domain, domain name, premium domain name for sales

Thứ Hai, 8 tháng 2, 2016

CÁC NƯỚC CHÂU Á ĐÓN TẾT NHƯ THẾ NÀO?

Đối với người châu Á, ngày Tết Nguyên Đán luôn được xem là khoảnh khắc thiêng liêng đánh dấu sự khởi đầu cho một mùa xuân tràn trề nhựa sống, vạn vật sinh sôi. Ngày Tết luôn có một ý nghĩa đặc biệt bởi đó chính là thời khắc nhắc nhớ đến tổ tiên đã khuất để bày tỏ lòng biết ơn, sự thành kính. Đó cũng là giây phút ấm áp, hạnh phúc của những người con xa xứ được trở về nhà ăn bữa cơm sum họp, đoàn tụ gia đình.
Cũng giống ở Việt Nam, Tết Âm lịch là ngày lễ lớn nhất trong năm của nhiều quốc gia châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Mông Cổ, Singapore... Bạn có tò mò về ngày Tết của các nước bạn? Cùng Khoa marketing khám phá nhé!

Trung Quốc

Tết Âm lịch là ngày lễ quan trọng nhất trong năm đối với người Trung Quốc, có tên gọi là Xuân Tiết. Tết của người Hoa được tính từ ngày 1/1 Âm lịch và kết thúc vào ngày tổ chức lễ hội đèn lồng rằm tháng giêng (15/1 Âm lịch). Đó là dịp để gia đình sum họp, quây quần sau một năm dài vất vả.




Ba ngày đầu tiên của năm mới là quan trọng nhất. Mùng một, bắt đầu ngay sau Giao thừa, là ngày đón các vị thần. Đây còn là ngày để con cháu trong nhà bày tỏ lòng biết ơn đối với ông bà, cha mẹ. Mùng hai còn gọi là ngày khởi đầu của năm mới. Vào ngày này, những người phụ nữ đã lấy chồng sẽ trở về nhà thăm bố mẹ đẻ, người thân và bạn bè. Mùng 3 là ngày hóa vàng, mọi người thường đi chùa để cầu những điều tốt đẹp sẽ đến với bản thân và gia đình. 
Cúng tổ tiên là việc quan trọng trong ngày Tết. Người Trung Quốc cúng tổ tiên thường dâng "tam sinh": thịt gà, thịt lợn và cá. Hai món đầu nhất thiết phải có và luộc chín, ngoài ra còn bánh tét, đậu hũ, hoa quả... Mỗi loại thực phẩm đều dán giấy đỏ. Sau khi thắp nến, đốt nhang, phải quỳ lạy, cầu khấn.



Người dân Trung Quốc có nhiều món ăn truyền thống ngày Tết, ví dụ như sủi cảo, hoành thánh, bánh trôi nước. Ăn bánh hoành thánh trong năm mới sẽ có ý nghĩa là "đầu tiên". Ăn mì sẽ có ý nghĩa là "trường thọ"... Các món bánh truyền thống đều mang những ý nghĩa khác nhau với hy vọng gia đình sẽ mừng đón được nhiều điềm lành trong năm tới.
Ở một số khu vực, dân địa phương còn có một phong tục ngộ nghĩnh khi gói sủi cảo. Họ lấy một vài đồng tiền xu rửa sạch rồi gói vào trong nhân bánh. Người nào ăn trúng những cái bánh có đồng tiền xu thì người đó sẽ gặp nhiều may mắn trong năm tới. Phong tục ăn trúng bánh có đồng tiền xu trên còn được gọi là "nhai tài lộc".

Hàn Quốc

Tết cổ truyền của Hàn Quốc được gọi là Seollal. Câu chúc Tết phổ biến của người Hàn Quốc là: “Say hay boke-mahn he pah du say oh”, có nghĩa “Mong nhiều phúc lành năm mới sẽ đến với bạn”.
Vào ngày 30 Tết, các gia đình đều đã dọn vệ sinh nhà cửa sạch sẽ. Buổi tối trước giao thừa, họ thường tắm bằng nước nóng để tẩy trần. Các thanh tre được đốt trong nhà lúc giao thừa để xua đuổi tà ma. Đêm giao thừa không ai ngủ vì theo truyền thuyết, nếu ngủ thì sáng hôm sau sẽ bị bạc trắng cả lông mi và đầu óc kém minh mẫn khi thức dậy. Trong những ngày này, nhà nào cũng treo Bok jo ri (xẻng bằng rơm dùng hốt thóc gạo rơi vãi) ngoài cửa với mong muốn nhận được phúc lộc quanh năm.



Vào ngày Tết, người Hàn Quốc thường mặc Hanbok truyền thống nhiều màu sắc và tiến hành nghi lễ cúng bái tổ tiên vào buổi sáng. Họ thường dùng món "tteokguk" (canh bánh gạo) trong buổi sáng này. Ăn xong "tteokguk" cũng tức là năm mới mới thật sự bắt đầu. Người Hàn Quốc quan niệm rằng ăn "tteokguk" vào buổi sáng đầu năm sẽ đem lại nhiều may mắn trong tương lai.


Sebae là nghi lễ tổ tiên không thể thiếu, là truyền thống chứng tỏ lòng kính trọng đối với cha mẹ và ông bà trong năm mới của Hàn Quốc. Con cái đến thăm cha mẹ và chúc họ một năm mới hạnh phúc bằng cách cúi chào thật cung kính, tiếp theo là câu chúc: "Seahae bok manhi badeseyo" có nghĩa là "Gặp nhiều may mắn trong năm mới".
Thịt, cá, trái cây, bánh cookie truyền thống Hangwa, tteokguk và một số loại rau dại là những thực phẩm được chuẩn bị để đi lễ ông bà, tổ tiên. Các món ăn có hình dáng và màu sắc rất đẹp và tươi mới.

Hồng Kông

Người Hồng Kông cũng đón Tết âm lịch cổ truyền giống như Việt Nam. Tết Âm lịch ở Hồng Kông được tổ chức với rất nhiều các hoạt động:
Hội chợ hoa đón mừng năm mới: Hội chợ hoa kéo dài từ 25 đến 30 Tết âm lịch. Hội chợ này cũng sẽ không thể thiếu những loại cây quen thuộc của mùa xuân như ở các chợ hoa Việt Nam. Bởi đối với người châu Á, hoa chính là biểu tượng cho những gì tốt đẹp và may mắn nhất trong năm mới. Quất, thủy tiên và mẫu đơn tượng trưng cho sự thịnh vượng và may mắn, cây đào tượng trưng cho vẻ đẹp lãng mạn mang tính truyền thống, cây quýt giúp mang lại cho người mua những mối quan hệ bền vững và cuộc sống hôn nhân hạnh phúc, con cháu đề huề.


Lễ hội pháo hoa: Sẽ có một lễ hội bắn pháo hoa rực rỡ diễn ra tại cảng Victoria giữa khu Wan Chai và khu Tsim Sha Tsui trong những ngày đầu tiên của năm mới. Đây được xem như bản hòa tấu của các loại ánh sáng từ vô số những tòa nhà chọc trời rực rỡ trong đêm cùng những con thuyền đẹp như cổ tích trong không gian rất nên thơ của cảng Victoria.
Lễ hội đua ngựa đầu xuân: Theo quan niệm của người Hồng Kông, việc đến xem đua ngựa và đặt cược cho những con ngựa mà mình yêu thích được coi là sẽ đem lại may mắn trong dịp năm mới.

Triều Tiên

Dịp năm mới ở Triều Tiên được gọi là Seol chỉ kéo dài trong khoảng 2 đến 3 ngày vì tư tưởng của người dân ở đây cho rằng kì nghỉ càng kéo dài thì con người sẽ càng lười biếng và hiệu quả công việc sẽ giảm sút. Vậy nên ở Bắc Triều Tiên không có kì nghỉ lễ nào dài quá 3 ngày.

Trong dịp này, người ta thường đến nhà họ hàng, bạn bè để chúc mừng năm mới.
Điều đặc biệt là khi đi chúc tết, người ta thường mang theo một chai rượu nửa lít, đi đến từng nhà và ở mỗi nhà, họ uống một chén. Hành động này mang ý nghĩa chúc chủ nhà một năm mới mạnh khỏe và hạnh phúc. Người dân Triều Tiên thích ăn bánh songpyeon một loại bánh gạo nặn theo hình trăng lưỡi liềm trong ngày đầu năm để thể hiện quan niệm sống "Trăng khuyết rồi trăng lại tròn" như cuộc đời vẫn đổi thay, xoay vần của họ.



Sáng sớm ngày Mùng 1, già trẻ gái trai trong trang phục mới, trước là hành "trà lễ" khấn vái tổ tiên, sau đó các bề dưới chúc Tết bề trên. Bề trên đáp lễ bằng việc mời cơm Tết. Còn bạn bè thân thiết thì cùng chúc tụng nhau.


Hàng năm, trong dịp Seol người dân sẽ đến thăm viếng tượng đài Kim Nhật Thành và đặt hoa dưới chân bức tượng và dần tạo thành một cảnh tượng đẹp.. Nhưng điều đáng chú ý là bạn sẽ không thấy những nam nữ đi cùng nhau. Luật lệ và định kiến ở Bắc Triều Tiên khiến nam nữ không dám đi chung hay hẹn hò nơi công cộng, những người yêu nhau hay những cặp vợ chồng còn không dám nắm tay nhau khi ở nơi đông người.


Mông Cổ

Một trong hai dịp lễ lớn nhất ở Mông Cổ chính là Tết Âm lịch, còn gọi là Tsagaan Sar hay Tết Tháng Trắng, và Tết Naadam. Đây không chỉ là một ngày lễ báo hiệu kết thúc mùa đông dài và lạnh lẽo, đón chào một mùa xuân mới mà nó còn là thời điểm để gia đình sum vầy và thắt chặt mối quan hệ.  

Theo Portugal Mongolia, để chuẩn bị cho ngày Tết quan trọng này, người Mông Cổ sẽ dọn dẹp nhà cửa, chuồng trại để đón năm mới "sạch sẽ". Thậm chí, trước đêm Giao thừa, họ còn rửa bát với sữa ngựa.


Trong 3 ngày Tết, người Mông Cổ sẽ chỉ mặc trang phục dân tộc. Mọi người thường tụ họp tại nhà của người già nhất trong vùng. Sau đó, họ cùng nhau trò truyện, vui đùa, trao đổi các món ăn và thưởng thức chúng.
Người lớn tuổi sẽ nhận những lời chúc từ thành viên trong gia đình, trừ vợ hoặc chồng của họ.
Món ăn truyền thống trong Tết Tsagaan Sar là các sản phẩm làm từ sữa, bánh buuz, thịt cừu, thịt bò, sữa dê, cơm ăn cùng với sữa đông hoặc cơm ăn cùng nho khô. Dù người Mông Cổ phủ nhận Tết của họ không có mối liên hệ nào với Tết ở Trung Quốc, song từ thực tế có thể thấy ngày lễ cổ truyền trên cao nguyên này gần như trùng khớp cả về thời gian lẫn hầu hết yếu tố văn hóa, tín ngưỡng với Tết của người Trung Hoa.

Singapore

Diễn ra cùng thời điểm với Tết Nguyên đán của người Việt Nam, Tết Âm lịch ở Singapore cũng như hàng năm đều tổ chức Lễ hội Mùa xuân với nhiều hoạt động văn hoá khác nhau. Song để chào đón năm mới thường có 3 sự kiện nổi bật được nhiều người quan tâm nhất: Lễ hội Hoa đăng mừng năm mới, Lễ hội Singapore River Hongbao và Lễ diễu hành Chingay cùng nhiều hoạt động đặc sắc khác kéo dài suốt hơn một tháng, từ khoảng tuần cuối tháng Chạp của năm cũ cho đến ngày Rằm tháng Giêng.



Theo Straits Times, khoảng 80% dân số của Singapore là người Hoa nên nước này rất coi trọng Tết Âm lịch. Việc chuẩn bị cho ngày lễ trọng đại này bắt đầu trước đó một vài tuần. Các gia đình sẽ mua sắm quần áo mới và dọn dẹp nhà cửa. 
Phần quan trọng nhất của năm mới chính là bữa cơm tất niên của cả gia đình vào đêm Giao thừa. Dù bữa cơm đó là ở nhà hay ở nhà hàng thì cá vẫn là món ăn không thể thiếu. Họ cho rằng, ăn cá vào đầu năm sẽ mang lại may mắn.



Trong dịp Tết, những người đã lập gia đình sẽ mừng tuổi ông bà, bố mẹ và những đứa trẻ trong gia đình. Tiền mừng tuổi tại Singapore được gọi là "ang pow". Ngoài những bao lì xì, họ còn trao nhau những quả quýt chín mọng, tượng trưng cho sự may mắn. Tất cả những món quà đó đều phải có đôi, có cặp, bởi người Singapore tin rằng số lẻ sẽ đem về sự xui xẻo.
Cũng như Trung Quốc, Tết Âm lịch tại quốc đảo này diễn ra trong 15 ngày. Nhưng hai ngày đầu tiên là quan trọng nhất. Vào ngày này, các gia đình sẽ tới thăm người thân và bạn bè hoặc tham gia những hoạt động thú vị. 








Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét