domain, domain name, premium domain name for sales

Thứ Ba, 31 tháng 5, 2011

50 nhà kinh tế tiêu biểu - Steven Pressman, p6, DAVID HUME

DAVID HUME (1711 – 1776)

Ông là một nhà triết học nổi tiếng thế giới, người đã cho rằng sự hiểu biết chỉ có thể xuất phát từ kinh nghiệm. Những đóng góp cho kinh tế học bao gồm sự phân tích tác động của tiền lên nền kinh tế và nền thương mại giữa các quốc gia. Ông được xem như là nhân vật chuyển tiếp quan trọng giữa trường phái trọng thương và các nhà kinh tế cổ điển Anh, những người sẽ tiếp bước ông.

Hume sinh ra ở Edinburgh, Scotland vào năm 1711. Cha ông là một quý tộc nhưng mất khi ông còn nhỏ. Tuy sống với mẹ nhưng do cha ông để lại rất nhiều tiền nên ông vẫn được hưởng nền giáo dục tốt, chủ yếu qua gia sư. Sau đó ông đăng ký học ở đại học Edinburg, nghiên cứu về văn học cổ của Hy Lạp – La Mã. Tuy nhiên, sau đó ông quyết định thôi học, sang Pháp và trở thành một nhà triết học vĩ đại.

Không kiếm được một chỗ giảng dạy tại bất kỳ trường đại học nào tại Scotland nên ông chấp nhận làm gia sư cho Hầu tước Annandate vào năm 1745. Vài năm sau đó ông làm thư ký cho một đại tướng quân đội. Năm 1752, ông được thuê làm thủ thư tại Thư viện Advocate ở Edinburg, giúp ông tiếp cận nhiều với sách vở. Thành quả là những tác phẩm triết học phi thường cùng với pho Lịch sử nước Anh gồm 6 tập (1757-1762). Năm 1763, ông trở thành Thứ trưởng Bộ Ngoại giao và sau đó 2 năm thì quay về Edinburg. Ông mất tại Edinburg vào năm 1776.

Những đóng góp của ông cho kinh tế học:
  • Theo ông, lãi suất được quyết định bởi cung và cầu về tiết kiệm. Tiết kiệm nhiều hơn sẽ làm giảm lãi suất và cho phép thương nhân vay mượn nhiều hơn để mở rộng sản xuất, giúp kinh tế tăng trưởng. Tiết kiệm ít hơn sẽ có tác động ngược lại.
  • Ông phân tích cơ chế luồng tiền như sau khi cung tiền của nền kinh tế tăng:
o     Trong ngắn hạn do giá cả không thay đổi ngay nên khi có nhiều tiền, tiêu dùng tăng và các thương nhân sẽ mở rộng sản xuất, việc làm gia tăng nhiều hơn. Cho nên dù giá cả có tăng chút ít thì lạm phát này vẫn tốt[1] vì nó làm tăng lợi nhuận kinh doanh, kích thích tăng trưởng kinh tế.
o     Tuy nhiên, trong dài hạn, đến một lúc nào đó thì tăng công việc dẫn đến tăng tiền công[2] và đến một lúc nào đó dù cầu vẫn tăng nhưng sản xuất không tăng để đáp ứng kịp dẫn đến giá cả tăng vọt. Sản xuất lúc này bắt đầu giảm xuống và kéo theo thất nghiệp gia tăng.
o     Đối với thương mại quốc tế. Khi giá cả hàng hoá trong nước gia tăng, khiến cho hàng hoá nước ngoài trở nên rẻ hơn[3] thì quốc gia bị thâm hụt thương mại, khiến cho lượng tiền trong nước giảm xuống, chi tiêu sẽ ít hơn nên giá trong nước sẽ giảm. Mất cân đối thương mại vì thế sẽ không kéo dài. Nước thặng dư thương mại sẽ có cung tiền tăng và trải qua lạm phát, điều này có xu hướng làm giảm thặng dư thương mại của họ. Ngược lại, nước có thâm hụt thương mại sẽ có cung tiền và giá cả giảm, giúp làm giảm thâm hụt thương mại của họ. Và từ đó lượng vàng trong nước sẽ cân bằng, nhập khẩu bằng xuất khẩu.
  • Ông cũng cho rằng thương mại có ích với cả các nước nghèo và nước giàu. Nước nghèo có thể tăng trưởng và phát triển, mức sống của họ sẽ theo kịp những nước láng giềng và đối tác thương mại giàu có hơn là do có sự chuyển giao công nghệ từ những nền kinh tế phát triển sang nền kinh tế kém phát triển hơn.[4] Còn bản thân các nước giàu có lợi là nhờ xuất khẩu bán hàng hoá ở những nước nghèo đó. Với lập luận đó, ông ủng hộ tự do thương mại và phản đối hạn chế trao đổi giữa các quốc gia theo kiểu trường phái trọng thương.


[1] Điều này hiện nay cũng được nhiều nhà kinh tế học đồng ý và cả số liệu thống kê cũng cho thấy rõ điều đó. Khi lạm phát thấp thì kích thích tăng trưởng kinh tế, nhưng nếu tăng quá cao, trên 2 con số thì kinh tế sẽ đi xuống.
[2] Thời này đầu vào chỉ được nhấn mạnh yếu tố lao động. Ngay cả lý thuyết lợi thế so sánh của Ricardo sau đó vài thập kỷ cũng chỉ nói về yếu tố lao động đầu vào.
[3] Do chi phí đầu vào của hàng hoá nước ngoài rẻ hơn
[4] Lý luận này đến nay vẫn được sử dụng, tuy nhiên vẫn còn nhiều tranh cãi với lập luận tương tự của Gunnar Myrdal. Xem thêm trong Kinh tế học quốc tế, Lý thuyết ‎ngoại thương.


--- CÒN TIẾP ---

50 nhà kinh tế tiêu biểu - Steven Pressman, p5, FRANCOIS QUESNAY

FRANCOIS QUESNAY (1694 – 1774)

Ông nổi tiếng là người sáng tạo ra mô hình kinh tế đầu tiên, Biểu kinh tế (Tableau Economique) và là người đứng đầu trường trái Trọng nông. Chính sách Thị trường tự do (Laissez-Faire) và phản đối của ông đối với việc đánh thuế khu vực sản xuất được các nhà kinh tế bảo thủ đánh giá cao. Ông cũng đã chỉ ra được tầm quan trọng của thặng dư kinh tế trong sản xuất.

Quesnay sinh năm 1694 trong một gia đình có cha là nông dân và là chủ cửa hàng nhỏ. Vì thế ông không được giáo dục một cách chính thống. Nhưng Quesnay là một người ham mê sách và thường đến Paris để mua các cuốn sách cũ của Plato và Aristotle.

Vào năm 17 tuổi, ông quyết định trở thành nhà giải phẫu. Mặc dù không thích máu nhưng ông vẫn tiếp tục nghiên cứu y khoa. Năm 1717, ông vượt qua kỳ thi về y học và được cấp chứng chỉ để sau đó mở một trạm y tế trong làng. Sau khi xuất bản vài cuốn sách về y học, ông trở nên nổi tiếng. Năm 1735, ông được mời làm bác sĩ riêng cho Công tước của Villeroy. Năm 1744, ông nhận bằng tiến sĩ y học và trở thành thành viên của Hội khoa học Pháp. Sau đó 5 năm, ông đến sống ở Versaille làm bác sĩ riêng cho bà Pompadour, người tình của vua Louis 15, đồng thời làm cố vấn y tế cho nhà vua.

Vào khoảng năm 55 tuổi, ông trở nên quan tâm đến kinh tế học và toán học. Với hiểu biết và mối quan hệ rộng, ông được mời viết một số mục trong Bách khoa thư của Diderot mà sau đó khiến ông trở nên rất nổi tiếng và được nhiều người ủng hộ.

Tất cả những bài viết cho Bách khoa thư đều phân tích quá trình kinh tế như một luồng luân chuyển của tiền tệ, hàng hoá và con người từ khu vực này sang khu vực khác của nền kinh tế.
  • “Ngũ cốc” là mục quan trọng nhất vì lần đầu tiên nó đưa ra học thuyết tuyên bố rằng chỉ có khu vực nông nghiệp là mang tính sản xuất và có thể tạo ra thặng dư, hay cách khác nghĩa là chỉ trong nông nghiệp thì sản lượng đầu ra mới lớn hơn đầu vào nhờ tính chất tự nhiên và sự màu mỡ của đất đai. Quan điểm này khác với quan điểm của trường phái trọng thương từng tuyên bố là của cải tạo ra nhờ thương mại. Tuy vậy, quan điểm này cũng chịu nhiều chỉ trích vì không đánh giá đúng vai trò của sản xuất công nghiệp trong việc tạo ra thặng dư, mà chỉ chú trọng vào nông nghiệp.
  • Quesnay phát triển thêm ý tưởng của Cantillon về miêu tả vận hành của nền kinh tế thông qua Biểu kinh tế, một mô hình nền kinh tế thông qua toán học. Ông cho rằng nền kinh tế có 3 khu vực:
    • Khu vực nông nghiệp: sản xuất ra lương thực, nguyên liệu thô và các hàng hoá nông nghiệp khác.
    • Khu vực công nghiệp: sản xuất ra hàng hoá công nghiệp cũng như các công cụ cần thiết cho lao động trong nông nghiệp và công nghiệp. Khu vực này cũng bao gồm khu vực dịch vụ ngày nay vẫn thường nói đến vì nó tạo thuận lợi cho thương mại trong nước và quốc tế.
    • Tầng lớp địa chủ: những người không sản xuất gì mà chỉ hưởng lợi từ địa tô, thặng dư của nông nghiệp.
--> Qua mô hình Zizac[1] thì ông cho rằng nên đánh thuế vào địa chủ, vì giai cấp này không sản xuất ra gì mà chỉ hưởng lợi để rồi tiêu xài xa xỉ, lãng phí. Không nên đánh thuế vào công nghiệp vì nó không tạo ra thặng dư, và nếu đánh thuế vào công nghiệp thì sẽ làm khu vực này giảm đầu vào nên dẫn đến công nghiệp suy thoái và kéo theo sản lượng đầu ra của nông nghiệp cũng giảm sút theo. Đánh thuế nông nghiệp thì kết quả càng tồi tệ hơn so với đánh thuế vào công nghiệp.

·         Hệ thống nông nghiệp Pháp cần phải được cơ cấu lại và cần có 2 thay đổi đặc biệt cần thiết sau:
o       Nông nghiệp phải được hiện đại hoá. Những mảnh đất nhỏ được canh tác bằng kỹ thuật lạc hậu thì cực kỳ kém hiệu quả. Bằng cách mở rộng sở hữu đất đai ở Pháp, những phương thức canh tác mới mà chỉ có thể áp dụng trên quy mô lớn mới có thể được áp dụng.
o     Nông nghiệp phải mang tính tư bản chủ nghĩa hơn. Bởi khi cải cách[2] dẫn đến tăng năng suất khiến cho thặng dư nông nghiệp tăng và khi đó nước Pháp sẽ thịnh vượng hơn.
o       Từ mô hình Biểu kinh tế của mình, ông cho rằng sự tiết kiệm, hay tích trữ tiền dẫn đến thiếu hụt tiền sẽ khiến cho suy giảm sản lượng quốc gia, khiến cho kinh tế Pháp bị đình đốn.
  • Cuối cùng, đối lập với trường phái trọng thương, ông ủng hộ tự do thương mại hàng hoá giữa các quốc gia. Bởi khi có tự do thương mại quốc tế sẽ dẫn đến hàng nông nghiệp của Pháp bán ra được nhiều hơn và từ đó nước Pháp sẽ giàu có, thịnh vượng.


[1] Một dạng số nhân k trong vĩ mô hiện đại
[2] Cụ thể là hiện đại hoá nông nghiệp


--- CÒN TIẾP ---

50 nhà kinh tế tiêu biểu - Steven Pressman, p4, RICHARD CANTILLON

RICHARD CANTILLON (1687 – 1734)

Richard Cantillon là một nhân vật bí hiểm và đầy lôi cuốn. Người ta không biết nhiều về sự sinh thành và tuổi trẻ của ông. Cái chết của ông hiện vẫn còn gây tranh cãi.

Cantillon sinh ra trong một gia đình Thiên chúa giáo ở một thị trấn nhỏ Tây Bắc Ailen vào khoảng giữa 1680-1690. Năm sinh của ông được suy đoán nhờ vào thời gian ông nhập quốc tịch Pháp năm 1708 và để làm được điều đó, ông phải 21 tuổi. Từ năm 1711 đến 1713, ông làm thư ký cho Trợ lý Tổng chưởng Kho bạc Anh tại Tây Ban Nha. Năm 1716 ông trở về Pháp để tiếp quản ngân hàng từ một người họ hàng. Năm 1720 ông kiếm được một tài sản nho nhỏ nhờ vào kế hoạch Mississippi theo Đạo luật John, liên quan đến việc phát hành cổ phiếu cho toàn bộ vàng bạc mà người ta nghĩ là có ở khu vực sông Mississippi. Sau đó ông cho những người định đầu cơ và cổ phiếu này vay. Để lách luật chống cho vay nặng lãi của Pháp, ông đã giấu những khoản vay dưới dạng các giao dịch ngoại tệ bằng cách cho vay một loại tiền và yêu cầu thanh toán dưới dạng đồng tiền khác. Tuy vậy, những vụ kiện pháp lý vẫn xảy ra và để tránh nên ông quyết định trở về Anh sống cuộc sống xa xỉ với số của cải khổng lồ kiếm được.

Cái chết của ông gây nhiều tranh cãi. Đêm ngày 14-5-1734 ngôi nhà ông ở bị cháy và việc người ta chỉ tìm được cái xác không đầu sau vụ cháy. Việc trước ngày xảy ra vụ hoả hoạn, ông đã rút một số tiền lớn 10.000 bảng Anh, cũng như nhiều năm sau đó tại thuộc địa Surinam của Hà Lan ở Nam Mỹ, các giấy tờ cá nhân của ông được tìm thấy khiến nhiều người nghi ngờ ông còn sống sau vụ cháy.

Tác phẩm Luận về bản chất của thương mại của Cantillon được xuất bản sau hơn 20 năm xảy ra vụ cháy nhà ông ở London. Tác phẩm gồm 3 phần, chia thành 3 quyển:
  • Quyển 1, phần đầu mô tả nền kinh tế như một hệ thống gồm các luồng luân chuyển của tiền tệ và hàng hoá có mối liên hệ và tương tác với nhau ra sao. Ông cũng thấy rằng sản xuất trong các ngành nghề khác nhau bị quyết định bởi lượng cầu của các hàng hoá đó. Thuật ngữ “chủ doanh nghiệp” (entrepreneur) được ông giải thích chi tiết là người gánh vác rủi ro và những hoạt động kinh tế đều có tính rủi ro, nếu không có những người gánh vác rủi ro trong hiện tại để hy vọng kiếm được lợi nhuận trong tương lai thì sản xuất sẽ không diễn ra. Và những “chủ doanh nghiệp” này đóng vai trò rất quan trọng cho sự thịnh vượng của quốc gia.
  • Quyển 2 xem xét ảnh hưởng của tiền đến quá trình chu chuyển trong nền kinh tế. Việc có thêm nhiều tiền sẽ khiến cầu tăng và vì vậy việc làm và sản lượng sẽ mở rộng. Tuy nhiên, cầu tăng cũng sẽ làm cho giá cả tăng nhưng không nhất thiết tỷ lệ với tăng cung tiền. Và nếu tiền về cơ bản rơi vào tay thương nhân và nhà xuất khẩu thì sẽ có nhiều tiền tiết kiệm và đầu tư hơn, khiến cho sản xuất tăng thì giá sẽ không có xu hướng tăng. Nhưng nếu tiền rơi vào tay địa chủ, họ sẽ tiêu dùng xa xỉ nên giá cả sẽ tăng nhiều hơn, nhất là hàng xa xỉ. Và khi giá tăng sẽ dẫn đến xuất khẩu kém cạnh tranh và hàng nhập khẩu sẽ trở nên tương đối rẻ, hấp dẫn đối với người tiêu dùng trong nước. Khi đó thâm hụt sẽ xảy ra. Ông đã phát hiện ra cơ chế lưu chuyển của tiền tệ.
  • Quyển 3 thảo luận về chính sách thương mại và những gợi ý. Ông ủng hộ chủ nghĩa bảo hộ và bảo đảm thặng dư thương mại trong công nghiệp. Tuy nhiên ông ủng hộ nó vì mục đích quân sự nhiều hơn là vì nguyên nhân kinh tế, bởi thặng dư thương mại trong lĩnh vực công nghiệp sẽ cho phép Anh nhập khẩu lương thực và có thể đảm bảo cho dân số đông hơn, nước Anh hùng mạnh hơn.

--- CÒN TIẾP ---

50 nhà kinh tế tiêu biểu - Steven Pressman, p3, JOHN LOCKE

JOHN LOCKE (1632 – 1704)

Ông đóng góp cho kinh tế học chủ yếu với vai trò như một nhà triết học. Những biện hộ của ông về quyền sở hữu tư nhân, nền kinh tế thị trường tự do không cần sự can thiệp của nhà nước còn giá trị đến tận ngày nay.

Locke sinh năm 1632 trong một gia đình khá giả ở Anh. Cha ông là một luật sư sở hữu khá nhiều đất đai. Nhờ quen biết nên Locke được học ở trường Westminster, một trong những trường công tốt nhất và có ảnh hưởng nhất của Anh. Ông học rất giỏi nên sau đó được nhận học bổng vào học ở Oxford. Sau đó tốt nghiệp cử nhân năm 1656, và thạc sĩ năm 1659 rồi trở thành giảng viên về Hy Lạp học vào năm 1660 ở Oxford.

Sau đó, ông bắt đầu nghiên cứu thêm y khoa rồi trở thành bác sĩ riêng cho Bá tước Ashley, Bộ trưởng tài chính. Nhờ những mối quan hệ mà ông biết thêm về các vấn đề kinh tế quan trọng khi đó như thương mại với các nước thuộc địa Anh và lãi suất. Sau đó ông lại đam mê thêm triết học. Ông viết 2 tác phẩm Tiểu luận về sự hiểu biết của con người (1690) và Hai nghiên cứu về chính phủ (1690), giúp ông trở nên nổi tiếng như một nhà triết học vĩ đại. Tuy vậy, ông vẫn có những quan tâm về vấn đề kinh tế, đặc biệt là về tiền tệ và tiếp tục có những ảnh hưởng chính trị cho đến cuối đời.

Những đóng góp của ông cho kinh tế học: gồm 5 đóng góp nhưng trong đó có 3 đóng góp mang tính triết học và 2 mang tính kinh tế nhiều hơn.
  • Sự biện hộ cho quyền cá nhân của sở hữu tư nhân. Ông cho rằng tiền hay tư bản thật ra là sản phẩm của lao động quá khứ, do vậy sở hữu tiền là hợp lý vì người ta đã lao động để có được nó. Và sở hữu tư nhân sẽ khiến cho con người lao động có năng suất hơn.
  • Sự biện hộ cho Nhà nước trong nền kinh tế. Ông xem Nhà nước như một công ty trong đó các cổ đông là những người có tài sản. Con người đặt bản thân họ dưới sự thống trị của Nhà nước nhằm bảo vệ cuộc sống, tự do và đất đai của họ. Tất cả các công dân (hay ít nhất những người có tài sản, đất đai) đều có lợi khi tham gia vào xã hội dân sự và họ đều được ngầm định là thừa nhận sự thống trị của Nhà nước. Ngược lại, những người cầm quyền phải bảo vệ lợi ích của các công dân của họ, nếu không họ sẽ bị loại khỏi công việc đó và được thay thế bởi người khác, người sẽ duy trì khế ước xã hội đó. Tóm lại, Nhà nước xuất hiện như là kết quả của luật tự nhiên, của các quyết định mang tính cá nhân về luật và nguyên tắc.
  • Hành vi của cá nhân trong Kinh tế. Ông xem con người như là những cá nhân vị kỷ duy lý, hành động theo động cơ kinh tế. Điều này khác với quan điểm tôn giáo đương thời cho rằng con người có lòng vị tha, hay về cơ bản họ đi theo tiếng gọi của tôn giáo. Và vì hành động của con người theo động cơ kinh tế, cách thức nhất định nên ta có thể tìm ra các quy luật và nguyên lý kinh tế.
  • Lãi suất tự nhiên là tốt nhất chứ không nên được áp đặt bởi các sắc lệnh từ Nhà nước. Lãi suất tự nhiên là lãi suất thị trường tự do, được quyết định bởi quy luật cung cầu.
  • Ông cũng phản đối lại việc chính phủ giảm trọng lượng của kim loại quý khi đúc tiền vì cho rằng giá trị tự nhiên của tiền không thể được áp đặt bởi Nhà nước. Việc giảm chất lượng đồng tiền sẽ làm cho các thương nhân yêu cầu nhiều tiền hơn trong trao đổi hàng hoá. Cuối cùng ông cũng thuyết phục được chính quyền không giảm giá trị đồng tiền Anh và đúc lại tiền với hàm lượng bạc như cũ.

--- CÒN TIẾP ---

Thứ Hai, 30 tháng 5, 2011

50 nhà kinh tế tiêu biểu - Steven Pressman, p2, WILLIAM PETTY

WILLIAM PETTY (1623 – 1687)

Ông là một trong những người đầu tiên suy nghĩ và viết ra một cách có hệ thống về kinh tế học và là một trong những người đầu tiên áp dụng nguyên lý kinh tế học vào thực tiễn. Ông có vai trò quan trọng chủ yếu do đã nhấn mạnh đến việc dùng con số hoặc dữ liệu để hiểu và giải thích nền kinh tế thực tế vận hành ra sao, dù rằng phải mất đến 250 năm sau mới có được dữ liệu đáng tin cậy cho thống kê.

Ông sinh năm 1623, trong một gia đình thợ may nghèo ở Hampshire, miền Nam nước Anh. Việc học của ông về cơ bản chỉ học thuộc lòng, đó là kiểu giáo dục điển hình đối với trẻ em thuộc tầng lớp xã hội thấp thời đó. Dù vậy ông rất tò mò và đọc rộng về văn chương và khoa học.

Vào độ 13-14 tuổi, ông phụ việc trên một chiếc tàu qua lại biển Manche. Trong năm đầu tiên, ông bị gãy chân nên phải nghỉ và ở lại Pháp. Petty quyết định đi học. Sau đó ông dành 3 năm trong hải quân, rồi tiếp đến ở Hà Lan để học giải phẫu và y học.

Năm 1646, ông trở lại Anh để học y tại trường Oxford. Sau khi nhận bằng tiến sĩ, ông được bổ nhiệm làm Giáo sư giải phẫu tại Oxford. Ông trở nên nổi tiếng sau đó. Nhưng rồi nhận thấy cuộc sống nghiên cứu không thích hợp nên ông đã rời Oxford để trở thành bác sĩ trưởng trong quân đội Ailen. Thời gian này, ông đã dùng kiến thức và tích luỹ được nhiều của cải, đất đai.

Vào năm 1660, ông giúp thành lập Hiệp hội hoàng gia London về Nâng cao hiểu biết tự nhiên, với mục đích tuân theo phương pháp khoa học của Francis Bacon để quan sát và thí nghiệm, nghiên cứu thế giới tự nhiên và xã hội.

Ông phát triển Phương pháp số học chính trị khi áp dụng chương trình nghiên cứu của Hiệp hội hoàng gia vào hiện tượng kinh tế. Phương pháp này tận dụng phương pháp định lượng để phân tích các hiện tượng kinh tế và xã hội. Nó sử dụng các con số và phép đo để miêu tả thực tại. Dùng những con số để suy luận về cách thức thế giới vận hành. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng vì nó đã cố gắng tách phân tích kinh tế ra khỏi vấn đề đạo đức hay niềm tin của cá nhân, làm cho kết quả nghiên cứu trở nên khách quan hơn. Nhưng đáng tiếc, vào thế kỷ 17, nước Anh không có các cơ quan của chính phủ để báo cáo các số liệu kinh tế một cách đều đặn, báo chí cũng không cung cấp mọi số liệu thống kê mà người quan tâm muốn biết, vì vậy khi cần ông phải tự thu thập tư liệu cần thiết.

Mặc dù được xem là nhà trọng thương nhưng ông ủng hộ thặng dư thương  mại để tăng việc làm hơn là để tích lũy của cải. Ông cũng nhận thấy nhiều lợi ích từ thương mại quốc tế. Ông không hướng vào thương mại để tăng trưởng kinh tế mà hướng vào tài chính công, chi tiêu của chính phủ hơn và cho đó là điều quan trọng để quốc gia phát triển thịnh vượng. Ông cho rằng thuế thu sẽ chỉ ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế nếu phần thuế này bị loại khỏi lưu thông, thậm chí những khoản chi tiêu công này phải bỏ vào những khoản vô ích nhưng nó vẫn tạo ra công ăn việc làm giúp loại bỏ nhàn rỗi. Ông chỉ trích sổ số Nhà nước và ủng hộ thuế lũy tiến mà theo đó người ta trả theo quyền lợi của họ trong nền Hoà bình công cộng theo tài sản hay sự giàu có và đôi khi ông cũng ủng hộ thuế tỉ lệ với tiêu dùng. Ông là người đầu tiên đưa ra ý niệm về thặng dư và giải thích nó qua địa tô mà sau đó được Quesnay phát triển.


--- CÒN TIẾP ---

50 nhà kinh tế tiêu biểu - Steven Pressman, p1, THOMAS MUN

THOMAS MUN (1571 – 1641)

Ông là người nổi tiếng và được kính phục nhất trong hàng ngũ các nhà kinh tế trọng thương Anh thế kỷ 17. Hai ý tưởng nổi bật của ông là:
  • Chính sách kinh tế của chính phủ nên được sử dụng để tạo ra thặng dư
  • Một quốc gia có thể tăng trưởng kinh tế nhờ tăng trưởng xuất khẩu

Ông của Mun làm việc cho Sở đúc tiền Hoàng gia còn cha ông là nhà công nghiệp trong ngành dệt. Bản thân Mun đã sớm trở thành một thương nhân, sống ở Italy nhiều năm và tích lũy được lượng tài sản lớn. Sau đó ông tham gia vào công ty Đông Ấn, một công ty cổ phần lớn của Anh, buôn bán chủ yếu ở Viễn Đông. Vào năm 1615, ông được đề cử là Giám đốc công ty, cương vị ông nắm giữ đến hết đời. Ông cũng được bổ nhiệm vào một số Hội đồng và Ủy ban của Anh, mặc dù bản thân ông chỉ viết có 2 bài khảo luận về kinh tế.

Tác phẩm đầu tiên của ông (1621) nhằm mucj đích bảo vệ công ty Đông Ấn lại những chỉ trích khi công ty này nhập khẩu gia vị về Anh, làm mất đi vàng bạc của Anh. Ông đã đưa ra lập luận rằng:
  • Nếu như các gia đình trở nên tằn tiện và chi tiêu ít hơn thu nhập, gia đình đó sẽ giàu có. Và công ty Đông Ấn cũng vậy, nếu nó giàu có phát đạt thì nước Anh sẽ giàu có thịnh vượng hơn.
  • Việc nhập khẩu những lương thực, quần áo và đạn dược là cần thiết và sẽ tăng phúc lợi cho nước Anh, do đó là những mặt hàng thiết yếu. Sẽ chỉ có hại cho nước Anh nếu người ta nhập những hàng hoá xa xỉ. Và hàng hoá mà công ty Đông Ấn nhập khẩu là những hàng hoá thiết yếu.
  • Ngoài ra, việc giao thương với Ấn Độ cũng sẽ giúp Anh mở rộng thị trường xuất khẩu sang Ấn và nó sẽ làm lợi cho Anh hơn là giao thương với Thổ Nhĩ Kỳ.

Tác phẩm thứ 2 của ông được xuất bản sau khi ông qua đời giúp ông trở nên nổi tiếng trong lịch sử tư tưởng kinh tế. Trong tác phẩm này, ông đứng trên quan điểm tổng thể quốc gia, nhìn nhận thương  mại nói chung chứ không phải chỉ là thương mại của công ty Đông Ấn. Ông cho rằng ngoại thương sẽ làm một quốc gia trở nên giàu có nếu nó dẫn đến thặng dư thương mại. Ông cũng đồng thời đề xuất những phương pháp để những nhà lãnh đạo nước Anh thực hiện nếu muốn cải thiện vị trí thương mại của nước này.
  • Để tăng thặng dư thì cần phải có chính sách giá “tốt nhất”. Nếu nước Anh độc quyền trong thương mại hoặc gần với độc quyền thì nên bán với giá cao. Nhưng nếu cạnh tranh với nước ngoài nữa thì hàng hoá của nước Anh cần phải bán với giá càng thấp càng tốt, bởi nó sẽ giúp đánh bại được địch thủ nước ngoài. Và khi đối thủ cạnh tranh biến mất thì có thể tăng giá nhưng cũng không nên quá cao đến mức lại hấp dẫn đối thủ cạnh tranh đó quay lại thị trường.
  • Hàng hoá chất lượng tốt sẽ có nhu cầu cao hơn trên thế giới và cũng sẽ giúp nước Anh xuất khẩu được nhiều hơn. Ông đề xuất thành lập Hội đồng thương mại để có thể cố vấn cho chính phủ những vấn đề liên quan đến quy định hoạt động công nghiệp và thương mại, cũng như để đảm bảo rằng nước Anh có thể sản xuất ra hàng hoá chất lượng cao.
  • Thuế quốc gia có thể giúp tạo ra thặng dư nếu đánh thuế vào những hàng hoá xa xỉ. Không nên đánh thuế xuất khẩu vì nó sẽ tạo ra chi phí cho hàng hoá nước Anh ở nước ngoài. Thuế nhập khẩu nên thấp nếu hàng hoá đó sau đó được xuất khẩu, còn đánh thuế nhập khẩu cao đối với những hàng nhập dành cho tiêu dùng.
  • Ông cũng lưu ý Nhà nước khi thu được thuế rồi thì không nên chi tiêu xa xỉ, lãng phí mà tiền thuế đó cần phải được tiết kiệm để dành cho những lúc khẩn cấp. Nhà nước cũng đồng thời không nên thu thuế quá cao bởi sẽ làm cho nguồn vốn tạo ra tư bản bị giảm sút.

Dù tư tưởng của phái trọng thương bị một số người phản đối, do nhà nước can thiệp quá nhiều vào thị trường. Nhưng những tư tưởng này vẫn được ca ngợi bởi Keynes hay được thực hiện thành công tại nước Nhật, châu Á vào nửa sau thế kỷ 20. Chính phủ Nhật đặt ra các tiêu chuẩn sản phẩm chất lượng cao, sử dụng thuế quan và bảo hộ cho nhập khẩu trong khi đó khuyến khích các công ty trong nước xuất khẩu.



--- CÒN TIẾP ---

Vận hành chính sách của chính phủ trong mô hình IS-LM, p2

TẠI SAO KHI TỶ GIÁ THẢ NỔI THÌ NÊN ÁP DỤNG CHÍNH SÁCH TIỀN TỆ?
2.       Áp dụng chính sách tiền tệ: liên quan đến cung cầu tiền, lãi suất, dự trữ ngoại tệ, công cụ thị trường mở (trái phiếu chính phủ)
HỆ TRỤC (Y,r)
Giả sử nếu tăng cung tiền SM (có thể áp dụng trường hợp ngược lại là giảm SM nhé và nếu áp dụng giảm thì ảnh hưởng sẽ ngược lại với tăng) –> LM dịch chuyển sang phải –> lãi suất nội điạ r giảm và nhỏ hơn lãi suất r* của thế giới –> dòng vốn trong nước đi ra –> e (tỷ giá giữa nội tệ và ngoại tệ) giảm, ngoại tệ lên giá do ngoại tệ bị khan hiếm, nội tệ dư nên mất giá
  • nếu e cố định –> nhà nước phải bán dự trữ ngoại tệ FR ra và thu bớt nội tệ vào –> dự trữ ngoại tệ FR giảm và SM giảm –> LM dịch chuyển sang trái cho đến khi lãi suất nội địa r trở lại vị trí cũ, cân bằng với lãi suất r* của thế giới –> tại đây Y0 = Y1 à KHÔNG HIỆU QUẢ vì không tăng Y mà lại còn mất dự trữ ngoại tệ
  • nếu e thả nổi –>nhà nước “kệ” –> xuất khẩu tăng do nội tệ mất giá[1] –> Y tăng –> IS dịch chuyển lại sang phải đến vị trí mà r sẽ cân bằng với r* –> sản lượng Y1 sau đó lớn hơn Y0 –> HIỆU QUẢ


HỆ TRỤC (Y,e)
Giả sử nếu tăng cung tiền SM (có thể áp dụng trường hợp ngược lại là giảm SM nhé và nếu áp dụng giảm thì ảnh hưởng sẽ ngược lại với tăng) –> LM dịch chuyển sang phải –> e giảm, ngoại tệ lên giá do ngoại tệ bị khan hiếm, nội tệ dư nên mất giá
  • nếu e cố định –> nhà nước phải bán dự trữ ngoại tệ FR ra và thu bớt nội tệ vào –> dự trữ ngoại tệ FR giảm và SM giảm –> LM dịch chuyển sang trái cho đến khi e như cũ à tại đây Y0 = Y–> KHÔNG HIỆU QUẢ vì không tăng Y mà lại còn mất dự trữ ngoại tệ
  • nếu e thả nổi –> nhà nước “kệ” –> xuất khẩu tăng do nội tệ mất giá –> Y tăng –> IS dịch chuyển lại sang phải đến vị trí mà e sẽ như cũ –> sản lượng Y1 sau đó lớn hơn Y0 –> HIỆU QUẢ
CHÚ Ý:
  • Việc tăng hay giảm Y là tùy thuộc vào từng thời điểm để ra chính sách chứ không nhất thiết là tăng Y là tốt hay giảm Y là xấu. Ví dụ như khi suy thoái thì cần tăng Y, nhưng khi kinh tế có dấu hiệu tăng nóng thì cần giảm Y.
  • Tương tự như vậy, việc hiệu quả hay không hiệu quả cũng không mang ý nghĩa là hoàn toàn tốt hay xấu. Ví dụ khi cần tác động vào thị trường mà không muốn gây ảnh hưởng thì người ta sẽ dùng chính sách Không hiệu quả và ngược lại.
Ngoài kiểu đồ thị dạng hệ trục (Y,r) ra thì người ta có thể quy về hệ trục toạ độ khác là (Y,e). Khi đó:
  • Đường IS vẫn có dạng dốc xuống về bên phải như cũ, mang đặc tính của đường cầu.
  • Đường LM thì thẳng đứng do lượng cung tiền trong nước không bị ảnh hưởng bởi lượng ngoại tệ. Thay vào đó khi lượng ngoại tệ tăng giảm trong khi nội tệ đứng yên không đổi thì tỷ giá hối đoái e sẽ biến động.
Cách giải thích đồ thị thì cũng không có gì thay đổi so với đồ thị trong hệ trục toạ độ (Y,r).
Người viết: Vũ Thị Xuân Lan


[1] Ở đây thực ra đồng thời cũng có sự di chuyển của dòng vốn ra ngoài, nghĩa là đường LM sẽ điều chỉnh dịch sang trái một chút. Cùng với IS tăng dịch sang phải, LM giảm dịch sang trái thì r sẽ dần được điều chỉnh về vị trí cân bằng ban đầu.
— HẾT —

Vận hành chính sách của chính phủ trong mô hình IS-LM, p1

TẠI SAO KHI TỶ GIÁ CỐ ĐỊNH THÌ NÊN ÁP DỤNG CHÍNH SÁCH TÀI KHOÁ?
  1.       Áp dụng chính sách tài khoá: liên quan đến chi tiêu chính phủ G, thuế T
HỆ TRỤC (Y,r)Giả sử nếu tăng G (có thể áp dụng trường hợp ngược lại là giảm G nhé và nếu áp dụng giảm thì ảnh hưởng ngược lại với tăng) –> Y tăng à IS dịch chuyển sang phải –> lãi suất nội điạ r tăng và lớn hơn lãi suất r* của thế giới –> thu hút dòng vốn nước ngoài vào –> e (tỷ giá giữa nội tệ với ngoại tệ) tăng, nội tệ lên giá do ngoại tệ bị dư, nhìu hơn nội tệ
  • nếu e cố định à nhà nước phải bán nội tệ ra[1] và thu bớt ngoại tệ vào để làm nội tệ giảm giá xuống và ngoại tệ khan hiếm sẽ tăng giá lên –> cung tiền SM tăng (lưu ý cung tiền chỉ liên quan đến nội tệ, hok liên quan ngoại tệ nhé) –> LM dịch chuyển sang phải cho đến khi lãi suất nội địa r trở lại vị trí cũ, cân bằng với lãi suất r* của thế giới –> tại đây Y0 ban đầu nhỏ hơn Y1 –> sản lượng Y1 cuối cùng tăng lên –> HIỆU QUẢ
  • nếu e thả nổi –> nhà nước “kệ” –> nhập khẩu tăng và xuất khẩu giảm (cái này căn bản nha, nội tệ tăng giá là cạnh tranh bị giảm xuống) –> Y giảm –> IS dịch chuyển lại sang trái cho đến khi nào mà r = r* (vì khi đó dòng vốn nước ngoài lúc đó hok thèm vô nữa) –> tại đây thì Y0 = Y1 –> KHÔNG HIỆU QUẢ vì sản lượng giữ nguyên không đổi.

HỆ TRỤC (Y,e)
Giả sử nếu tăng G (có thể áp dụng trường hợp ngược lại là giảm G nhé và nếu áp dụng giảm thì ảnh hưởng ngược lại với tăng) –> Y tăng –> IS dịch chuyển sang phải –> e (tỷ giá giữa nội tệ với ngoại tệ) tăng, nội tệ lên giá do ngoại tệ bị dư, nhìu hơn nội tệ
  • nếu e cố định –> nhà nước phải bán nội tệ ra và thu bớt ngoại tệ vào để làm nội tệ giảm giá xuống và ngoại tệ khan hiếm sẽ tăng giá lên –> cung tiền SM tăng (lưu ý cung tiền chỉ liên quan đến nội tệ, hok liên quan ngoại tệ nhé) –> LM dịch chuyển sang phải cho đến khi e trở lại vị trí cũ, cân bằng với lãi suất r* của thế giới –> tại đây Y0 ban đầu nhỏ hơn Y1 –> sản lượng Y1 cuối cùng tăng lên –> HIỆU QUẢ
  • nếu e thả nổi –> nhà nước “kệ” –> nhập khẩu tăng và xuất khẩu giảm (cái này căn bản nha, nội tệ tăng giá là cạnh tranh bị giảm xuống) –> Y giảm –> IS dịch chuyển lại sang trái cho đến khi e cân bằng như cũ –> tại đây thì Y0 = Y1 –> KHÔNG HIỆU QUẢ vì sản lượng giữ nguyên không đổi.


[1] Ở đây liên quan đến chính sách tiền tệ, mặc dù bài cho là chỉ áp dụng chính sách tài khoá. Nhưng vì chính phủ đã chi tiền và không thể rút chi lại nên chỉ còn cách là lại phải chi tiếp tục để mua ngoại tệ vào.
— CÒN TIẾP —

Các học thuyết thương mại quốc tế, p2

Trường phái cổ điển
Adam Smith: với lý thuyết lợi thế tuyệt đối cho rằng các quốc gia nên tiến hành trao đổi tự do trên cơ sở phân công lao động giữa các quốc gia với nhau. Quốc gia chỉ nên sản xuất và xuất khẩu những hàng hoá nào mà mình tốn ít chi phí hơn so với chi phí trung bình của thế giới của thế giới cho hàng hoá đó. Và nên nhập khẩu những loại hàng hoá mà họ sản xuất chúng có chi phí cao hơn chi phí trung bình trên thế giới. Cụ thể hơn, là mua hàng hoá của quốc gia bằng một phần sản phẩm mà chúng ta sản xuất ra trong ngành công nghiệp mà chúng ta có lợi thế.
D. Ricardo: cho rằng khi mỗi nước chuyên môn hoá vào sản xuất sản phẩm mà nước đó có lợi thế so sánh, tổng sản lượng của mỗi sản phẩm trên thế giới sẽ gia tăng và kết quả là tất cả các bên đều trở nên giàu có hơn. Đây là một trong những quy luật quan trọng nhất giúp mở ra một trang mới của Thương mại quốc tế. Nó cho phép các quốc gia dù không có lợi thế tuyệt đối vẫn có thể tham gia vào thương mại thế giới để làm lợi cho mình dựa vào các hàng hoá mà nước đó có lợi thế so sánh.
Trường phái hiện đại
G. Haberler: theo ông, quy luật lợi thế so sánh có thể được xem như quy luật chi phí cơ hội và như thế sẽ đúng hơn, vì lợi thế so sánh chỉ mới giải thích trên cơ sở lý luận giá trị – lao động, còn chi phí cơ hội của một hàng hoá là số lượng các hàng hoá khác phải cắt giảm để có đủ lượng tài nguyên cho việc sản xuất thêm hàng hoá đó. Như vậy, một quốc gia nào có chi phí cơ hội thấp trong việc sản xuất một hàng hoá nào đó thì họ nghiễm nhiên có lợi thế so sánh trong việc sản xuất hàng hoá đó nhưng không có lợi thế so sánh trong việc sản xuất hàng hoá khác.
Hecksher & Ohlin: lý thuyết này cũng dựa vào quy luật lợi thế so sánh của Ricardo mà phát triển thêm bởi hai nhà kinh tế học Thụy Điển là Hecksher & Ohlin. Ý tưởng chính là xuất khẩu yếu tố sản xuất đầu vào dư thừa và nhập khẩu yếu tố sản xuất khan hiếm. Các nước do có những tiềm năng khác nhau, nước có nguồn lao động dồi dào còn nước khác thì có vốn dư thừa, vậy nước có nhiều lao động sẽ sản xuất loại hàng hoá thâm dụng (sử dụng nhiều) lao động, còn nước dư thừa vốn sẽ sản xuất hàng hoá thâm dụng, đòi hỏi nhiều vốn. Và khi trao đổi với nhau, các nước sẽ giúp làm lợi lẫn nhau cho các bên.
4 định luật liên quan đến mô hình của Hecksher – Ohlin:
  • Định luật Rybczynski (The Rybczynski Theorem): Khi các yếu tố được sử dụng hoàn toàn, sự gia tăng của yếu tố sản xuất này để làm tăng sản lượng của sản phẩm thâm dụng yếu tố đó thì sẽ làm giảm sản lượng của sản phẩm khác còn lại.
  • Định luật Hecksher – Ohlin (The Hecksher – Ohlin Theorem):một nước có lợi thế so sánh ở sản phẩm thâm dụng yếu tố sản xuất đầu vào mà quốc gia đó dồi dào.
  • Định luật Stolper – Samuelson (The Stolper – Samuelson Theorem): sự gia tăng giá tương đối của sản phẩm làm nâng mức giá thực tế của yếu tố thâm dụng trong sản xuất sản phẩm đó và làm giảm giá thực tế của yếu tố khác.
  • Định luật cân bằng giá yếu tố sản xuất (Factor – Price equalization theorem): ngoại thương không chỉ dẫn tới cân bằng giá của hàng hoá mà còn cân bằng của các yếu tố sản xuất mà không phụ thuộc vào nhu cầu hay mức cung ứng các yếu tố sản xuất của mỗi quốc gia. Ví dụ như giá đất thuê, giá thuê nhân công… đều được xem là như nhau giữa hai nước. Định luật này nhấn mạnh đến sự thay thế, di chuyển các yếu tố sản xuất giữa các quốc gia. Trong thực tế điều này chưa đúng hoàn toàn nhưng nó cũng có tác động giúp cho sự chênh lệch giá giữa các quốc gia giảm bớt lại.
Michael Porter – thuyết Lợi thế cạnh tranh: Ông cho rằng những lợi thế so sánh truyền thống như tài nguyên thiên nhiên hay lao động không còn là nguồn gốc của sự thịnh vượng. Có thể có nhiều loại lợi thế cạnh tranh bao gồm cả về yếu tố sản xuất, môi trường kinh doanh  năng động, có nhiều thách thức, khuyến khích và thúc đẩy doanh nghiệp liên tục cải tiến và mở rộng lợi thế của họ qua thời gian, như sự sẵn có các nguồn tài nguyên, những thông tin giúp nhận biết những cơ hội và hướng sử dụng nguồn tài nguyên và các kỹ năng; doanh nghiệp có được lợi thế cạnh tranh khi mục tiêu của chủ doanh nghiệp, nhà quản lý và người lao động ủng hộ cam kết mạnh mẽ và đầu tư lâu dài… Đôi khi nó cũng sẽ gây ra sự thua lỗ cho doanh nghiệp trong nước nhưng những công ty còn lại và nổi lên thì sẽ thành công trong việc cạnh tranh quốc tế.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Nguyễn Văn Trình, Nguyễn Tiến Dũng, Vũ Văn Nghinh, Lịch sử các học thuyết Kinh tế, NXB ĐH Quốc gia Tp. HCM, 2008
Hoàng Vĩnh Long (chủ biên), Kinh tế học quốc tế, NXB ĐH Quốc gia Tp. HCM, 2008
Michael Porter, Lợi thế cạnh tranh quốc gia, NXB Trẻ, 2008
Nguồn internet khác
— HẾT —