Ngữ âm học (Phonetics) là một nhánh của ngôn ngữ học nghiên cứu về cách đọc, phát âm và phiên âm của các từ qua các khái niệm âm tố, âm vị và bảng hệ thống các âm vị, âm tiết.
- Âm tố (Sound): khi phát âm, chuỗi âm thanh được chia thành các phân đoạn (segment)[1]. Ranh giới giữa các phân đoạn rất nhanh và không rõ nhưng được cho là không đáng kể. Đây chính là những âm tố. Vậy âm tố là cụ thể, là sự thể hiện của âm vị ở mỗi cá nhân khác nhau, trong mỗi hoàn cảnh khác nhau. Âm tố cũng chính là đơn vị ngữ âm nhỏ nhất, không thể chia nhỏ được nữa[2]. Âm tố được chia làm 2 loại: Nguyên âm và phụ âm.
- Âm vị (Phoneme): Do sự phức tạp bởi phát âm giữa người nói khác nhau nên những âm tố được quy ước và hệ thống lại bằng các chữ cái Latin cho dễ nhận biết và được gọi là âm vị (phoneme). Vậy âm tố chính là sự thể hiện của âm vị và số lượng âm vị sẽ ít hơn âm tố. Âm vị giúp phân biệt ý nghĩa, giữa từ này và từ khác[3]. VD: hot /hɔt/[4], được chia làm 3 phân đoạn, gồm 3 âm vị /h/, /ɔ/, và /t/ và giúp phân biệt với dot /dɔt/ qua sự khác nhau giữa 2 âm vị /h/ và /d/.
- Biến thể âm vị (Phoneme Variance): do sự khác nhau (giọng miền – dialect) nên cùng một âm vị có thể được phát âm khác nhau bởi những người khác nhau. Vậy những âm tố cùng thể hiện một âm vị chính là biến thể của âm vị (Nguyễn Thiện Giáp và ctg 2007). VD: development /-mənt/ được phát âm hổ biến là [-mənt] nhưng một số người Pháp nói tiếng Anh bị ảnh hưởng giọng mũi thì là [-mɑnt] [5].
- Âm tiết (Syllable): chưa có định nghĩa cụ thể rõ ràng nhưng người ta có thể phân biệt được nó dễ dàng. Âm tiết gồm ít nhất là 1 nguyên âm, có thể kết hợp thêm với 1 hay nhiều phụ âm.
VD: 1 âm tiết: a /ə/, hot /hɔt/, chỉ có 1 nguyên âm
2 âm tiết: contacts /’kɒntækts/: do có 2 nguyên âm
- Âm tiết phụ âm (Syllabic Consonant): là những âm tiết được tạo bởi phụ âm.
VD: bottle /’bɒtl/ âm tiết cuối cùng không có nguyên âm
Bảng hệ thống âm vị (Phonemic System):
- Nguyên âm (Vowel): thanh do hơi thoát ra tự do tạo thành, hơi yếu, âm thanh phát ra cao độ gần như nhau để tạo thành âm sắc nhất định. Gồm 20 nguyên âm i:, ɪ, e, æ, ʌ, ɑ:, ɒ, ɔ:, ʊ, u:, ɜ:, ə, eɪ, ɑɪ, ɔɪ, ɑʊ, əʊ, ɪə, eə, ʊə
- Phụ âm (Consonant): do sự cản trở không khí để gây nên tiếng động tạo thành, luồng hơi phải mạnh để bật ra và sau đó giảm, độ giảm tùy theo phụ âm[6]. Gồm 24 phụ âm (Peter Roach, 2009): p, b, t, d, k, g, f, v, θ, ð, s, z, ʃ, ʒ, h, tʃ, dʒ, m, n, ŋ, l, w, r, j
- Việc phân chia trên tuy vẫn có nhiều tranh cãi (VD: /ai/ nên là [ai] hay [a] và [i]) nhưng cách [ai] được dùng phổ biến vì sự thuận tiện.
[1] Peter Roach 2009, trang 36; Cao xuân Hạo a 2006, trang 20 và Nguyễn Thiện Giáp 2007, trang 156
[2] http://ngonngu.net/index.php?p=69#fnt2_ref, truy cập ngày 15/3/2012
[3] Nguyễn Thiện Giáp 2007, trang 53
[4] Đối với phiên âm từ ra âm vị thì dùng gạch xiên, Cao Xuân Hạo 2006, trang 192 và Peter Roach 2009, trang 92
[5] Đối với phiên âm từ ra âm tố thì dùng móc vuông, Cao Xuân Hạo 2006, trang 192 và Peter Roach 2009, trang 92
[6] Nguyễn Thiện Giáp 2007, trang 156
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét