7. Tính giá các đối tượng kế toán chủ yếu – Valuation Methods
a) Xuất nhập tồn kho
- Phương pháp Nhập trước – Xuất trước - First-in First-out (FIFO): những nguyên vật liệu, hàng hoá nhập trước được ưu tiên xuất trước.
- Phương pháp Nhập sau – Xuất trước - Last-in First-out (LIFO): những nguyên vật liệu, hàng hoá nhập sau, gần nhất với hiện tại sẽ được ưu tiên xuất trước. Phương pháp này có ưu điểm là giá vốn tính sẽ gần với giá thị trường, phản ánh đúng với giá trị thị trường luôn có khuynh hướng tăng do lạm phát. Đặc biệt, nếu giá thị trường tăng mạnh thì doanh nghiệp sử dụng cách này có thể giúp tránh được thuế do chi phí giá vốn tăng lên, giúp giảm lợi nhuận.
- Phương pháp Bình quân gia quyền - Average Method: tính tổng giá trị tồn kho hiện tại và chia cho số lượng tồn kho hiện có sẽ có giá bình quân. Ưu điểm, dù có biến động giá thị trường cũng sẽ không có thay đổi nhiều giữa các giá ở quá khứ, hiện tại và cả tương lai.
- Phương pháp Thực tế đích danh - Specific Identification Method: giá vốn được tính bằng đúng giá nhập của nguyên vật liệu, hàng hoá được xuất. Phương pháp này đòi hỏi phải theo dõi kỹ vật tư hàng hoá trong kho để biết chính xác giá.
Ví dụ: Doanh nghiệp có số dư đầu kỳ hàng tồn kho nguyên vật liệu vào ngày 1/1/2011 là 1000 đồng, số lượng 50kg. Ngày 1/1/2011 doanh nghiệp nhập thêm 20kg nguyên vật liệu, đơn giá là 25đ/kg. Ngày 5/1/2011, DN nhập thêm 70kg với giá là 30đ/kg. Ngày 10/1/2011, DN xuất 40kg cho sản xuất. Ngày 12/1/2011, DN xuất tiếp 60kg nữa cho sản xuất. Tính giá trị hàng tồn kho nguyên vật liệu (152) của doanh nghiệp tại thời điểm hiện tại là ngày 15/1/2011 theo cả 4 phương pháp đã nói trên, dùng sơ đồ chữ T. (XEM CÁCH GIẢI Ở TỪNG PHƯƠNG PHÁP – giá được tính tròn số)
b) Khấu hao (Depreciation Methods)
Khấu hao dành cho Tài sản cố định[1]. Khấu hao là hình thức phân bổ chi phí đã trả trước cho một tài sản cố định hữu hình có giá trị lớn, có liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp vào những kỳ tiếp theo, để tránh chi phí của một kỳ quá lớn, những kỳ khác lại không được có. Khấu hao giúp biết được giá trị ròng (Amortized Cost) của TSCĐ và độ mới, hiện đại của TSCĐ.
- Dựa trên thời gian - Depreciation methods based on time
- Khấu hao theo đường thẳng - Straight Line Method: lấy hiệu số của nguyên giá của TSCĐ và giá thanh lý tài sản[2] (Residual Value) chia cho số năm sử dụng dự tính sẽ ra giá trị khấu hao trung bình của từng năm. Phương pháp này được sử dụng phổ biến bởi đơn giản và cũng không có sự biến động chi phí quá mạnh do lấy giá trung bình.
Ví dụ: DN mua một máy sản xuất, trị giá 145 triệu, dự tính máy sử dụng trong 10 năm. Giá thanh lý sau 10 năm là 25 triệu.
à Giá trị khấu hao hàng năm = (145 – 25) / 10 = 12 triệu đồng / năm, tức 1 triệu đồng / tháng.
- Khấu hao nhanh (Khấu hao giảm dần) - Declining Balance Method: phương pháp này trích khấu hao nhanh hơn phương pháp đường thẳng. Mức khấu hao giảm dần theo thời gian. Phương pháp này thường được sử dụng ở những doanh nghiệp mà máy móc sử dụng có vòng đời sản phẩm ngắn, sự lạc hậu của tài sản nhanh, như máy vi tính, ngành khoa học công nghệ khác… Phương pháp này có nhiều phương thức tính nhưng phổ biến là tính kép (Double Declining Depreciation Method) hoặc tính theo tổng số năm sử dụng (Sum of the year digit Depreciation Method).
* Phương pháp Khấu hao giảm dần Kép (Double Declining Depreciation Method): trước tiên tính tỷ lệ khấu hao kép bằng cách lấy thương số (phép chia) 100% (giá trị của tài sản) với số năm sử dụng rồi nhân với 2. Sau đó lấy tỉ lệ khấu hao kép đó nhân với hiệu số của Nguyên giá TSCĐ và Giá thanh lý dự tính.
Ví dụ: DN mua một máy sản xuất, trị giá 145 triệu, dự tính máy sử dụng trong 10 năm. Giá thanh lý sau 5 năm là 25 triệu.
à Phần trăm nếu khấu hao đường thẳng = 100% / 5 = 20%
à Phần trăm nếu khấu hao Kép = 20% * 2 = 40%
à Mức khấu hao của máy được tính như sau:
Năm | Khấu hao | Lũy kế | Giá trị còn lại[3] |
0 | 0 | 120,000,000 | |
1 | 48,000,000 | 48,000,000 | 72,000,000 |
2 | 28,800,000 | 76,800,000 | 43,200,000 |
3 | 14,400,000 | 91,200,000 | 28,800,000 |
4 | 14,400,000 | 105,600,000 | 14,400,000 |
5 | 14,400,000 | 120,000,000 | 0 |
(Do từ năm thứ 3 trở đi, mức khấu hao ít hơn mức trung bình nên lấy giá trị còn lại của tài sản chia cho số năm còn phải khấu hao là 3 năm, năm 3, 4 và 5)
* Phương pháp Khấu hao theo tổng kỳ số năm sử dụng (Sum of the year digit Depreciation Method): trước tiên tính hệ số khấu hao bằng cách lấy hiệu số của Nguyên giá TSCĐ và Giá thanh lý chia cho tổng dãy số năm sử dụng của TSCĐ. Sau đó lấy hệ số nhân với Số thứ tự năm của Tài sản đếm từ dưới lên, nghĩa là số giảm dần.
Ví dụ: DN mua một máy sản xuất, trị giá 145 triệu, dự tính máy sử dụng trong 10 năm. Giá thanh lý sau 5 năm là 25 triệu.
à Tổng dãy số năm sử dụng của TSCĐ = 1 + 2 + 3 + 4 + 5 = 15
à Hệ số khấu hao = (145.000.000 – 25.000.000) / 15 = 8.000.000
à Mức khấu hao của máy được tính như sau:
Năm | Khấu hao | Lũy kế | Giá trị còn lại[4] |
0 | 0 | 120,000,000 | |
1 | 40,000,000 | 40,000,000 | 80,000,000 |
2 | 32,000,000 | 72,000,000 | 48,000,000 |
3 | 24,000,000 | 96,000,000 | 24,000,000 |
4 | 16,000,000 | 112,000,000 | 8,000,000 |
5 | 8,000,000 | 120,000,000 | 0 |
- Dựa theo đơn vị sử dụng (Khấu hao đơn vị) - Depreciation based on use (activity): là phương pháp khấu hao dựa trên số đơn vị hàng hoá, dịch vụ sản xuất được. Phương pháp tính cũng lấy hiệu số của Nguyên giá và Giá thanh lý chia cho Số sản phẩm hàng hoá, dịch vụ hữu dụng máy đem lại dự tính.
Ví dụ: DN mua một xe tải phục vụ cho chở hàng trong sản xuất trị giá 540 triệu, dự tính xe chạy khoảng 100.000km thì thanh lý. Giá trị thanh lý dự tính là 40 triệu. Hãy tính khấu hao cho xe.
à Mức khấu hao = (540 – 40) / 100.000 = 5 ngàn đồng / km
à Nghĩa là trong tháng xe chạy bao nhiêu km thì cứ đo số km mà tính ra khấu hao.
Lưu ý:
- Giá mua là giá bao gồm cả giá của hàng hoá, chi phí vận chuyển - bốc dỡ , lắp đặt (Installation Cost), chạy thử, bảo quản, thuế xuất nhập khẩu… tất cả những chi phí phát sinh liên quan để mua cho đến khi đưa máy vào vận hành thực tế.
- Đối với tài sản tài chính để đầu tư (không phải là ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp) như chứng khoán, ngoại tệ, bất động sản thì cách tính cũng tương tự như xuất nhập tồn kho. Nếu lời thì định khoản ghi Có vào Doanh thu tài chính (635), lỗ thì ghi Nợ Chi phí tài chính (635).
- Đối với thuế GTGT thì doanh nghiệp nào theo phương pháp khấu trừ thì thuế GTGT đầu vào được định khoản vào tài khoản Thuế VAT được khấu trừ (133). Doanh nghiệp nào sử dụng phương pháp GTGT trực tiếp thì tính thuế GTGT trực tiếp vào giá của nguyên vật liệu, hàng hoá mà không cần dùng TK 133, mà phần thuế GTGT này sẽ được xem như là chi phí của doanh nghiệp.
- Các phương pháp khấu hao, tính giá Xuất nhập tồn kho theo phương pháp kiểm kê nào thì phải thống nhất trong năm kế toán đó.
- Khi thanh lý TSCĐ mà có lời thì ghi Có Lợi nhuận khác (711), nếu lỗ thì ghi Nợ tài khoản Chi phí khác (811).
[1] Hiện tại được quy định là những tài sản có giá trị từ 10 triệu trở lên và thời gian sử dụng từ 5 năm trở lên, có đem lại lợi ích cho hoạt động sản xuất kinh doanh của tổ chức.
[2] Có sách gọi là Giá trị tận dụng của tài sản
[3] Giá trị còn lại và Giá trị khấu hao lũy tiến của tài sản khi cộng lại luôn bằng với Nguyên giá gốc ban đầu của TSCĐ.
[4] Giá trị còn lại và Giá trị khấu hao lũy tiến của tài sản khi cộng lại luôn bằng với Nguyên giá gốc ban đầu của TSCĐ.
--- CÒN TIẾP ---
--- CÒN TIẾP ---
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét