domain, domain name, premium domain name for sales

Thứ Hai, 15 tháng 7, 2013

4 sai lầm khiến bạn luôn là nhà đầu tư thất bại

Làm sao để trở thành nhà đầu tư giỏi là câu hỏi phổ biến nhất trong giới đầu tư, đặt biệt là những người mới bắt đầu tập tành đầu tư. Nhưng đó là 1 câu hỏi sai lầm. Bởi hầu hết các nhà đầu tư đều không thắng được thị trường, nên rất khó để tìm được 1 công thức chiến thắng thị trường, cứ áp dụng mãi là ăn tiền mãi. Vì vậy, thay vì đặt mục tiêu trở thành nhà đầu tư giỏi như Buffet, trở thành nhà đầu tư bớt tệ hơn là mục tiêu hợp lí & khả thi. Trong đầu tư & bất cứ nghề nghiệp gì, ví dụ như chơi thể thao, người mới chơi nên tập trung tránh mắc sai lầm, các cao thủ mới nên luyện tập những sát chiêu cho riêng mình.

Dưới đây là 4 sai lầm lớn nhất mà các nhà đầu tư thất bại thường mắc phải:

1/ Không đa dạng hóa danh mục

Năm 1999, Khi các nhân viên Enron hỏi giám đốc nhân sự trong 1 cuộc họp: “ chúng tôi có nên đầu tư tất cả tiền hưu trí vào cổ phiếu Enron? Vị giám đốc nhân sự cười & chém: “hiển nhiên, các bạn cứ tất tay vào Enrron”. Kết quả thế nào thì các bạn cũng đã biết.
Từ Enron đến General motors, Kodak hay Leman, hàng loạt các công ty to big to fail trên thế giới đều có thể phá sản. Những cổ phiếu tốt cũng có giai đoạn giảm giá liên tục, Apple cũng có lúc trượt dốc không phanh, vì vậy bạn nào tất tay vào VNM hay những best stocks khác cũng nên cân nhắc đa dạng hóa danh mục của mình.
Nhiều người nói Warren Buffett không áp dụng phương pháp bỏ trứng vào nhiều giỏ, nhưng Berkshire Hathaway của ông có 55 công ty con ở rất nhiều lĩnh vực khác nhau, từ báo chí, dược phẩm, máy bay phản lực…

2/ Trade quá nhiều

Giảm chi phí giao dịch là 1 điều tồi tệ với các nhà đầu tư, vì nó thúc đẩy họ trade quá nhiều. Các nhà đầu tư mới tham gia thị trường thường có xu hướng quá tự tin vào kĩ năng, kiến thức của bản thân, với niềm tin rằng mình sẽ dễ dàng chiến thắng thị trường. Đặt biệt có 1 sự kiện thường lặp lại, đó là những người mới vào thị trường thường chiến thắng trong 1 vài trade đầu. Giống như khi vào sòng bạc, nhà cái thường cho con bạc thắng vài ván để họ hăng máu. Tiền thắng bạc là tiền trên trời rơi xuống nên họ take risk rất cao ở những ván sau. Những điều này có vẻ đơn giản nhưng ngẩm lại tôi đều mắc phải & thua lỗ lớn vì những điều đơn giản đó. Cổ phiếu đầu tiên tôi mua là VSP, lãi 40% trong 2 tuần ở trade đầu tiên. Woa, không ngờ thị trường CK dễ kiếm tiền thế, lão phu ta đây, trình độ thế này phân tích chứng khoán thì chuẩn không phải chỉnh. Phải nghiên cứu chiến lược lướt sóng 2 tuần kiếm 40%. Cứ thế những cú lướt sóng của tôi sau này đã làm tài khoản bốc hơi liên tục.
Nhiều nghiên cứu của các nhà kinh tế các nhà đầu tư càng nhiều kinh nghiệm càng kiếm được nhiều tiền hơn. Và 1 đặc điểm chung của nhiều nhà đầu tư kinh nghiệm là họ trade rất ít. Ví dụ ở TTCK VN, dù downtrend hay uptrend thì năm nào cũng có 2 sóng lớn đủ để kiếm ăn &rút lui an toàn. Các nhà đầu tư kinh nghiệm thường tập trung canh 2 sóng này, thời gian còn lại nghỉ ngơi, nghiên cứu hoặc làm việc khác. Trong khi đó các nhà đầu tư dở thường thích phải ăn tất, sóng to sóng bé, đầu cá thân cá đuôi cá gì cũng phải bắt được hết. Trên diễn đàn Vfpress có rất nhiều nhà đầu tư chuyên nghiệp. 1 Vfer nổi bật là anh Comaogaotien. Nếu để ý bạn sẽ thấy cả 2 sóng lớn đầu năm 2012 & 2013, anh không phải là người bắt được đáy & rất thận trọng khi vào tiền. Đến khi có tín hiệu tốt a mới bắt đầu tham gia, & rút ra ngay khi có những dấu hiệu cảnh báo, mặc cho sau đó TTCK vẫn tăng thêm khoản 15% nữa trước khi rớt mạnh. Đó là cách đánh của nhà đầu tư chuyên nghiệp, nghĩ tới việc giữ tiền trước rồi mới nghĩ tới lợi nhuận.

3/ Lên kế hoạch dài hạn nhưng lại hành động theo tư tưởng ngắn hạn

Nhiều nhà đầu tư có những mục tiêu đầu tư dài hạn để nghỉ hưu sớm, mua nhà, mua xe mới, cho con đi học… nhưng thường hay động theo cảm xúc ngắn hạn. Khi thị trường lên, họ sẵn sàng tất tay những khoản tiền đầu tư dài hạn để ăn con sóng ngắn hạn. Khi thị trường xuống vài phiên, họ lại hoảng loạn bán tháo cổ phiếu, trong khi đó đối với khoản đầu tư dài hạn thì không cần quá bận tâm đến diễn biến thị trường ngắn hạn. Anh linhbach sẵn sàng chấp nhận giá chứng khoán giảm 30-50% & rất kỉ luật với cổ phiếu đầu tư dài hạn của mình. Đó là cách chơi chuyên nghiệp & chiến thắng được cảm xúc của mình khi thị trường đi xuống. Trader & investor tham gia TTCK bị cảm xúc chi phối quá nhiều rất khó thành công.

4/ Hỏi sai câu cần hỏi

Trên truyền thông, internet, các diễn đàn, room skype có rất nhiều chuyên gia, & câu hỏi trồng cây gì nuôi con gì, mua khi nào bán khi nào xuất hiện khắp nơi trong TTCK. Thay vì hỏi như vậy, bạn nên hỏi cách các cao thủ phân tích, nhận định, hỏi về xu hướng dài hạn để học tập & phát triển bản thân. Còn việc mua cổ phiếu nào còn tùy thuộc vào mức độ chấp nhận rủi ro & khả năng của mỗi nhà đầu tư. Không cao thủ nào có thể tư vấn cho bạn cả đời. Hãy nhớ mục tiêu dài hạn của chúng ta khi bước vào thị trường là trở thành 1 nhà đầu tư bớt tệ hơn so với lúc đầu, có thể tự dựa vào kiến thức & suy luận của mình để kiếm tiền. Cần hỏi bản thân những câu hỏi như: nếu trade đúng tôi được bao nhiêu, trade sai tôi mất bao nhiêu? Tại sao tôi nên đầu tư vào lúc này? Đó là những câu hỏi quan trọng nhất mà các cao thủ phím hàng không thể trả lời thay bạn được.

Chủ Nhật, 7 tháng 7, 2013

36 kế trong binh pháp tôn tử

Ngày nay khi nhắc tới Binh Pháp Tôn Tử thì hầu hết chúng ta đều liên tưởng qua lĩnh vực Quản lý và Marketing. Các nhà lãnh đạo, chiến lược gia, chuyên gia marketing đều phải am hiểu các kế sách này để phục vụ cho công việc của mình. Giá trị về mặt thực dụng của 36 kế sách này vẫn tồn tại như một triết lý sống vĩnh cửu.

Trong bài viết này tôi xin giới thiệu một số khải niệm chung về “Tam Thập Lục Kế”:
1. Dương đông kích tây (Đánh lạc hướng đối phương)
Kế “Dương đông kích tây” là reo hò giả vờ như thật sự đánh vào phía đông, nhưng chủ yếu lại đánh vào phía tâỵ


Trong tất cả mọi vấn đề của xã hội, từ chiến trường, thương trường, chính trường cho đến tình trường; nếu muốn điều này nhưng lại giả làm điều kia, nói điều này mà làm điều nọ, ấy là “Dương đông kích tây” vậỵ
Kế này mờ ảo vô song. Nó rất khó biết, khó đoán, bị đánh bất ngờ. Kế này nhằm chuyển mục tiêu để lừa dối đối phương, khiến cho địch sơ ý, lừa lúc bất ý tấn công kẻ không chuẩn bị.
Có nhiều cách thức để thực hiện kế này, như:
- Tạo tin đồn. – Làm rối tai rối mắt địch. – Buộc đối phương lo nhiều mặt. – Mê hoặc ý chí của địch. – Nghi binh. – Làm phân tán lực lượng đối phương. – Làm yếu lực lượng đối phương, lực lượng phòng vệ địch.
Nguyên tắc của ” Dương đông kích tây” là bí mật và chủ động. Bị động coi như phải chịu sự khống chế của địch.
Điều kỵ khi dùng kế ” Dương đông kích tây” là để lộ cơ.
Lộ cơ là mất hết khả năng phòng bị, chuẩn bị. Dù là trên chiến trường, thương trường hay chính trường cũng đều phải giữ bí mật và nắm được thế chủ động.

2. Điệu hổ ly sơn (Dụ hổ ra khỏi rừng)
Kế “Điệu hổ ly sơn” là nhử, dụ hay khuấy động làm cho con hổ ra khỏi rừng.
Kế “Điệu hổ ly sơn” có hai lối: Một là nhử hổ ra khỏi rừng để dễ dàng giết hổ. Hai là đuổi hổ đi để dễ bắt giết những loại hồ ly vẫn dựa oai hổ mà hoành hành.

3. Nhất tiễn hạ song điêu (Một mũi tên hạ hai con chim)
Kế “Nhất tiễn song điêu” là dùng một mũi tên bắn chết hai con chim.
Ý của mưu kế này là dùng sức lực tối thiểu để đạt đến hiệu quả tối đa.

4. Minh tri cố muội (Biết rõ mà làm như không biết)
Kế “Minh tri cố muội” là biết thật rõ chuyện đấy, nhưng làm ra vẻ không biết gì.
Với người xưa, đây là một triết lý xử thế rất cao, mục đích lại ẩn trốn tất cả những tiếng thị phi nghi hoặc, nhưng theo nghĩa mưu kế, nó là một thái độ thâm sâu.
Cái đức của người quân tử không thể không cho thiên hạ biết, nhưng cái mưu kế của trượng phu không thể không giấu thiên hạ.
Tóm lại, biết rất nhiều mà tỏ ra không biết một là kế “Minh tri cố muội” vậy.

5. Du long chuyển phượng (Biến rồng thành phượng)
Kế “Du long chuyển phượng” là biến cái này thành cái kia, bên trong là hình rồng đó, nhưng làm cho nó trở thành phượng.
Cái kế này rất phổ biến, trong dân gian ta gọi là “Treo đầu dê, bán thịt chó”.

6. Mỹ nhân kế (Kế dùng gái đẹp)
“Mỹ nhân kế” là dùng gái đẹp để làm xoay chuyển, thay đổi tình thế mà những cái khác không thể thực hiện được.
Giai nhân từ ngàn xưa đến nay bao giờ cũng là đề tài chính. Tuy là phái yếu, không thể vác gươm đao mà đánh giặc, nhưng các nàng có thể thắng được bằng đôi mắt biếc và nụ cười xinh đẹp.
Có những bức thành kiên cố cả mười vạn quân không hạ nổi, nhưng nó có thể bị sụp đổ bởi ánh mắt mỹ nhân.
Sức mạnh của mỹ nhân đặc biệt là có ảnh hưởng đối với người anh hùng, người có quyền thế.

7. Sấn hỏa đả kiếp (Theo lửa mà hành động)
Kế “Sấn hỏa đả kiếp” là lợi dụng lúc loạn để thao túng, lúc tình hình rối ren mà sắp xếp theo ý muốn.
Có hai loại “Sấn hỏa đả kiếp”: Một là theo lửa để mà đánh cướp. Hai là chính ta phóng hỏa mà đánh cướp.
Theo lửa tức là thừa lúc người ở trong cơn nguy biến mà ta quấy hỗn loạn thêm.
Phóng hỏa tức là chính ta gây ra sự hỗn loạn mà thực hiện theo ý muốn của ta.
Theo lửa hay phóng hỏa cùng đi chung vào một mục đích là đánh địch và đoạt của địch để tạo cơ hội cho ta.
Theo lửa thì dựa vào thời cơ sẵn có.
Phóng hỏa thì tự ta tạo ra thời cơ.
Không thể phê phán theo lửa hay phóng hỏa, cái nào hay, cái nào dở, cái nào tốt, cái nào xấu, vì cả hai giống như một sự biến ảo giữa không khí và nước.
Trong sử sách, người ta thấy tay phóng hỏa giỏi là Trương Nghi. Một mình Trương Nghi đã phá tan thế hợp tung bằng cách dối Tề, lừa Triệu, dọa Ngụy, thuyết Yên, bịp Sở.
Trương Nghi thật là con người có cái lưỡi bằng lửa thiêu đốt cả sáu nước, dựng thành cơ nghiệp thống nhất cho nhà Tần.
Khổng Minh tuy là một nhà chính trị lỗi lạc tài tình, nhưng cái thế của ông ngay từ đầu chỉ là cái thế phải theo lửa để gây vốn: Lưu Bị bị Tào Tháo đánh chạy đến cùng đường, Khổng Minh đành tính kế nương nhờ Tôn Quyền rồi ăn theo cuộc chiến tranh Nam – Bắc, ăn theo trận Xích Bích để cướp Kinh Châu.
“Sấn hỏa đả kiếp” đòi hỏi một khả năng hành động mau lẹ như con ó bắt mồi.

8. Vô trung sinh hữu (Không có mà làm thành có)
Kế “Vô trung sinh hữu” là từ không mà tạo thành có.
Thiên hạ không loạn, trật tự không rối thì làm gì có anh hào xuất lộ! Bởi lẽ đó, những anh hào thường được gọi là kẻ “chọc trời khuấy nước”. Mục đích của khuấy nước là làm rối beng sự việc lên để dễ bề thao túng. Thủ đoạn của khuấy nước là gây tiếng tăm, tung tiếng đồn, gây xáo trộn rồi dựa vào đó mà thủ lợi.
Kế “Vô trung sinh hữu” hình dung là tu hú đẻ nhờ, tổ thì chim khác làm, nhưng con tu hú cứ đến đặt trứng của nó vào đó, rồi lại nhờ loài chim khác ấp trứng luôn, khi trứng nở thành chim, tu hú con bay về với bầy tu hú.

9. Tiên phát chế nhân (Ra tay trước để chế phục đối phương)
“Tiên phát chế nhân” là ra tay trước để dành chiếm ưu thế, để đoạt lợi, để bắt lấy sự chiến thắng.
Kế “Tiên phát chế nhân” là không nói quá xa, viễn vông, mà phải nhìn vào thực tế gần nhất.
Các vụ xảy ra trong lịch sử như: Lý Thế Dân tại Huyền Vũ Môn, Võ Tắc Thiên phế lập Lư Lăng Vương, Ung Chính cướp Bảo Tòa, Từ Hi độc sát Quang Tự, Gia Cát Lượng lấy đất Quang Trung… Tất cả đều là áp dụng thủ đoạn “chớp nhoáng” không cho địch kịp trở tay, không cho dư luận phản ứng kịp.
Vẫn có câu “Tiên hạ thủ vi cường” là vậy.

10. Đả thảo kinh xà (Đập cỏ làm cho rắn sợ)
Kế “Đả thảo kinh xà” là đập vào cỏ, làm động cho rắn sợ.

11. Tá đao sát nhân (Mượn đao để giết người)
Kế “Tá đao sát nhân” là mượn dao để giết người, mượn tay người khác để giết kẻ thù của mình.
Ngạn ngữ Trung Quốc có câu: “Sát nhân bất kiến huyết, kiến huyết phi anh hùng”. (Giết người không thấy máu, thấy máu không anh hùng).
Trên đời dĩ nhiên chưa có kẻ nào chỉ giết người mà thành anh hùng, nhưng cũng hiếm có tay anh hùng nào không giết người. Điểm khác nhau không ở có hay không, mà ở chỗ thông minh hay ngu xuẩn. Tào Tháo mượn Lưu Biểu giết Nễ Hành, mượn lòng quân giết Dương Tu rồi lại được làm cái việc mèo già khóc chuột, thật đáng kể là một tay thông minh, gian hùng.

12. Di thể giá họa (Dùng vật gì để vu khống người ta)
Kế “Di thể giá họa” là đem xác chết hay đồ vật gì bỏ vào nhà người khác để giá họa.
Kế này thường được dùng bởi khối óc quỷ quyệt thông minh, tự mình không ra mặt mà làm cho đối phương bị hại. Như vậy gọi là “giết người không thấy máu”.

13. Khích tướng kế (Kế chọc giận tướng giặc)
“Khích tướng kế” là kế chọc giận tướng giặc, làm tướng giặc nổi giận. Nổi giận sẽ mất sáng suốt, thiếu suy nghĩ, không tự chủ được con người mình.
Mạnh Tử nói: “Nhất nộ nhi an thiên hạ”.
Trong đời có nhiều sự việc được thành tựu bằng một cơn giận và cũng có nhiều việc thất bại bởi một cơn giận.
Bởi vậy cái kế khích tướng cũng là một trong những diệu kế, nếu đạt ra thì kiến thiên hạ, cùng thì mang họa vào thân.
Khích tướng còn là khơi dậy cái hùng khí của người khác để người ấy làm việc cho ta.
Đối tượng tốt nhất của kế khích tướng là những người có tính tình bạo tháo hay sẵn sàng phẫn nộ.
Tuân Tử bảo rằng: “Lời nói khéo êm như lụa, lời nói ác nhọn như giáo mác”.
Thuyết là tiến dẫn lời nói, cái nghĩa căn bản của thuyết làm cho người ta nghe theo. Hiệu quả của thuyết rất lớn. Bởi thế mới có câu: “Thiên hạ tĩnh, nhất ngôn sử chi động. Thiên hạ động, nhất ngôn sử chi tĩnh”. (Thiên hạ đang yên lặng, một lời nói làm náo loạn. Thiên hạ đang náo loạn, một lời nói làm lắng dịu).
Căn bản mưu thuật của thuyết, theo Tuân Tử có bốn điều: Cơ, dũng, trí, biến.
- Cơ: Là xem thời độ thế, nhân lợi thuận tiện.
- Dũng: Là quyết đoán nói những điều không ai dám nói.
- Trí: Là biết rõ sự tình, tâm lý, giải quyết được thắc mắc, chế phục được người.
- Biến: Là biến hóa, trong các trường hợp bất trắc.

Mục đích của thuyết có năm điều:
- Làm cho người hiểu rõ.
- Làm cho người tin tưởng.
- Làm cho người đồng tình.
- Làm cho người phục.
- Làm cho người theo.

Đạt được năm mục đích trên thì kể như nắm chắc phần thắng trong tay.
14. Man thiên quá hải (Lợi dụng sương mù để lẩn trốn)
Kế “Man thiên quá hải” là lợi dụng lúc trời sương mù mà lẩn trốn, vượt qua hay hành động ngay trong lúc sương mù.
Man thiên, trời u ám không phải hoàn cảnh hoàn toàn bất lợi như một quẻ trong Dịch lý đã nói. Man thiên, không thể ngồi đợi nó tới như sương mù do thời tiết thiên nhiên, mà phải tạo ra nó.
Kế “Man thiên” đem áp dụng thực hiện được cả hai mặt: tiêu cực lẫn tích cực.
Tích cực là đem ánh sáng đến cho một tình thế mờ mịt.
Tiêu cực là lẩn tránh một tai họa, là lợi dụng cơ hội sơ hở của địch để thoát bí.
Ở trận Xích Bích, Khổng Minh đã giải quyết vấn đề thiếu tên bắn cho các cung thủ bằng cách lấy mười chiếc thuyền lớn chất đầy rơm, đợi lúc trời sương mù, âm thầm đến trại Tào Tháo nổi trống la hét làm như tấn công. Tào sợ ngụy kế, không dám xông ra, chỉ bắn tên như mưa vào các thuyền rơm. Bằng một đêm đánh trống reo hò, không chết một người, Khổng Minh đã lấy được của Tào Tháo cả trăm ngàn mũi tên.

15. Ám độ trần sương (Đi con đường mà không ai nghĩ đến)
Kế “Ám độ trần sương” là bí mật đưa quân qua con đường mà không ai nghĩ rằng ta sẽ đi qua.
Kế này áp dụng giữa lúc hai bên đang đấu tranh, chiến đấu với nhau.
Mỗi bên đều ra sức giấu mục tiêu thật của mình rồi đưa ra mục tiêu giả mà lừa đối phương.
Đây là công việc rất phức tạp, có một quá trình khúc triết. Như “Tôn Tử Binh Pháp” viết: “Việc binh là trá ngụy, có thể mà làm ra vẻ không có thể, dùng đấy mà tỏ ra không dùng, gần giả làm như xa, xa giả làm như gần. Lấy lợi mà dụ, gây rối mà đuổi, thấy khỏe thì tránh. Đầu tiên là làm mọi cách giảm nhược lực đối phương, sau rồi mới tiến hành dự định.
Muốn dụng kế này phải là người có tầm nhìn xa hiểu rộng và một khối óc tuyệt vời.

16. Phản khách vi chủ (Đổi vị khách thành vị chủ)
Kế “Phản khách vi chủ” là đổi địa vị khách thành địa vị chủ.
“Phản khách vi chủ” là trong đấu tranh đang ở vào thế bị động nên phải tìm kế hoạch đến chủ động, khách vốn là địa vị bị chi phối, mọi việc đều do chủ đặt định sắp xếp.
“Phản khách vi chủ” là nguyên tắc thường dùng trong đấu tranh. Có chủ động mới khống chế được cục diện. Không có chủ động, không thể thắng lợi.

17. Kim thiền thoát xác (Ve sầu vàng lột xác)
“Kim thiền thoát xác” là con ve sầu vàng lột xác.
Kế này dùng cho lúc nguy cấp, tính chuyện ngụy trang một hình tượng để lừa dối, che mắt đối phương, đặng đào tẩu chờ một cơ hội khác.
Kế “Kim thiền thoát xác” có một phạm vi rất rộng rãi và phổ biến, bất cứ ai ở hoàn cảnh nào cũng có thể sử dụng được.

18. Không thành kế (Kế bỏ trống cửa thành)
“Không thành kế” là kế bỏ thành trống, thành bỏ ngỏ.
Kế này có hai loại:
- Một là lúc tình thế cực khẩn cấp, nguy hiểm như treo trên sợi tóc, buộc phải dùng nghi binh để lừa dối đối phương mà dựa vào đó để trốn thoát.
- Hai là rút lui với đầy đủ kế hoạch dụ cho địch quân xâm nhập rồi mới bao vây tiêu diệt.
“Không thành kế” thực ra là một cách tạo nghi âm cho đối phương, mục đích là không cho đối phương sớm có một quyết định.

19. Cầm tặc cầm vương (Dẹp giặc phải bắt tướng giặc)
“Cầm tặc cầm vương” là dẹp giặc phải bắt chúa giặc.
Phương pháp bắt chúa giặc thật thiên biến vạn hóa, không cứ bằng sức mạnh hay bằng trí khôn. Các kế khác như “Điệu hổ ly sơn”, “Mỹ nhân kế” hay “Man thiên quá hải” đều có thể dùng cho kế “Cầm tặc cầm vương”. Để đối phó với một nhân vật anh hùng, thì dù một quả đạn mà giết hay dùng mỹ nhân kế mà nhử thì cũng như nhau.
Nhưng đa số âm mưu cầm vương được hiệu quả bằng kích thích anh hùng và mỹ nhân kế.
“Tự cổ anh hùng đa hiếu sắc” là vậy.
Việt Vương thua trận rồi, mà chỉ dùng một nàng Tây Thi đã đủ giam cầm Phù Sai. Lý Viên muốn đoạt quyền của Xuân Thân Quân, nên đã cho cô em là Lý Yên sang làm tì thiếp. Đó là những cách gián tiếp để cầm vương.

20. Ban chư ngật hổ (Giả làm con heo để ăn thịt con hổ)
Kế “Ban chư ngật hổ” là giả làm con heo để ăn thịt con hổ.
Lão Tử nói: “Người cực khôn khéo mà làm ra vụng về”, cũng như câu “đại trí nhược ngu”. Người đi săn thường học tiếng heo kêu rồi tự giả làm heo để nhử con hổ.
Đối với kẻ thù, ta hãy giả ngu như một con heo, trên bề mặt cái gì cũng thuận chịu, lúc nào cũng cười, lúc nào cũng cung kính để cho địch mất hết nghi âm. Chờ thời cơ chín, tìm thấy chỗ nhược của kẻ thù mà đập đòn sấm sét.
- Dùng việc không gì quan trọng bằng bí mật.
- Hành động không gì quan trọng bằng thừa lúc bất ý.
- Dò xét không gì quan trọng bằng làm cho địch không hay biết.
- Bên ngoài ra vẻ loạn mà bên trong rất có cơ ngũ.
- Tỏ ra đói mệt nhưng thật là no khỏe.
- Làm ra ngu xuẩn nhưng rất tinh tường.
Những câu trên đây chính là căn bản lý luận của kế “Ban chư ngật hổ” vậy.

21. Quá kiều trừu bản (Qua cầu rồi phá cầu)
“Quá kiều trừu bản” là qua cầu rồi thì phá cầu, ý nói một người sau khi đã thành công, muốn hưởng thụ một mình nên giết hại hoặc xa lánh những người bạn đã đồng lao cộng khổ với mình.
Kế “Quá kiều trừu bản” thường trái ngược với kế “Ban chư ngật hổ”. Qua cầu cất nhịp là lúc đắc thời đắc thế đem thuộc hạ ra mà khai đạo. Còn giả tiếng heo là kế áp dụng giữa lúc ở vào thế kẹt.
Đứng trên lập trường đạo lý thì cất nhịp cầu là một hành động vong ân bội nghĩa.
Lưu Bang nổi danh là người qua cầu cất nhịp lớn nhất trong lịch sử. Lúc Lưu Bang hàn vi còn đi ăn cắp gà, thôi thì Bang nói đủ các điều ngon ngọt dễ nghe để tựu chúng lập đảng. Đến khi nên cơ nghiệp rồi, lo việc củng cố quyền thế, Lưu Bang chẳng ngại gì hết, đổi lại thái độ, nghi ghét triều thần.
Người thứ nhất mà Lưu Bang lôi chém là Hàn Tín, rồi đến Bành Việt, Anh Bố, bỏ tù Tiêu Hà, Trần Hi, Phàn Khoái.
Trương Lương thấy họa chẳng chóng thì chày cũng đến với mình, nên bỏ trốn lên rừng học đạo tu tiên.

22. Liên hoàn kế (Kế móc nối nhau)
“Liên hoàn kế” là nối liền với nhau thành một dây xích.
“Liên hoàn kế” còn là vận dụng một quyền thuật để tạo phản ứng dây chuyền cho đối phương hoặc gây thành phản ứng nhiều mặt.
Mỹ nhân kế là vũ khí phổ biến nhất cần thiết cho việc dùng “Liên hoàn kế”. Vì người đẹp ví như nước, anh hùng ví như bùn, nước làm cho bùn nhão ra.
Từ ngàn xưa, đa số anh hùng đã vì thương hoa tiếc ngọc nên bỏ lãng nhiệm vụ.
Tuy vậy, vẫn phải phân biệt “Mỹ nhân kế” với “Liên hoàn kế”.
Liên hoàn kế là một hình ảnh của thực tiễn, bất cứ việc gì xảy ra cũng gây thành phản ứng dây chuyền. Việc xảy ra hôm nay cũng không tự dưng mọc ra, nó phải là kết quả dây chuyền từ những sự việc trước.

23. Dĩ dật đãi lao (Lấy khỏe để đối phó với mệt)
Kế “Dĩ dật đãi lao” là lấy sự thanh thản để đối phó với hấp tấp, nhọc nhằn; dưỡng sức mà đợi kẻ phí sức.
Kế này viết ở trong thiên “Quân Tranh” của bộ “Tôn Tử Binh Pháp”: “Lấy gần đợi xa, lấy nhàn đợi mệt” nghĩa là trên chiến thuật phải tìm nắm trước địa vị chủ động để ứng phó với mọi tấn công của địch.
Cũng có ý nói nên chuẩn bị chu đáo, dễ dàng lấy cái thế bình tĩnh xem xét tình hình biến hóa mà quyết định chiến lược, chiến thuật. Đợi địch mỏi mệt, tỏa chiết bớt nhuệ khí rồi mới thừa cơ xuất kích.
Tôn Tử gọi thế là: “Ẩn sâu dưới chín từng đất, hành động trên chín từng trời”.
Sử dụng sách lược này đòi hỏi thái độ tuyệt đối trầm tĩnh ứng biến, đo được ý kẻ thù, hoàn cảnh kẻ thù, thực lực kẻ thù. Nếu thời cơ chưa chín thì đứng yên như trái núi. Khi cơ hội vừa tới thì lập tức lấp sông, chuyển bể.
Tư Mã Ý ngăn Gia Cát Lượng ở Kỳ Sơn.
Chu Du phóng hỏa tại Xích Bích.
Tào Tháo đại phá Viên Thiệu nơi Quan Độ.
Tạ Huyền đuổi Bồ Kiên ở Phi Thủy.
Tất cả đều lấy ít đánh nhiều, thế kém vượt thế khỏe. Tất cả đều là kết quả sử dụng tài tình sách lược “Dĩ dật đãi lao”.

24. Chỉ tang mạ hòe (Chỉ vào gốc dâu mà mắng cây hòe)
“Chỉ tang mạ hòe” là chỉ vào gốc dâu mà mắng cây hòe. Ý nói vì không tiện mắng thẳng mặt nên mượn một sự kiện khác để tỏ thái độ.

25. Lạc tỉnh hạ thạch (Ném đá vào người dưới giếng)
“Lạc tỉnh hạ thạch” là ném đá vào đầu kẻ đã rơi xuống giếng.
Rơi xuống giếng lại còn ném đá vào đầu nạn nhân. Nếu đứng trên quan điểm đạo đức Khổng – Mạnh thì phải là hành động không chính nhân quân tử, nhưng nếu coi là một mưu kế thì hành động này lại là một hành động sáng suốt.
Căn bản triết lý của “Lạc tỉnh hạ thạch” là chi phối được thì mới chiếm đoạt được, và nhân từ với kẻ thù tức là tàn nhẫn với chính ta.
Lưu Bị lúc nào hé miệng cũng nói những điều nhân từ, lúc nào cũng chảy nước mắt, nhưng ông lại là người cũng giỏi thủ đoạn “Lạc tỉnh hạ thạch” nhất.
Chẳng vậy mà khi Lã Bố vốn là người làm nhiều ân huệ đối với Lưu Bị, nào việc bắn kích ở Viên Môn, nào việc cho Lưu Bị nương tựa ở căn cứ mình… Đến lúc Lã Bố bị bắt sau khi thất trận Từ Châu, Tào Tháo trong lòng còn đôi chút thương mến muốn dụ dỗ Lã Bố, Lưu Bị ngại Tào Tháo có thêm một mãnh tướng nữa nên đã ghé tai Tào Tháo mà nhắc khéo: “Ông không nhớ chuyện Đinh Nguyên và Đổng Trác hay sao?” (Đinh Nguyên và Đổng Trác đều nhận Lã Bố làm con nuôi, nhưng đều bị chết vì tay Lã Bố.
Lưu Bị đã không kể đến ơn nghĩa, lại còn đưa đòn độc “Lạc tỉnh hạ thạch” hạ Lã Bố. Như vậy, Lã Bố làm sao khỏi chết!

26. Hư trương thanh thế (Thổi phồng thanh thế)
“Hư trương thanh thế” là thổi phồng thanh thế để cho người ta chóa mắt, nể sợ.
Đời Tam Quốc, Tào Tháo tiến xuống Giang Định, rầm rộ cả trăm vạn hùng quân. Tháo định dùng ưu thế tuyệt đối để buộc Tôn Quyền phải hàng phục. Nhưng Khổng Minh trông thấy âm mưu này nên chỉ ba vạn quân với một số mưu kế và trận gió đông đã đánh bại quân Tào.
Khi sử dụng kế này, trước hết phải xem mục đích và giá trị của nó thế nào đã, rồi mới định cỡ to nhỏ.

27. Phủ để trừu tân (Bớt lửa dưới nồi)
Kế “Phủ để trừu tân” là bớt lửa dưới nồi, ý nghĩa là giải quyết trên căn bản một vấn đề, chủ ý không cho nó phát ra (bớt lửa cho nước khỏi trào).
Khi có một việc đã bùng nổ ra rồi thì tìm cách làm cho nó dịu đi, không để nó tiếp tục ác liệt.
Chỗ diệu dụng kế “Phủ để trừu tân” là không nghe thấy tiếng, không nhìn thấy hình, vô cùng như trời đất, khó hiểu như âm dương, khiến cho kẻ thù rơi vào kế của mình mà họ không biết.
Không kể tình trường, chiến trường hay thương trường, kế “Phủ để trừu tân” lúc nào cũng là kế rất âm độc, lớn mang hiệu quả lớn, nhỏ có hiệu quả nhỏ.
Ở tình trường, anh chàng kém vế thường o bế song thân hoặc anh em của đào, hơn là tấn công chính nàng!
Ở chiến trường, kế “Phủ để trừu tân” lại càng dày đặc, giăng mắc như mạng nhện.

28. Sát kê hách hầu (Giết gà cho khỉ sợ)
“Sát kê hách hầu” nghĩa đen là giết con gà cho con khỉ sợ.
Theo truyền thuyết dân gian, con khỉ rất sợ trông thấy máu, cho nên khi người ta muốn dạy khỉ, trước hết họ giết một con gà, bắt con khỉ nhìn thấy đống máu bê bết rồi mới bắt đầu giáo hóa. Lúc bắt khỉ cũng thế, người ta vặn cổ con gà cho nó kêu lên những tiếng ghê rợn, khiến cho khỉ bủn rủn chân tay thì đến bắt.
“Sát kê hách hầu” có tác dụng lớn, làm cho các vụ mới nở ra trong trứng nước bị rơi vào cảnh bối rối, sợ sệt.

29. Phản gián kế (Dùng kế của đối phương để quật lại)
“Phản gián kế” là dùng người của đối phương lừa dối đối phương, dùng kế địch lừa địch.
Tôn Tử nói: “Biết mình là biết thực lực và nhiệm vụ của mình. Biết người là biết thực lực và ý đồ của địch. Biết mình thì tương đối dễ hơn biết người. Cho nên muốn biết người thì phải dùng gián điệp”.

30. Lý đại đào cương (Đưa cây lý chết thay cây đào)
“Lý đại đào cương” là đưa cây lý chết thay cho cây đào.
Người lớn làm họa, bắt người bé chịu tội thay. Có rất nhiều kẻ tác gian phạm tội lại bắt người khác thế thân.

31. Thuận thủ khiên dương (Thuận tay dắt con dê về)
“Thuận thủ khiên dương” theo nghĩa đen là thuận tay dắt con dê về.
Sự việc trên đời, thiên biến vạn hóa rất kỳ diệu. Phải biết nắm lấy bất cứ cơ hội nào vụt hiện đến trước mắt, đó là những thâu hoạch, những cái lợi bất ngờ.

32. Dục cầm cố tung (Muốn bắt mà lại thả ra)
“Dục cầm cố tung” theo nghĩa đen là muốn bắt cho nên thả ra.
Muốn thực hành kế này, phải có một nhãn quan sâu rộng, một tấm lòng nhẫn nại vô song. Những kẻ cấp công cận lợi không bao giờ có đủ tài trí để thi hành nó.
Kế “Dục cầm cố tung” không thi hành theo cái nghĩa đen của nó. Kế này nói lên sự mềm dẻo cho mọi chính sách, thứ nhất là chính sách thu phục lòng người, giữ người.

33. Khổ nhục kế (Hành hạ thân xác mình để người ta tin)
“Khổ nhục kế” là hành hạ mình, rồi đem cái thân xác bị hành hạ ấy để làm bằng chứng mà tiếp cận với địch để hoàn thành một âm mưu nào đó.

34. Phao bác dẫn ngọc (Ném hòn ngói để thu về hòn ngọc)
“Phao bác dẫn ngọc” nghĩa đen là ném hòn ngói để thu về hòn ngọc. Tức là dùng tiểu vật để đoạt một đại vật, như người đi câu vậy.
Dân gian thường nói “thả con tép bắt con tôm” cũng là kế này.

35. Tá thi hoàn hồn (Mượn xác để hồn về)
“Tá thi hoàn hồn” nghĩa là mượn xác để hồn về.
Ý kế này chỉ rằng: Sau khi đã thất bại, buộc phải lợi dụng một lực lượng nào đó để khởi lên thi hành trở lại chủ trương của mình.
Tuy nhiên, dùng kế này rất dễ đi vào con đường nguy hiểm, nếu sơ xuất thì tỷ như rước voi về giày mả tổ.
Nếu mượn xác mà mượn ẩu thì chẳng khác gì vác xác chết về nhà.

36. Tẩu kế (Chạy, lùi, thoát thân)
“Tẩu kế” nghĩa là chạy, lùi, thoát thân.
Tại sao kế sau chót cổ nhân lại đặt là “kế chạy”?
Lại có câu: “Tam thập lục kế, tẩu vi thượng sách”. (Ba mươi sáu chước, chạy là hơn hết!)
Bởi vậy kế này liên quan nhiều đến sự thành bại của một công việc lớn. Bất luận là đánh nhau bằng văn hay bằng võ, không ai là có thể thắng hoài. Trong quá trình chiến đấu bao gồm nhiều kiểu thắng, nhiều kiểu bại, lúc ẩn lúc hiện, trong chớp mắt dồn dập cả trăm ngàn biến chuyển. Nếu không ứng phó mau lẹ để tránh những cảnh bất lợi, để nắm mau lợi thế mà tiến tới thắng lợi, thì không phải là nhân tài.
Chạy có nhiều phương thức. Bỏ giáp, bỏ vũ khí mà chạy, bỏ đường nhỏ mà chạy tới đường lớn, bỏ đường bộ mà chạy sang đường thủy… Các phương thức tuy không giống nhau nhưng cùng hướng chung đến mục đích là tránh tai họa để bảo đảm an toàn, để bảo toàn lực lượng.
“Tẩu kế” không phải là chạy dài. Chạy chỉ là một giải pháp để mà sẽ quay lại. Tinh hoa của kế chạy là giành thời gian, bảo tồn sức khỏe, lực lượng.
Rút chạy đến một vị trí mới, cho tư thế vững mạnh hơn, tập trung nỗ lực và củng cố tinh thần, chọn một cơ hội thuận tiện để quật lại, ấy mới thực là “Tẩu kế”.
Sau hết phải lo đến điểm nguy của kế chạy: Khi chạy, sẽ mất tinh thần, sự việc hoàn toàn lỏng lẻo, mất sự tin tưởng ở xung quanh. Nếu không giải quyết cho chính xác những vấn đề trên thì “tẩu” không còn là một kế hoạch nữa, mà là một sự tan rã vậy!

——-
Sưu tầm

Thứ Năm, 4 tháng 7, 2013

Gia tộc Rothschild vào Việt Nam

Hôm qua đọc được tin này: Thêm một ngân hàng nước ngoài đến Việt Nam. Lần này là Ngân hàng Rothschild. Tôi chợt nhớ đến một quyển sách mà mình đã đọc cách đây một thời gian, cuốn Currency Wars – Chiến tranh Tiền tệ. Giở quyển sách ra đọc lại, vẫn có cảm giác như lần đầu đọc: một sự pha trộn giữa ngạc nhiên, thán phục và sờ sợ.

Bỗng nhiên muốn viết một cái gì đó.
____
Chúng ta thường hay nghe nói đến CitybankHSBC hay là… Vietcombank, nhưng chắc là không nhiều người biết đến cái tên NM Rothschild & Sons Ltd. Thật ra đây là một cái tên rất nổi tiếng trong ngành tài chính thế giới, tên của một gia tộc mà sự phát triển của gia tộc này gần như gắn liền với các sự kiện chi phối lịch sử thế giới mấy trăm năm nay.
Nếu chúng ta biết được Cục Dữ Trữ Liên Bang Hoa Kỳ (FED) bị chi phối bởi những ngân hàng tư nhân, và biết được rằng ai là kẻ đứng đằng sau các cuộc chiến tranh, khủng hoảng tài chính… Như trong quyển Currency Wars đã nói, nếu chúng ta tin rằng Bill Gates là người giàu nhất thế giới thì chúng ta đã là một trong những khán giả của màn kịch lớn nhất thế giới.
Thời điểm đó những điều này làm tôi vô cùng hứng thú và say sưa tìm đọc tất cả những tài liệu liên quan đến vấn này.
Đọc những câu chuyện về sự hình thành của gia tộc Rothschild, một gia tộc đã âm thầm cai quản một ngai vàng quyền lực, chi phối tất cả mọi hoạt động của thế giới. Tất cả những vấn đề vĩ mô nhất, như chiến tranh, khủng hoảng kinh tế, các chính sách phát triển kinh tế của các vị vua, tổng thống… đều bị sự chi phối của những kịch bản của các tập đoàn tài chính này, mà trong đó Rothschild như là một ông trùm của thế giới ngầm.
Vào đầu thế kỷ 19, khi cuộc chiến giữa Anh và Pháp đang dần đi đến hồi quyết định, trận quyết chiến giữa Napoleon và Wellington ở Waterloo đang bắt đầu diễn ra, kết quả của trận chiến này sẽ quyết định cục diện châu Âu khi đó, nước nào sẽ “thắng làm vua” và nước nào sẽ “thua làm giặc”. Đây cũng là câu chuyện mà tôi thích nhất khi đọc về gia tộc Rothschild. Trong trận chiến này, Rothschild đã xây dựng được những mạng lưới tình báo và gián điệp ở cả 2 phía, và trớ trêu mà mạng lưới tình báo của Rothschild còn hiệu quả hơn cả của quân đội.
Khi đã xác địch được kết quả chiến cuộc ở Waterloo (rằng Napoleon sẽ thua). Các gián điệp của Rothschild tức tốc đưa thông tin này về cho Nathan Rothschild – đầu não của gia tộc này ở London – từ đó ông biết thông tin quý báu này trước tất cả những nhà đầu tư khác ở thị trường chứng khoán London – khi đó đang hồi hộp ngóng chờ kết quả trận chiến. Chính vì sự đi trước này, kết hợp những kỹ năng, chiêu thức (và cả thủ đoạn) của mình, Rothschild đã làm cho mọi người tin rằng nước Anh đã thua trận, khiến người ta bán thốc bán tháo trái phiếu của Anh đi, trước khi chúng biến thành giấy vụn. Đúng thời điểm đó, người của Rothschild đã mua vào tất cả với giá gần như cho không. 1 ngày sau tin tức chiến thắng của Wellington mới về đến và lúc này Rothschild đã gần như thâu tóm tất cả trái phiếu chính phủ của Anh. Rothschild trở thành chủ nợ lớn nhất của nước chiến thắng. Wellington chiến thắng trên chiến trường để đưa Rothschild đi qua khải hoàn môn của quyền lực vô hình. Từ đó gia tộc này xây dựng một tập đoàn tài chính hùng mạnh cho tới tận ngày hôm nay. Và hôm nay, tập đoàn này đến Việt Nam.
Trước đây tôi thường thắc mắc không hiểu vì sao người ta lại có các khoảng vay ưu đãi cho các nước khác, rằng vì sao có những khoản viện trợ ODA, vì sao World Bank hay IMF lại thường đưa ra những khoản chi hào phóng cho các dự án của các chính phủ nước nghèo… Nhưng càng đọc càng hiểu hơn, và biết rằng đó là những cạm bẫy ngọt ngào mà các nhà tài phiệt thế giới ru ngủ  các chính phủ. Để rồi đến một lúc nào đó những chính phủ này phải chịu sự chi phối của tổ chức này.
Không cần nhìn đâu xa, mới vừa đây thôi thị trường chứng khoán Việt Nam đã giáp mặt với một cuộc khủng hoảng tương tự. Khi mà người ta bơm tiền vào thị trường để gây nên những giá trị ảo cho các công ty, đẩy những cổ phiếu các công ty đi quá xa so với giá trị thực sự của nó, dẫn đến các nhà đầu tư Việt Nam bỗng một đêm trở nên giàu có – tôi có những người bạn chỉ dành ra 500 triêu để đầu tư và có thời điểm họ có trong tay đến hàng chục tỉ. Đẩy theo các giá trị khác tăng theo, mà điển hình nhất là các giá trị đất đai, khi mà người ta mua nhà ở không phải vì nhu cầu chỗ ở mà là vì những giá trị ảo do chính những người mua đẩy lên. Cho đến một thời điểm thích hợp, khi mà những bàn tay vô hình này rút vốn ra khỏi thị trường thì tất cả những giá trị đó rớt không phanh rơi rớt hơn cả giá trị thật sự của nó, dẫn đến làn sóng thua lỗ, phá sản của hàng loạt người, thậm chí người ta có cảm giác khiếp sợ về chứng khoán, nghĩa là đâm đầu vào thì chỉ có chết. Đó chính là thời điểm đỏ sàn vừa qua.
Thời điểm “huy hoàng ảo” của chứng khoán ấy, tôi từng thấy rất nhiều “nhà đầu tư” xuất thân từ đủ mọi thành phần, từ những công nhân viên văn phòng, những người dân buôn bán rút tiền dành dụm ra đầu tư, đến cả những bà nội trợ cũng đi cầm cố tài sản đi chơi chứng khoán, vì chơi là thắng, mà thắng một thắng mười. Lợi nhuận quá lớn này làm người ta quên đi một điều đơn giản, rằng những khoảng đầu tư nào mà lợi nhuận quá lớn đều có những uẩn khúc của nó, rằng thị trường chứng khoán chỉ là một thị trường luân chuyển tiền tệ, đồng tiền chuyển từ nơi này sang nơi khác, nếu bạn thắng tiền thì tiền đó đến từ đâu? Và ai sẽ mất đi những đồng tiền đó?
Tôi có quen một số người làm việc ở các ngân hàng, một số trong bọn họ đang chinh chiến ở các thị trường như Hongkong, New York… họ được công ty mẹ cử về Việt Nam chỉ để làm một việc là tham gia vào các hoạt động đầu tư của thị trường chứng khoán, dùng các quỹ khổng lồ để kích thích đầu tư. Ngồi nghe họ nói chuyện, tôi tham gia nhiều nhưng chợt  rùng mình khi nghĩ đến một điều đơn giản: làm sao những bà nội trợ, những anh công nhân viên chức có thể chiến thắng được những cái đầu này ngay trên chính sân chơi của họ? Thế mà người ta vẫn nghĩ rằng chứng khoán là một mỏ vàng và tất cả mọi người ồ ạt đổ xô đến… nhặt về.
Và kết quả ở thời điểm này, tôi đã chứng kiến không ít bạn bè trắng tay sau canh bạc chứng khoán, và sau đó là địa ốc.
Tôi đứng ngoài những làn sóng này, vì tôi tự xét mình không phải là một chuyên gia tài chính, và tôi nghĩ đơn giản: tôi không thể chiến thắng những cái đầu kia. Tôi dùng tiền của mình để đầu tư vào những lĩnh vực mà tôi hiểu rõ. Có đôi lúc tôi cũng ghen tị khi bạn bè bỗng dưng lên vùn vụt, nhà cửa 2-3 cái, xe cộ bạc tỉ… Nhưng cuối cùng nghĩ đi nghĩ lại, tôi vẫn đứng ngoài. Thế nên bây giờ tôi vẫn sống tương đối khỏe, tôi không phải lo lắng, trầm uất, tiếc nuối…
Nghĩ xa hơn một chút, hàng ngày xem tin tức cứ nhìn thấy những buổi ký kết nhận những khoản vay của chính phủ,  những khoản viện trợ mà chính phủ đã nhận từ các nước, các tổ chức trên thế giới. Bỗng thấy lo! Tôi không phải là nhà kinh tế, tôi không hiểu tường tận về kinh tế vĩ mô. Nhưng tôi biết một quy luật đơn giản: không ai cho không ai cái gì, đặc biệt là trong lĩnh vực tài chính. Chiến lược của các nhà tư bản không phải là vài năm, vài chục năm mà có khi là hàng trăm năm.
Liệu rồi đến một lúc nào đó con cháu chúng ta sẽ chịu sự chi phối của họ? Đến một lúc mà các khoản vay sẽ trở thành khoản vay vĩnh viễn – như vua William Đệ Nhất đã nợ gia tộc Rothschild, để rồi tất cả những khoản đóng thuế của toàn dân Anh chỉ để làm một việc là trả lãi cho Rothschild, để rồi nhà vua đã buộc phải ra những quyết định có lợi cho họ.
                                                          (Trích từ một tác giả giấu tên)

Nét tương đồng trong quản lý vàng của Ấn Độ và Việt Nam

Trong hơn một năm, Chính phủ và Ngân hàng Trung ương Ấn Độ (RBI) liên tục đưa ra hàng chục quy định mới nhằm tăng cường quản lý thị trường vàng, giảm thiểu những tác động bất lợi của nó. Con đường Ấn Độ đang đi có nhiều nét tương đồng với Việt Nam, và cả những phát sinh theo cùng.


Đất nước của 20 nghìn tấn vàng

Ấn Độ hiện là nước tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới, với mức nhập khẩu chiếm khoảng 1/4 nhu cầu vàng toàn cầu. Theo thống kê từ mineweb.com, năm 2012 nước này nhập tới 1.080 tấn vàng, trong đó 56% là nhập qua các ngân hàng, và lượng vàng trong nước hiện ước tính khoảng 18.000 - 20.000 tấn.

Người dân Ấn Độ có truyền thống đặc biệt ưa thích vàng để đầu tư, làm trang sức và quà tặng trong các dịp lễ hội. Hàng năm, quãng tháng 8 - 10 là mùa lễ hội, quãng tháng 3 - 5 và 11 - 12 là mùa cưới, nhu cầu mua vàng thường tăng cao.

Tại quốc gia này, nhập khẩu xăng dầu và vàng chiếm tới 45% tổng nhập khẩu hàng hóa năm 2012 - 2013; nhập khẩu xăng dầu tăng 9,3% trong khi nhập khẩu vàng giảm 4,8% xuống 53,8 tỷ USD so với mức 56,5 tỷ USD của năm 2011 - 12 (năm có mức tăng trưởng nhập khẩu vàng 39%) do bắt đầu có những biện pháp hạn chế nhập khẩu.

Nhưng, giá vàng thế giới giảm mạnh trong thời gian vừa qua đã thúc đẩy nhu cầu vàng trong nước của Ấn Độ tăng lên. Lượng nhập khẩu tháng 4/2013 là 117 tấn, và đạt mức cao kỷ lục vào tháng 5/2013 là 162 tấn (bình quân cùng kỳ giai đoạn 2012 - 2013 là 70 tấn/tháng).

Mức độ vàng hóa cao đẩy Ấn Độ đối mặt với thâm hụt cán cân vãng lai, tác động bất lợi tới dự trữ ngoại hối cũng như đẩy đồng nội tệ Rupee liên tục mất giá.

Theo Reuters, thâm hụt cán cân vãng lai của Ấn Độ đã lên mức kỷ lục 4,8% GDP trong năm tài khóa 2012 - 2013 kết thúc vào tháng 3/2013 (so với mức 4,3% năm 2011 - 2012) nhưng vẫn thấp hơn mức dự kiến là 5%. Thâm hụt cán cân vãng lai quý 1/2013 là 3,6% GDP so với mức thâm hụt kỷ lục quý 4/2012 là 6,7% GDP.

Theo Bloomberg, đồng Rupee đã mất giá chưa từng có, một phần do nhu cầu USD tăng cao. Trong quãng 1/5 - 22/6/2013, đồng tiền này đã mất giá tới 6% và đến ngày 28/6 đã mất giá ở mức kỷ lục 8,9%; tính trong năm 2013, đồng Rupee mất giá 7,7%, mất giá mạnh thứ 2 sau đồng Yên Nhật trong rổ tiền tệ của 11 nước châu Á, đạt mức thấp kỷ lục mọi thời đại 60,765 Rupee/USD vào ngày 26/6.

Dồn dập “siết” quản lý

Tính từ tháng 3/2012 trở lại đây, Chính phủ và Ngân hàng Trung ương Ấn Độ (RBI) đã dồn dập đưa ra hàng chục quy định mới để tăng cường quản lý thị trường vàng, thậm chí kêu gọi người dân bớt “yêu” vàng.

Hướng chính sách của Ấn Độ có nhiều nét tương đồng với Việt Nam, đặc biệt về việc siết chặt mối liên hệ của vàng với tín dụng, cũng như hạn chế nhập khẩu và cả nảy sinh về vênh giá và cả tình trạng nhập lậu.

Ngày 21/3/2012, RBI ra quy định các công ty tài chính phi ngân hàng không được cho vay dựa trên tài sản đảm bảo bằng vàng miếng, vàng thô và tiền xu vàng. Trong báo cáo định kỳ ngày 30/10/2012, RBI quan ngại việc nhập khẩu vàng tăng mạnh trong những năm gần đây do các ngân hàng cho vay mua vàng dưới mọi hình thức và điều này thúc đẩy nhu cầu vàng nhằm mục đích đầu cơ.

Và đến tháng 11/2012, cơ quan này chính thức có quy định cấm các ngân hàng cho vay để mua vàng dưới mọi hình thức.

RBI cũng đã dừng kế hoạch cho phép tăng tỷ lệ danh mục cho vay dựa trên thế chấp bằng vàng từ 11% lên 15% như dự kiến, cũng như chỉ đạo các công ty tài chính phi ngân hàng giới hạn giá trị khoản vay ở mức 60% giá trị tài sản thế chấp bằng vàng so với tỷ lệ 90 - 100% như trước đây.

Đến tháng 2/2-13, RBI yêu cầu các ngân hàng hợp tác xã chỉ được phép cho vay thế chấp bằng vàng và không được phép cho vay mua vàng dưới mọi hình thức. Đầu tháng 5/2013 tiếp tục là quy định các ngân hàng được phép cho vay dựa trên tài sản đảm bảo là vàng trang sức và tiền xu vàng do ngân hàng đúc, nhưng không được phép cho vay để mua vàng dưới bất kỳ hình thức nào. Cho vay dựa trên đảm bảo bằng tiền xu vàng đối với mỗi khách hàng không được quá trọng lượng 50gram vàng.

Cũng trong tháng 5/2013, RBI quy định hạn chế nhập khẩu vàng trên cơ sở ủy thác của ngân hàng chỉ nhằm đáp ứng nhu cầu của đơn vị xuất khẩu vàng trang sức, rồi mở rộng sang các tổ chức khác được Chính phủ cho phép nhập khẩu vàng. Tất cả thư tín dụng (L/C) để nhập khẩu vàng dưới mọi hình thức phải được đảm bảo 100% bằng tiền mặt và việc nhập khẩu vàng sẽ phải được thực hiện theo phương thức Hồ sơ - Thanh toán, không được áp dụng phương thức Hồ sơ - Chấp thuận…

Đặc biệt, ngày 5/6/2013, Ấn Độ đã quyết định tăng thuế nhập khẩu vàng lần thứ 2 trong năm nay, từ 6% lên 8%, so với mức thuế 2% vào tháng 1/2012, nhằm nỗ lực kiềm chế thâm hụt tài khoản vãng lai ở mức cao kỷ lục.

Cuối tháng 6, tiếp theo quy định trước đó, RBI yêu cầu việc nhập khẩu vàng dựa trên tín dụng của bên mua/bên bán phải tuân thủ quy định về tỷ lệ đảm bảo bằng tiền mặt và phương thức Hồ sơ - Thanh Toán, các ngân hàng phải đảm bảo không cho phép cấp tín dụng dưới bất kỳ hình thức nào để nhập khẩu vàng dưới mọi hình thức…

Những phát sinh…

Dễ thấy, điểm tương đồng trong loạt chính sách tăng cường quản lý thị trường vàng Ấn Độ giống với Việt Nam ở hướng siết chặt, cắt bỏ dần hoạt động cho vay bằng vàng, cho vay thế chấp bằng vàng, cũng như hạn chế việc nhập khẩu. Bộ trưởng Bộ Kinh tế Ấn Độ gần đây tuyên bố có thể sẽ áp dụng thêm các biện pháp hạn chế nhập khẩu hơn nữa.

Giới chức trách Ấn Độ dự tính các chỉ số kinh tế như thâm hụt cán cân vãng lai sẽ được cải thiện. Tác động tích cực của các biện pháp hạn chế nhập khẩu vàng được cho là khá rõ, thể hiện qua các chỉ số khác đánh giá nền kinh tế như chứng khoán, tỷ giá, lãi suất…

Thực tế, nhập khẩu vàng của Ấn Độ đã giảm từ mức 135 triệu USD/ngày hồi đầu tháng 5 xuống còn bình quân 36 triệu USD/ngày vào cuối tháng 5. Cầu về ngoại tệ để nhập khẩu vàng cũng đã giảm đáng kể vào đầu tháng 6. Nhiều nhà phân tích dự báo, các biện pháp của RBI có thể giúp nhập khẩu vàng của nước này giảm tới 20 - 32% so với năm ngoái.

Tuy nhiên, họ cũng dự tính, các biện pháp đó chỉ mang tính ngắn hạn và có thể dẫn tới chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế, mà phía sau đó là quan ngại về tình trạng nhập lậu vàng gia tăng. Đây cũng là hai phát sinh có nét tương đồng tại Việt Nam, sau khi các chính sách quản lý thị trường vàng được triển khai hơn một năm qua.

Theo Thùy Duyên
Vneconomy