domain, domain name, premium domain name for sales

Thứ Năm, 2 tháng 7, 2015

TIÊU CHÍ CHỌN CÔNG TY ĐẦU TƯ TĂNG TRƯỞNG

Tiêu chí 1: Doanh thu và lợi nhuận tăng đều trong một thời gian dài

- Dấu hiện đầu tiên cho biết 1 công ty có thể tăng liên tục lợi nhuận trong tương lai chính là thành tích trong quá khứ. Nếu công ty có doanh thu và lợi nhuận liên tục tăng trong vòng ít nhất 5 năm (đặc biệt là trong giai đoạn suy thoái), nhiều khả năng nó sẽ tiếp tục tăng.
 - Doanh thu và lợi nhuận có thể dễ dàng tìm thấy trong các Báo cáo tài chính hàng năm của công ty, trong Bảng Báo cáo hoạt động kinh doanh. 


Tiêu chí 2: Lợi thế cạnh tranh bền vững

Khi đầu tư vào công ty có lợi thế cạnh tranh mạnh và bền vững giúp bảo vệ nó khỏi đối thủ và giữ chân khách hàng, bạn có thể dự đoán chắc chắn rằng lợi nhuận và giá trj cổ phiếu của công ty sẽ tiếp tục tăng. 
Lợi thế cạnh tranh bền vững có thể đến từ:
- Thương hiệu mạnh
- Bằng sáng chế, bí quyết kinh doanh
- Quy mô kinh tế khổng lồ
- Dẫn đầu thị trường khiến đối thủ khó lòng chen chân vào
- Chi phí thay đổi lớn để giữ chân khách hàng…
Đặc điểm của công ty có lợi thế cạnh tranh bền vững: Đó thường là những công ty bán các sản phẩm hay dịch vụ độc quyền đối với người tiêu dùng. Điều này có nghĩa là sản phẩm đó thường độc nhất vô nhị, nên kể cả khi giá tăng, nhu cầu vẫn mạnh. Do có ít đối thủ cạnh tranh trực tiếp, những công ty này hưởng tỷ lệ lợi nhuận cao, các cửa hàng phải chọn bán sản phẩm này nếu không muốn bị mất khách. (VNM, FPT, DHG…)

Tiêu chí 3: Có yếu tố tăng trưởng trong tương lai

Bạn phải đảm bảo rằng công ty bạn muốn đầu tư có một số yếu tố tăng trưởng sau:
- Phát triển công nghệ sản phẩm mới, Có bằng sáng chế mới, Phát triển dòng sản phẩm mới
- Mở rộng công suất
- Mở rộng ra thị trường mới, Có nhiều chi nhánh hơn
- Có nhiều thị trường tiềm năng chưa được khám phá…
Để tìm hiểu những thông tin này, bạn có thể đọc “Tin từ Ban giám đốc” hay “Thư thông báo cổ đông” trong Báo cáo tài chính mới nhất, vào trang web công ty tìm thông tin ở mục “Dành cho nhà đầu tư” hoặc gặp gỡ trực tiếp doanh nghiệp.

Tiêu chí 4: Nợ vừa phải

Quy luật vàng: Lợi nhuận ròng (sau khi trừ thuế) phải lớn hơn 3-4 lần Nợ dài hạn. Tiêu chí này cho thấy công ty không chịu áp lực nợ trong dài hạn, công ty có đủ năng lực tài chính để đáp ứng các nghĩa vụ nợ trong tương lai.

Tiêu chí 5: Lợi nhuận trên tổng số vốn (ROE) luôn ở mức cao

ROE: cho biết công ty kiếm được bao nhiêu lợi nhuận với số tiền nhà đầu tư bỏ vào.
ROE = (Lợi nhuận ròng/ Tổng số vốn cổ đông ) x 100%.
Nhìn chung, công ty có ROE khoảng 12% được xem là trung bình. Không có nhiều công ty liên tục đạt được mức ROE>15% là nơi đáng để đầu tư. Tuy nhiên, mức này có thể thay đổi phụ thuộc vào tỷ suất sinh lợi yêu cầu của từng thời kỳ - thường dung lãi suất ngân hàng theo năm.

Tiêu chí 6: Không đòi hỏi đầu tư nhiều vào cơ sở hạ tầng để duy trì hoạt động hiện tại

Các công ty đòi hỏi vốn đầu tư cao (xe hơi, đóng tàu…) thường phải chi phần lớn lợi nhuận vào việc giúp công ty hoạt động hiệu quả hơn. Vì việc tái đầu tư phần lớn lợi nhuận không được xem là Chi phí mà là Tài sản trên Bảng cân đối kế toán nên Báo cáo hoạt động kinh doanh của những công ty này làm cho họ có vẻ như đang kiếm được rất nhiều tiền. Nhưng thực tế, họ không còn tiền để trả lại cho nhà đầu tư, hoặc để đầu tư vào sản phẩm mới nhằm thúc đẩy đà tăng trưởng.
Để đánh giá yếu tố này, bạn nên nhìn vào phần “Lưu chuyển tiền tự do” 
Lưu chuyển tiền tự do = Lưu chuyển tiền từ hoạt động kinh doanh – Lưu chuyển từ hoạt động đầu tư. (Các yếu tố này lấy trong Báo cáo lưu chuyển tiền tệ)
Thông thường, nếu tỷ số (Lưu chuyển tiền tự do/ Doanh thu (trong vòng 3 năm)) > 5%, công ty được xem là làm ăn tốt, có của ăn của để.

Tiêu chí 7: Ban lãnh đạo trung thực và có tài đầu tư tài sản

Đây là tiêu chí quan trọng nhất và khó xác định nhất. Yếu tố này lại khá quan trọng vì ban lãnh đạo được xem là linh hồn của công ty, nếu tư duy và tầm nhìn của ban lãnh đạo tốt thì công ty rất dễ thành công trong tương lai.
Tuy nhiên, có thể căn cứ 1 vài dấu hiệu sau để xem xét ban quản lý có làm việc vì lợi ích cổ đông không.
  
Vì công ty
Vì bản thân
Nắm giữ một phần lớn cổ phiếu công ty
Bán phần lớn cổ phiếu công ty cho nhà đầu tư khác. Chọn bỏ 1 phần nhỏ tài sản vào cổ phiếu công ty, đầu tư tiền vào công ty khác
Lương cơ bản tương đối thấp nhưng tiền thưởng cao nếu KQKD tốt.
Lương căn bản cao và chi phí xa hoa. 
Chú trọng vào dài hạn , thường giữ nguyên hay tăng chi phí đầu tư ngắn hạn (lợi nhuận ngắn hạn thấp hơn) để đảm bảo giá trị cổ phiếu tăng trong tương lai
Chú trọng vào ngắn hạn. Có thể cắt chi phí nghiên cứu, phát triển, quảng cáo hay những chi phí khác để tăng lợi nhuận ngắn hạn, nhưng giảm lợi thế cạnh tranh dài hạn
Báo cáo tài chính trung thực, chịu trách nhiệm và chấp nhận sai lầm
Cố ý thay đổi báo cáo tài chính, che dấu chi phí và lỗ, đẩy lợi nhuận ngắn hạn lên cao

Tiêu chí 8: Sự ủng hộ của các định chế tài chính và quỹ đầu tư

  Định chế tài chính đầu tư ở đây thường là các cơ quan chức năng, các cơ quan chính phủ chuyên về tài chính đầu tư, các quỹ đầu tư. Các cơ quan này có thể nắm giữ một số lượng CP nhất định của các Công ty nào đó, nhờ vậy mà Công ty sẽ có sự ủng hộ và trợ giúp mạnh mẽ từ những cơ quan này, một điều kiện vô cùng thuận lợi cho hoạt động kinh doanh, khiến giá CP tăng mạnh. Tuy nhiên, một số lượng quá lớn các định chế tài chính đầu tư nắm giữ CP lại trở thành yếu tố bất lợi, vì điều đó đồng nghĩa với việc nguồn cung sẽ hạn chế bởi các cơ quan ít khi muốn bán từng phần CP của mình, đẩy tính thanh khoản của CP xuống thấp.

Tiêu chí 9: Giá cổ phiếu thấp hơn giá trị thực

Để biết chắc mình mua cổ phiếu với giá hời, bạn phải biết cách tính giá trị thực của cổ phiếu.
Về mặt lý thuyết, giá trị thực của 1 công ty được tính bằng cách cộng tất cả số tiền sinh ra từ hoạt động kinh doanh (đến vô cực) và giảm số tiền đó thành giá trị hiện tại (PP chiết khấu dòng tiền – FCFF, FCFE). Tuy vậy, trên thực tế, các công ty không tồn tại mãi mãi. Nếu thận trọng, bạn giả thiết công ty chỉ tồn tại trong vòng 10 năm nữa. Vậy, ta sẽ tính giá trị thực của cổ phiếu bằng cách cộng tất cả số tiền dự tính sẽ thu được từ hoạt động kinh doanh trong vòng 10 năm tới và giảm xuống giá trị hiện tại.

Tiêu chí 10: Cổ phiếu thanh khoản

Cho dù đã chọn được cổ phiếu đạt đủ tất cả các tiêu chuẩn trên nhưng đặc thù thị trường Việt Nam cần phải có thêm yếu tố thanh khoản để trong bất kỳ thời điểm nào đó bạn muốn thoái vốn cho danh mục ngắn, trung và dài hạn đều được thuận lợi và không bị mất giá quá nhiều khi bạn muốn bán.
Yếu tố này phụ thuộc vào lượng cổ phiếu được nắm giữ bởi cổ đông lớn là bao nhiêu, thông thường cổ đông lớn không nên nắm giữ quá 80% tổng số cổ phiếu đối với cổ phiếu trên 100 triệu cổ phiếu lưu hành.

                       (Những tiêu chí này có kết hơp PP của Graham và O'neil)
(Để lọc được bộ cổ phiếu này cần có data của tất cả các công ty để so sánh và lọc, ai cần liên hệ skype: viet90_finance)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét