domain, domain name, premium domain name for sales

Thứ Năm, 7 tháng 7, 2011

Báo cáo ngân lưu (Báo cáo lưu chuyển tiền tệ) - Cash Flow Statement

11.    Báo cáo ngân lưu (Báo cáo lưu chuyển tiền tệ) - Cash Flow Statement

Định nghĩa:
  • Cho biết và giải thích nguồn gốc và cách thức sử dụng dòng tiền vào (inflow) và ra (outflow) của tài khoản Tiền của doanh nghiệp. Tài khoản tiền bao gồm tiền mặt, tiền gửi ngân hàng, tiền đang chuyển và các loại tài sản tài chính ngắn hạn khác tương đương tiền (Cash Equivalent).
  • Đẳng thức cơ bản được sử dụng:
Ta có:
                                                                           Tài sản      = Nợ + VCSH
                                     Tài sản ngắn hạn[1] + Tài sản dài hạn[2] = Nợ[3] + VCSH
         Tiền mặt + Khoản phải thu + Hàng tồn kho + Tài sản dài hạn = Nợ + VCSH

Tiền mặt = Nợ + VCSH – Khoản phải thu – Hàng tồn kho – Tài sản dài hạn

Đặc trưng:
  • Là báo cáo kế toán theo tiền mặt
  • Thay đổi cùng chiều với tài khoản Nguồn vốn và ngược chiều với tài khoản Tài sản.
  • Cho biết và giải thích nguồn gốc và cách thức sử dụng tiền của doanh nghiệp ở 3 lĩnh vực chính là:
    • Hoạt động sản xuất kinh doanh (Operating Activities Section): bao gồm các hoạt động liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh chính của công ty như bán hàng, mua hàng, sản xuất hàng hoá, dịch vụ, thu nợ từ khách hàng, thanh toán tiền cho nhà cung cấp hay trả lương cho nhân viên, trả tiền thuê nhà, nộp thuế, trả lãi vay.
    • Hoạt động đầu tư (Investing Activities Section): liên quan đến mua sắm hay bán tài sản cố định để tiến hành sản xuất kinh doanh hay đầu tư dài hạn.
    • Hoạt động tài chính[4] ((Financing Activities Section): liên quan đến huy động vốn (vay nợ) từ các đối tác bên ngoài như nhà đầu tư (cổ đông) hay những người cho vay như ngân hàng… để có thể tiến hành hoạt động kinh doanh kiếm lời.

Vai trò:
  • Giải thích nguyên nhân thay đổi của tài khoản tiền mặt. Giúp người đọc nhận định được tình hình tồn quỹ tiền mặt của doanh nghiệp, tránh được tình trạng có lãi mà không có tiền do doanh nghiệp bán chịu mà không thu hồi được tiền. Nếu công ty bị thiếu tiền mặt trầm trọng thì khả năng phá sản sẽ cao hơn.
  • Xác định khả năng tạo ra tiền của doanh nghiệp và từ đó là khả năng trả lãi, cổ tức khi đến hạn

Nguyên tắc lập và trình bày Báo cáo ngân lưu: Gồm các chỉ tiêu:
  • Tất cả những nghiệp vụ kinh tế hay giao dịch phát sinh có liên quan đến sự tăng giảm tiền đều phải được thể hiện trên Báo cáo ngân lưu.
  • Những giao dịch phát sinh trong cả 3 lĩnh vực kinh doanh, đầu tư và tài chính nếu không có ảnh hưởng đến tiền sẽ không được trình bày trong Báo cáo ngân lưu.
  • Các tài sản đầu tư ngắn hạn có thể thu hồi không quá 3 tháng và không có rủi ro như kỳ phiếu, tín phiếu,… đều được xem tương đương như tiền
  • Sự tăng giảm do biến động của tỷ giá phải được đưa vào Báo cáo ngân lưu, dựa vào tài khoản Lãi/Lỗ của hoạt động tài chính.


Phương pháp lập:

PHƯƠNG PHÁP TRỰC TIẾP

Chỉ tiêu

I. Hoạt động kinh doanh
  • Khoản thu[5]
    • Doanh thu bán hàng
    • Doanh thu khác
  • Khoản chi
    • Tiền trả cho nhà cung cấp
    • Tiền trả cho nhân viên (lương)
    • Tiền trả lãi vay
    • Tiền nộp thuế (cho nhà nước)


II. Hoạt động đầu tư
  • Khoản thu
    • Tiền thu được từ thanh lý TSCĐ tài sản dài hạn khác
    • Tiền thu được từ thanh lý công cụ nợ của đơn vị khác
    • Tiền thu hồi đầu tư góp vốn vào đơn vị khác
    • Tiền thu lãi cho vay cổ tức và lợi nhuận được chia
  • Khoản chi
    • Tiền mua sắm TSCĐ và các tài sản dài hạn khác
    • Tiền chi cho mua công cụ nợ của đơn vị khác
    • Tiền chi đầu tư góp vốn vào đơn vị khác


III. Hoạt động tài chính
  • Khoản thu
    • Tiền thu từ phát hành cổ phiếu
    • Tiền vay nợ
  • Khoản chi
    • Tiền trả cho các chủ sở hữu
    • Tiền trả nợ vay
    • Tiền trả cổ tức



Mẹo làm:
  • Xem tất cả những khoản tiền thu vào, chi ra của những tài khoản tiền mặt hoặc được xem tương đương tiền mặt như TK tiền mặt (111), TGNH (112), tiền đang chuyển (113), đầu tư chứng khoán ngắn hạn (121), đầu tư ngắn hạn khác (128).[6]
  • Tìm những tài khoản đối ứng của những giá trị tiền thu chi đó. Ví dụ thường tiền vào có xuất phát từ doanh thu.
  • Sau đó phân loại các hoạt động của những dòng tiền thu, chi. Cách phân loại xem ở phần Đặc trưng.
  • Lấy thu trừ chi sẽ ra phần ngân lưu ròng của từng hoạt động.
  • Dòng ngân lưu ròng của doanh nghiệp chính là tổng 3 dòng ngân lưu ròng của 3 hoạt động từ kinh doanh, đầu tư và tài chính.


PHƯƠNG PHÁP GIÁN TIẾP

Chỉ tiêu

I. Hoạt động kinh doanh
  • Khoản thu
    • Lợi nhuận trước thuế
    • Khấu hao TSCĐ
  • Khoản chi
    • Khoản phải thu
    • Hàng tồn kho
    • Khoản phải trả
    • Tiền trả cho nhân viên (lương)


II. Hoạt động đầu tư  - giống phương pháp trực tiếp


III. Hoạt động tài chính - giống phương pháp trực tiếp



Mẹo làm:
  • Lấy phần lợi nhuận sau thuế (bao gồm cả phần chi trả cổ tức và lợi nhuận giữ lại) của doanh nghiệp.
  • Cộng với các khoản điều chỉnh như sau:
    • Điều chỉnh tăng: những khoản tăng của Nguồn vốn và những Tài sản đặc biệt cùng với giảm của Tài sản
    • Điều chỉnh giảm: những khoản tăng của Tài sản và giảm của Nguồn vốn cùng với những Tải sản đặc biệt
  • Sau đó phân loại các hoạt động của những dòng tiền thu, chi. Cách phân loại xem ở phần Đặc trưng.
  • Lấy thu trừ chi sẽ ra phần ngân lưu ròng của từng hoạt động.
  • Dòng ngân lưu ròng của doanh nghiệp chính là tổng 3 dòng ngân lưu ròng của 3 hoạt động từ kinh doanh, đầu tư và tài chính.

Phương pháp trực tiếp đơn giản và dễ hiểu nhưng khối lượng tính toán nhiều nên dễ gây thiếu sót hay trùng lắp.

Phương pháp gián tiếp thực sự cần thiết cho nhà quản trị do nó giải thích được mối liên hệ giữa LNST với sự thay đổi của dòng tiền, cụ thể hơn là cho thấy được tài sản nào tăng giảm ra sao khiến cho dòng tiền bị tác động.


Cơ sở lập Báo cáo ngân lưu:
  • Báo cáo ngân lưu kỳ trước (số đầu kỳ)
  • Bảng Cân đối kế toán kỳ này (số cuối kỳ)
  • Báo cáo thu nhập kỳ hiện tại (số cuối kỳ)
  • Bản thuyết minh báo cáo tài chính



[1] Còn gọi là Tài sản lưu động & Tài sản ngắn hạn
[2] Còn gọi là Tài sản cố định & Tài sản dài hạn
[3] Nợ phải trả cũng bao gồm Nợ vay ngắn hạn và Nợ vay dài hạn nhưng ở đây không nhấn mạnh nên không cần chú ý đến chi tiết
[4] Hoạt động tài chính và hoạt động đầu tư có quan hệ mật thiết với nhau, ví dụ Hoạt động tài chính của doanh nghiệp nhưng lại là hoạt động đầu tư của nhà đầu tư (cổ đông).
[5] Ở đây nhằm mục đích giải thích nên ghi rõ các Khoản thu và chi để khi tìm Dòng tiền thuần cho từng hoạt động thì chỉ việc lấy thu trừ cho chi. Trong thực tế bảng sẽ gồm nhiều cột hơn, ví dụ như có cả số đầu kỳ, cuối kỳ, mã số từng chỉ tiêu… Xem thêm các biểu mẫu của Bộ Tài chính.
[6] Ứng dụng từ Báo cáo nguồn tiền và sử dụng tiền, tiền thân của Báo cáo ngân lưu. Bảng này liệt kê tất cả các khoản tiền thu vào và chi ra trong kỳ kinh doanh nhưng có nhược điểm là không phân biệt các nguồn chi thu tiền từ những hoạt động kinh doanh, đầu tư hay tài chính.


--- CÒN TIẾP ---

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét