domain, domain name, premium domain name for sales

Thứ Tư, 5 tháng 10, 2011

Lý thuyết phát triển, p2, Lý thuyết chuyển dịch cơ cấu


b)      Lý thuyết chuyển dịch cơ cấu: còn gọi là lý thuyết 2 khu vực, vì liên quan đến 2 khu vực nông nghiệp truyền thống và khu vực công nghiệp hiện đại[1]
  • Lý thuyết phát triển của Lewis (1950) (Dual-Sector Model) :
    • Lý thuyết ban đầu được đưa ra bởi Lewis nhưng sau đó được phát triển và bổ sung thêm bởi John Fei và Gustav Ranis. Mô hình này được ứng dụng nhiều vào những năm thập niên 1960 - 1970.
    • Lý thuyết cho rằng nền kinh tế của những nước kém phát triển luôn tồn tại 2 khu vực căn bản, với:
      • Khu vực nông thôn truyền thống: tập trung phần lớn lao động trong dân nhưng lại không làm tăng sản lượng, nghĩa là đang trong tình trạng dư thừa lao động và năng suất biên bằng không.
      • Khu vực thành thị công nghiệp hiện đại: với đặc trưng nếu có lao động tăng thêm thì sẽ làm tăng sản lượng. Do năng suất khu vực hiện đại cao nên tiền lương lao động cao hơn và sẽ thu hút lao động dư thừa của khu vực nông nghiệp truyền thống. Quá trình cứ liên tục diễn ra cho đến khi lượng lao động dư thừa được thu nhập hết và khi đó lương của 2 khu vực sẽ cân bằng, không còn khuyến khích sự di chuyển lao động nữa. Sự chuyển đổi cơ cấu của nền kinh tế được thực hiện bằng cách tích lũy dần và chuyển từ nền kinh tế nông nghiệp truyền thống sang nền công nghiệp thành thị hiện đại.
àMô hình phát triển của Lewis đơn giản với giả định là khi khu vực công nghiệp hiện đại phát triển và toàn bộ vốn sẽ được tái đầu tư và tỉ lệ tạo công việc làm mới sẽ được tạo ra tương ứng, mà không tính đến trường hợp khi lợi nhuận nhà tư bản được tái đầu tư để mua máy móc thiết bị có tính chất tiết kiệm lao động. Bởi khi đó dù đầu tư tăng, khu vực hiện đại vẫn tăng trưởng nhưng đường cầu lao động sẽ vẫn giữ nguyên không thay đổi. Ngoài ra, thực tế cho thấy khu vực nông thôn chỉ dư thừa lao động đặc biệt vào ngày nông nhàn và có thất nghiệp đồng thời cả ở nông thôn và thành thị. Thêm nữa, giả định tiền công của khu vực công nghiệp là không luôn cố định, cũng như lao động cũng không đồng nhất về chất lượng giữa nông thôn và thành thị.

  • Chenery: Ông rút ra những kết luận sau khi quan sát và phân tích số liệu của nhiều quốc gia về cơ cấu kinh tế và thu nhập sau khi nền kinh tế tăng trưởng như sau:
    • Nền kinh tế có sự dịch chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang sản xuất công nghiệp, nghĩa là giá trị đóng góp của công nghiệp vào nền kinh tế tăng dần và của nông nghiệp giảm dần. Nhưng tỷ trọng sản lượng nông nghiệp giảm chỉ mang giá trị tương đối chứ không có nghĩa là giá trị tuyệt đối[2].
    • Thay đổi cơ cấu được chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn trước hay giai đoạn kém phát triển, khi thu nhập bình quân của người dân ít hơn 600USD, nền kinh tế phụ thuộc vào nông nghiệp. Giai đoạn sau hay giai đoạn chuyển tiếp của phát triển, khi thu nhập trên 600USD nhưng dưới 3.000USD, nền kinh tế phụ thuộc vào sản xuất công nghiệp.
    • Cùng lúc đó, người dân chi tiêu ít hơn cho lương thực nên tỉ lệ đóng góp của khu vực sản xuất lương thực cho tăng trưởng kinh tế ít đi mà đóng góp của khu vực phi lương thực sẽ tăng lên.
    • Hiện tượng đô thị hoá gia tăng. Những người ở thành thị có thu nhập cao hơn ở nông thôn tạo ra hiện tượng di dân từ nông thôn ra thành thị. Tỉ lệ sinh và tử vong giảm dần.
àMô hình của ông do mang tính bình quân nên đã đơn giản hoá và loại bỏ những yếu tố đặc biệt riêng của từng quốc gia, mà chính những điểm khác biệt này tạo ra những thuận lợi cho sự phát triển của quốc gia đó. Thông thường những nước lớn giàu tài nguyên và đông dân như Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil sẽ có lợi thế kinh tế về quy mô và cầu không bị ảnh hưởng nhiều vào thị trường quốc tế. Song những quốc gia nhỏ hơn như Singapore, Đài Loan do có nhu cầu thị trường nội địa nhỏ nên phải phụ thuộc vào cầu quốc tế để kích thích tăng trưởng kinh tế.


[1] Tham khảo thêm các mô hình, lý thuyết tăng trưởng khác trong Kinh tế nông nghiệp
[2] Nghĩa là Tỷ lệ phần trăm giảm đi, nhưng con số cụ thể, giá trị tuyệt đối thì vẫn tăng lên.


--- CÒN TIẾP ---

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét