domain, domain name, premium domain name for sales

Thứ Hai, 30 tháng 5, 2011

Các học thuyết thương mại quốc tế, p2

Trường phái cổ điển
Adam Smith: với lý thuyết lợi thế tuyệt đối cho rằng các quốc gia nên tiến hành trao đổi tự do trên cơ sở phân công lao động giữa các quốc gia với nhau. Quốc gia chỉ nên sản xuất và xuất khẩu những hàng hoá nào mà mình tốn ít chi phí hơn so với chi phí trung bình của thế giới của thế giới cho hàng hoá đó. Và nên nhập khẩu những loại hàng hoá mà họ sản xuất chúng có chi phí cao hơn chi phí trung bình trên thế giới. Cụ thể hơn, là mua hàng hoá của quốc gia bằng một phần sản phẩm mà chúng ta sản xuất ra trong ngành công nghiệp mà chúng ta có lợi thế.
D. Ricardo: cho rằng khi mỗi nước chuyên môn hoá vào sản xuất sản phẩm mà nước đó có lợi thế so sánh, tổng sản lượng của mỗi sản phẩm trên thế giới sẽ gia tăng và kết quả là tất cả các bên đều trở nên giàu có hơn. Đây là một trong những quy luật quan trọng nhất giúp mở ra một trang mới của Thương mại quốc tế. Nó cho phép các quốc gia dù không có lợi thế tuyệt đối vẫn có thể tham gia vào thương mại thế giới để làm lợi cho mình dựa vào các hàng hoá mà nước đó có lợi thế so sánh.
Trường phái hiện đại
G. Haberler: theo ông, quy luật lợi thế so sánh có thể được xem như quy luật chi phí cơ hội và như thế sẽ đúng hơn, vì lợi thế so sánh chỉ mới giải thích trên cơ sở lý luận giá trị – lao động, còn chi phí cơ hội của một hàng hoá là số lượng các hàng hoá khác phải cắt giảm để có đủ lượng tài nguyên cho việc sản xuất thêm hàng hoá đó. Như vậy, một quốc gia nào có chi phí cơ hội thấp trong việc sản xuất một hàng hoá nào đó thì họ nghiễm nhiên có lợi thế so sánh trong việc sản xuất hàng hoá đó nhưng không có lợi thế so sánh trong việc sản xuất hàng hoá khác.
Hecksher & Ohlin: lý thuyết này cũng dựa vào quy luật lợi thế so sánh của Ricardo mà phát triển thêm bởi hai nhà kinh tế học Thụy Điển là Hecksher & Ohlin. Ý tưởng chính là xuất khẩu yếu tố sản xuất đầu vào dư thừa và nhập khẩu yếu tố sản xuất khan hiếm. Các nước do có những tiềm năng khác nhau, nước có nguồn lao động dồi dào còn nước khác thì có vốn dư thừa, vậy nước có nhiều lao động sẽ sản xuất loại hàng hoá thâm dụng (sử dụng nhiều) lao động, còn nước dư thừa vốn sẽ sản xuất hàng hoá thâm dụng, đòi hỏi nhiều vốn. Và khi trao đổi với nhau, các nước sẽ giúp làm lợi lẫn nhau cho các bên.
4 định luật liên quan đến mô hình của Hecksher – Ohlin:
  • Định luật Rybczynski (The Rybczynski Theorem): Khi các yếu tố được sử dụng hoàn toàn, sự gia tăng của yếu tố sản xuất này để làm tăng sản lượng của sản phẩm thâm dụng yếu tố đó thì sẽ làm giảm sản lượng của sản phẩm khác còn lại.
  • Định luật Hecksher – Ohlin (The Hecksher – Ohlin Theorem):một nước có lợi thế so sánh ở sản phẩm thâm dụng yếu tố sản xuất đầu vào mà quốc gia đó dồi dào.
  • Định luật Stolper – Samuelson (The Stolper – Samuelson Theorem): sự gia tăng giá tương đối của sản phẩm làm nâng mức giá thực tế của yếu tố thâm dụng trong sản xuất sản phẩm đó và làm giảm giá thực tế của yếu tố khác.
  • Định luật cân bằng giá yếu tố sản xuất (Factor – Price equalization theorem): ngoại thương không chỉ dẫn tới cân bằng giá của hàng hoá mà còn cân bằng của các yếu tố sản xuất mà không phụ thuộc vào nhu cầu hay mức cung ứng các yếu tố sản xuất của mỗi quốc gia. Ví dụ như giá đất thuê, giá thuê nhân công… đều được xem là như nhau giữa hai nước. Định luật này nhấn mạnh đến sự thay thế, di chuyển các yếu tố sản xuất giữa các quốc gia. Trong thực tế điều này chưa đúng hoàn toàn nhưng nó cũng có tác động giúp cho sự chênh lệch giá giữa các quốc gia giảm bớt lại.
Michael Porter – thuyết Lợi thế cạnh tranh: Ông cho rằng những lợi thế so sánh truyền thống như tài nguyên thiên nhiên hay lao động không còn là nguồn gốc của sự thịnh vượng. Có thể có nhiều loại lợi thế cạnh tranh bao gồm cả về yếu tố sản xuất, môi trường kinh doanh  năng động, có nhiều thách thức, khuyến khích và thúc đẩy doanh nghiệp liên tục cải tiến và mở rộng lợi thế của họ qua thời gian, như sự sẵn có các nguồn tài nguyên, những thông tin giúp nhận biết những cơ hội và hướng sử dụng nguồn tài nguyên và các kỹ năng; doanh nghiệp có được lợi thế cạnh tranh khi mục tiêu của chủ doanh nghiệp, nhà quản lý và người lao động ủng hộ cam kết mạnh mẽ và đầu tư lâu dài… Đôi khi nó cũng sẽ gây ra sự thua lỗ cho doanh nghiệp trong nước nhưng những công ty còn lại và nổi lên thì sẽ thành công trong việc cạnh tranh quốc tế.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Nguyễn Văn Trình, Nguyễn Tiến Dũng, Vũ Văn Nghinh, Lịch sử các học thuyết Kinh tế, NXB ĐH Quốc gia Tp. HCM, 2008
Hoàng Vĩnh Long (chủ biên), Kinh tế học quốc tế, NXB ĐH Quốc gia Tp. HCM, 2008
Michael Porter, Lợi thế cạnh tranh quốc gia, NXB Trẻ, 2008
Nguồn internet khác
— HẾT —

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét