domain, domain name, premium domain name for sales

Thứ Năm, 8 tháng 9, 2011

Hậu quả tất yếu của một nền giáo dục xã hội yếu kém - PGS.TS NGUYỄN NGỌC ĐIỆN


SGTT.VN - Không gian trong đó con người ta sinh ra và lớn lên có ba bộ phận: gia đình, nhà trường và xã hội. Đó cũng là ba nơi mà con người nhận được (và cần được) giáo dục chu đáo để thành người.



Cửa hàng vàng Ngọc Bích ở phố Sàn, xã Phương Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, nơi xảy ra án mạng. Ảnh: TTXVN

Nhìn vóc dáng mảnh khảnh của kẻ giết người cướp của ở Bắc Giang, rất nhiều người không tin rằng một mình kẻ ấy đủ sức thực hiện một tội ác quy mô đến như thế. Cho tới nay, các chứng cứ thu được như đã công bố trên báo đều không cho thấy bóng dáng một nghi phạm thứ hai.

Nếu đúng là kẻ phạm tội đã hành động một mình, thì phải thừa nhận trong vụ này, “năng suất” thực hiện tội ác của con người đã thực sự gia tăng. Từ vụ phạm pháp, người ta nhận ra sự xuất hiện một kẻ ác mà tính cách hình thành từ sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa bản năng động vật tiềm ẩn trong mỗi con người với kinh nghiệm, kiến thức tích tụ trong quá trình sống và giao tiếp xã hội. Sự kết hợp ấy đã tạo ra những cá thể người cực kỳ nguy hiểm có khả năng thực hiện những vụ tấn công gây thiệt hại to lớn cho xã hội, cộng đồng.

Bản năng hoang sơ là thứ cố hữu, không thể triệt tiêu; bởi vậy, vấn đề là làm thế nào vô hiệu hoá hoặc ít nhất là ngăn chặn, hạn chế được sự trỗi dậy của nó, để nó không có điều kiện kết hợp với sự hiểu biết, từ đó biến con người thành ác quỷ.

Từ rất sớm, các nhà hiền triết đã chỉ ra rằng giáo dục là biện pháp chủ yếu cho phép đạt được mục tiêu ấy. Giáo dục trước hết được hiểu là tổ chức việc cung cấp thông tin, tri thức tích cực nhằm định hướng cho con người trong quá trình tự xây dựng, hoàn thiện các phẩm chất thành viên xã hội, cộng đồng. Không gian trong đó con người ta sinh ra và lớn lên có ba bộ phận: gia đình, nhà trường và xã hội. Đó cũng là ba nơi mà con người nhận được (và cần được) giáo dục chu đáo để thành người.

Trong đa số trường hợp, người phạm tội xuất thân từ những gia đình có vấn đề: cha, mẹ ly hôn hoặc xung đột, mâu thuẫn trầm trọng và thường xuyên đối xử với nhau bằng bạo lực; cha mẹ mải lo mưu sinh, làm giàu và ít quan tâm đến con cái; cũng có khi bản thân cha mẹ đã là những phần tử bất hảo và tạo tấm gương xấu cho con cái.

Dẫu sao, có rất nhiều trẻ sinh ra và lớn lên trong những gia đình kém phẩm chất rốt cuộc lại thành người tốt, nhờ thụ hưởng sự giáo dục tích cực của xã hội và nhất là của nhà trường. Ở các nước tiền tiến, nhà trường phổ thông được xác định là nơi công dân nhỏ tuổi được rèn luyện nhân cách và trang bị tri thức cần thiết trước khi tham gia vào đời sống xã hội với tư cách chủ thể đầy đủ. Với sứ mạng đó, giáo dục của nhà trường phải thoả mãn một loạt tiêu chí khắt khe: chương trình giáo dục phải có chất lượng nhân văn với các môn học có tác dụng bồi dưỡng, hoàn thiện các phẩm chất của một con người tích cực điển hình; người thầy phải là tấm gương mẫu mực cả trên giảng đường và trong cuộc sống đời thường; quan hệ thầy trò phải trong sáng và sạch;...

Nhà trường dạy dỗ học sinh có kết quả tốt, thì xã hội sẽ có được thành viên lương hảo, ứng xử đúng mực văn mình trong quan hệ cộng đồng: biết tôn trọng luật đi đường; biết bảo vệ môi trường; có ý thức bảo vệ tài sản của mình và tôn trọng tài sản của người khác, trong đó có tài sản công; có ý thức hợp tác trong việc gìn giữ và phát huy những giá trị chung của cộng đồng.

Thực ra, mọi thiết chế xã hội đều chứa đựng sẵn bên trong nó các khuyết tật: bộ máy công quyền với vấn nạn tham nhũng, hối lộ; gia đình với những mâu thuẫn, xung đột nội bộ; cộng đồng dân cư dưới sự đe doạ của tình trạng mất trật tự, mất an ninh, hỗn loạn. Nhưng một nền giáo dục lành mạnh có thể góp phần khắc phục, giảm bớt tác hại của các khuyết tật ấy.

Xã hội có trật tự, nền nếp, đến lượt mình, có sức tác động trở lại đối với thành viên trong quá trình hoàn thiện nhân cách. Có thể hiểu tại sao những người từ một xứ sở thấp kém đến sống ở một nước văn minh, cũng trở nên văn minh sau một thời gian.

Ngược lại, một khi tuổi nhỏ không được học đức dục, tuổi thiếu niên không được giáo dục ý thức công dân, lại phải thường xuyên chứng kiến sự phổ biến của tệ nạn mua bằng, bán điểm trong học đường, mua quan, bán chức trong cơ quan nhà nước, lừa thầy, phản bạn ngoài xã hội, thì việc con người hỏng về nhân cách là điều khó tránh.

Và một khi tình trạng hỏng hóc ấy được ghi nhận ở quá nhiều vị trí trong xã hội, thì khuyết tật của các thiết chế xã hội sẽ càng trở nên trầm trọng, có thể đến mức không chữa khỏi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét