Như đã đưa tin, tháng 2/2016 trường ĐH Bách Khoa, ĐH Đà Nẵng và Trường Bách khoa Singapore (Singapore Polytechnic-SP) đã chính thức ký kết dự án hợp tác triển khai đào tạo theo mô hình CDIO (Conceive – Design – Inplement – Operate). Mô hình Ý tưởng – Thiết kế - Thực hiện – Vận hành (CDIO) là mô hình phát triển chương trình đào tạo giúp tăng cường kỹ năng thực hành, thực tế cho sinh viên nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động. Việc áp dụng CDIO nhằm chuẩn hóa công tác xây dựng, phát triển và đánh giá chương trình đào tạo, tạo môi trường giáo dục hiện đại, làm cơ sở hỗ trợ cho đánh giá và kiểm định chất lượng chương trình đào tạo theo các chuẩn của khu vực và quốc tế. Dự án này còn có sự tham gia của các Trường thành viên của ĐH Đà Nẵng, trong đó có Trường ĐH Kinh tế. Chương trình Marketing được Nhà trường lựa chọn để triển khai theo mô hình này.
Chính vì vậy chiều ngày 6/5 vừa qua, nhóm đọc của khoa Marketing đã tổ chức buổi sinh hoạt với chủ đề "Ứng dụng phương pháp CDIO trong đào tạo ĐH chuyên ngành Marketing" do TS. Ngô Thị Khuê Thư (Trưởng bộ môn Marketing) và Ths. Trần Nguyễn Phương Minh trình bày để giúp giảng viên khoa Marketing nói riêng và giảng viên trong trường Đại học Kinh tế nói chung hiểu rõ hơn về mô hình CDIO và cách ứng dụng mô hình này trong giảng dạy.
Các thầy cô tham dự buổi sinh hoạt |
Buổi sinh hoạt diễn ra sôi nổi với phần trình bày TS. Khuê Thư về tổng quan của CDIO với nhấn mạnh phương pháp “Learning by doing” (Học thông qua thực hành), đây là một mô hình cải cách giáo dục xuất phát từ nhu cầu xã hội, giúp cho người học có thể học thông qua thực hành nhờ đó mà kĩ năng được phát triển một cách bài bản và theo quy trình. TS. Khuê Thư còn đưa ra sự so sánh giữa phương pháp thiết kế chương trình đào tạo hiện tại và chương trình đào tạo theo mô hình CDIO. Điểm khác biệt lớn nhất mang lại là đầu ra của mỗi chương trình. Đối với chương trình đào tạo hiện tại chuẩn đầu ra nặng về “cái chúng ta nghĩ sinh viên có khả năng làm” và kiến thức nền tảng trong khi đó theo mô hình CDIO sẽ liên tục tích hợp nhu cầu của các bên hữu quan (Doanh nghiệp - nhà trường, cựu sinh viên – nhà trường….) từ đó sẽ đưa ra chuẩn đầu ra theo nhu cầu của xã hội hiện tại (kĩ năng chiếm một phần không hề nhỏ).
TS. Ngô Thị Khuê Thư |
TS. Khuê Thư còn nêu ra các tiêu chuẩn và các bước thiết kế chương trình theo mô hình CDIO, cô nhấn mạnh để thực hiện tốt mô hình này cần có sự nhất quán từ nhà trường đến các khoa và các phòng ban, cả nhà trường phải tạo nên một tập thể thống nhất để chương trình đào tạo có thể đạt được hiệu quả cao nhất. Đồng thời, các giảng viên khoa Marketing cần phải có sự kiên trì và quyết tâm vì khoa Marketing là khoa đầu tiên ứng dụng mô hình này vào việc giảng dạy nên khó khăn gặp phải là không hề nhỏ.
Ths.Trần Nguyễn Phương Minh |
Cuối cùng là phần trình bày của Ths. Trần Nguyễn Phương Minh về các phương pháp dạy và học chủ động bao gồm mô tả và cách thức thực hiện giúp cho sinh viên chủ động học tập và tiếp thu kiến thức, giảng viên chỉ là người hướng dẫn và các phương pháp này cũng hướng đến phát triển đồng thời cả kiến thức và kĩ năng cho sinh viên.
Phần tranh luận ở cuối buổi sinh hoạt cũng diễn ra hết sức sôi nổi. Ths. Phạm Quang Tín (Trưởng bộ môn Thống kế - khoa Thống kê – Tin học) đã trình bày quan điểm của mình rằng “Kĩ năng sẽ theo suốt đời còn kiến thức rồi sẽ lạc hậu” và cần phải chịu “đánh đổi” khi áp dụng mô hình CDIO vào giảng dạy. Còn GS.TS Phạm Thị Lan Hương (Trưởng khoa Marketing) nói “Đo lường kĩ năng như thế nào? Đây mới là vấn đề chúng ta cần phải xem xét kĩ lưỡng”.
Buổi sinh hoạt giúp cho các giảng viên hiểu rõ hơn về cách ứng dụng mô hình CDIO vào trong giảng dạy, đồng thời mở ra những vấn đề mới cần phải thảo luận và giải quyết trước khi áp dụng mô hình này vào thực tiễn!
Đưa tin: Thương Hoài
Ảnh: Ni Phan
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét