domain, domain name, premium domain name for sales

Thứ Tư, 5 tháng 10, 2011

Lý thuyết phát triển, p4, Lý thuyết tân cổ điển


d)      Lý thuyết tân cổ điển
  • Lý thuyết tăng trưởng của Robert Solow:
    • Được đưa ra từ năm 1956, mô tả và giải thích sự tăng trưởng kinh tế trong dài hạn dựa vào những yếu tố như năng suất, tích lũy vốn, tỉ lệ tăng lao động và tiến bộ công nghệ. Mô hình còn có tên là Solow – Swan[1] hay mô hình tăng trưởng Ngoại sinh[2]. Đây cũng là mô hình cân bằng động có thể xây dựng theo khung thời gian rời rạc hay liên tục.
    • Mô hình được giả định rằng 2 yếu tố đầu vào lao động và vốn có thể thay thế cho nhau. Hàm sản xuất bị ảnh hưởng bởi quy luật năng suất biên giảm dần và doanh nghiệp hoạt động trên thị trường cạnh tranh hoàn toàn để giá cả bằng chi phí biên, tiền lương thực tế bằng giá trị sản phẩm biên của lao động, chi phí vốn thực bằng giá trị sản phẩm biên vốn nhằm tính toán mức độ đóng góp của mỗi nhập lượng vào quá trình tăng trưởng.
    • Solow cho rằng không chỉ vốn mà cả lao động và thay đổi công nghệ đều ảnh hưởng đến sản lượng đầu ra. Hơn thế, yếu tố công nghệ mới chính là yếu tố quyết định tăng trưởng kinh tế trong dài hạn. Do mức vốn tích lũy bình quân bị ảnh hưởng bởi 3 yếu tố: tiết kiệm bình quân, tốc độ tăng dân số, tỷ lệ khấu hao. Sinh lợi vốn sẽ giảm dần nên sau đó dù vốn tăng đều nhưng sản lượng Y tăng giảm dần. Cuối cùng đến mức tăng vốn nào đó (chỉ là giả định vì thực tế không thể nào tăng vốn mãi, vì cũng có những lúc kinh tế suy thoái) thì cũng không thể làm tăng sản lượng. Vì vậy, tích lũy vốn không thể duy trì tăng trưởng bền vững mà chỉ có tác dụng giúp mức sản lượng ở trạng thái dừng (trạng thái không còn tăng sản lượng được) cao hơn. Chính yếu tố công nghệ mới giúp tạo ra gia tăng vốn đầu tư, yếu tố quan trọng để tích lũy và tăng trưởng kinh tế, chứ không phải chỉ vốn ban đầu.

 




àMô hình dựa trên giả thiết sinh lợi vốn giảm dần nên nước nghèo sẽ phát triển nhanh hơn nước giàu và suất sinh lợi nước nghèo cũng vì vậy cao hơn nước giàu sẽ khiến cho dòng vốn chảy ra khỏi nước giàu. Vì lý do đó mà sẽ có sự hội tụ quốc tế về tốc độ tăng trưởng và thu nhập, nghĩa là khoảng cách giữa nước giàu và nghèo ngày càng thu hẹp để cuối cùng là không còn nữa. Tuy nhiên, do thiếu bằng chứng thuyết phục cũng như thực tế cho thấy khoảng cách giữa các quốc gia giàu và nghèo ngày càng tăng nên mô hình Solow sau đó bị từ bỏ.

  • Lý thuyết Tân cổ điển (New Classical School):
    • Hình thành vào cuối thế kỷ 19 bởi nhà kinh tế tiêu biểu Alfred Marshall.
    • Lý thuyết cho rằng khi khu vực công nghiệp thu hút lao động của khu vực nông nghiệp sẽ dẫn đến lao động nông nghiệp khan hiếm nên lương khu vực nông nghiệp tăng. Đồng thời sản lượng lương thực bị giảm, giá nông sản tăng và thu nhập của lao động khu vực công nghiệp sẽ không đủ chi tiêu và lương khu vực công nghiệp vì vậy cũng sẽ phải tăng theo.
    • Để khắc phục tình trạng trên thì phải đầu tư cho khu vực nông nghiệp ngay từ đầu giúp tăng năng suất, giảm áp lực tăng giá nông sản. Đối với công nghiệp phải đầu tư theo phát triển chiều sâu nhằm giảm áp lực cầu lao động.

 
   
  • Lý thuyết Tân cổ điển cải cách[3] (Neo Classical Counter Revolution): Hình thành vào thập niên 1980. Trường phái này đi ngược lại với Lý thuyết phát triển Quan hệ quốc tế khi cho rằng nguyên nhân nghèo khó và kém hiệu quả ở những nước đang phát triển không phải là do những nước giàu mà do sự can thiệp quá đáng vào thị trường cũng như sự tham nhũng của chính phủ những nước đang phát triển này. Trường phái cũng cho rằng để đạt hiệu quả và tăng trưởng kinh tế thì tốt nhất là nên để thị trường tự do vận hành và nên tư hữu hoá các doanh nghiệp quốc doanh, giảm sở hữu công cộng, bỏ hàng rào thuế quan và bảo hộ.

  • thuyết phát triển Nội sinh (Endogenous Growth Theory):
    • Mô hình được phát triển bởi Mankiw, Romer và Weil vào năm 1992 và là một trong những mô hình căn bản nhất chứng minh vai trò của vốn nhân lực.
    • Mô hình giải thích sự chênh lệch thu nhập giữa nước nghèo và nước giàu và cho rằng quá trình hội tụ về thu nhập giữa các nước chỉ xảy ra có điều kiện.
    • Ngoài biến số lao động thông thường và công nghệ, các giả định như mô hình Solow thì mô hình Nội sinh đưa vào thêm biến số đại diện cho vốn nhân lực vào hàm số tăng trưởng Cobb Douglas, với giả định hiệu suất không đổi theo quy mô.
    • Kết quả của mô hình là tại trạng thái dừng (steady state) của 2 quốc gia dù có cùng tỉ lệ tiết kiệm, tỉ lệ tăng dân số nhưng thu nhập của 2 quốc gia vẫn có thể khác nhau nếu có tích lũy vốn nhân lực khác nhau.


[1] Mô hình này cũng được 2 nhà kinh tế là Solow và T.W. Swan nghiên cứu độc lập nhau dựa vào số liệu thống kê thành tựu phát triển của nền kinh tế Mỹ.
[2] Do tăng trưởng kinh tế được cho là chủ yếu dựa vào những yếu tố Ngoại sinh, bên ngoài mô hình như tăng lao động và tiến bộ công nghệ.
[3] Còn dịch là Lý thuyết phát triển Cách mạng tân cổ điển




TÀI LIỆU THAM KHẢO

Nguyễn Trọng Hoài, Kinh tế phát triển, NXB Lao Động 2010
Đinh Phi Hổ, Kinh tế phát triển, NXB Thống Kê 2009
Đinh Phi Hổ, Kinh tế học Nông nghiệp bền vững, NXB Phương Đông 2008


Website



--- HẾT ---
Người tổng hợp & viết: Vũ Thị Xuân Lan
xuanlanvu@gmail.com

Lý thuyết phát triển, p3, Lý thuyết quan hệ quốc tế


c)      Lý thuyết quan hệ quốc tế: Mô hình này được sự ủng hộ rộng rãi nhất là của các học giả thuộc các nước nghèo vào thập niên 1970. Những mô hình này giải thích cho biết các nước nghèo luôn bị dính chặt và bị phụ thuộc vào các nước giàu. Có 3 mô hình điển hình:
  • Lý thuyết tân thuộc địa (Neocolonial Dependence Theory): Quan điểm cho rằng tình trạng khó khăn của các nước nghèo tồn tại là do sự bóc lột của các nước giàu và những nhóm thiểu số thống trị ở chính những nước kém phát triển. Lý thuyết này từ đó đã khuyến khích các cuộc đấu tranh giai cấp hay những phong trào cấp tiến để xây dựng lại xã hội và đòi hỏi những nước giàu không được can thiệp, kiểm soát các nước nghèo khác.
  • Mô hình mẫu sai (the False Paradigm Model): cho rằng sự kém phát triển ở các nước nghèo là do nhận được tư vấn sai, không phù hợp của các chuyên gia. Sự không phù hợp này chủ yếu là do các chuyên gia đến từ những nước phát triển nên không có kinh nghiệm thực tế của chính những nước nghèo hay kể cả những chuyên gia được những chính phủ nước nghèo cử đi đào tạo thì cũng được trang bị những kiến thức không phù hợp để áp dụng, từ đó đưa ra những chính sách sai lệch, không hiệu quả.
  • Luận đề phát triển đối ngẫu (the Dualistic Development Thesis): còn gọi là lý thuyết Nhị Nguyên. Lý thuyết này chỉ ra sự đối nghịch giữa 2 hình ảnh tương phản, nước giàu và nước nghèo, người giàu thống trị hay những thị dân và người dân nghèo hay dân ở nông thôn. Lý thuyết này cũng chỉ ra hiện tượng trên sẽ tồn tại dai dẳng chứ không chỉ có tính chất nhất thời, chuyển giai đoạn trong giai đoạn đầu của quá trình phát triển kinh tế. Và khoảng cách giữa các tầng lớp, quốc gia sẽ có xu hướng tăng lên, đặc biệt khi các nước giàu chứng tỏ cho thấy sẽ chẳng làm gì để nâng đỡ các nước nghèo.
--> Lý thuyết quan hệ quốc tế này nhấn mạnh vào sự bất bình đẳng trong quyền lực thế giới mà không chú trọng đến chỉ tiêu đánh giá tăng trưởng kinh tế qua GDP hay GNP. Lý thuyết gợi ý rằng để giảm bớt sự bất bình đẳng, nhất thiết phải có những cải cách căn bản về kinh tế, chính trị, thể chế trong nước và cả quốc tế. Và vì vậy, sở hữu công cộng sẽ là phương thức hữu hiệu để giúp giảm bất công, đói nghèo, nâng cao phúc lợi cho đại đa số dân chúng trong xã hội.



--- CÒN TIẾP ---

Lý thuyết phát triển, p2, Lý thuyết chuyển dịch cơ cấu


b)      Lý thuyết chuyển dịch cơ cấu: còn gọi là lý thuyết 2 khu vực, vì liên quan đến 2 khu vực nông nghiệp truyền thống và khu vực công nghiệp hiện đại[1]
  • Lý thuyết phát triển của Lewis (1950) (Dual-Sector Model) :
    • Lý thuyết ban đầu được đưa ra bởi Lewis nhưng sau đó được phát triển và bổ sung thêm bởi John Fei và Gustav Ranis. Mô hình này được ứng dụng nhiều vào những năm thập niên 1960 - 1970.
    • Lý thuyết cho rằng nền kinh tế của những nước kém phát triển luôn tồn tại 2 khu vực căn bản, với:
      • Khu vực nông thôn truyền thống: tập trung phần lớn lao động trong dân nhưng lại không làm tăng sản lượng, nghĩa là đang trong tình trạng dư thừa lao động và năng suất biên bằng không.
      • Khu vực thành thị công nghiệp hiện đại: với đặc trưng nếu có lao động tăng thêm thì sẽ làm tăng sản lượng. Do năng suất khu vực hiện đại cao nên tiền lương lao động cao hơn và sẽ thu hút lao động dư thừa của khu vực nông nghiệp truyền thống. Quá trình cứ liên tục diễn ra cho đến khi lượng lao động dư thừa được thu nhập hết và khi đó lương của 2 khu vực sẽ cân bằng, không còn khuyến khích sự di chuyển lao động nữa. Sự chuyển đổi cơ cấu của nền kinh tế được thực hiện bằng cách tích lũy dần và chuyển từ nền kinh tế nông nghiệp truyền thống sang nền công nghiệp thành thị hiện đại.
àMô hình phát triển của Lewis đơn giản với giả định là khi khu vực công nghiệp hiện đại phát triển và toàn bộ vốn sẽ được tái đầu tư và tỉ lệ tạo công việc làm mới sẽ được tạo ra tương ứng, mà không tính đến trường hợp khi lợi nhuận nhà tư bản được tái đầu tư để mua máy móc thiết bị có tính chất tiết kiệm lao động. Bởi khi đó dù đầu tư tăng, khu vực hiện đại vẫn tăng trưởng nhưng đường cầu lao động sẽ vẫn giữ nguyên không thay đổi. Ngoài ra, thực tế cho thấy khu vực nông thôn chỉ dư thừa lao động đặc biệt vào ngày nông nhàn và có thất nghiệp đồng thời cả ở nông thôn và thành thị. Thêm nữa, giả định tiền công của khu vực công nghiệp là không luôn cố định, cũng như lao động cũng không đồng nhất về chất lượng giữa nông thôn và thành thị.

  • Chenery: Ông rút ra những kết luận sau khi quan sát và phân tích số liệu của nhiều quốc gia về cơ cấu kinh tế và thu nhập sau khi nền kinh tế tăng trưởng như sau:
    • Nền kinh tế có sự dịch chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang sản xuất công nghiệp, nghĩa là giá trị đóng góp của công nghiệp vào nền kinh tế tăng dần và của nông nghiệp giảm dần. Nhưng tỷ trọng sản lượng nông nghiệp giảm chỉ mang giá trị tương đối chứ không có nghĩa là giá trị tuyệt đối[2].
    • Thay đổi cơ cấu được chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn trước hay giai đoạn kém phát triển, khi thu nhập bình quân của người dân ít hơn 600USD, nền kinh tế phụ thuộc vào nông nghiệp. Giai đoạn sau hay giai đoạn chuyển tiếp của phát triển, khi thu nhập trên 600USD nhưng dưới 3.000USD, nền kinh tế phụ thuộc vào sản xuất công nghiệp.
    • Cùng lúc đó, người dân chi tiêu ít hơn cho lương thực nên tỉ lệ đóng góp của khu vực sản xuất lương thực cho tăng trưởng kinh tế ít đi mà đóng góp của khu vực phi lương thực sẽ tăng lên.
    • Hiện tượng đô thị hoá gia tăng. Những người ở thành thị có thu nhập cao hơn ở nông thôn tạo ra hiện tượng di dân từ nông thôn ra thành thị. Tỉ lệ sinh và tử vong giảm dần.
àMô hình của ông do mang tính bình quân nên đã đơn giản hoá và loại bỏ những yếu tố đặc biệt riêng của từng quốc gia, mà chính những điểm khác biệt này tạo ra những thuận lợi cho sự phát triển của quốc gia đó. Thông thường những nước lớn giàu tài nguyên và đông dân như Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil sẽ có lợi thế kinh tế về quy mô và cầu không bị ảnh hưởng nhiều vào thị trường quốc tế. Song những quốc gia nhỏ hơn như Singapore, Đài Loan do có nhu cầu thị trường nội địa nhỏ nên phải phụ thuộc vào cầu quốc tế để kích thích tăng trưởng kinh tế.


[1] Tham khảo thêm các mô hình, lý thuyết tăng trưởng khác trong Kinh tế nông nghiệp
[2] Nghĩa là Tỷ lệ phần trăm giảm đi, nhưng con số cụ thể, giá trị tuyệt đối thì vẫn tăng lên.


--- CÒN TIẾP ---

Lý thuyết phát triển, p1, Lý thuyết tăng trưởng tuyến tính


a)      Lý thuyết tăng trưởng tuyến tính
  • Lý thuyết cất cánh (The take off) của W. Rostow (1950): ông cho rằng quá trình phát triển kinh tế xã hội đều phải trải qua 5 giai đoạn phát triển tuần tự. Giai đoạn sau sẽ kế thừa vốn tích lũy, những tiến bộ kỹ thuật và lao động của giai đoạn trước đó.
    • Giai đoạn xã hội truyền thống (The traditional Society): ngành nông nghiệp giữ vai trò thống trị trong nền kinh tế. Năng suất lao động thấp, trình độ kỹ thuật còn thô sơ, kém phát triển.
    • Giai đoạn chuẩn bị cất cánh (Precondition for the take off / Transition Stage): tồn tại song song cả 2 khu vực nông nghiệp truyền thống và công nghiệp hiện đại. Xuất hiện của tầng lớp doanh nhân, những người sẵn sàng mạo hiểm trong đầu tư vào các kỹ thuật mới để tạo ra năng suất cao hơn.
    • Giai đoạn cất cánh (Take off): nền kinh tế sẽ xuất hiện các ngành mũi nhọn, tăng trưởng nhanh chóng và vượt lên so với những ngành khác. Các ngành mũi nhọn đó cũng đồng thời thúc đẩy kéo theo những ngành khác cùng phát triển. Công nghệ mới và phương pháp sản xuất mới được ứng dụng vào sản xuất giúp tăng năng suất. Lợi nhuận tăng thêm của các chủ doanh nghiệp sau đó cũng được tích lũy cho tái đầu tư. Cầu trong giai đoạn này cần được khuyến khích để hỗ trợ nền kinh tế tăng trưởng. Giai đoạn này được cho kéo dài khoảng 20 đến 30 năm.
    • Giai đoạn trưởng thành (Drive to Maturity): tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế tương đối ổn định, nhưng chú trọng vào phát triển công nghiệp nặng. Tỉ lệ tiết kiệm và đầu tư tăng cao hơn giai đoạn trước, GDP bình quân tăng nhanh. Nhu cầu xuất nhập khẩu tăng mạnh. Giai đoạn này được cho kéo dài khoảng 60 năm.
    • Giai đoạn tiêu dùng cao (High Mass Consumption): hoạt động của giai đoạn trưởng thành được tiếp tục duy trì và năng suất cao hơn tốc độ tăng dân số để đảm bảo tiêu dùng khối lượng lớn, do dân số tăng và thu nhập tăng khiến nhu cầu sử dụng hàng hoá tăng. Trình độ phát triển công nghệ kỹ thuật và lao động cao. Các chính sách kinh tế chủ yếu hướng vào nâng cao phúc lợi xã hội. Giai đoạn này được cho là kéo dài nhất, khoảng 100 năm.
àLý thuyết của ông được cho là quá đơn giản vì đã bỏ qua các vấn đề quan trọng như sự chuyển tiếp giữa các giai đoạn, quá chú trọng vào vốn đầu tư mà bỏ qua các yếu tố như thể chế chính trị, quan hệ quốc tế…

  • Lý thuyết tăng trưởng của Harrod – Domar (1940[1]):
    • Đây là mô hình do 2 nhà khoa học Harrod & Domar nghiên cứu độc lập nhau. Mô hình cho rằng nguồn gốc của tăng trưởng kinh tế là nhờ vốn tích lũy từ tiết kiệm quốc gia. Sự thay đổi lượng vốn đầu tư sẽ ảnh hưởng đến sản lượng đầu ra của quốc gia.
    • Đặt Hệ số xác định mối quan hệ tỷ lệ giữa thay đổi vốn với đầu ra gọi là ICOR – Incremental Capital Output Ratio – hệ số gia tăng vốn và đầu ra. Ta có:


 
àVậy tốc độ tăng trưởng gY tỉ lệ thuận với tỉ lệ tiết kiệm quốc gia và tỉ lệ nghịch với hệ số gia tăng vốn đầu ra ICOR.

  • Lý thuyết tăng trưởng của Kaldor:
    • Ông cho rằng nguồn gốc tăng trưởng không chỉ là gia tăng vốn sản xuất mà còn phụ thuộc vào sự phát triển của công nghệ.




  • Lý thuyết tăng trưởng của Sung Sang Park: quá trình tăng trưởng kinh tế phụ thuộc vào quá trình tích lũy vốn và tích lũy công nghệ. Tích lũy vốn được thực hiện liên tục nhờ đầu tư, còn tích lũy công nghệ phụ thuộc vào đầu tư nguồn nhân lực.
àKhác với Kaldor, Park đã giải thích được nguồn gốc của tăng trưởng nhờ tích lũy công nghệ là do đầu tư vào nhân lực. Đây là gợi ý quan trọng cho các nước đang phát triển khi chỉ tập trung đầu tư vào máy móc sản xuất thời đó mà bỏ quên yếu tố con người.


[1] Vào khoảng thập niên 1930 - 1950


--- CÒN TIẾP ---

Chỉ tiêu đo lường


Các chỉ tiêu đo lường
a)      Chỉ tiêu kinh tế
  • Tổng sản phẩm quốc nội (GDP): là tổng giá trị hàng hoá dịch vụ cuối cùng được sản xuất ra tại một lãnh thổ quốc gia (tính theo địa điểm vùng quốc gia) trong khoảng thời gian thông thường là một năm.[1]
  • Tổng sản phẩm quốc dân (GNP): là tổng giá trị hàng hoá dịch vụ cuối cùng được sản xuất ra bởi người dân của quốc gia đó bất kể không gian họ ở đâu (tính theo quốc tịch) trong khoảng thời gian thông thường là một năm.[2]
  • Mức tổng sản phẩm tính theo đầu người: còn gọi là mức thu nhập bình quân đầu người (Per Capita Income – PCI), bằng tổng sản lượng nền kinh tế (có thể là GNP hay GDP) chia cho tổng số dân của quốc gia.
  • Tốc độ tăng trưởng kinh tế: được tính bởi hiệu số của giá trị THỰC của tổng sản lượng quốc gia (có thể là GNP hay GDP) cuối kỳ (năm sau) với đầu kỳ (năm trước) và chia cho đầu kỳ.[3]
  • Các chỉ tiêu đánh giá năng lực cạnh tranh của quốc gia (Growth Competitive Index – GCI) hay còn gọi là chỉ số năng lực cạnh tranh quốc gia, là hệ thống chỉ số phân làm 9 nhóm: thể chế, kết cấu hạ tầng, kinh tế vĩ mô, y tế và giáo dục, đào tạo và giáo dục bậc cao, hiệu quả thị trường, mức độ sẵn sàng về công nghệ, trình độ kinh doanh, đổi mới và sáng tạo, được tính toán bởi WEF.[4] Ngoài ra, ở Việt Nam có chỉ số khác để đánh giá năng lực cạnh tranh giữa các tỉnh thành là PCI, do Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam VCCI và Dự án Nâng cao Năng lực Cạnh tranh Việt Nam VNCI[5].
  • Chỉ tiêu về liên kết – hội nhập kinh tế qua tỷ trọng giá trị xuất nhập khẩu hàng hoá, dịch vụ, tổng đầu tư khu vực tư nhân từ nước ngoài, đầu tư trực tiếp của nước ngoài FDI so với GDP.[6]
b)     Chỉ tiêu văn hoá – xã hội:
  • Tỉ lệ thất nghiệp: cho biết tỉ lệ người muốn làm việc nhưng không có việc làm.
  • Tỉ lệ tham gia lực lượng lao động: cho biết phần trăm dân số trưởng thành trong độ tuổi lao động trên toàn quốc.
  • Chỉ tiêu đo lường nghèo đói và bất bình đẳng: đo lường bởi thu nhập bình quân, nếu ít hơn 2 USD/ngày là thuộc diện nghèo[7] hoặc năng lượng của khẩu phần ăn ít hơn 2.100 calo/ngày.
  • Chỉ số phát triển con người HDI[8]: đo lường tổng quát về sự phát triển của con người ở các mặt tuổi thọ trung bình, trình độ học vấn, thu nhập.
  • Chỉ số phát triển giới GDI[9]: phản ánh sự bất bình đẳng giữa nam và nữ theo các tiêu chí tuổi thọ trung bình, trình độ học vấn, thu nhập.
c)      Chỉ tiêu môi trường
  • Chỉ số đánh giá chất lượng môi trường theo Hệ thống Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (MDGs)[10]: được các tổ chức quốc tế phối hợp với các quốc gia để tính toán và đánh giá thành tựu tiến bộ môi trường, qua các chỉ số tỉ lệ diện tích rừng, diện tích bảo tồn đa dạng sinh học, năng lượng sử dụng, lượng thải CO2 bình quân, tỉ lệ dân số sử dụng nhiên liệu rắn như than củi, tỉ lệ dân được tiếp cận với nước sạch, hay hưởng điều kiện vệ sinh môi trường, tỉ lệ hộ gia đình tiếp cận với dịch vụ nhà ở an toàn.
  • Chỉ số Môi trường bền vững (Environmental Sustainability Index – ESI): là chỉ số tổng hợp  được xây dựng bởi các chuyên gia của Đại học Yale và Columbia, Mỹ sau khi tính điểm của 21 chỉ số như mức thải SO2, tỷ lệ rừng, mức tiêu thụ than đá….[11]


[1] Xem thêm ở Vĩ mô
[2] Xem thêm ở Vĩ mô
[3] Xem thêm ở Vĩ mô
[7] Tiêu chuẩn của Việt Namthấp hơn, là dưới 2.000.000 triệu đồng / năm / người



TÀI LIỆU THAM KHẢO

Nguyễn Trọng Hoài, Kinh tế phát triển, NXB Lao Động 2010
Đinh Phi Hổ, Kinh tế phát triển, NXB Thống Kê 2009
Đinh Phi Hổ, Kinh tế học Nông nghiệp bền vững, NXB Phương Đông 2008


Website



Người tổng hợp: Vũ Thị Xuân Lan
xuanlanvu@gmail.com




Giới thiệu Kinh tế phát triển


Kinh tế phát triển là một nhánh của Kinh tế học nghiên cứu về các khía cạnh kinh tế trong quá trình phát triển tại các quốc gia nghèo. Kinh tế phát triển không chỉ nghiên cứu về sự tăng trưởng, phát triển sản lượng[1] của nền kinh tế mà còn quan tâm về chất lượng cuộc sống của con người có được cải thiện không sau khi tăng trưởng kinh tế. Như sự tăng thu nhập bình quân của người dân, vì nếu mức tăng dân số nhiều hơn mức tăng sản lượng thì đời sống vật chất của người dân cũng không cải thiện được. Hay quan tâm những mặt khác như tuổi thọ trung bình của người dân, y tế, giáo dục, chiều cao, dinh dưỡng, an sinh, phúc lợi xã hội…

Hơn thế nữa, người ta còn mong đợi sự phát triển đó sẽ bền vững, lâu dài qua việc quan tâm đến tăng trưởng phát triển kinh tế nhưng vẫn bảo tồn được nét văn hoá truyền thống của quốc gia, môi trường sống thiên nhiên trong lành để con người có được cuộc sống ấm no và hạnh phúc.


Các giai đoạn phát triển của kinh tế thế giới
Nền kinh tế Thế giới đã trải qua những giai đoạn phát triển khác nhau nhưng mạnh mẽ và ghi dấu nhất là cuộc Cách mạng công nghiệp thế kỷ 19 tại nước Anh và sau Thế chiến thứ 2 nổi lên tại Mỹ.

  • Cách mạng công nghiệp: cuộc cách mạng công nghiệp tại Anh thế kỷ 19 đã thúc đẩy nền kinh tế không chỉ riêng nước Anh mà cả những nước châu Âu và ở Mỹ phát triển mạnh mẽ. Các nước này mở rộng thị trường giao thương, hủy bỏ thuế quan và các khoản thu phí, khuyến khích đầu tư tư nhân, tăng cường giáo dục và đào tạo lao động trình độ cao. Có thị trường rộng lớn khiến cho tốc độ công nghiệp hoá càng tăng mạnh. Tuy vậy, một số thuộc địa khác như Úc, New Zealand, Argentina, Brazil dù được hưởng lợi ích như vậy nhưng do dân số tăng nhanh qua việc di dân lan tràn, cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư phát triển kịp thời, công việc chủ yếu là khu vực nông nghiệp nhưng đất đai chỉ tập trung vào một số ít người nên hiệu quả là năng suất tăng thấp, lương thấp, tăng trưởng thu nhập bình quân thấp, gia tăng nghèo đói.
  • Sau Thế chiến thứ 2:
    • Nước kém phát triển (LDCs): có GDP thấp, dưới 2.000USD và dưới 600USD là những nước cực nghèo.
      • Hiện trạng: kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp truyền thống và các ngành nghề thủ công, khu vực công nghiệp kém phát triển, thể chế thị trường và các tổ chức xã hội phát triển rất thấp.
      • Giải pháp: tăng xuất khẩu, chủ yếu là nguyên liệu thô, tăng cường giáo dục và cải tạo cơ sở hạ tầng
    • Nước phát triển trung bình (LDCs): GDP trên 2.000USD
      • Hiện trạng: kinh tế phát triển nhanh nhưng không cân bằng nên dẫn đến những mâu thuẫn xã hội và mất ổn định chính trị. Các chính phủ đa phần yếu kém khả năng quản lý.
      • Giải pháp: tăng cường đầu tư công và khuyến khích đầu tư khu vực tư nhân, tăng năng suất khu vực nông nghiệp và phát triển công nghiệp chế biến dựa vào nguồn nguyên liệu có sẵn từ tự nhiên như nông sản, phát triển ngành công nghiệp hàng tiêu dùng, tăng giáo dục dân trí, hướng dần vào hệ thống thuế trực thu hơn là thuế gián thu[2]
    • Nước công nghiệp mới (NICs): bắt đầu nổi lên từ thập niên 90 tạo nên sự thần kỳ ở Đông Á, những con rồng, con hổ của châu Á gồm: Nam Hàn, Singapore, Hong Kong, Đài Loan và những nước ở các châu lục khác như Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Brazil, Mexico, Argentina, Israel. Ngoài ra có thể kể đến những quốc gia Ảrập giàu có nhờ xuất khẩu dầu mỏ. GNP bình quân đầu người trên 6.000USD.
      • Hiện trạng: mức độ đô thị hoá, tiêu dùng, giáo dục và thể chế kinh tế chính trị hoàn thiện hơn. Chính phủ các quốc gia này ủng hộ tập trung phát triển kinh tế qua những ngành công nghiệp mũi nhọn, trọng điểm.
      • Giải pháp: vai trò chủ đạo của chính phủ quan trọng, tiếp tục phát triển công nghiệp nhưng khuynh hướng chuyển dần sang công nghiệp thâm dụng vốn và tri thức.
    • Nước phát triển (DCs): còn được gọi là những nước giàu hay hậu công nghiệp như Mỹ, Nhật, Anh, Pháp, Đức, Ý, Canada, Nga, Úc, New Zealand và một số những nước Tây và Bắc Âu. Những nước này có tỉ trọng công nghiệp cao trong GDP và GNP bình quân là từ 20.000USD trở lên.
      • Hiện trạng: hệ thống tài chính hoàn chỉnh, nhà doanh nghiệp với văn hoá kinh doanh chuẩn mực. Chính phủ đóng vai trò là nhà cung cấp dịch vụ và ổn định kinh tế, chính trị và xã hội.
      • Giải pháp: khuynh hướng chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế sang khu vực dịch vụ và công nghệ cao. Thúc đẩy xuất khẩu công nghệ và dịch vụ sang những nước khác kém phát triển hơn, thông qua những tổ chức, liên minh hợp tác song phương, toàn cầu.


[1] Số lượng sản phẩm
[2] Do thu thuế trực thu được nhiều hơn và chi phí quản lý cũng ít hơn.



TÀI LIỆU THAM KHẢO

Nguyễn Trọng Hoài, Kinh tế phát triển, NXB Lao Động 2010
Đinh Phi Hổ, Kinh tế phát triển, NXB Thống Kê 2009
Đinh Phi Hổ, Kinh tế học Nông nghiệp bền vững, NXB Phương Đông 2008


Website



Người tổng hợp: Vũ Thị Xuân Lan
xuanlanvu@gmail.com

Chủ Nhật, 2 tháng 10, 2011

Làm việc tốt đúng cách


Một người đàn ông phát hiện ra con bò cạp đang chơi vơi trong nước.

Ông ta quyết định đưa tay ra cứu nó nhưng chính con bò cạp đó lại cắn ông ta.

Vẫn cố gắng vớt con bò cạp ra khỏi nước, người đàn ông đó lại bị cắn nữa.

Một người khuyên ông không nên cứu nó nữa.

Nhưng người đàn ông trả lời rằng:

- Bản năng tự nhiên của bò cạp là cắn. Bản năng tự nhiên của tôi là yêu thương. Vậy tại sao tôi phải từ bỏ bản năng yêu thương chỉ vì bản tính tự nhiên của bò cạp?

Vì thế xin đừng từ bỏ tinh yêu, đừng đánh mất lòng tốt, sự hào hiệp của chính mình.
...................................................................................................................

Thực ra người khuyên ông kia ko nên cứu bọ cạp nữa , cuối cùng đã dùng que để cứu bọ cạp ( khi nó mắc kẹt lần 3) và nói:

"Sẽ hay hơn nếu ta nếu ta biết làm việc tốt đúng cách."


--- Sưu tầm ---