Yêu cầu điều chỉnh tỷ giá xuất phát từ kim ngạch nhập khẩu vàng đã đạt cao trong vài tháng qua nhằm giúp các ngân hàng đóng trạng thái vàng đúng hạn vào cuối tháng 6.
Chúng tôi trích đăng phần nhận định của CTCP Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HSC) về thị trường vàng và động thái điều chỉnh tỷ giá của NHNN.
NHNN hôm 27/6 đã bất ngờ công bố 2 thông tin vào cuối buổi chiều là điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng thêm 1% từ 20.826 lên 21.246 bắt đầu từ sáng mai; đồng thời giảm trần lãi suất huy động 0,5% xuống 7% cũng từ sáng mai. Trong khi đó lãi suất cho vay kỳ hạn ngắn tối đa đối dành cho các lĩnh vực ưu tiên bao gồm nông nghiệp, xuất khẩu, ngành phụ trợ, ngành công nghệ cao và doanh nghiệp vừa & nhỏ sẽ là 9% (hiện là 10%).
Thời gian điều chỉnh tỷ giá tham chiếu diễn ra vào sát thời hạn chót cho việc tất toán trạng thái vàng của các ngân hàng, và những điều này nhiều khả năng sẽ giúp ổn định thị trường ngoại hối, ít nhất là trước mắt. Trên thị trường ngoại hối vào ngày hôm nay, tỷ giá liên ngân hàng ở vào 21.223, cao hơn 0,11% so với trần tỷ giá mới. Trong khi đó tỷ giá tự do là 21.315, cao hơn 0,32% so với trần tỷ giá mới.
Và động thái giảm lãi suất có lẽ là dấu mốc chấm dứt chu kỳ (giảm) lãi suất hiện tại. Nhiều ngân hàng dồi dào thanh khoản nên nhu cầu huy động đã và đang giảm trong thời gian qua. Tuy nhiên, với tốc độ tăng CPI theo năm hiện ở vào 6,73% nên lãi suất huy động và lạm phát công bố hiện gần như bằng nhau.
Yêu cầu điều chỉnh tỷ giá xuất phát từ kim ngạch nhập khẩu vàng đã đạt cao trong vài tháng qua nhằm giúp các ngân hàng đóng trạng thái vàng đúng hạn vào cuối tháng 6. Điều này đã khiến tỷ giá biến động liên tục và mong rằng động thái điều chỉnh tỷ giá tham chiếu ngày hôm nay sẽ chấm dứt thời kỳ biến động mạnh của tỷ giá.
Với thời hạn chót đóng trạng thái vàng của các ngân hàng đã gần kề, chúng tôi xin được phân tích về tình hình trong thời gian tới. Có vẻ như hầu hết các ngân hàng đã có đủ vàng để tất toán và trả lại cho người gửi vàng. Số vàng này chủ yếu xuất phát từ (1) thu hồi các khoản cho vay bằng vàng (2) mua vàng trên thị trường trong nước (3) tham gia mua vào từ các đợt đấu thầu vàng của NHNN (4) tham gia hợp đồng vàng phái sinh.
Trước tiên, chúng tôi xin được tóm lược các văn bản quy định đã được NHNN ban hành nhằm kiểm soát hoạt động cho vay/nhận gửi vàng của các NHTM. Gần 3 năm trước, NHNN đã ban hành Thông tư số 22/2010/TT-NHNN ngày 29/10/2010. Theo đó, các ngân hàng chỉ được cho vay vàng đối với các doanh nghiệp sản xuất hoặc kinh doanh vàng trang sức. Sau đó các ngân hàng chỉ được phép huy động vốn bằng vàng thông qua chứng chỉ gửi vàng. Và mục đích của việc làm này là nhằm hạn chế quy mô huy động và cho vay vốn bằng vàng.
Sau đó 6 tháng, NHNN ban hành Thông tư 11/2011/TT-NHNN ngày 29/4/2011 thay thế Thông tư 22/2010/TT-NHNN. Theo đó, các ngân hàng không được phép tiếp tục cho vay vàng từ ngày 1/5/2011. Và các ngân hàng chỉ được phép phát hành chứng chỉ gửi vàng để huy động vàng trả cho người gửi vàng nếu vàng thu về từ cho vay không đủ để thanh toán.
Việc phát hành chứng chỉ gửi vàng theo quy định trên được chấm dứt vào ngày 1/5/2012. NHNN sau đó ban hành Thông tư 12/2012/TT-NHNN ngày 27/4/2012 để điều chỉnh Thông tư 11/2011/TT-NHNN. Theo đó nới thời hạn chấm dứt việc huy động vàng đến 25/6/2012 trong khi việc hạn chế cho vay vốn bằng vàng vẫn giữ nguyên như trong Thông tư trước.
Vào ngày 26/10/2012, NHNN ban hành Công văn 7019/NHNN-QLNH theo đó các ngân hàng được phép phát hành chứng chỉ gửi vàng cho đến 24/11/2012 nhưng thời hạn của các chứng chỉ gửi vàng phát hành không được quá 30/6/2013.
Và dưới đây là một số định nghĩa. Trạng thái vàng của một ngân hàng có thể được định nghĩa là tổng tất cả trạng thái vàng của ngân hàng đó. Tổng tất cả trạng thái vàng = tài sản bằng vàng – nợ bằng vàng + tài sản ròng ngoại bảng bằng vàng
- Tài sản bằng vàng = tiền bằng vàng + vàng gửi tại các ngân hàng khác + cho vay bằng vàng + tài sản khác bằng vàng.
- Nợ bằng vàng = vàng nhận gửi từ các ngân hàng khác + vàng do khách hàng gửi + chứng chỉ gửi vàng
- Tài sản ngoại bảng bằng vàng xuất phát từ các hợp đồng phái sinh như hợp đồng quyền chọn.
Chúng tôi chưa có số liệu của Q2 và sau đây là dự tính của chính chúng tôi. Nếu 4 ngân hàng trên thu hồi được toàn bộ các khoản cho vay bằng vàng thì có thể chỉ cần mua thêm 208.000 lượng từ các nguồn khác để tất toán với người gửi đến cuối Q2. Trong khi đó nếu người vay không muốn trả trước hạn/chuyển sang các khoản vay bằng tiền đồng thì 4 ngân hàng trên phải mua thêm 497.000 lượng vàng để tất toán với người gửi. Con số thực tế sẽ nằm trong khoảng từ 208.000 lượng đến 497.000 lượng và chúng tôi cho rằng con số thực tế sẽ nằm sát về phía 497.000 lượng hơn.
Để có thể so sánh, chúng tôi xin chỉ ra rằng dư nợ cho vay bằng vàng của 4 ngân hàng trên tương đương 13.537 tỷ đồng (325.000 lượng vàng) tại thời điểm cuối tháng 6/2012 và tương đương 13.348 tỷ đồng (290.000 lượng vàng) tại thời điểm cuối năm 2012. Tại thời điểm cuối mỗi quý, các ngân hàng đánh giá lại dư nợ cho vay bằng vàng theo thị giá hiện thời. Có thể thấy dư nợ cho vay bằng vàng đã không thay đổi nhiều trong gần 1 năm.
Và lý do chỉ có thể là hầu hết các khoản cho vay bằng vàng có kỳ hạn trung bình (3-5 năm) hoặc thời hạn dài (5-10 năm) và ngày cho vay trước ngày 1/5/2011. Do đó, khó khăn trong việc giảm được dư nợ cho vay bằng vàng còn lại là cốt lõi dẫn đến việc thiếu vàng để tất toán với người gửi đúng hạn theo quy định. Do không thể thu hồi các khoản cho vay bằng vàng hay phát hành thêm chứng chỉ gửi vàng nên các ngân hàng thay vào đó sẽ phải mua vàng từ thị trường.
Một vấn đề rõ ràng ở đây là Thông tư 11/2011/TT-NHNN không được áp dụng cho các khoản cho vay bằng vàng trước đó, do đó các khoản cho vay bằng vàng (được thực hiện trước khi ban hành thông tư này) không thuộc phạm vi điều chỉnh của thông tư. Điều này có nghĩa là các ngân hàng không thể yêu cầu người vay phải trả các khoản vay dài hạn (trước năm 2011) trước ngày đáo hạn. Có thể thấy nỗ lực thuyết phục người vay tự nguyện chuyển các khoản vay bằng vàng thành các khoản vay bằng tiền đồng đã không mấy thành công. Và với giá vàng trong nước giảm 20,5% so với đầu năm, người vay có lẽ cho rằng giá vàng còn tiếp tục giảm.
Bên cạnh đó, thị trường vàng trong nước có quy mô còn khá nhỏ và các ngân hàng đã không thể mua số lượng vàng lớn do rủi ro làm giá vàng trong nước tăng cao. Chúng tôi ước tính lượng vàng mua từ thị trường chỉ chiếm dưới 10% của tổng số vàng mua vào của các ngân hàng.
Nguồn mua vàng thứ ba là từ các đợt đấu thầu của NHNN. Vào ngày 28/6, NHNN bán được 26.000 lượng vàng trong tổng số 40.000 lượng vàng chào thầu cho các ngân hàng.
Kể từ cuối tháng 3, NHNN đã bán được 916.800 lượng vàng tương đương khoảng 35 tấn vàng trong số 1.018.000 tấn vàng được chào bán trong tổng số 36 đợt đấu thầu. Đợt đấu thầu gần đây nhất diễn ra với giá từ 36,45-36,71 triệu đồng/lượng. Trong nỗ lực giúp các ngân hàng tất toán toàn bộ trạng thái vàng âm còn lại vào ngày 30/6, NHNN sẽ đấu thầu thêm 40.000 lượng vàng tương đương 1,5 tấn vàng vào ngày 29/6. Mặc dù vậy một số ngân hàng nhỏ vẫn có thể không tất toán được theo đứng thời hạn trên và NHNN có thể sẽ phải làm việc chặt chẽ với các ngân hàng nhỏ tùy từng trường hợp. Giá vàng trong nước hiện đã giảm 20,39% so với đầu năm và hiện cao hơn 14,9% so với giá vàng thế giới.
Nguồn thứ tư là sử dụng hợp đồng vàng phái sinh. Các ngân hàng đã tất toán các hợp đồng vàng phái sinh tại nước ngoài. Trong khi ở thị trường trong nước, các ngân hàng hiện nay thường chỉ mua và bán theo các hợp đồng giao ngay. Vì vậy, chúng tôi cho rằng các ngân hàng đã không sử dụng nhiều các hợp đồng phái sinh để mua vàng gần đây.
Tổng hợp lại, chúng tôi cho rằng các ngân hàng đã mua 916.800 lượng vàng từ NHNN. Để đơn giản, giả sử tất cả số vàng mua nói trên từ NHNN đều nhằm mục đích tất toán với người gửi vàng và các ngân hàng cũng chỉ mua một lượng không đáng kể từ các nguồn khác. Sau đó giả định rằng 497.000 lượng vàng huy động vàng tại thời điểm cuối Q1 bằng là 68% tổng số vàng huy động của hệ thống, và 100% tổng số vàng huy động tương đương khoảng 732.000 lượng (theo ước tính của HSC).
Điều này cho thấy (1) NHNN đã bán thừa đủ số vàng cần để tất toán với người vay (2) dư nợ cho vay bằng vàng có khả năng giảm không nhiều (nếu như có giảm) trong suốt Q2 (3) có thể trong cùng thời gian một phần trạng thái vàng phái sinh cũng đã được tất toán. Do vậy, các ngân hàng vẫn còn trạng thái vàng chưa tất toán đúng hạn nhiều khả năng là do ly do khác (chứ không phải không đủ vàng để tất toán). Và dẫu sao thì nếu xét trên toàn hệ thống, vấn đề tất toán vàng huy động có thể được coi là đã xử lý phần lớn.
Theo Trí Thức Trẻ/Theo HSC