domain, domain name, premium domain name for sales

Thứ Tư, 2 tháng 11, 2011

MẶT DÀY, TÂM ĐEN, p4 - Chin Ning Chu


Lớn mạnh giữa những kẻ xảo trá và tàn nhẫn

Thực tế trong cuộc sống nếu bạn sống một cuộc đời với trái tim và ví tiền cùng để mở, bạn sẽ phải chịu thương tổn và mất cả ví tiền nữa. Một vị thánh bước trên đường với một cái ví tiền và đối với tên trộm thì việc “cuỗm” được cái ví và tiền trong đó sẽ quan trọng hơn là tìm hiểu cái ví của ai. Hơn thế nữa, ngoài việc bị trộm cái ví tiền thì tên trộm sẽ còn cướp cả niềm tin tốt đẹp của bạn vào cuộc sống và để lại cho bạn nỗi cay đắng trong lòng. Vì thế, sẽ rất quan trọng để nhận biết sự tồn tại của những điều tàn bạo và che chắn bạn khỏi tổn thương từ nó.


Những cách phòng tránh:

Hãy bảo vệ quyền lợi của bạn. Hãy nhận biết đúng giá trị và quyền lợi tương xứng của bạn và cố gắng bảo vệ chúng. Bởi nếu ngay cả bạn mà không muốn bảo vệ chúng thì sẽ không ai làm điều đó thay bạn cả. Thậm chí, khi bạn bênh vực cho bản thân thì cũng có những kẻ sẽ cố tình dìm bạn xuống để ngăn bạn không cản trở sự thăng tiến của họ. Ngoài ra, những ai biết giữ gìn quyền lợi của mình trong những việc ít quan trọng thì cũng có khuynh hướng bảo vệ quyền lợi của họ trong những vấn đề quan trọng hơn.

Hãy khéo léo truyền đi thông điệp “Đừng chèn ép tôi.” Cách thức mà một con chó học cách để phân biệt giữa những vị khách được chào đón và không được chào đón được đưa ra hành xử phổ biến trên thế giới là tất cả đều có khuynh hướng qụy lụy những kẻ giàu có quyền thế và chèn ép, xử sự hung bạo đối với những kẻ nghèo yếu. Tương tự như thế, những kẻ xảo trá và tàn nhẫn có khuynh hướng chung hay chọn những con mồi là những người cả tin, tử tế và đáng mến. Bởi vì những người này thường khao khát làm những điều tốt nhưng do sự ngây thơ, cả tin, nhút nhát… nên hành động của họ thường bộc lộ nhiều yếu điểm dẫn đến dễ bị lợi dụng.

Hãy tránh xa những kẻ xảo trá và tàn nhẫn. Đừng tham gia hay để liên quan đến những kẻ đó. Hoặc ngay cả nếu vì bạn kỳ vọng một lợi ích gì đó thì hãy làm chủ bản thân bằng cách dứt khoát dửng dưng, lãnh đạm với lòng tham của chính mình. Bởi khi đó bạn đang được lợi ích bằng cách dứt bỏ được những buồn đau, mất mát không cần thiết có thể có không sớm thì muộn trong tương lai.

Hãy giữ khoảng cách với những kẻ đánh cắp sự yên bình của bạn. Những kẻ này không nhất thiết là xảo trá hay tàn nhẫn mà chỉ đơn giản là làm bạn đau lòng. Sự bất mãn với cuộc sống, quan điểm sống lệch lạc khiến họ trở nên công kích đối với những người ở gần họ. Hành động của họ là tự phát và họ không thể tự kiểm soát được chúng. Vì vậy, dù rằng sau đó họ sẽ hối hận, nhưng hành động của họ sẽ lại tiếp diễn. Đó là những kẻ “giết người bởi ngàn nhát cắt”.

Bạn không cần được lòng tất cả. Loài người phức tạp và bạn không bao giờ biết chính xác khi nào thì hành động, lời nói của bạn bị coi là xúc phạm hay tôn vinh. Dù cho ý định của bạn là tốt hay xấu thì hành động của bạn sẽ được diễn giải theo cách tiếp nhận riêng của mỗi người khác nhau hơn là theo mong muốn của bạn.

Hãy lớn mạnh trong chính mình. Đó là một yếu tố đơn giản và quan trọng cần phải học trước khi lớn mạnh giữa những người khác. Một tinh thần khoẻ mạnh ở trong một thân thể cường tráng. Ngoài ra, tinh khí là phần quan trọng và quý giá của con người mà từ đó hoạt động của con người được sinh ra. Vì vậy, không nên hao phí một cách không cần thiết.

Và cuối cùng, hãy đừng mắc sai lầm bằng việc trở nên quá hăm hở rồi dẫn đến thái độ hung hăng. Bởi khi đó hành động của bạn sẽ dễ xúc phạm và gây tổn thương cho những người tốt bụng khác.


--- HẾT --- 

Người tóm lược: Vũ Thị Xuân Lan

MẶT DÀY, TÂM ĐEN, p3 - Chin Ning Chu


Hình mẫu một người thực hành Mặt Dày, Tâm Đen

Trong mỗi một hành động luôn có 2 mặt: mặt bên trong và mặt bên ngoài. Mặt bên trong là cái không thấy được, là sức mạnh thúc đẩy hành động nhìn thấy được của một người, cái biểu hiện ra bên ngoài.

Cụ thể hơn nghĩa là, một người tốt không nhất thiết phải luôn cư xử nhẹ nhàng. Đôi khi họ có vẻ tàn nhẫn, lạnh lùng và hờ hững. Ngược lại, có những kẻ luôn mang nụ cười trên mặt, một lớp vỏ ngụy trang bên ngoài để đóng vai là người tốt.

Thậm chí, đôi khi dáng vẻ bên ngoài và hành động của một người tốt có vẻ hung hăng, tàn ác, tự tôn nhưng bên trong anh ta là một trái tim thuần khiết. Trong khi đó, một thầy tu[1]có thể tỏ ra vô cùng nhân ái, dịu dàng nhưng mục đích thật duy nhất chỉ là tư lợi. Bởi đơn giản, một thầy tu nếu muốn thành công thì cần dựa vào sự ủng hộ của công chúng, trong khi một người tốt thì chỉ cần sống hoà hợp với chính mình, anh ta không cần tìm kiếm sự ủng hộ bên ngoài lắm.

Vì thế, đánh giá Mặt Dày, Tâm Đen vượt trên những tiêu chuẩn đánh giá thông thường của con người. Một người thực hành Mặt Dày, Tâm Đen là người hành động hoà hợp với cái toàn thể, hành động luôn có vẻ là tốt, đạo đức, vì lợi ích chung. Nhưng bản chất thực sự của hành động thì hành động phải phục vụ đúng như mục tiêu của anh ta mong muốn. Và người đó thực hiện hành động này mà anh ta cho là đúng và cần thiết mà không cần quan tâm đến những nhận xét đánh giá của người khác.


Nguyên tắc thực hành Mặt Dày, Tâm Đen

Để thực hiện tốt Mặt Dày, Tâm Đen, người thực hiện cần phải tuân thủ theo những nguyên tắc[2]sau:

  • Phá vỡ sự gò ép, ràng buộc của những quan niệm, tiêu chuẩn: hầu hết chúng ta được dạy từ bé là phần thưởng lớn nhất trong cuộc đời là nhận được sự tán thưởng bởi người khác thông qua thực hiện những hành động được cho là đúng và tốt. Khi lớn lên, chúng ta phát hiện ra “những hành động đúng và tốt” đó không phải lúc nào cũng thực sự đúng nghĩa của nó. Thế nhưng chúng ta không dám phản kháng, đối đầu mà trốn tránh vì tâm lý không muốn làm nhiễu loạn, đi ngược lại xu hướng chung. Rồi sau đó chúng ta tự nhủ rằng mình đã làm đúng và đã tránh được những rắc rối, xung đột không cần thiết. Thật ra, chúng ta không phải đang làm đúng, chúng ta chỉ đơn giản đang thực hiện cách dễ dàng nhất.
  • Có niềm tin vững chắc vào bản thân: Do những hành động thường mang tính đột phá, ra ngoài phạm vi truyền thống nên những người thực hành Mặt Dày, Tâm Đen cần phải có niềm tin vững chắc vào bản thân, mặc những phán xét của người khác để tiếp tục thực hiện hành động nhằm đạt mục tiêu của mình.
  • Dũng cảm, dám đối đầu, chấp nhận thất bại: hầu hết những suy nghĩ độc lập, ý tưởng mới hoặc những nỗ lực thông thường sẽ không được chào đón bằng sự tán thành mà bằng sự chế nhạo, hoài nghi, thậm chí bằng cả sự xúc phạm hung bạo. Vì vậy, ngoài việc có niềm tin vững chắc vào bản thân thì còn đòi hỏi phải có sự dũng cảm dám đối đầu để vượt qua những sợ hãi từ khó khăn, thử thách.
  • Hành động theo từng hoàn cảnh: Họ không có một khuôn mẫu hành động cụ thể nhất định nào. Có lúc nhún nhường, có lúc hống hách. Có lúc hiền lành, có lúc giận dữ. Có lúc dũng cảm, có lúc hèn nhát… Tóm lại là tùy theo hoàn cảnh mà họ sẽ điều chỉnh hành động sao cho thích hợp để đạt mục tiêu.
  • Hiểu rõ bản chất của sự vật, hiện tượng để đưa ra những nhận xét đúng đắn và chính xác. Ví dụ như phân biệt giữa đạo đức và sự phù phiếm giả tạo mang danh đạo đức. Thành công và thất bại, bởi đôi khi thành công đến trong buổi đầu qua hình hài của sự thất bại…



[1] Trong sách viết là “nhà tiên tri”, ở đây chuyển sang “thầy tu” cho phù hợp hơn ở Việt Nam.
[2] Trong sách phân chia ra 11 nguyên tắc, tuy nhiên sau khi đọc xong thì có thể tóm gọn ý lại gồm 5 nguyên tắc cơ bản


--- CÒN TIẾP ---

MẶT DÀY, TÂM ĐEN - Chin Ning Chu, p2


2.         Hình thức biểu hiện của Mặt Dày, Tâm Đen: trải qua 3 giai đoạn:


Giai đoạn 1: CHIẾN THẮNG BẰNG MỌI GIÁ

Như đã nói, đối với người Mặt Dày, Tâm Đen thì mục tiêu luôn là chiến thắng, hiệu quả của hành động mà họ không cần quan tâm đến cái giá của nó, coi thường sự phán xét, ý kiến khen chê của người khác.

Ở giai đoạn này thì sẽ chia làm 3 cấp độ:

  • Mức độ 1: dày như tường hào và đen như than. Đây là mức độ thấp nhất vì Tâm Đen như than nên bị người khác phát hiện thấy dễ dàng và từ đó bị lên án, chỉ trích, khinh rẻ bởi người khác, bị đâm thủng dù dày như tường hào. Điển hình của loại này là bọn ma cô, lừa đảo.

  • Mức độ 2: dày và cứng, đen và lấp lánh. Những người thuộc mức độ này tinh vi hơn mức độ 1. Họ chai lì hơn trước những lời chỉ trích nhờ những lớp vỏ bọc đáng kính của họ. Tâm của họ được đánh bóng bởi những lời hoa mỹ làm cho nó lấp lánh đẹp đẽ nên khó phát hiện hơn. Nạn nhân thường chỉ phát hiện ra khi đã bị lợi dụng.

  • Mức độ 3: dày đến mức vô hình, đen đến mức vô sắc. Đây là mức độ cao nhất. Những người đạt đến mức độ này đều là những kẻ tài năng xuất chúng. Họ làm cho người ta không thể phát hiện ra dù nạn nhân đã bị lừa dối. Họ có thể thuyết phục người khác tôn sùng họ như những người tài năng lỗi lạc và đức hạnh, để rồi sau đó họ nhẫn tâm theo đuổi những mục tiêu vì lợi ích riêng của bản thân. Điển hình loại này thường thấy ở các chính trị gia.


Giai đoạn 2: TỰ VẤN

Một quá trình tự nhiên của con người là khi hành động có kèm suy nghĩ. Suy nghĩ xem hành động đó sẽ có những ích lợi, hậu quả như thế nào sau đó. Một người thực hành Mặt Dày, Tâm Đen cũng vậy. Những người thực hành Mặt Dày, Tâm Đen mới chỉ trong giai đoạn thứ 1 thì họ cũng cảm thấy chút áy náy, đáng khinh đối với hành động của bản thân và ngay cả bản thân họ. Đó là quá trình tự vấn. Tự vấn bởi lương tâm.

Ở giai đoạn 2 này người thực hành Mặt Dày, Tâm Đen dễ tổn thương. Anh ta đang ở trạng thái hoài nghi, bối rối, tuyệt vọng và đôi khi chán nản, giận dữ, đau đớn. Anh ta khám phá ra nhiều tính cách “đáng khinh” trong chính bản thân như sự tham lam, ích kỷ, ganh ghét, ham muốn, lười biếng, đạo đức giả, vờ vĩnh… Đồng thời cùng lúc anh ta cũng bị dằn vặt, tranh đấu giữa việc thực hiện mục tiêu với việc khao khát, mong muốn làm người tốt, làm điều đúng. Anh ta nghĩ Mặt Dày, Tâm Đen chỉ dành cho những kẻ nham hiểm, xấu xa. Nhưng anh ta lại phân vân vì thấy nếu làm người tốt thì kinh nghiệm cho thấy thường người tốt luôn bị thiệt. Phần thưởng của việc làm điều tốt chỉ thông thường đơn giản là bản thân điều tốt đó mà thôi. Hoặc đôi khi thậm chí còn kéo theo cả tai hoạ…

Ở giai đoạn này, mặc dù anh ta có vẻ thảm hại và bị coi là suy sụp trong mắt người khác, nhưng bên trong bản thân mình, anh ta đang trải qua một sự biến đổi mạnh mẽ.


Giai đoạn 3: NGƯỜI CHIẾN BINH

Giai đoạn cuối cùng này là sự kết hợp của 2 giai đoạn trước.

Sau giai đoạn 2 ở trên, khi đã có sự quyết định và niềm tin vào hành động. Người thực hành Mặt Dày, Tâm Đen sẽ đi đến kết luận là nhu cầu chăm sóc bản thân còn quan trọng hơn những kỳ vọng mà người khác đặt ra. Nếu thực hiện những hành động “đáng khinh” thì ít ra cũng có cơ hội hơn là vẫn có được một cái gì đó dù có thể bản thân vẫn còn khổ tâm. Anh ta bớt căm ghét và bớt phán xét bản thân mình. Anh ta chấp nhận việc trở nên hoàn hảo nhưng vẫn tồn tại khiếm khuyết không đáng kể. Từ đó, anh ta trở nên bình thản và dũng cảm. Anh ta giữ một thái độ của người lính: thản nhiên và lạnh lùng. Anh ta xem cuộc đời đơn giản chỉ là một cuộc chiến và con đường duy nhất là cần phải chiến thắng trong cuộc chiến đó.

Người thực hành Mặt Dày, Tâm Đen lúc này sẽ thản nhiên chiến đấu với kẻ thù bên ngoài trong khi dũng cảm đối mặt với kẻ thù bên trong con người mình. Anh ta bình tĩnh, tự tin và khéo léo chấp nhận vượt qua trở ngại để thực hiện mục tiêu của mình. Không phải là anh ta không bị tác động bởi những thách thức khi ở trạng thái lạnh lùng đó, nhưng điểm chính là anh ta không để những cảm xúc đó cuốn anh ta theo, làm mất sự tập trung, để từ đó anh ta có thể tiếp tục dấn bước với sự tự tin và nguồn sức lực mới để thực hiện hành động của bản thân.

Khi một người thực hành Mặt Dày, Tâm Đen ở giai đoạn 3, người đó sẽ không còn cảm thấy sự chia cách hay mâu thuẫn giữa thế giới tinh thần và thế giới trần tục. Sức mạnh tinh thần sẽ trở thành một công cụ quan trọng giúp anh ta vượt qua những thử thách trong cuộc sống.


--- CÒN TIẾP ---

MẶT DÀY, TÂM ĐEN - Chin Ning Chu, p1


Mặt Dày, Tâm Đen mô tả quy luật bí mật của tự nhiên vốn chi phối cách hành xử của con người mà những người thành công ứng dụng. Nó đơn giản là nói về cách hành động, ứng xử, làm việc và làm thế nào để hành động đạt hiệu quả. Nó là một lý thuyết có tính thực dụng cao, có thể ứng dụng nếu con người có sự nỗ lực nào đó và được sử dụng cho cả mục đích tốt và xấu tùy theo người sử dụng nó.

Lý Tôn Ngô đã mô tả Mặt Dày, Tâm Đen phần nào trong cuốn Hậu Hắc Học của ông viết như sau:
Che giấu ý định của mình với người khác, đó là Hậu (Dày).
Áp đặt ý chí của mình lên người khác, đó là Hắc (Đen).


1.         Giới thiệu:

MẶT DÀY

Là một lớp vỏ để bảo vệ lòng tự trọng của ta khỏi sự chê trách của người khác.

Thông thường chúng ta có khuynh hướng tự ti nếu chưa thành công, và cho là đó là lỗi tại bản thân. Vì vậy, nếu muốn thành công thì phải hoàn thiện, thay đổi mình. Nhưng đối với người Mặt Dày thì anh ta luôn cho rằng mình là hoàn hảo, số 1. Anh ta có khả năng dẹp bỏ sự nghi ngờ tài năng chính mình, từ chối chấp nhận những thiếu sót, khuyết điểm mà người ta gán ghép cho anh ta. Hơn thế nữa, anh ta còn có khả năng đem suy nghĩ của bản thân cùng với sự tự tin tuyệt đối của mình để thuyết phục người khác rằng anh ta thực sự hoàn hảo. Kết quả cuối cùng là người khác cũng nhìn nhận xem anh ta là người hoàn hảo số 1 và tạo cơ hội để anh ta thành công.

Một người Mặt Dày không nhất thiết khi thuyết phục người khác thì phải quyết đoán, hung hăng hay khiêm nhường, trầm tĩnh mà họ thể hiện phong cách theo tùy hoàn cảnh yêu cầu.

TÂM ĐEN

Là khả năng hành động bất chấp hậu quả xảy ra cho người khác như thế nào mà chỉ quan tâm đến hiệu quả cho bản thân mình. Anh ta tập trung vào các mục đích của bản thân, sự hiệu quả, chiến thắng và phớt lờ cái hậu quả, giá của nó.

Hành động của họ có thể tàn nhẫn nhưng không nhất thiết là xấu xa mà đôi khi chỉ vì công việc, phận sự, trách nhiệm phải là như thế. Ví dụ một vị tướng khi ra trận cần phải chiến thắng kẻ thù, phải giết kẻ thù càng nhiều càng tốt. Việc giết người là tàn nhẫn nhưng nếu xét về phận sự của người lính khi phục vụ bảo vệ tổ quốc thì đó lại là hành động đúng, bắt buộc và là hành động dũng cảm.

Vì vậy, không thể thực hành Mặt Dày nếu không có Tâm Đen, cũng như không thể thực hành Tâm Đen mà không có Mặt Dày. Những người khi thực hành Mặt Dày, Tâm Đen thì cần phải có khả năng phớt lờ ý kiến khen chê, phán xét của người khác để thực hiện công việc của mình nhằm đạt được mục tiêu. Tùy theo hoàn cảnh mà có thể khi thì dựa nhiều vào Mặt Dày, khi thì dựa vào Tâm Đen.


--- CÒN TIẾP ---