Bên cạnh việc học tập, các bạn sinh viên ngày nay luôn cố gắng tham gia hoạt động ngoại khóa hay đi làm thêm để mở rộng mối quan hệ, học hỏi được nhiều kinh nghiệm và rèn luyện bản thân. Tuy nhiên, việc cân bằng giữa học và làm sao cho hiệu quả không hề đơn giản. Dễ thấy nhất là nhiều bạn chỉ lao đầu vào học từ đầu kỳ đến cuối kỳ, không tham gia bất kỳ hoạt động ngoại khóa nào trừ khi bị ép buộc. Số khác lại bỏ bê việc học, chấp nhận kết quả học tập tệ cũng được, nên tham gia càng nhiều càng tốt. Kết quả là đến cuối kỳ thì “vắt chân lên cổ”mà “cày” cho qua môn.Cũng có vài bạn vừa học, vừa làm thêm, vừa tham gia hoạt động ngoại khóa, bận đến “tối đầu tối mũi” nhưng kết quả vẫn cao.Vậy bí quyết ở đây là gì?
- Việc học luôn ưu tiên hàng đầu
Thoạt nghe có vẻ vô lý nhưng đúng là như vậy.
Chúng ta vẫn là sinh viên, kiến thức chuyên môn đóng vai trò khá quan trọng, là nền tảng để phát triển. Dù bạn có tham gia hoạt động ngoại khóa nhiều hay tốt đến mấy nhưng kết quả học tập lẹt đẹt thì hoặc là bạn phải bỏ thời gian để bù lại những lỗ hổng kiến thức để thi cho qua môn, hoặc là bạn phải học lại.
Trừ những lí do chính đáng, những buổi học ở lớp bạn nên đi học đầy đủ. Nghe giảng viên giảng bài và ghi chú những nội dung quan trọng sẽ giúp bạn tiết kiệm được thời gian phải mò lần trong quyển sách giáo trình dày cộp nhưng không rõ trọng tâm hay cốt lõi vấn đề. Sau khi hiểu bài ở lớp, việc ôn lại bài ở nhà sẽ rất nhanh, nhờ vậy mà nhớ bài được lâu hơn.
Vì lượng kiến thức của một học phần trong kỳ có rất nhiều nội dung cần ghi nhớ, chưa kểcòn xâu chuỗi với nhau nên nếu bạn ôn bài thường xuyên thì thi giữa kỳ hay cuối kỳ sẽ đỡ vất vả hơn nhiều!
- Chọn hoạt động ngoại khóa một cách “khôn khéo”
Làm những gì bạn THỰC SỰ YÊU THÍCH.Đừng tham gia một hoạt động nào đó chỉ để làm đẹp cho hồ sơ của bạn.Không có niểm đam mê thực thụ và sự trung thực, bạn sẽ chẳng đi đến đâu hết.
Bạn cũng đừng nên ôm đồm quá nhiều hoạt động ngoại khóa cùng một lúc.Thời gian đầu có lẽ bạn sẽ cảm thấy rất vui nhưng sẽ loãng dần vì khó lựa chọn được những hoạt động mà mình thích nhất và cũng khó sắp xếp thời gian để hoàn thành công việc học tập cũng như các hoạt động khác.Vì thế tuy tham gia thật nhiều nhưng hãy vì “chất”, đừng theo “lượng” bạn nhé!
- Lập kế hoạch và kiểm tra thường xuyên
Từng ngày hoặc từng tuần, bạn nên viết ra giấy TO DO LIST của ngày hôm sau hoặc trong tuần. Làm xong việc nào thì bạn dùng bút đỏ gạch đi. Đây là cách đơn giản để bạn hình dung được khối lượng công việc của mình mà sắp xếp thứ tự hoàn thành hay thời gian bắt buộc hoàn tất. Bạn cũng nên thường xuyên theo dõi bản danh sách này để nhắc nhớ “còn việc để làm” và tạo động lực cho bản thân.
Nếu bạn không thìch dùng sổ bút thì có thể sử dụng một số các phần mềm tiện ích để lên kế hoạch trên smartphone như Evernote, Todoist, Google Calendar…
Mình tin là cảm giác khi hoàn tất hết những việc cần làm vào cuối ngày sẽ rất tuyệt vời.
- Phân chia công việc dựa trên mức độ ưu tiên
Rất nhiều bạn luôn than thở rằng không hiểu sao lúc nào bản thân cũng không đủ thời gian. Vấn đề không phải là bạn có đủ hay không đủ thời gian, mà bạn sắp xếp thời gian như thế nào để tất cả công việc đều hoàn tất.Nếu có thể bạn nên chia công việc ra thành từng loại để tiện theo dõi và làm. Có rất nhiều cách phân chia như:
+ Tạo nhiều giá trị tăng thêm– Taọ ít hoặc vừa vừa giá trị tăng thêm– Không tạo giá trị tăng thêm trong tương lai;
+ Quan trọng và cấp bách – Quan trọng nhưng không cấp bách – Không quan trọng nhưng cấp bách – Không quan trọng không cấp bách;
+ Phải làm – Cần làm – Nên làm – Thích làm.
Bạn có thể lựa chọn bất kỳ cách phân chia nào sao cho phù hợp với bản thân. Điểm chung của nó là mức độ cần thiết và cấp thiết bạn phải làm giảm dần. Sau khi đã có được mức độ ưu tiên công việc cần làm, bạn biết được công việc nào mình bắt buộc phải hoàn thành trước hay hoàn thành từ từ cũng được.Vì vậy sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian để làm những việc quan trọng trước thay vì làm những việc vô bổ.
- Làm việc một cách tập trung, kỷ luật
Dù bạn học tập hay tham gia hoạt động ngoại khóa thì đều phải làm việc tập trung và kỷ luật. Đúng giờ là làm, đúng giờ là nghỉ.Khi ngồi vào học thì tập trung học, không nên học một lúc rồi lại nghịch điện thoại hay lướt Facebook.Vừa mất thời gian mà lại làm loãng thông tin.Chưa kể khi bạn quay lại làm việc tiếp thì các thông tin khác bắt đầu nhảy lung tung trong đầu bạn và tất nhiên là bạn lại phải mất khá khá năng lượng để dẹp hết cái mớ hỗn loạn ấy (dù bạn không thấy được).
Những tips trên được xây dựng dựa trên tip này. Nếu bạn có cố gắng cân bằng công việc nhưng làm việc không có kỷ luật và tập trung thì bạn chỉ đi được một quãng, không thể đi xa hơn được.
Lời kết: Hi vọng những lời khuyên trên sẽ giúp ích cho bạn phần nào trong việc cân bằng giữa công việc học tập và tham gia hoạt động ngoại khóa. Trong quá trình thử nghiệm bạn nên điều chỉnh lại sao cho phù hợp với bản thân nhất.
Chúc các bạn đạt được kết quả cao trong học tập và hoạt động ngoại khóa!
Nguyễn Ngọc Quỳnh Anh - 41K12.3
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét