶT DÀY

Là một lớp vỏ để bảo vệ lòng tự trọng của ta khỏi sự chê trách của người khác.

Thông thường chúng ta có khuynh hướng tự ti nếu chưa thành công, và cho là đó là lỗi tại bản thân. Vì vậy, nếu muốn thành công thì phải hoàn thiện, thay đổi mình. Nhưng đối với người Mặt Dày thì anh ta luôn cho rằng mình là hoàn hảo, số 1. Anh ta có khả năng dẹp bỏ sự nghi ngờ tài năng chính mình, từ chối chấp nhận những thiếu sót, khuyết điểm mà người ta gán ghép cho anh ta. Hơn thế nữa, anh ta còn có khả năng đem suy nghĩ của bản thân cùng với sự tự tin tuyệt đối của mình để thuyết phục người khác rằng anh ta thực sự hoàn hảo. Kết quả cuối cùng là người khác cũng nhìn nhận xem anh ta là người hoàn hảo số 1 và tạo cơ hội để anh ta thành công.

Một người Mặt Dày không nhất thiết khi thuyết phục người khác thì phải quyết đoán, hung hăng hay khiêm nhường, trầm tĩnh mà họ thể hiện phong cách theo tùy hoàn cảnh yêu cầu.

TÂM ĐEN

Là khả năng hành động bất chấp hậu quả xảy ra cho người khác như thế nào mà chỉ quan tâm đến hiệu quả cho bản thân mình. Anh ta tập trung vào các mục đích của bản thân, sự hiệu quả, chiến thắng và phớt lờ cái hậu quả, giá của nó.

Hành động của họ có thể tàn nhẫn nhưng không nhất thiết là xấu xa mà đôi khi chỉ vì công việc, phận sự, trách nhiệm phải là như thế. Ví dụ một vị tướng khi ra trận cần phải chiến thắng kẻ thù, phải giết kẻ thù càng nhiều càng tốt. Việc giết người là tàn nhẫn nhưng nếu xét về phận sự của người lính khi phục vụ bảo vệ tổ quốc thì đó lại là hành động đúng, bắt buộc và là hành động dũng cảm.

Vì vậy, không thể thực hành Mặt Dày nếu không có Tâm Đen, cũng như không thể thực hành Tâm Đen mà không có Mặt Dày. Những người khi thực hành Mặt Dày, Tâm Đen thì cần phải có khả năng phớt lờ ý kiến khen chê, phán xét của người khác để thực hiện công việc của mình nhằm đạt được mục tiêu. Tùy theo hoàn cảnh mà có thể khi thì dựa nhiều vào Mặt Dày, khi thì dựa vào Tâm Đen.


--- CÒN TIẾP ---

Thứ Tư, 5 tháng 10, 2011

Lý thuyết phát triển, p4, Lý thuyết tân cổ điển


d)      Lý thuyết tân cổ điển
  • Lý thuyết tăng trưởng của Robert Solow:
    • Được đưa ra từ năm 1956, mô tả và giải thích sự tăng trưởng kinh tế trong dài hạn dựa vào những yếu tố như năng suất, tích lũy vốn, tỉ lệ tăng lao động và tiến bộ công nghệ. Mô hình còn có tên là Solow – Swan[1] hay mô hình tăng trưởng Ngoại sinh[2]. Đây cũng là mô hình cân bằng động có thể xây dựng theo khung thời gian rời rạc hay liên tục.
    • Mô hình được giả định rằng 2 yếu tố đầu vào lao động và vốn có thể thay thế cho nhau. Hàm sản xuất bị ảnh hưởng bởi quy luật năng suất biên giảm dần và doanh nghiệp hoạt động trên thị trường cạnh tranh hoàn toàn để giá cả bằng chi phí biên, tiền lương thực tế bằng giá trị sản phẩm biên của lao động, chi phí vốn thực bằng giá trị sản phẩm biên vốn nhằm tính toán mức độ đóng góp của mỗi nhập lượng vào quá trình tăng trưởng.
    • Solow cho rằng không chỉ vốn mà cả lao động và thay đổi công nghệ đều ảnh hưởng đến sản lượng đầu ra. Hơn thế, yếu tố công nghệ mới chính là yếu tố quyết định tăng trưởng kinh tế trong dài hạn. Do mức vốn tích lũy bình quân bị ảnh hưởng bởi 3 yếu tố: tiết kiệm bình quân, tốc độ tăng dân số, tỷ lệ khấu hao. Sinh lợi vốn sẽ giảm dần nên sau đó dù vốn tăng đều nhưng sản lượng Y tăng giảm dần. Cuối cùng đến mức tăng vốn nào đó (chỉ là giả định vì thực tế không thể nào tăng vốn mãi, vì cũng có những lúc kinh tế suy thoái) thì cũng không thể làm tăng sản lượng. Vì vậy, tích lũy vốn không thể duy trì tăng trưởng bền vững mà chỉ có tác dụng giúp mức sản lượng ở trạng thái dừng (trạng thái không còn tăng sản lượng được) cao hơn. Chính yếu tố công nghệ mới giúp tạo ra gia tăng vốn đầu tư, yếu tố quan trọng để tích lũy và tăng trưởng kinh tế, chứ không phải chỉ vốn ban đầu.

 




àMô hình dựa trên giả thiết sinh lợi vốn giảm dần nên nước nghèo sẽ phát triển nhanh hơn nước giàu và suất sinh lợi nước nghèo cũng vì vậy cao hơn nước giàu sẽ khiến cho dòng vốn chảy ra khỏi nước giàu. Vì lý do đó mà sẽ có sự hội tụ quốc tế về tốc độ tăng trưởng và thu nhập, nghĩa là khoảng cách giữa nước giàu và nghèo ngày càng thu hẹp để cuối cùng là không còn nữa. Tuy nhiên, do thiếu bằng chứng thuyết phục cũng như thực tế cho thấy khoảng cách giữa các quốc gia giàu và nghèo ngày càng tăng nên mô hình Solow sau đó bị từ bỏ.

  • Lý thuyết Tân cổ điển (New Classical School):
    • Hình thành vào cuối thế kỷ 19 bởi nhà kinh tế tiêu biểu Alfred Marshall.
    • Lý thuyết cho rằng khi khu vực công nghiệp thu hút lao động của khu vực nông nghiệp sẽ dẫn đến lao động nông nghiệp khan hiếm nên lương khu vực nông nghiệp tăng. Đồng thời sản lượng lương thực bị giảm, giá nông sản tăng và thu nhập của lao động khu vực công nghiệp sẽ không đủ chi tiêu và lương khu vực công nghiệp vì vậy cũng sẽ phải tăng theo.
    • Để khắc phục tình trạng trên thì phải đầu tư cho khu vực nông nghiệp ngay từ đầu giúp tăng năng suất, giảm áp lực tăng giá nông sản. Đối với công nghiệp phải đầu tư theo phát triển chiều sâu nhằm giảm áp lực cầu lao động.

 
   
  • Lý thuyết Tân cổ điển cải cách[3] (Neo Classical Counter Revolution): Hình thành vào thập niên 1980. Trường phái này đi ngược lại với Lý thuyết phát triển Quan hệ quốc tế khi cho rằng nguyên nhân nghèo khó và kém hiệu quả ở những nước đang phát triển không phải là do những nước giàu mà do sự can thiệp quá đáng vào thị trường cũng như sự tham nhũng của chính phủ những nước đang phát triển này. Trường phái cũng cho rằng để đạt hiệu quả và tăng trưởng kinh tế thì tốt nhất là nên để thị trường tự do vận hành và nên tư hữu hoá các doanh nghiệp quốc doanh, giảm sở hữu công cộng, bỏ hàng rào thuế quan và bảo hộ.

  • thuyết phát triển Nội sinh (Endogenous Growth Theory):
    • Mô hình được phát triển bởi Mankiw, Romer và Weil vào năm 1992 và là một trong những mô hình căn bản nhất chứng minh vai trò của vốn nhân lực.
    • Mô hình giải thích sự chênh lệch thu nhập giữa nước nghèo và nước giàu và cho rằng quá trình hội tụ về thu nhập giữa các nước chỉ xảy ra có điều kiện.
    • Ngoài biến số lao động thông thường và công nghệ, các giả định như mô hình Solow thì mô hình Nội sinh đưa vào thêm biến số đại diện cho vốn nhân lực vào hàm số tăng trưởng Cobb Douglas, với giả định hiệu suất không đổi theo quy mô.
    • Kết quả của mô hình là tại trạng thái dừng (steady state) của 2 quốc gia dù có cùng tỉ lệ tiết kiệm, tỉ lệ tăng dân số nhưng thu nhập của 2 quốc gia vẫn có thể khác nhau nếu có tích lũy vốn nhân lực khác nhau.


[1] Mô hình này cũng được 2 nhà kinh tế là Solow và T.W. Swan nghiên cứu độc lập nhau dựa vào số liệu thống kê thành tựu phát triển của nền kinh tế Mỹ.
[2] Do tăng trưởng kinh tế được cho là chủ yếu dựa vào những yếu tố Ngoại sinh, bên ngoài mô hình như tăng lao động và tiến bộ công nghệ.
[3] Còn dịch là Lý thuyết phát triển Cách mạng tân cổ điển




TÀI LIỆU THAM KHẢO

Nguyễn Trọng Hoài, Kinh tế phát triển, NXB Lao Động 2010
Đinh Phi Hổ, Kinh tế phát triển, NXB Thống Kê 2009
Đinh Phi Hổ, Kinh tế học Nông nghiệp bền vững, NXB Phương Đông 2008


Website



--- HẾT ---
Người tổng hợp & viết: Vũ Thị Xuân Lan
xuanlanvu@gmail.com

Lý thuyết phát triển, p3, Lý thuyết quan hệ quốc tế


c)      Lý thuyết quan hệ quốc tế: Mô hình này được sự ủng hộ rộng rãi nhất là của các học giả thuộc các nước nghèo vào thập niên 1970. Những mô hình này giải thích cho biết các nước nghèo luôn bị dính chặt và bị phụ thuộc vào các nước giàu. Có 3 mô hình điển hình:
  • Lý thuyết tân thuộc địa (Neocolonial Dependence Theory): Quan điểm cho rằng tình trạng khó khăn của các nước nghèo tồn tại là do sự bóc lột của các nước giàu và những nhóm thiểu số thống trị ở chính những nước kém phát triển. Lý thuyết này từ đó đã khuyến khích các cuộc đấu tranh giai cấp hay những phong trào cấp tiến để xây dựng lại xã hội và đòi hỏi những nước giàu không được can thiệp, kiểm soát các nước nghèo khác.
  • Mô hình mẫu sai (the False Paradigm Model): cho rằng sự kém phát triển ở các nước nghèo là do nhận được tư vấn sai, không phù hợp của các chuyên gia. Sự không phù hợp này chủ yếu là do các chuyên gia đến từ những nước phát triển nên không có kinh nghiệm thực tế của chính những nước nghèo hay kể cả những chuyên gia được những chính phủ nước nghèo cử đi đào tạo thì cũng được trang bị những kiến thức không phù hợp để áp dụng, từ đó đưa ra những chính sách sai lệch, không hiệu quả.
  • Luận đề phát triển đối ngẫu (the Dualistic Development Thesis): còn gọi là lý thuyết Nhị Nguyên. Lý thuyết này chỉ ra sự đối nghịch giữa 2 hình ảnh tương phản, nước giàu và nước nghèo, người giàu thống trị hay những thị dân và người dân nghèo hay dân ở nông thôn. Lý thuyết này cũng chỉ ra hiện tượng trên sẽ tồn tại dai dẳng chứ không chỉ có tính chất nhất thời, chuyển giai đoạn trong giai đoạn đầu của quá trình phát triển kinh tế. Và khoảng cách giữa các tầng lớp, quốc gia sẽ có xu hướng tăng lên, đặc biệt khi các nước giàu chứng tỏ cho thấy sẽ chẳng làm gì để nâng đỡ các nước nghèo.
--> Lý thuyết quan hệ quốc tế này nhấn mạnh vào sự bất bình đẳng trong quyền lực thế giới mà không chú trọng đến chỉ tiêu đánh giá tăng trưởng kinh tế qua GDP hay GNP. Lý thuyết gợi ý rằng để giảm bớt sự bất bình đẳng, nhất thiết phải có những cải cách căn bản về kinh tế, chính trị, thể chế trong nước và cả quốc tế. Và vì vậy, sở hữu công cộng sẽ là phương thức hữu hiệu để giúp giảm bất công, đói nghèo, nâng cao phúc lợi cho đại đa số dân chúng trong xã hội.



--- CÒN TIẾP ---

Lý thuyết phát triển, p2, Lý thuyết chuyển dịch cơ cấu


b)      Lý thuyết chuyển dịch cơ cấu: còn gọi là lý thuyết 2 khu vực, vì liên quan đến 2 khu vực nông nghiệp truyền thống và khu vực công nghiệp hiện đại[1]
  • Lý thuyết phát triển của Lewis (1950) (Dual-Sector Model) :
    • Lý thuyết ban đầu được đưa ra bởi Lewis nhưng sau đó được phát triển và bổ sung thêm bởi John Fei và Gustav Ranis. Mô hình này được ứng dụng nhiều vào những năm thập niên 1960 - 1970.
    • Lý thuyết cho rằng nền kinh tế của những nước kém phát triển luôn tồn tại 2 khu vực căn bản, với:
      • Khu vực nông thôn truyền thống: tập trung phần lớn lao động trong dân nhưng lại không làm tăng sản lượng, nghĩa là đang trong tình trạng dư thừa lao động và năng suất biên bằng không.
      • Khu vực thành thị công nghiệp hiện đại: với đặc trưng nếu có lao động tăng thêm thì sẽ làm tăng sản lượng. Do năng suất khu vực hiện đại cao nên tiền lương lao động cao hơn và sẽ thu hút lao động dư thừa của khu vực nông nghiệp truyền thống. Quá trình cứ liên tục diễn ra cho đến khi lượng lao động dư thừa được thu nhập hết và khi đó lương của 2 khu vực sẽ cân bằng, không còn khuyến khích sự di chuyển lao động nữa. Sự chuyển đổi cơ cấu của nền kinh tế được thực hiện bằng cách tích lũy dần và chuyển từ nền kinh tế nông nghiệp truyền thống sang nền công nghiệp thành thị hiện đại.
àMô hình phát triển của Lewis đơn giản với giả định là khi khu vực công nghiệp hiện đại phát triển và toàn bộ vốn sẽ được tái đầu tư và tỉ lệ tạo công việc làm mới sẽ được tạo ra tương ứng, mà không tính đến trường hợp khi lợi nhuận nhà tư bản được tái đầu tư để mua máy móc thiết bị có tính chất tiết kiệm lao động. Bởi khi đó dù đầu tư tăng, khu vực hiện đại vẫn tăng trưởng nhưng đường cầu lao động sẽ vẫn giữ nguyên không thay đổi. Ngoài ra, thực tế cho thấy khu vực nông thôn chỉ dư thừa lao động đặc biệt vào ngày nông nhàn và có thất nghiệp đồng thời cả ở nông thôn và thành thị. Thêm nữa, giả định tiền công của khu vực công nghiệp là không luôn cố định, cũng như lao động cũng không đồng nhất về chất lượng giữa nông thôn và thành thị.

  • Chenery: Ông rút ra những kết luận sau khi quan sát và phân tích số liệu của nhiều quốc gia về cơ cấu kinh tế và thu nhập sau khi nền kinh tế tăng trưởng như sau:
    • Nền kinh tế có sự dịch chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang sản xuất công nghiệp, nghĩa là giá trị đóng góp của công nghiệp vào nền kinh tế tăng dần và của nông nghiệp giảm dần. Nhưng tỷ trọng sản lượng nông nghiệp giảm chỉ mang giá trị tương đối chứ không có nghĩa là giá trị tuyệt đối[2].
    • Thay đổi cơ cấu được chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn trước hay giai đoạn kém phát triển, khi thu nhập bình quân của người dân ít hơn 600USD, nền kinh tế phụ thuộc vào nông nghiệp. Giai đoạn sau hay giai đoạn chuyển tiếp của phát triển, khi thu nhập trên 600USD nhưng dưới 3.000USD, nền kinh tế phụ thuộc vào sản xuất công nghiệp.
    • Cùng lúc đó, người dân chi tiêu ít hơn cho lương thực nên tỉ lệ đóng góp của khu vực sản xuất lương thực cho tăng trưởng kinh tế ít đi mà đóng góp của khu vực phi lương thực sẽ tăng lên.
    • Hiện tượng đô thị hoá gia tăng. Những người ở thành thị có thu nhập cao hơn ở nông thôn tạo ra hiện tượng di dân từ nông thôn ra thành thị. Tỉ lệ sinh và tử vong giảm dần.
àMô hình của ông do mang tính bình quân nên đã đơn giản hoá và loại bỏ những yếu tố đặc biệt riêng của từng quốc gia, mà chính những điểm khác biệt này tạo ra những thuận lợi cho sự phát triển của quốc gia đó. Thông thường những nước lớn giàu tài nguyên và đông dân như Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil sẽ có lợi thế kinh tế về quy mô và cầu không bị ảnh hưởng nhiều vào thị trường quốc tế. Song những quốc gia nhỏ hơn như Singapore, Đài Loan do có nhu cầu thị trường nội địa nhỏ nên phải phụ thuộc vào cầu quốc tế để kích thích tăng trưởng kinh tế.


[1] Tham khảo thêm các mô hình, lý thuyết tăng trưởng khác trong Kinh tế nông nghiệp
[2] Nghĩa là Tỷ lệ phần trăm giảm đi, nhưng con số cụ thể, giá trị tuyệt đối thì vẫn tăng lên.


--- CÒN TIẾP ---

Lý thuyết phát triển, p1, Lý thuyết tăng trưởng tuyến tính


a)      Lý thuyết tăng trưởng tuyến tính
  • Lý thuyết cất cánh (The take off) của W. Rostow (1950): ông cho rằng quá trình phát triển kinh tế xã hội đều phải trải qua 5 giai đoạn phát triển tuần tự. Giai đoạn sau sẽ kế thừa vốn tích lũy, những tiến bộ kỹ thuật và lao động của giai đoạn trước đó.
    • Giai đoạn xã hội truyền thống (The traditional Society): ngành nông nghiệp giữ vai trò thống trị trong nền kinh tế. Năng suất lao động thấp, trình độ kỹ thuật còn thô sơ, kém phát triển.
    • Giai đoạn chuẩn bị cất cánh (Precondition for the take off / Transition Stage): tồn tại song song cả 2 khu vực nông nghiệp truyền thống và công nghiệp hiện đại. Xuất hiện của tầng lớp doanh nhân, những người sẵn sàng mạo hiểm trong đầu tư vào các kỹ thuật mới để tạo ra năng suất cao hơn.
    • Giai đoạn cất cánh (Take off): nền kinh tế sẽ xuất hiện các ngành mũi nhọn, tăng trưởng nhanh chóng và vượt lên so với những ngành khác. Các ngành mũi nhọn đó cũng đồng thời thúc đẩy kéo theo những ngành khác cùng phát triển. Công nghệ mới và phương pháp sản xuất mới được ứng dụng vào sản xuất giúp tăng năng suất. Lợi nhuận tăng thêm của các chủ doanh nghiệp sau đó cũng được tích lũy cho tái đầu tư. Cầu trong giai đoạn này cần được khuyến khích để hỗ trợ nền kinh tế tăng trưởng. Giai đoạn này được cho kéo dài khoảng 20 đến 30 năm.
    • Giai đoạn trưởng thành (Drive to Maturity): tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế tương đối ổn định, nhưng chú trọng vào phát triển công nghiệp nặng. Tỉ lệ tiết kiệm và đầu tư tăng cao hơn giai đoạn trước, GDP bình quân tăng nhanh. Nhu cầu xuất nhập khẩu tăng mạnh. Giai đoạn này được cho kéo dài khoảng 60 năm.
    • Giai đoạn tiêu dùng cao (High Mass Consumption): hoạt động của giai đoạn trưởng thành được tiếp tục duy trì và năng suất cao hơn tốc độ tăng dân số để đảm bảo tiêu dùng khối lượng lớn, do dân số tăng và thu nhập tăng khiến nhu cầu sử dụng hàng hoá tăng. Trình độ phát triển công nghệ kỹ thuật và lao động cao. Các chính sách kinh tế chủ yếu hướng vào nâng cao phúc lợi xã hội. Giai đoạn này được cho là kéo dài nhất, khoảng 100 năm.
àLý thuyết của ông được cho là quá đơn giản vì đã bỏ qua các vấn đề quan trọng như sự chuyển tiếp giữa các giai đoạn, quá chú trọng vào vốn đầu tư mà bỏ qua các yếu tố như thể chế chính trị, quan hệ quốc tế…

  • Lý thuyết tăng trưởng của Harrod – Domar (1940[1]):
    • Đây là mô hình do 2 nhà khoa học Harrod & Domar nghiên cứu độc lập nhau. Mô hình cho rằng nguồn gốc của tăng trưởng kinh tế là nhờ vốn tích lũy từ tiết kiệm quốc gia. Sự thay đổi lượng vốn đầu tư sẽ ảnh hưởng đến sản lượng đầu ra của quốc gia.
    • Đặt Hệ số xác định mối quan hệ tỷ lệ giữa thay đổi vốn với đầu ra gọi là ICOR – Incremental Capital Output Ratio – hệ số gia tăng vốn và đầu ra. Ta có:


 
àVậy tốc độ tăng trưởng gY tỉ lệ thuận với tỉ lệ tiết kiệm quốc gia và tỉ lệ nghịch với hệ số gia tăng vốn đầu ra ICOR.

  • Lý thuyết tăng trưởng của Kaldor:
    • Ông cho rằng nguồn gốc tăng trưởng không chỉ là gia tăng vốn sản xuất mà còn phụ thuộc vào sự phát triển của công nghệ.




  • Lý thuyết tăng trưởng của Sung Sang Park: quá trình tăng trưởng kinh tế phụ thuộc vào quá trình tích lũy vốn và tích lũy công nghệ. Tích lũy vốn được thực hiện liên tục nhờ đầu tư, còn tích lũy công nghệ phụ thuộc vào đầu tư nguồn nhân lực.
àKhác với Kaldor, Park đã giải thích được nguồn gốc của tăng trưởng nhờ tích lũy công nghệ là do đầu tư vào nhân lực. Đây là gợi ý quan trọng cho các nước đang phát triển khi chỉ tập trung đầu tư vào máy móc sản xuất thời đó mà bỏ quên yếu tố con người.


[1] Vào khoảng thập niên 1930 - 1950


--- CÒN TIẾP ---

Chỉ tiêu đo lường


Các chỉ tiêu đo lường
a)      Chỉ tiêu kinh tế
  • Tổng sản phẩm quốc nội (GDP): là tổng giá trị hàng hoá dịch vụ cuối cùng được sản xuất ra tại một lãnh thổ quốc gia (tính theo địa điểm vùng quốc gia) trong khoảng thời gian thông thường là một năm.[1]
  • Tổng sản phẩm quốc dân (GNP): là tổng giá trị hàng hoá dịch vụ cuối cùng được sản xuất ra bởi người dân của quốc gia đó bất kể không gian họ ở đâu (tính theo quốc tịch) trong khoảng thời gian thông thường là một năm.[2]
  • Mức tổng sản phẩm tính theo đầu người: còn gọi là mức thu nhập bình quân đầu người (Per Capita Income – PCI), bằng tổng sản lượng nền kinh tế (có thể là GNP hay GDP) chia cho tổng số dân của quốc gia.
  • Tốc độ tăng trưởng kinh tế: được tính bởi hiệu số của giá trị THỰC của tổng sản lượng quốc gia (có thể là GNP hay GDP) cuối kỳ (năm sau) với đầu kỳ (năm trước) và chia cho đầu kỳ.[3]
  • Các chỉ tiêu đánh giá năng lực cạnh tranh của quốc gia (Growth Competitive Index – GCI) hay còn gọi là chỉ số năng lực cạnh tranh quốc gia, là hệ thống chỉ số phân làm 9 nhóm: thể chế, kết cấu hạ tầng, kinh tế vĩ mô, y tế và giáo dục, đào tạo và giáo dục bậc cao, hiệu quả thị trường, mức độ sẵn sàng về công nghệ, trình độ kinh doanh, đổi mới và sáng tạo, được tính toán bởi WEF.[4] Ngoài ra, ở Việt Nam có chỉ số khác để đánh giá năng lực cạnh tranh giữa các tỉnh thành là PCI, do Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam VCCI và Dự án Nâng cao Năng lực Cạnh tranh Việt Nam VNCI[5].
  • Chỉ tiêu về liên kết – hội nhập kinh tế qua tỷ trọng giá trị xuất nhập khẩu hàng hoá, dịch vụ, tổng đầu tư khu vực tư nhân từ nước ngoài, đầu tư trực tiếp của nước ngoài FDI so với GDP.[6]
b)     Chỉ tiêu văn hoá – xã hội:
  • Tỉ lệ thất nghiệp: cho biết tỉ lệ người muốn làm việc nhưng không có việc làm.
  • Tỉ lệ tham gia lực lượng lao động: cho biết phần trăm dân số trưởng thành trong độ tuổi lao động trên toàn quốc.
  • Chỉ tiêu đo lường nghèo đói và bất bình đẳng: đo lường bởi thu nhập bình quân, nếu ít hơn 2 USD/ngày là thuộc diện nghèo[7] hoặc năng lượng của khẩu phần ăn ít hơn 2.100 calo/ngày.
  • Chỉ số phát triển con người HDI[8]: đo lường tổng quát về sự phát triển của con người ở các mặt tuổi thọ trung bình, trình độ học vấn, thu nhập.
  • Chỉ số phát triển giới GDI[9]: phản ánh sự bất bình đẳng giữa nam và nữ theo các tiêu chí tuổi thọ trung bình, trình độ học vấn, thu nhập.
c)      Chỉ tiêu môi trường
  • Chỉ số đánh giá chất lượng môi trường theo Hệ thống Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (MDGs)[10]: được các tổ chức quốc tế phối hợp với các quốc gia để tính toán và đánh giá thành tựu tiến bộ môi trường, qua các chỉ số tỉ lệ diện tích rừng, diện tích bảo tồn đa dạng sinh học, năng lượng sử dụng, lượng thải CO2 bình quân, tỉ lệ dân số sử dụng nhiên liệu rắn như than củi, tỉ lệ dân được tiếp cận với nước sạch, hay hưởng điều kiện vệ sinh môi trường, tỉ lệ hộ gia đình tiếp cận với dịch vụ nhà ở an toàn.
  • Chỉ số Môi trường bền vững (Environmental Sustainability Index – ESI): là chỉ số tổng hợp  được xây dựng bởi các chuyên gia của Đại học Yale và Columbia, Mỹ sau khi tính điểm của 21 chỉ số như mức thải SO2, tỷ lệ rừng, mức tiêu thụ than đá….[11]


[1] Xem thêm ở Vĩ mô
[2] Xem thêm ở Vĩ mô
[3] Xem thêm ở Vĩ mô
[7] Tiêu chuẩn của Việt Namthấp hơn, là dưới 2.000.000 triệu đồng / năm / người



TÀI LIỆU THAM KHẢO

Nguyễn Trọng Hoài, Kinh tế phát triển, NXB Lao Động 2010
Đinh Phi Hổ, Kinh tế phát triển, NXB Thống Kê 2009
Đinh Phi Hổ, Kinh tế học Nông nghiệp bền vững, NXB Phương Đông 2008


Website



Người tổng hợp: Vũ Thị Xuân Lan
xuanlanvu@gmail.com