TTCK ấm dần là điều đáng mừng cho nền kinh tế và cho mỗi nhà đầu tư. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần thiết phải nhìn lại những bài học trong quá khứ để tránh lạc vào đường đua của những “đội lái” lợi dụng điều kiện tốt của thị trường để làm giá cổ phiếu.
Sau một thời gian dài trầm lắng và bị chi phối mạnh bởi dòng tiền nước ngoài, TTCK Việt Nam gần đây đã chứng kiến sự trỗi dậy của dòng tiền trong nước. Lãi suất thấp, triển vọng kinh tế bớt sóng gió đã kích thích sự tham gia tích cực hơn của giới đầu tư. Đi kèm với sự hưng phấn đang ấm dần, những mầm nấm độc cũng bắt đầu có cơ hội để sinh sôi nảy nở. Những “đội lái” sau thời gian dài nằm im đang quay trở lại với những pha tung hứng “làm giá” tinh vi. Trước khi TTCK thực sự bước vào chu kỳ hồi phục rõ nét, trước khi những cây nấm độc có cơ hội gây hại, chúng ta cần thiết phải nhìn lại bài học trong quá khứ để tránh lặp lại những mất mát không đáng có. Bài học lần này mang tên PVA.
Giá tăng 20 lần, TV HĐQT bán ra, cổ đông lớn bán sạch
Còn nhớ trong khoảng thời gian 1 năm kể từ Quý 3/2009 đến Quý 2/2010, giá PVA đã tăng tới 20 lần. Điều đáng nói là cũng trong thời gian này, lợi nhuận của PVA không có gì nội trội, thậm chí vào quý 4/2009, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh chính bị lỗ -3.4 tỷ và dòng tiền hoạt động liên tục bị âm. Các cổ đông nội bộ ồ ạt bán ra, bao gồm cả thành viên trong HĐQT, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc, và đáng chú ý là có cả PVX, cổ đông lớn với vốn góp ban đầu chiếm tới 51%. Chỉ trong vòng 3 tháng, PVX đã 2 lần đăng ký bán ra, lần đầu là 25% vốn điều lệ (5/11-3/12/2009) và lần thứ 2 là 11.5% vốn điều lệ (8/3-8/4/2010). Trong năm 2010, PVX tiếp tục bán ra và đến cuối năm 2010, PVX đã không còn sở hữu bất kỳ cổ phiếu PVA nào.
Tài chính có vấn đề
Nhìn lại báo cáo tài chính của PVA trong thời gian này thì thấy có rất nhiều điểm đáng nghi vấn mà khi đó nhiều người đã bỏ qua. Chi tiết nổi bật nhất là các khoản mục liên quan đến lợi nhuận và dòng tiền.
Với hoạt động kinh doanh chính là xây dựng và kinh doanh BĐS, nguồn thu nhập chính của PVA lại đến từ các khoản lợi nhuận bất thường. Trong quý 4/2009, khoản thu nhập khác trị giá 20 tỷ của PVA đã giúp PVA thoát hiểm khi hoạt động chính bị lỗ (-3.4 tỷ). Vào quý 3/2010, khoản thu nhập tài chính bất thường lên đến 89 tỷ đã khiến lợi nhuận PVA tăng vọt. Ngoài 2 quý kể trên, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh của PVA rất ít ỏi, chỉ giao động quanh mức 2-5 tỷ/quý.
Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh và đầu tư của PVA thường xuyên âm, dẫn đến PVA phải liên tục phát hành tăng vốn và tăng vay nợ để bù đắp. Vốn điều lệ của PVA có tốc độ tăng chóng mặt, từ 45 tỷ lên 100 tỷ trong quý 4/2009, rồi từ 100 tỷ lên 218 tỷ trong quý 4/2011. PVA thậm chí đã có kế hoạch tăng vốn gấp 6 lần, từ 100 tỷ lên 600 tỷ nhưng không thành. Dù vậy, tỷ lệ nợ/vốn CSH của PVA không hề giảm, trung bình trong 12 quý của 3 năm 2009, 2010 và 2011, tỷ lệ này là 4.3x; còn riêng trong 4 quý của 2009 thì tỷ lệ này là 4x.
Chi phí quản lý doanh nghiệp của PVA cũng rất đáng ngờ, từ chỗ chỉ chiếm 2.6% doanh thu trong năm 2007 và 2008 đã tăng lên 8.6% trong năm 2009 với con số tuyệt đối tăng lên hơn 4 lần, từ 4.5 tỷ 2008 lên 18.6 tỷ 2009 và 31.7 tỷ 2010.
Tình hình tài chính thiếu lành mạnh, lợi nhuận mỏng, vay nợ lớn, dòng tiền âm, vung tiền chi tiêu quá chớn, nhưng cổ phiếu PVA vẫn tăng giá chóng mặt. Vậy điều gì làm nên sự “hấp dẫn” của PVA đến vậy?
Những chiêu trò và sự nhẹ dạ
TTCK là thị trường của kỳ vọng và các “nhóm lợi ích” đã rất biết cách khai thác đặc điểm này trong trường hợp của PVA.
Một dự án nổi lên là tâm điểm trong các buổi roadshow, các bài phát biểu báo chí và lan truyền trong các diễn đàn cuối 2009, đầu 2010 là Khu Công Nghiệp Hoàng Mai với dự án khủng 1 tỷ USD do Kobe Steel (Nhật bản) đầu tư. PVA nắm 51% của PVCOM, công ty sở hữu khu công nghiệp Hoàng Mai, 48% do Vietnam Investment Partner (Nhật bản) nắm giữ và 1% của 1 cá nhân.
Kobe Steel dự định đầu tư một nhà máy sản xuất sắt xốp sử dụng nguồn quặng sắt từ mỏ Thạch Khê, Hà Tĩnh, mỏ sắt lớn nhất Việt nam. Theo giới thiệu của PVA, Kobe Steel không chỉ thuê đất tại KCN Hoàng Mai với giá cao, mang lại lợi nhuận 50 tỷ/năm cho PVA từ năm 2011, mà còn sẵn sàng thuê PVA làm tổng thầu xây lắp với tổng giá trị 8.000 tỷ, hứa hẹn mang lại 400 tỷ lợi nhuận cho PVA trong 4 năm (!) Đây là những con số khổng lồ nếu so với lợi nhuận 2009 của PVA chỉ có 30 tỷ, trong đó có đến 25 tỷ là thu nhập bất thường.
Không chỉ dừng lại vậy, một loạt các dự án khác của PVA cũng được trình diễn, bao gồm dự án Tòa nhà Dầu khí Nghệ An 25 tầng, dự án cải tạo Khu A- Khu nhà ở chung cư Quang Trung, dự án nhà ở Trường Thi, Khu đô thị Hoàng Mai được cấp phép 60 héc-ta đang xin tăng lên 75 héc-ta, Khu công nghiệp Đông Hồi 600 héc-ta, Khu đô thị sinh thái ven Sông Lam 1.000 héc-ta, Khu Resort Cửa Lò 27 héc-ta…
Thực sự nếu chỉ nghe như vậy, bất kỳ ai cũng phải lóa mắt trước viễn cảnh quá sáng lạn của PVA. Bản thân PVA cũng hùng hồn đưa ra kế hoạch lợi nhuận lên đến 150 tỷ trong 2011, tăng 50% so với 2010 trong khi 100 tỷ lợi nhuận 2010 có đến 82 tỷ là thu nhập bất thường do bán 25% cổ phần tại PVCOM. Trên thực tế, lợi nhuận 2011 của PVA chỉ là 1.3 tỷ, chưa bằng 1% kế hoạch đề ra.
Trên thị trường thời điểm đó cũng đã có một số nghi ngờ về tính khả thi của các dự án của PVA cùng kế hoạch “in giấy lấy tiền”. Tuy nhiên, trong bối cảnh mà đầu tư tài chính là mốt, đầu tư ngoài ngành là thực tế khách quan và đầu tư BĐS là toàn thắng, không ít chuyên viên phân tích non tay đã bị cuốn vào ma trận của PVA. Báo cáo phân tích của SHS vào tháng 6/2010 đã đưa ra giá mục tiêu của PVA là 107.000đ/cp. Báo cáo phân tích của PSI tháng 6/2010 đã ra giá mục tiêu 71.000đ/cp và dù đã điều chỉnh giảm tương đối sau đó, báo cáo tháng 12/2010 của PSI vẫn giữ mức giá mục tiêu đến 47.000đ/cp.
Cũng phải kể đến một hiện tượng mới nổi khác của thời kỳ đó là sự bung mạnh các sản phẩm cho vay tài chính. Một số công ty chứng khoán vì tranh giành thị phần đã đưa ra những mức margin cao chưa từng có. Kết hợp với đội ngũ môi giới ngấm ngầm hay công khai quảng bá cho các cổ phiếu nóng, những CTCK này đã đưa NĐT vào vòng xoáy “mua là thắng, bán là thua”, chấp nhận mạo hiểm tối đa hòng tăng được doanh số. PVA với chỉ 4.5 triệu cổ phiếu và sau đó tăng lên 10 triệu cổ phiếu đang lưu hành là một công cụ rất “vừa tay” của các “đội lái” mọc lên như nấm vào thời điểm đó.
Rõ ràng, có cả yếu tố chủ quan lẫn khách quan đã làm nên hiện tượng PVA cuối 2009, đầu 2010. Nhưng dù với lý do gì, người lãnh hậu quả vẫn là những NĐT nhẹ dạ hoặc vì lòng tham đã đuổi quả bong bóng PVA.
Hậu quả
PVA sau một thời gian cơm không lành canh chẳng ngọt với hàng loạt kiện cáo của đối tác tại PVCOM đã phải bán hết cổ phần tại đây cho chính Vietnam Investment Partner. Dự án xây dựng nhà máy 1 tỷ USD của Kobe Steel bị trì hoãn do Kobe không mua quặng sắt từ CTCP Sắt Thạch Khê như PVA công bố. Thay vào đó Kobe Steel đã theo đuổi một bước đi dài hơn, trở thành cổ đông góp vốn vào mỏ sắt Thạch Khê vào năm 2013, đảm bảo nguồn nguyên liệu ổn định hơn cho nhà máy của họ sau này. Mất cổ phần tại PVCOM, không có hợp đồng xây dựng nhà máy tỷ đô và với cung cách quản trị tài chính tối tăm đã khiến cho PVA thua lỗ kéo dài. Giá cổ phiếu rớt liên tục và cuối cùng lại trở về với mức giá ban đầu. PVA từ một hiện tượng trở thành một chỉ số cảnh báo “xả hàng” khi hàng loạt các CTCK phải ép khách hàng bán ra.
Chịu lỗ lớn, bị các CTCK ép bán cũng chưa phải là tất cả những gì NĐT phải gánh chịu. Hàng loạt nhà đầu tư đã bị “bán đứng” với chiêu hủy phát hành tăng vốn ngay sát ngày chốt quyền. Sự kiện này xảy ra vào 18/8/2011 khi PVA bất ngờ hủy kế hoạch tăng vốn 1:4.45, 1 ngày trước ngày chốt quyền. Những NĐT vì không tin tưởng vào việc sử dụng vốn hiệu quả của PVA đã buộc phải bán ra cắt lỗ khiến PVA giảm giá thảm hại. Tuy nhiên ngay sau hủy kế hoạch tăng vốn, giá PVA lại tăng trần. Ở một thị trường mà thông tin thiếu minh bạch như Việt Nam, rõ ràng những người bên trong đã biết thông tin này từ trước và mua vào trong những ngày cuối, đẩy KLGD của PVA tăng đột biến. Họ đã lãi lớn trên cổ phiếu của cổ đông ngoài, những người đã bị “qua mặt” một cách trắng trợn.
Bài học
TTCK có trí nhớ khá ngắn, chả vì thế mà sau trường hợp PVA, vẫn còn nhiều NĐT lặp lại sai lầm ở những cổ phiếu khác. Trong số đó có một cổ phiếu không hề xa lạ, chính là cổ đông lớn một thời của PVA. PVX đã từng là một cổ phiếu rất nóng, thậm chí còn được hâm nóng trở lại với các chiêu trò không mới khi giá đã rớt thê thảm xuống dưới mệnh giá. Thực tế thì với KQKD quá kém cỏi, PVX khó thoát được số phận phải rời sàn.
Việt Nam là quốc gia được xếp hạng rất thấp về bảo vệ nhà đầu tư, không chỉ ở các hành vi thường ngày của các doanh nghiệp mà ở cả các khung pháp lý. Vì vậy, thay vì trông chờ được bảo vệ, NĐT cần phải tự bảo vệ mình. Trước khi đầu tư, NĐT phải nghiên cứu thật kỹ càng về cổ phiếu mình định mua. Phải đánh giá được triển vọng doanh nghiệp, tình hình tài chính và mức độ minh bạch của công ty. Khi quyết định đầu tư, NĐT phải coi đó là quyết định của mình, dựa hiểu biết và lý trí của chính mình. Mua bán theo tâm lý, mua theo những khuyến nghị thiếu cơ sở, tin vào “game” do những môi giới thiếu đạo đức tô vẽ hay đơn giản là đặt niềm tin mù quáng vào người khác mà không xuất phát từ hiểu biết của mình là những điều cần phải tránh.
Trở lại với PVA, con thuyền đang chìm dần mang theo tài sản, mồ hôi công sức của nhiều NĐT và người lao động. Thay vì ở lại đến phút chót, vị thuyền trưởng của con tàu PVA đã không ngần ngại rời bỏ con tàu với hàng trăm nghìn cổ phiếu bị bán ra trong những năm trước. Trong lần tháo chạy gần như cuối cùng vào đỉnh sóng tháng 1/2013, vị Chủ tịch của PVA còn không buồn công bố thông tin, buộc UBCK phải xử phạt 40 triệu, bằng 1/7 giá trị ông này thu về.
Thời gian là thuốc thử hữu hiệu nhất cho mọi giá trị. TTCK Việt Nam còn quá non trẻ nhưng đã khẳng định được những giá trị cần phải có ở một TTCK giai đoạn ban đầu. Công khai, minh bạch và bảo vệ NĐT là những giá trị mà TTCK Việt Nam cần khẳng định và theo đuổi, không chỉ bằng các quy định của pháp luật mà còn bằng cả thái độ của chính các NĐT.
Tham khảo: Vfpress.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét