domain, domain name, premium domain name for sales

Thứ Bảy, 16 tháng 7, 2016

Bí quyết tạo một bộ hồ sơ xin việc ấn tượng

Bài viết này sẽ tập trung vào phần hình thức, làm cách nào để nhà tuyển dụng nhận được bộ hồ sơ xin việc của bạn, họ ngay tức khắc muốn xem bên trong nó có gì. Phần kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm sẽ phụ thuộc vào từng cá nhân.

ho-so-xin-viec-an-tuong

Mình không phải là giám đốc nhân sự hay một chuyên gia săn người tài, số lần đi phỏng vấn của mình thậm chí còn có thể ít hơn những người đã/đang/sẽ đọc bài viết này. Tuy nhiên, những gì mình chia sẻ ở đây mình rút ra từ kiến thức chuyên ngành nhân sự, kinh nghiệm trên thực tế là người đi tìm việc, là người từng làm việc ở bộ phận tuyển dụng của một công ty. Mình rất rất rất hy vọng có thể giúp được một chút gì đó để các bạn sinh viên có thể tăng cơ hội thành công trong việc ứng tuyển vào vị trí mong muốn tại một công ty yêu thích, và dấu chân đầu tiên trên hành trình "tìm việc" chính là chuẩn bị một bộ hồ sơ xin việc thật ấn tượng.

Có thể một vài bạn ở đây đã từng làm hoặc thấy một CV như thế này:

cv-xin-viec-dep
Nguồn: Internet

Khá là đẹp đúng không, không quá nhiều chữ gây nhàm chán mà thay vào đó là dạng thiết kế lồng hình ảnh, shape, vector, icon tượng trưng cho các câu chữ. Đặt vị trí bạn là 1 người tuyển dụng, bạn nhận 1 CV toàn chữ là chữ so với 1 CV sinh động thế này bạn sẽ muốn xem cái nào trước? 

mau-cv-xin-viec-moi-ra-truong
Bạn nghĩ nhà tuyển dụng sẽ thích dạng CV nào?

Để tạo 1 CV dạng thế này không khó, hiện nay có rất nhiều trang web cho phép bạn tạo một bộ CV ấn tượng với thiết kế sinh động, đầy màu sắc và bắt mắt. Mình không tiện dẫn link ở đây, các bạn có thể vào Google gõ từ khóa "CV maker" hoặc "tao CV online" sẽ ra rất nhiều trang web cung cấp hàng tá kiểu CV độc đáo để bạn lựa chọn và tạo cho mình 1 bộ ưng ý. Bạn nào có khiếu về thiết kế cũng có thể tự tạo cho mình một CV có một không hai, điều này lại càng tuyệt vời.

cv-dep
Minh họa tạo CV bằng phần mềm Photoshop 

Tuy nhiên, theo những gì mình tìm hiểu, điều đó vẫn chưa đủ để bạn thắng tuyệt đối các ứng viên khác. Bởi vì kiến thức tìm việc, phỏng vấn của sinh viên ngày nay đã được "nâng cấp" đáng kể, Trong số 20 bạn bè của mình đã có tới 15 đứa biết tới cách tạo CV thế này. Do vậy, bạn cần phải làm điều gì đó khác biệt hơn nữa để cho thấy mình không giống với phần còn lại (khác theo hướng tích cực nha).

OK, bắt đầu các bước để chuẩn bị một bộ hồ sơ trọn vẹn về chất lẫn về lượng cho một buổi phỏng vấn:

1. Tạo một CV ấn tượng về mặt hình thức và trau chuốt nội dung


Tìm một trang web tạo CV trực tuyến nào đó và tạo một bộ CV thật tốt bằng cách vào Google gõ "cv maker" hoặc "tao CV online". Lưu ý, bạn cần phải xem công việc bạn sắp ứng tuyển cần những kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm gì để trình bày vào CV. 

Có những điểm là thế mạnh của bạn đồng thời cũng phù hợp với nhu cầu tuyển dụng của vị trí ứng tuyển, hãy trình bày phần này thật chi tiết và cố gắng nhấn mạnh các mặt tốt này, nhớ kèm theo dẫn chứng (nếu được). Những điểm là điểm mạnh mà không liên quan quá nhiều đến công việc, bạn vẫn nêu ra nhưng đừng đi quá sâu và viết quá dài, nó sẽ làm lu mờ đi điểm mạnh phù hợp với công việc và nhà tuyển dụng cũng chả quan tâm đến những thứ họ không cần. 

Kinh nghiệm có gì viết nấy, chỉ nên đưa vào các kinh nghiệm liên quan đến công việc. Nếu chưa có kinh nghiệm đi làm thì đưa vào kinh nghiệm lúc còn đi học. Ví dụ ứng tuyển vị trí nhân viên marketing thì nên đưa vào kinh nghiệm đã từng tham gia CLB gì gì đó với nhiệm vụ tổ chức các sự kiện cho CLB, hay kinh nghiệm đã từng kinh doanh quà, hoa dịp lễ, bán đồ thủ công... Những kinh nghiệm có ý nghĩa đóng góp vào vị trí nhân viên marketing: tham gia CLB giúp nâng cao kỹ năng tổ chức, làm việc nhóm, giao tiếp; cùng bạn bè hoặc tự bản thân kinh doanh quà hoa, đồ thủ công nâng cao kỹ năng lập kế hoạch, tìm kiếm đối tác, tìm hiểu tâm lý khách hàng. Đừng ứng tuyển vào vị trí nhân viên marketing mà trình bày một loạt kinh nghiệm giữ xe 1 năm, kinh nghiệm bốc vác 6 tháng.

2. Viết một đơn xin việc vừa hay vừa đẹp


Một đơn xin việc hay, đẹp vừa phản ánh được sự quan tâm của bạn tới công việc hiện tại bởi vì bạn đã đầu tư khá nhiều thời gian để làm nó. 

don-xin-viec-hay
Dành thời gian chuẩn bị một đơn xin việc thật tốt 

Nhớ, không được sử dụng tên "ĐƠN XIN VIỆC" mà hãy dùng "ĐƠN ỨNG TUYỂN". Chúng ta không đi xin, chúng ta đi ứng tuyển công việc mà người ta đang cần và nó phù hợp với nhu cầu của mình. Họ cần ta, ta cần họ, đó là mối quan hệ cung cầu, không có quan hệ xin cho gì ở đây hết. Mình dùng từ đơn xin việc trong bài viết này không phải là mình không thống nhất về suy nghĩ, khuyên người ta viết đơn ứng tuyển mà tiêu đề ghi "Viết một đơn xin việc vừa hay vừa đẹp". Mình dùng cái này cho việc khác.

Có thể bỏ đi các thủ tục rườm rà như đầu đơn phải ghi: Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam - Độc lập, tự do, hạnh phúc. Thay vào đó hãy cung cấp thông tin cá nhân của bạn một cách tập trung cũng như là vị trí mà bạn muốn ứng tuyển. Các bạn có thể tham khảo đơn ứng tuyển ở trên, hãy click vào hình để phóng to kích thước cho dễ nhìn. Phần Header & Footer, trên Header, các bạn nên để góc bên phải là slogan của công ty, ngăn cách nó với phần nội dung bằng 1 đường kẻ hết chiều ngang của giấy. Dưới Footer các bạn có thể để một slogan của bản thân bạn ngay ở giữa, ví dụ "Không có thất bại, tất cả chỉ là thử thách", vẫn tiếp tục ngăn cách nó với phần nội dung bằng 1 đường kẻ hết chiều ngang của giấy (trong hình ảnh mình không thể chụp được phần Footer). Ở nội dung thư, góc trên bên phải bạn để 4 hàng: họ tên, chuyên môn, số di động, email. Góc trên bên trái hãy để logo của công ty. Sau dòng ĐƠN ỨNG TUYỂN nhớ viết thêm vị trí bạn ứng tuyển. Nhà tuyển dụng mỗi ngày có thể họ đọc vài chục đơn xin việc, do đó họ muốn nhìn ngay vào tờ đơn và biết ai đang ứng tuyển vị trí gì để phân loại hồ sơ.

Nội dung thư hãy đề cập ngắn gọn 3 mảng: kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng bạn đang có và phù hợp với công việc ứng tuyển. Cố gắng dàn trải các phần để vừa khít trong 1 trang. Nếu được, hãy để các từ khóa nhấn mạnh kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm của bạn đầu mỗi đoạn văn. Khi đọc đến lá đơn xin việc thứ 10, tâm lý của mỗi người khi cầm trên tay một tờ tờ đơn, họ sẽ nhìn lướt ngay vào đầu đề và câu văn đầu tiên của mỗi đoạn. Do đó hãy tận dụng điều này một cách triệt để nhưng đừng quá gượng gạo.

3. Tạo một bì đựng hồ sơ khác biệt với Thế Giới


Ít ai quan tâm đến việc này, đa phần các bạn chú tâm rất nhiều tới CV, đơn xin việc và những giấy tờ, bằng cấp bên trong nhưng lại không để ý rằng: khi nhà tuyển dụng cầm bộ hồ sơ trên tay, không phải CV, đơn ứng tuyển hay bất cứ giấy tờ gì khác họ nhìn thấy đầu tiên mà chính là BÌ ĐỰNG HỒ SƠ
bi-dung-ho-so-xin-viec
Tự thiết kế bì đựng hồ sơ theo phong cách riêng của bạn

Hãy ghi điểm cho hồ sơ của bạn ngay từ ánh nhìn đầu tiên của nhà tuyển dụng. Giả sử, có 20 ứng viên nộp hồ sơ ứng tuyển, trong đó có bạn, 19 ứng viên khác mua các bì hồ sơ ngoài thị trường, trong khi bạn tự thiết kế một bì hồ sơ như thế này. Khi nhận hồ sơ bạn nghĩ nhà tuyển dụng sẽ xem bộ hồ sơ nào trước, mình dám chắc với các bạn nhà tuyển dụng sẽ xem bộ hồ sơ khác biệt nhất trong số còn lại. Con người luôn bị gây chú ý và kích thích sự tò mò bởi những điều khác biệt so với phần còn lại.

Bên cạnh hình thức bắt mắt, việc bạn chuẩn bị những điều mình nói ở trên sẽ cho nhà tuyển dụng thấy được bạn cực kỳ quan tâm đến công việc ứng tuyển, bạn dành nhiều thời gian, công sức lên ý tưởng, thiết kế, in ấn, rồi tỷ mỉ ngồi gắn ghép, dán bì đựng hồ sơ. Bạn đã dành được 1 điểm cộng cực kỳ lớn trong mắt nhà tuyển dụng.

4. Chuẩn bị các giấy tờ yêu cầu còn lại, các chứng chỉ, bằng cấp cần thiết


Đã hết giai đoạn vất vả rồi, bây giờ việc còn lại ở khâu hình thức chính là đi photo các giấy tờ, chứng chỉ cần thiết. Chuẩn bị một bộ hồ sơ thế này, đi in màu nữa, sẽ mất chi phí khá nhiều, rải 10 hồ sơ thôi bạn đã có thể mất tới 500.000đ rồi (tại thời điểm tháng 7/2016). Do vậy, tiết kiệm được khoản nào hay khoản ấy, đi phỏng vấn khoan mang giấy tờ photo công chứng, hãy chỉ mang bản photo bình thường thôi, khi nào đậu phỏng vấn và đi làm rồi hãy nộp bổ sung hồ sơ chính thức.

Các giấy tờ còn lại tùy từng công ty yêu cầu, nhưng đa phần thường là: sơ yếu lí lịch, CMND, sổ hộ khẩu, bản sao các bằng cấp, chứng chỉ, chứng nhận.

Xem tiếp phần 2: 5 điều cần phải biết trước trong và sau buổi phỏng vấn

-------------------------------

Trên đây là những chia sẻ của mình để các bạn có thể tạo được một bộ hồ sơ xin việc, một CV xin việc ấn tượng và nhanh chóng chiếm được thiện cảm của nhà tuyển dụng. Bạn nào có kinh nghiệm, có những chia sẻ hay, mời các bạn comment ngay phía dưới bài viết để mọi người cùng tham khảo. Chúc các bạn, đặc biệt là các bạn sinh viên sẽ sớm tìm được cho mình một công việc yêu thích sau khi ra trường.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét