Những năm gần đây, Việt Nam liên tiếp kí các hiệp định thương mại tự do ( hay còn gọi là FTA) kéo theo đó là nhiều hàng rào thuế quan được dỡ bỏ. Là một trong những ngành được dự đoán là hưởng lợi nhiều từ FTA, thị trường bán lẻ Việt Nam, ví như mảnh đất màu mỡ thu hút sự quan tâm không chỉ doanh nghiệp nội mà lẫn doanh nghiệp ngoại.
Thị trường bán lẻ liệu có bị thâu tóm bởi đại gia ngoại quốc? Và các doanh nghiệp Việt Nam phải làm gì để có thể tận dụng được lợi thế là nước chủ nhà?
Giai đoạn 2010-2015, mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tại Việt Nam tăng bình quân 15 – 16%, tình hình tương đối khả quan trong khi sức mua vẫn còn yếu. Trong thời điểm ấy, thị phần bán lẻ của siêu thị và trung tâm thương mại so với tổng doanh số bán lẻ tăng đáng kể, đạt khoảng 20%. Nhưng so với các nước trong khu vực vẫn rất thấp, khi Thái Lan là 34%, Malaysia 60% và Singapore đến 90%. Điều đó cho thấy, dư địa phát triển ngành bán lẻ vẫn còn rất lớn.
Vậy chúng ta phải làm gì để phát triển nền công nghiệp bán lẻ hiện đại trong tương lai?
Theo dự thảo phương hướng phát triển kinh tế xã hội được trình ĐH XII Đảng CSVN giai đoạn 2016-2020 ghi rõ “ Phát triển đồng bộ hệ thống phân phối bán buôn, bán lẻ, chú trọng thương mại điện tử và xây dựng thương hiệu hàng hóa Việt Nam”. Có được sự phối hợp chặt chẽ giữa các doanh nghiệp sản xuất, phân phối và cơ quan quản lý để phát triển thị trường mạnh trong và ngoài nước, chủ động tham gia mạng lưới phân phối toàn cầu. Các cơ quan chính phủ, các cấp Bộ và ngang Bộ cần tạo một môi trường kinh doanh thương mại trong sáng và minh bạch. Nhà nước cũng cần đánh giá đúng vai trò của các Hiệp hội ngành nghề, ngành hàng trong giai đoạn hội nhập khu vực và quốc tế, đó cũng là cơ hội để các Hiệp hội chủ động hoạt động một cách hiệu quả. Công khai, bình đẳng và đơn giản hóa các thủ tục, ban hành các bộ luật hợp với tình hình mới như: Luật cạnh tranh, luật bán lẻ... để tạo điều kiện cho DN trong nước.
Về phía Doanh nghiệp, nên nhận thức được bối cảnh hiện giờ, khi mà đất nước đã là một phần quan trọng của các khu vực thương mại quốc tế. Chú trọng vào đào tạo nguồn nhân lực, vận hành siêu thị một cách chuyên nghiệp và có văn hóa. Chấp nhận cạnh tranh và cũng chấp nhận hợp tác để cùng nhau phát triển.
Thị trường bán lẻ Việt Nam, ngành công nghiệp quan trọng mang lại nhiều đóng góp cho kinh tế nước nhà, đang chứng kiến sự đổ bộ ngày càng nhiều của các ông lớn bán lẻ nước ngoài.
Tập đoàn Aeon đến từ Nhật Bản đã cho khai trương Trung tâm thương mại Aeon Long Biên tại Hà Nội vào tháng 9/2015. Tham vọng của Tập đoàn này đến năm 2020, sẽ có 20 siêu thị trải khắp đất nước hình chữ S. Nổi lên trên các ông lớn ấy, không thể không nhắc đến đại gia ngành bán lẻ Thái Lan. Không mạnh, không lớn bằng Nhật, bằng Hàn nhưng họ có sự đầu tư kĩ lưỡng và bài bản. Cụ thể, Berli Jucket Plc ( BJC) của Thái đã mua hệ thống FamilyMart của Nhật tại Việt Nam và đổi tên thành B’s Mart. Đầu năm 2015, Tập đoàn Central Group của gia đình tỷ phú Thái Chirathivat đã mua lại 49% cổ phần công ty siêu thị điện máy Nguyễn Kim. Ngày 7/1/2016 vừa qua, BJC đã hoàn tất thương vụ mua lại chuỗi siêu thị Metro Cash and Carry Việt Nam với số tiền 660 triệu Euro ( khoảng 880 triệu VNĐ). Lý do được đưa ra để giải thích cho sự thâm nhập mạnh mẽ từ DN Thái là do Thái Lan có lợi thế gần Việt Nam, hiểu rõ được tập quán tiêu dùng của người Việt. Trong khi đó, hệ thống phân phối hiện đại tại xứ sở chùa vàng gần như bão hòa, chiếm 65%, thì ở Việt Nam, con số chỉ dừng lại ở mức 20%. Và có thể một ngày không xa, họ sẽ mua lại chuỗi Siêu thị Big C khi mà tập đoàn chính Casino Group muốn bán Big C Việt Nam.
Ngành bán lẻ hiện đại Việt Nam có nhiều cơ hội nhưng song song với đó là những thách thức đến từ nhiều hướng. Điều quan trọng là, các Doanh nghiệp Việt Nam có nắm bắt được các cơ hội, khắc phục những điểm yếu và biến các thách thức thành bàn đạp để bước về phía trước hay không?
Ngô Thị Xuân Thi - 41K12.2
Nguồn: Cafef.vn ( Thị trường bán lẻ Việt Nam)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét