domain, domain name, premium domain name for sales

Thứ Ba, 13 tháng 9, 2011

50 nhà kinh tế tiêu biểu - Steven Pressman, p7, ADAM SMITH


ADAM SMITH (1723 – 1790)

Ông được hầu hết mọi người coi là cha đẻ của Kinh tế học do cách nhìn nhận của ông về chủ nghĩa tư bản như một hệ thống kinh tế giúp người ta đều có thể giàu lên. Ông là người đầu tiên thấy được lợi ích từ việc có cạnh tranh và ủng hộ nền kinh tế giảm bớt sự can thiệp của nhà nước nhằm ngăn tình trạng độc quyền.

Smith sinh năm 1723, ở một thị trấn nhỏ gần Edinburgh, Scotland. Cha ông là một luật sư, mất trước khi ông sinh ra. Ông được mẹ và những người bảo trợ theo di chúc của cha ông nuôi nấng. Ông là người có niềm đam mê rất lớn đối với sách vở. Vào tuổi 14, ông được gửi tới trường Đại học Glasgow, nơi ông nghiên cứu đạo đức, toán học và kinh tế chính trị.

Năm 1740, ông giành được học bổng đi Oxford và học tại trường Balliol trong 6 năm sau đó. Do thời lượng bài giảng ít nên ông dành nhiều thời gian học tập và nghiên cứu ở thư viện, đặc biệt cho những môn văn học, triết học và lịch sử.

Năm 1751 ông được mời làm Giáo sư về Logic tại đại học Glasgow, sau đó 1 năm thì làm Giáo sư Triết học đạo đức.

Tác phẩm thành công đầu tiên của ông là Lý thuyết về những xúc cảm đạo đức, giải thích cách thức con người tiếp nhận những cảm giác đạo đức cho phép họ phân biệt được đúng sai. Và nhờ tác phẩm này mà ông được mời làm gia sư cho Công tước Buccleuch tại Pháp. Công việc làm gia sư có nhiều thời gian rảnh rỗi để đọc và suy ngẫm cũng như nhờ ở Pháp nên ông có dịp gặp gỡ những người đứng đầu của phái trọng nông như Francois Quesnay. Ở Pháp 3 năm và sau đó ông dành 10 năm để hoàn thành tác phẩm Của cải của các dân tộc, xuất bản vào năm 1776 và tác phẩm này đã đem lại cho ông giàu có và danh tiếng.

Tác phẩm Của cải của các dân tộcvới lý thuyết Bàn tay vô hình đã giả định rằng con người hành động theo lợi ích cá nhân. Nhưng nó lập luận rằng một cá nhân trong lúc hành động vì bản thân sẽ vô tình mà đóng góp tốt cho cộng đồng.

Ông cũng cho rằng chính cơ khí hoá và phân công lao động giúp cho kinh tế tăng trưởng. Và điều này cũng được chứng minh bởi Cuộc cách mạng công nghiệp tại Anh thời đó. Bởi phân công lao động sẽ giúp thao tác nhanh, bớt được thời gian chuyển từ khâu này sang khâu khác, công nhân tập trung hơn, không phải suy nghĩ nhiều và ít tốn sức hơn.

Thêm vào đó, ông cũng nhận thấy khi sản lượng tăng thì cần phải có xuất khẩu để bán được hàng hoá làm lợi cho nước Anh và cũng tránh sự dư thừa trong nước. Bên cạnh đó, nước ngoài cũng được hưởng lợi nhờ mua được hàng hoá giá rẻ từ nước Anh. Và vì vậy, ông ủng hộ thương mại tự do, chỉ trích đối với chính sách của chủ nghĩa trọng thương[1]. Ông phản đối việc đánh thuế ngay cả đó là đánh thuế trả đũa những nước đặt hàng rào đối với hàng hoá nước Anh bởi ông cho rằng một chính sách xấu không khắc phục được một chính sách xấu khác và rồi nếu có mất việc thì những người công nhân Anh cũng sớm tìm được việc ở những ngành nghề khác và có năng suất cao hơn. Và việc đánh thuế sẽ tạo ra sự phân bổ sai lệch hay không hiệu quả nguồn lực, gây ra tổn thất cho xã hội.

Ông chống lại độc quyền vì cho rằng độc quyền là kẻ thù của tự do thương mại, của tăng trưởng kinh tế nhanh. Ông nêu ra 4 hậu quả của độc quyền: giá cao, không hoàn thiện nhiều, quyền lực của độc quyền càng lớn càng dễ gây sức ép lên chính phủ và sự phân bổ sai và kém hiệu quả nguồn lực.

Tuy nhiên, ông cho rằng an ninh quốc gia quan trọng hơn sự giàu có. Nếu thương mại khiến cho quân sự nước khác mạnh hay nước Anh bị giảm sức mạnh thì không nên ủng hộ. Ông thấy được 4 chức năng quan trọng của nhà nước: ngăn chặn độc quyền, đảm bảo an ninh quốc phòng bằng cách chi tiêu vào quốc phòng, cảnh sát và toà án và cuối cùng là tác động ngoại lai (ngoại tác). Đó cũng là lý do ông ủng hộ Đạo luật Hải quân và chi tiêu vào quốc phòng…

Theo Smith lợi ích của cá nhân và quốc gia cùng tồn tại trong một chỉnh thể hài hoà sẽ dẫn đến phát triển kinh tế và thịnh vượng lâu dài. Vì vậy để chi tiêu công cộng thì cần thu thuế theo nguyên tắc:
  • Tỉ lệ: mọi người trả thuế với tỉ lệ như nhau từ thu nhập của họ. Khác với hiện nay thuế là dạng lũy tiến nhưng thời của ông thì người giàu chịu thuế ít hơn người nghèo, thuế lũy thoái.
  • Người nộp thuế phải biết rõ số thuế và hạn nộp. luật thuế cẩn phải ổn định và không nên thay đổi tùy tiện.
  • Đánh thuế vào thời điểm và theo phương pháp thuận tiện nhất cho người nộp. Ví dụ KHÔNG nên đánh thuế khi tài sản tăng giá trị mà NÊN đánh thuế khi tài sản được bán.
  • Thuế tốt nhất là thuế có chi phí thu ít nhất. Không nên xây dựng hệ thống thuế tận thu khiến quá nhiều người phải chịu thuế vì sẽ khiến người ta trốn thuế. Hình phạt cũng không nên quá khắc nghiệt khiến những người trốn thuế phải khuynh bại.

Cùng với Marx và Keynes, Smith được coi là một trong ba nhân vật quan trọng nhất trong Kinh tế học. Cho dù Smith có thực sự là cha đẻ của Kinh tế học hay không thì chắc chắn một điều ông là cha đẻ của lĩnh vực "tài chính công" khi miêu tả rõ vai trò của nhà nước trong việc thúc đẩy nền kinh tế, cũng như việc làm thế nào nhà nước có thể tăng thu ngân sách.


[1] Do phái Trọng thương đề cao vai trò của nhà nước trong việc can thiệp vào kinh tế như thu thuế để ngăn chặn nhập khẩu


--- CÒN TIẾP ---

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét